Những thích ứng với hoàn cảnh đã làm nên sự thay đổi lớn lao trong số phận một nhà thơ.

Với Cách mạng và kháng chiến, một Xuân Diệu từng mang tiếng là quá Tây không chỉ trở thành một nhà thơ công dân sôi nổi mà còn là nhà thơ tình có một cảm quan rất thực tế, luôn biết chăm sóc những cái nho nhỏ trong đời sống và đặc biệt nhạy bén với những xúc cảm bình thường ở con người.

Chữ bình thường vốn có thể hiểu với nhiều nghĩa khác nhau. Thời tiền chiến, bình thường ở Xuân Diệu có hàm ý thiên về cuộc sống trần trần mà ai cũng thấy hằng ngày. Ông đã có dịp bộc lộ điều này qua những lời chê trách Hàn Mặc Tử. Với ông, thơ Hàn nhiều khi như tiếng nói của kẻ trần truồng đi ngoài phố, đột nhiên mà khóc, đột nhiên mà cười, miệng kêu tôi điên đây, tôi điên đây. Ông cho Hàn là quá đáng. Và là những gì gì nữa không thể hiểu được. Dưới cái bề ngoài giống như một bà già lắm lời khó tính, ở đây (cũng như nhiều lần về sau) Xuân Diệu đã nói thực. Ông không chịu được những gì siêu việt tức vượt lên thông thường, hư vô, xa lạ.

Thơ tình Xuân Diệu hồi ấy đã mang dáng dấp phàm trần. Thế nhưng người ta lại phải nói ngay rằng nó có chút gì đó cao sang, nuột nà, quý phái. Còn thơ từ sau 1945 có một cốt cách khác. Nó bình thường với nghĩa mộc mạc giản dị như thứ quà của người nghèo.

Nhà thơ lắng nghe lòng mình và ghi lại đủ thứ rung động mà người khác có thể cho là lặt vặt. Một lần đèo người yêu trên xe đạp: “Em ngồi ríu rít ở sau xe – Em nói lòng anh mải lắng nghe – Thỉnh thoảng tiếng cười em lại điểm — Đời vui khi được có em kề”. Một lần nghe mưa nhớ tới người yêu đang xa cách tự hỏi không biết giờ này em đang làm gì để rồi an ủi “Thôi em nghỉ việc khuya rồi—Chăn mưa em đắp cùng trời với anh”. Nhìn áo mà nhớ người, cái mô-típ ca dao ấy được một nhà thơ thời nay nhắc lại sao có gì tội tội “Áo nhìn anh lại thương em – Hiểu vì vất vả cho nên vai gầy”. Ngay những lần đón nhau sau xa cách, người ta vẫn giữ được cái chừng mực phải chăng, biết hòa tình cảm riêng của mình vào đời sống cộng đồng: “Anh là quê hương của em, em trở lại nhà — Em là quê hương của anh, anh mừng đi đón”.

Đó là tâm tình ngự trị ở những con người của một thời đại quá vất vả và có màu sắc khắc kỷ. Nam Chi Đặng Tiến từng có sự ví von xác đáng về Xuân Diệu giữa hai thời kỳ: “Xuân Diệu đã cướp một mâm tiệc Bồng Lai đem về làm một bữa cơm trần thế cho những người ăn vì cần ăn, chứ không phải ăn cho vui miệng. Thơ Xuân Diệu ngày xưa là áo gấm, thơ Xuân Diệu ngày nay là manh áo nâu sứt chỉ đường tà”.

Cái điều đúng cho thơ Xuân Diệu nói chung đó càng đúng với thơ tình nói riêng.

Trong cái vẻ bình dân cơm bụi, nhiều bài thơ tình Xuân Diệu thời gian sau này đơn sơ mộc mạc trong cách cảm, trong cách nói. Khi xuất thần, nó có vẻ đẹp của ca dao hoặc thơ cổ điển, tưởng không thuộc về thời gian nào, tuy rằng nhìn kỹ thì lại vẫn mang dấu ấn của tư duy nghệ thuật hiện đại.

Đây là hai câu thơ mở đầu bài thơ Nguyện nói về những ước ao nho nhỏ: Nguyện miếng ngon đừng vắng bóng em – Nguyện cảnh đẹp có em bên cạnh.

Những câu thơ như thế chỉ có thể có ở một nhà thơ Việt Nam, mà cũng chỉ có thể có ở Xuân Diệu. Mặc dầu là một nhà thơ, nhưng ông luôn xem trọng chuyện đời thường, chuyện thực tế. Ai đã có dịp gần nhà thơ đều biết, tác giả Thơ thơ hằng ngày rất hay nói về chuyện ăn uống. Trong lúc người khác chỉ nói điều ấy ở chỗ riêng tư thì Xuân Diệu viết thẳng nó lên mặt giấy. Nguyện miếng ngon đừng vắng bóng em... Người đời sau có thể xem thường cái vẻ chân thành cổ cổ của người viết. Thế nhưng cả đến ngày hôm nay nữa, chỉ những người đã tiếp xúc nhiều với phương Tây và dám nói lên ý nghĩ của mình một cách trực tiếp nhất mới có thể viết những câu như vậy.

Khoảng đầu 1966, khi mới bước vào nghề văn, tôi có cái thói quen của nhiều bạn bè thời ấy, là xin phép được đến thăm Xuân Diệu, ở 24 Điện Biên Phủ, Hà Nội. Có một dạo đường Điện Biên Phủ còn mang tên Cột Cờ. Không biết ai viết, chỉ thấy cái câu lục bát sau đây được truyền tụng như là lời Xuân Diệu: “Nhà tớ 24 Cột Cờ – Ai thân thì đến, ai lờ thì đi”. Cũng có những hôm chúng tôi nói chuyện say sưa từ lúc tới đến lúc về; lại cũng có những hôm nhà thơ mải làm việc, chúng tôi ngồi đọc một số sổ tay ghi chép của ông và đọc những bài thơ mới làm. Như chỗ tôi chép được, trong số 40 bài làm hai năm 65-66 này, có độ mươi - mười lăm bài sẽ được Xuân Diệu chia vào các tập như Tôi giàu đôi mắt, Thanh ca... nhưng đáng tiếc là số chưa in lại nhiều hơn.

... Không biết sinh thời Xuân Diệu có bao giờ nói với các anh Vũ Quần Phương, Anh Ngọc, Hữu Nhuận, Hoàng Cát... không, nhưng đúng là với tôi, có lần ông bảo ông sẽ làm một từ điển thơ tình, để người đọc khi gặp điều gì xúc động trong tình yêu, giở từ điển của ông, tra theo chữ cái đầu tiên, sẽ tìm ra bài thơ mà mình cần.

Đến ngày hôm nay tôi vẫn chưa nhìn thấy khả năng cái nguyện ước ấy của nhà thơ được thực hiện. Một bên là những cuốn sách của ông được chất đống lại trong một toàn tập sáu tập dày cộm mà văn bản không hề có khảo chứng, chú giải tối thiểu. Một bên là những tập thơ mỏng in theo kiểu hàng chợ bán rải rác cho bạn đọc nghèo. Xuân Diệu chỉ có hai cách ấy để sống mãi với đời.
SỐ TRUY CẬP online