MUÔN MẶT NGHỀ VĂN

Trong hoàn cảnh nghề viết văn ở ta còn mang nhiều tính cách nghiệp dư, tự phát, Tô Hoài có lẽ là một trong số ít ỏi các cây bút đã sống với nghề bằng tất cả sự chăm chút, sự tận tụy của một người làm nghề chuyên nghiệp.
Nhớ ngày nào liễu mới ngâm
Le te bên vũng độ tầm ngang vai
Chợt đâu bóng cả cành dài
Đã sương đã khói đã vài năm nay
Mấy câu thơ đó, trích trong Hoa tiên của Nguyễn Huy Tự, do Tô Hoài phát hiện. Trong cuốn Một số kinh nghiệm viết văn của tôi (1960) khi kể lại kinh nghiệm tìm chữ, học chữ của mình, ông đã đưa ra để giảng giải về vẻ đẹp và sự giàu có của tiếng Việt.
Tô Hoài là thế: trong số các nhà văn Việt Nam hiện đại, ít ai như ông, lúc này còn thường nói tới truyện nôm thế kỷ XVII-XVIII. Vả chăng, câu chuyện không phải chỉ là chữ nghĩa. Trong nhiều thiên truyện viết hồi tiền chiến, Tô Hoài không giấu giếm một sự thật là trước khi viết, ông đã nghiền ngẫm rất kỹ những Kiều, Nhị độ mai, Phan Trần ... Và người ta có cảm tưởng việc anh thợ cửi 20 tuổi ở làng Nghĩa Đô này viết văn chẳng qua cũng chỉ là tiếp tục công việc của bao nhiêu chàng trai thợ cửi tài hoa khác, như anh chàng Hời trong Quê người thường tập Kiều, lẩy Kiều để làm duyên với những cô Mơ, cô Hẹn, cô Lụa trong làng. Văn chương nảy nở tự nhiên như thể nó bắt rễ ngay vào cuộc sống, ở đâu có con người với những vui buồn ao ước thiết tha chìm nổi của mình, ở đó có văn chương.
***
Nỗi ham đi, ham biết là một bản tính bền vững ở Tô Hoài. Trong các tài liệu hướng dẫn công việc các nhà văn trẻ, tác giả Dế mèn phiêu lưu ký vẫn được nêu gươngn như một nhà văn thường xuyên lăn lộn với thực tế.
Nhưng trong bước chuyển từ cái nền của năng khiếu tự phát sang hoạt động đa dạng của một nhà văn hiện đại, còn nhiều việc khác phải làm, và thực tế đã được Tô Hoài làm một cách tự nhiên “ngon lành”. Một loại phiêu lưu đã diễn ra thường xuyên: phiêu lưu trong sách vở. Đến với Vũ Ngọc Phan để nhờ hướng dẫn cách xin thẻ thư viện, Tô Hoài đã được làm quen với tủ sách của Vũ gia trang. Nhớ tới Vũ Bằng, là nhớ tới cuốn sách đã được nhà văn này cho mượn và chuyền tay đọc suốt mấy đêm, cuốn Phố Mèo câu cá của J. Foldes, nhà văn Hungari. Biết rằng những ngày này ở tuổi bảy mươi, Tô Hoài còn rất thích Alberto Moravia và thường vẫn được một người bạn ở Paris gửi tiểu thuyết của nhà văn này về tặng, người ta sẽ không ngạc nhiên với việc Tô Hoài kể là hồi nào vừa viết Dế mèn… Quê người, vừa kỳ cạch tập dịch Maupassant từ tiếng Pháp để học thêm, cũng như sách tiếng Việt thượng vàng hạ cám gì ông cũng đọc và ngán mấy cũng không bỏ dở. Tô Hoài cắt nghĩa: đơn giản, đó là thói quen của người tự học. Nhưng ở cái nghề kỳ lạ này, có ai không phải thường xuyên và miệt mài tự học, nếu muốn là người tự trọng?!
Nhà thơ Tế Hanh nói trong buổi họp mặt mừng Tô Hoài 70 tuổi:
- Có những người như Picasso sinh ra để vẽ. Ở một mức độ nào đó, cũng có thể nói Tô Hoài sinh ra để viết. Cứ có cái bút và tập giấy trong tay là Tô Hoài phải viết.
Tiếp lời Tế Hanh, có thể nói tới mấy khía cạnh khác làm nên tính cách chuyên nghiệp của ngòi bút Tô Hoài:
- Viết tiểu thuyết, viết truyện ngắn, viết báo, viết tin và bình luận văn học, từ A đến Z. Việc gì cũng làm.
- Tận dụng cái hướng đã mở, thường có ý thức tạo nên những “khu vực thâm canh” của ngòi bút: viết về ngoại thành, viết về thiếu nhi, viết về loài vật, viết về miền núi.
- Khi cần, ngòi bút ấy có thể “guồng” rất nhanh, một tối xong một truyện ngắn. Nói chung đã định viết là viết được.
