Sinh hoạt văn chương: “Làng nhàng”, chưa có đường ra!

Trước thềm Đại hội Hội nhà văn lần thứ VII

Trước khi bàn chuyện làm sao có tác phẩm hay, một việc cần kíp hơn là thử trả lời câu hỏi: chúng ta đang có một sinh hoạt văn chương như thế nào ?

Trong khi nhiều người say sưa với các thành tựu kinh tế thì các chuyên gia ở khu vực này lưu ý: bấy nhiêu bước đi của ta chưa là gì cả so với sự thăng tiến của kinh tế thế giới, hơn thế nữa chưa thể gọi đó là một sự phát triển bền vững.

Hoặc vào những ngày này, nói tới giáo dục là người ta nghĩ ngay tới những lạc hậu bất cập, và cả những u bướu mà nó mang trên mình. Tôi nghĩ rằng đời sống văn chương cũng cần được nhìn nhận theo tinh thần thực sự cầu thị như vậy .

Vừa được vừa chưa được, làng nhàng, uể oải

Muốn miêu tả bất cứ vấn đề gì của văn học gần đây, hầu như người ta đều phải dùng tới hai câu trả lời trái ngược. Văn học có thành tựu không? Có chứ, nhiều lắm! Nhưng cũng lại phải nói nó vẫn lọt thỏm đi trong cái bề bộn của đời sống.

Sách ra nhiều nhưng chưa kịp kết tinh lại thành những giá trị chắc chắn. Cả khối là một đám đông lùng nhùng, có những cuốn khá, nhưng khi hỏi liệu có cuốn nào chín đẹp tới mức vượt hẳn lên - người ta ngần ngại, nói quanh cho xong. Và khi cùng lúc hỏi nhiều người, thì ít khi có được một ý kiến chung.

Về lực lượng cầm bút, có vẻ như “quân đông “, nhưng “tinh binh tinh tướng “ không nhiều . Càng già càng dẻo càng dai là lối nói để động viên nhau. Sự thực không ai mong chờ những bước tăng tốc bùng nổ ở lớp đứng tuổi. Vậy mà lớp trẻ - kết quả của công tác đào tạo từ nhiều năm trước - lại chỉ hoạt động ở mức …cầm chừng. Lâu nay, những thanh niên tài năng không chọn văn học để lập nghiệp. Người đã vào nghề thì sớm lâm vào thế bí. Số cây bút trẻ khẳng định được mình quá ít.

Chính bằng những thành tựu làm được mà một nền văn học xác lập mối quan hệ của mình với xã hội. Văn học ta mấy năm qua có gắn bó với đời sống không? Có chứ. Đó vẫn là điều lâu nay chúng ta cùng tâm niệm để thêm tự tin trong công việc. Thế nhưng thử nghĩ lại từ khi bước sang thời hiện đại, có bao giờ số lượng in từng đầu sách thấp như bây giờ?

Khi bạn đọc quay lưng với văn chương, nhất là với một lớp bạn đọc đã có thời coi thơ văn là tất cả đời sống tinh thần của họ, thì đấy là một điều không bình thường. Đổ tội cho sự phát triển của truyền hình, điện ảnh ư? Không nên. Trong sự suy thoái của văn hoá đọc, có lỗi của chính giới sáng tác.

Trước các độc giả, một cách vô tình, những người viết văn thời nay đã đánh mất đi sự thiết yếu của mình; do chỗ trang sách không đáp ứng được những đòi hỏi tinh thần của họ nên cũng không còn được họ bầu bạn như trước .

Trong tiến có lùi

Chúng ta thích nói về những tiến bộ của văn học và thường không sao chịu nổi khi không khẳng định được là hôm nay đang hơn hôm qua. Nhưng xét thực tế, muốn thấy tiến bộ ở mức nào cũng không đơn giản.

Đại khái tình hình cũng giống như trong giao thông, nhớ lại những chiếc xe đạp vật vờ hôm qua thì có chiếc xe máy để chen chúc trên đường cũng mừng lắm rồi. Nhưng nếu biết rằng thế giới người ta tiến lên với tàu siêu tốc thì làm sao có thể cầu an rồi nhắm mắt tự ru ngủ với bước tiến quá chậm như vậy ?!.

Huống chi nhìn vào sự gia tăng của xuất bản phẩm hiện nay, còn thấy trong sự tiến lên có sự thụt lùi. Tiến: sách ra dày dặn, giấy trắng in đẹp. Lùi: số cuốn non kém lốp lép đang chiếm tỷ lệ khá lớn.

