Đọc sách Những chấn thương tâm lý hiện đại

Những chấn thương tâm lý hiện đại

TT - Nghe báo chí nói tới đã lâu, song mãi tận kỳ vào Sài Gòn hồi tháng 6 vừa qua, tôi mới thật chứng kiến cảnh thành phố kẹt xe triền miên đến vậy.

Một tài xế taxi nói: Bây giờ thì chẳng ai nhường đường cho ai nữa, ai cũng cố chen lên bằng được, thành thử đường càng thêm kẹt. Mà con người sao đối xử với nhau quá tệ. (Cái vạ chết lòng). Không chỉ là chuyện kẹt xe hay ngập nước trên đường phố, mà là chuyện con người bằng mọi giá tìm lối thoát cho riêng mình, đẩy cả cộng đồng vào cảnh mắc kẹt và khủng hoảng, và có thể làm hỏng chính mình...


Tập phiếm luận của Vương Trí Nhàn, NXB Trẻ và Thời báo Kinh Tế Sài Gòn ấn hành -.

Nhìn những chiếc xe giá hàng triệu đôla trên đường phố, có người dẫn chuyện trọc phú. Nhà kinh tế có thể nói đến chuyện tiêu xài vượt xa sức chịu đựng của nền kinh tế đang phát triển ở trình độ thấp. Còn nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn lại nhìn thấy "cái tư tưởng ăn chơi đua đòi hưởng thụ bất chấp tình cảnh nghèo đói chung của cộng đồng" (Rác ngoại). Và cách sống đó, theo ông, là một căn bệnh "đã sẵn có trong nội tạng xã hội, quá trình hội nhập chỉ làm chúng bộc lộ rõ mà thôi" (Qua tiếp xúc với người mà hiểu thêm mình).

Sách có 270 trang, 30 câu chuyện phiếm luận, mà con người "sống trên đường" hay sống trên đời thường suy nghĩ. Vương Trí Nhàn đặt người đọc trước những câu hỏi: Chúng ta đang sống như thế nào? Ðiều gì có thể thay đổi? Ðiều gì sẽ phải chấp nhận mãi? Và tác giả lui lại làm người cung cấp những bài học từ lịch sử, Ðông Tây kim cổ, từ những trang sách của Nguyễn Công Hoan, Thạch Lam, Nam Cao, Nguyễn Hiến Lê, Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Khải, cả những F. Dostoievski, Lỗ Tấn...

Ông dẫn lại A. Chekhov kể chuyện người nông dân Nga "tháo một bulông trên đường sắt để làm đinh đóng móng ngựa", như người nông dân ấy khai trước tòa: "Thiếu một cái bulông xe lửa vẫn chạy. Còn thiếu đinh đóng móng ngựa, tôi biết làm sao cày ruộng lấy lúa mì nuôi vợ con tôi". Hay trong phiếm luận Tội làm hư dân, Vương Trí Nhàn đã trích dẫn Chính thể đại diện của John Suart Mill một cách đắc địa: "Người ta xét đoán một chính thể thông qua tác động của nó lên con người. Nó làm cho dân tốt lên hay xấu đi".

Ðọc Những chấn thương tâm lý hiện đại, bạn Trần Quang trên trang "Chúng ta" viết: "Anh viết sâu và sinh động, đọc rất thấm nên cũng rất buồn, chẳng thấy lối thoát". Quả là đáng buồn và khó tránh. Chính tác giả chắc hẳn cũng đã buồn, rất buồn khi viết thế này: "Những thay đổi theo hướng thoái hóa, tác động rất lớn, song rỉ rả mỗi ngày một chút nên dễ lọt lưới, và khi nghĩ ra thì đã muộn" (Sự cố trường diễn).

tủ sách tuổi trẻ
Thứ Sáu, 23/10/2009
HOÀNG NAM ANH


SỐ TRUY CẬP online