- Tuy nhiên cũng hơn ai hết, đấy là người thấu hiểu cả những đen bạc, những thách thức của nghề, và sẵn sàng chấp nhận chúng. Mới đây thôi, trong Hội nghị những người viết văn trẻ 4-1994, có một câu chuyện Tô Hoài kể làm anh em tham dự hội nghị thấy ông, một nhà văn lão thành, vẫn rất gần gũi với chính mình. Đó là câu chuyện chung quanh một vài bản thảo của Tô Hoài mới viết gần đây: Truyện ngắn này quăng đi quăng lại trên bàn biên tập mấy tờ báo mà chưa được đăng; chùm bài điểm sách kia bị trả lại, thôi thì đành tự nhủ là mình vô duyên với báo; và cuốn tiểu thuyết kia nữa, viết ra đã mấy năm vẫn xếp xó, nhà xuất bản bảo còn phải chờ, có cơ hội thuận tiện mới tung ra được… Những nóng lạnh như vậy, ai người làm nghề đều có trải qua, và Tô Hoài không phải là một ngoại lệ, con người ở tuổi thất thập cổ lai hi ấy đôi khi cũng chẳng được ưu tiên chút gì. Song chính ra điều đó lại làm cho ông càng trở nên khôn ngoan, thành thạo, và trang viết của ông vẫn gần gũi với cuộc đời này, cái cuộc đời vất vả nhưng nếu biết sống, nhẩn nha thanh thản mà sống, thì vẫn là đầy hấp dẫn. Nó không cho ai hơn mà cũng chẳng bớt phần của ai cả!
***
Trong các tự truyện, Tô Hoài đã thường nói tới cái cảm giác lớn nhất chi phối ông lúc vào nghề: trước tiên, đó là công việc để duy trì sự sống. Từ góc độ một thanh niên đang lay lắt kiếm sống, ông thấy việc viết lách của mình lúc ấy chẳng khác việc đi giữ chân bán hàng cho hãng Bata, nghĩa là cũng phải nghiêm túc cần mẫn thì mới sống nổi.
Cái nhìn ấy còn theo đuổi ông mãi trong nhiều năm về sau.
Nhưng nếu văn chương chỉ có chuyện bán bản thảo và nhận tiền thì còn gì buồn hơn! Đến “ông lớn” một thời như Lê Văn Trương có lúc còn thấy nó vô nghĩa nữa là bao nhiêu kẻ mặt trắng thư sinh khác! May thay với Tô Hoài, và qua Tô Hoài, chúng ta thấy: bên cạnh đồng tiền, nghề văn còn có một cái gì khác, sương khói mông lung mà vẫn là một nguồn sm vô hình mang lại cho người ta niềm tin và nghị lực. Cũng giống như chú Dế mèn rời xa tổ ấm để chu du thiên hạ, con người này đã đến với nghề văn để được nhìn rộng ra hơn cái làng của mình. Được lang thang chơi bời mà cũng là được thấm thía bao nhiêu bài học nghề nghiệp trong những chuyến giang hồ vặt. Được thuận chân miên man đi tận Huế, tận lục tỉnh Sài Gòn, để rồi lại trở về, nằm khàn nghe những lời tâm sự của ông bạn nghèo Nam Cao. Văn chương chẳng là gì cả, nhưng nó đủ sức mang lại cho kiếp người tẻ nhạt một chút ý nghĩa và trước sau, nếu biết để cả tâm hồn mình vào, thì đấy vẫn là một nghề giúp đời, một nghề lương thiện! Chẳng những thế, ở lớp người như Tô Hoài không chừng văn chương còn khiến người ta vững lòng trong những khốn khó để chân cứng đá mềm mà sống tiếp nữa. Thử tưởng tượng mấy năm 1947-1948, một lớp thanh niên - người trẻ nhất mới 25, 27; người cứng tuổi hơn một chút mới trên ba mươi - như Nguyễn Tuân, Xuân Diệu, Nguyễn Huy Tưởng, Tô Hoài, Nguyễn Đình Thi…, theo tiếng gọi của cách mạng, kéo nhau lên tận Tây Bắc, Việt Bắc để họp hành, thảo luận, làm thơ, viết báo phục vụ cho cuộc kháng chiến thần thánh. Biết đâu trong những lý do khiến trí họ sáng lòng họ bền, chả có văn chương? Với thói quen sống, quan sát, ghi chép đều đặn, Tô Hoài đã vừa công tác vừa tìm hiểu quan sát cuộc sống giản dị của những bản Dao ở Bắc Cạn, của đồng bào Thái, Mường ở Nghĩa Lộ, ở Văn Yên… Và thế là lúc nào đó những Vợ chồng A Phủ, Mường Giơn, Cứu đất cứu mường … lại được viết ra, vừa mang đến cho mọi người trang sách bổ ích, vừa giúp cho tác giả những đầm ấm tin yêu. Trong trường hợp như thế, nghề văn đã là cả nguồn sống của một đời người và đây có lẽ là thứ ân sủng nghề nghiệp mà chỉ những ai hết lòng với nó mới được tận hưởng.
SỐ TRUY CẬP online