Một khía cạnh mới của đời sống văn học là sự chi phối của xu thế thương mại. Đây không hẳn là tất cả nguồn cơn của nhiều sự tệ hại, ngược lại phải thấy nó có giải phóng sức làm việc cho một số cây bút nào đó. Chỉ có điều là đồng thời nó cũng làm hỏng một số người.

Đó không phải do lỗi của cái xu thế thương mại kia, mà do chính người trong cuộc không giữ nổi mình. Vả chăng tuy đã gọi là làm hàng, nhưng xét cả số lượng lẫn chất lượng, hàng ta còn thua kém rất nhiều, bởi trình độ người làm hàng quá non, mới lo học đòi, chứ còn lâu mới gọi là biết ”thương mại “ đến nơi đến chốn.

Bên cạnh đó, lối tư duy văn chương theo kiểu việc làng việc xã, mấy ông đồ nho chén tạc chén thù rồi tức cảnh sinh tình, vẫn đang tồn tại và có cơ nẩy nở nhiều hơn trước, để rồi trở thành mảnh đất thuận tiện cho sự “lại gạo“ của nhiều tư tưởng lỗi thời. Quan niệm văn chương kiểu này thường được nấp dưới chiêu bài “trở lại truyền thống" nên cũng ít bị lên án .

Sự xuống cấp của lao động nghệ thuật

Dẫu sao phải nhận trong dăm năm gần đây, thành kiến xã hội đối với những tìm tòi hình thức đã dần được gỡ bỏ. Cả trong thơ, tiểu thuyết lẫn phê bình lý luận, đều thấy xuất hiện những ngòi bút muốn đóng vai trò tiên phong mở đường, hội nhập với thế giới. Nhưng do đã “cóng tay” lâu ngày nên khi tìm tòi, nhiều người vẫn rơi vào lúng túng gượng gạo. Có vẻ như những tìm tòi ấy chưa bắt nguồn từ sự đổi mới tư duy nghệ thuật nên chưa thể có hiệu quả chắc chắn.

Trong khi đó, căn bệnh dễ dãi, viết bừa viết ẩu, viết lấy được…vẫn ngày mỗi trầm trọng. Số người bắt tay cầm bút với ý thức sáng rõ về lao động sáng tạo, muốn từ đỉnh cao của tri thức văn hoá mà viết, viết trong khao khát muốn vươn tới sự hoàn hảo … số người đó gần như không có và hình như cũng ít ai định tự đào tạo theo hướng đó .

Thói chạy theo danh lợi không chỉ là biểu hiện của tâm lý nóng vội mà còn là sự tha hoá của ngòi bút trên phương diện làm người, sự mất thiêng của lý tưởng nghề nghiệp .

Thiếu những tài năng tầm c

Nhiều người thường kêu rằng các giải thưởng văn chương hiện nay thiếu sức thuyết phục. Nhưng nên thông cảm với các ban chấm giải: cái nền chung chỉ có vậy. Tạm gọi là có một tình trạng làng nhàng bao trùm lên mọi hoạt động.

Mà điều đáng lo ngại hơn là những nhân tố giúp chúng ta có khả năng vượt qua cái bãi lầy kiểu đó đang quá non yếu.

Trong bóng đá, người ta thường nói tới loại cầu thủ có khả năng truyền cảm hứng cho đồng đội, dẫn dắt trận đấu và tỏa sáng đúng lúc. Tương tự như vậy, một tập hợp những người làm nghề mạnh không chỉ cần đông, mà quan trọng hơn, cần có những người nổi hẳn lên để đóng vai trò dẫn đạo đột phá mở đường.

Không nói đâu xa, ngay nền văn học mới hình thành ở Việt Bắc những năm kháng chiến chống Pháp, cũng đã có được yếu tố cần thiết số một đó. Đứng sau nhà cách mạng Tố Hữu là những cây bút có tài năng, có chủ kiến mà tuổi lại đang còn trẻ (tuổi trung bình của họ lúc ấy chỉ khoảng 30).

Đó là những Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Đình Thi, Xuân Diệu, Nguyễn Tuân, Nam Cao, Tô Hoài v..v.. Còn bây giờ , những cây bút tầm cỡ loại đó không có. Hoạt động của Hội nhà văn gần đây có bị kêu nhiều ở chỗ ít dám đối diện với các vấn đề quan trọng của sáng tác và ngả nhiều sang một thứ hội ái hữu nghề nghiệp. Thế nhưng trong hoàn cảnh hiện nay thì khác đi làm sao được?

Thứ Ba, 19/04/2005 Thể thao và Văn hóa
SỐ TRUY CẬP online