MỘT CÁCH SỐNG TRONG TUỔI GIÀ

Cho đến những năm ngoài 70 tuổi, Tô Hoài vẫn giữ nhiều trọng trách bên Hội Văn nghệ Hà Nội trong đó có việc làm báo. Có người thắc mắc, đến tuổi nên về hưu, nhường chỗ cho người khác thì phải. Nhưng có đến mấy lần, ông đã sắp sửa thôi thì lại có việc phải tạm cáng đáng. Xưa nay, ông vẫn vừa lo công tác vừa viết đều đều ra thành được chấp thuận lại làm, ai nói thế nào cũng không để ý.
Nhưng bây giờ thì Tô Hoài về hưu thật rồi. Hôm qua, còn ở Đoàn Nhữ Hài, đi bộ vài bước là đến cơ quan của Hội Nhà Văn, hoặc có lên Hội Văn nghệ Hà Nội cũng không xa là bao. Nay ông sinh hoạt tổ hưu tận trên Nghĩa Tân, đúng là một chỗ khuất nẻo. Thỉnh thoảng gặp lại, nhận ra nơi ông khuôn mặt của một người già thực sự, da nhiều chỗ mồi, đuôi mắt nhăn nheo, con mắt lờ đờ hơn xưa , chúng tôi bảo nhau thế là tuổi tác đã thắng, dù người ta có là Tô Hoài đi nữa, thì cũng phải già, và sở dĩ ông làm cho người ta chưa quên ngay được chỉ là vì có cách sống riêng trong tuổi già của mình.
Một hai năm gần đây, gặp cô Sông Thao, tôi thường nghe cô kể:
- Bố em vẫn cứ thích ngồi vào bàn cả ngày. Chỉ thỉnh thoảng đứng lên, vặn lưng vài cái, rồi lại hí hoáy viết như thường.
Làm chứng cho nhận xét ấy của cô con gái, là vố số những bài báo mà Tô Hoài vẫn viết, là những quyển sách được bày bán đều đều ở các hiệu sách, trong đó không chỉ có những cuốn in lại, mà còn cả nhiều cuốn mới viết. Và đây, một chuyện vặt: Có lần, nhân đọc một tiểu thuyết của nhà văn X., Tô Hoài có viết một bài điểm sách ngắn cho báo Người Hà Nội, độ trên ngàn chữ. Bây giờ thì báo ra nhiều quá, chả ai đọc xuể, nên X. không biết, đến lúc được Tô Hoài báo là có viết thì đã quá muộn, tìm không ra số báo cũ, liền gọi điện than thở. Mấy hôm sau X., nhận được một lá thư. Phong bì là thứ đã dùng, nay lộn trái, dùng một lần nữa. Và bên trong là bài điểm sách nọ, được Tô Hoài chép lại bằng thứ chữ đều đều vốn có. Nghe chuyện hẳn đám thanh niên lắc đầu, các bố già lắm thời gian rỗi thật, không đi photo mà còn ngồi chép lại bài tặng nhau nữa, rõ thật tội! Nhưng những người có quen riêng tác giả Dế mèn …. đều thừa biết rằng không phải về già, những sự tỉ mỉ như thế mới đến với Tô Hoài. Mà từ trẻ, ông đã là người tảo tần làm ăn, thượng vàng hạ cám thấy việc gì cần đều đứng ra làm, không để chân tay rỗi rãi bao giờ.
Có thể nói, ở phương diện làm nghề, nhà văn này già từ rất sớm, và bây giờ không thể già hơn được nữa.
Muốn xem xem tuổi già đã mang lại cho ông cái gì mới, và ông đã chung sống với nó như thế nào, người ta phải tìm ở chỗ khác.
Năm 1987, Nguyễn Tuân qua đời thì năm sau, Tô Hoài nói với tôi, lúc đó đang làm xuất bản bên Moskva :
- Mình cũng muốn viết về cụ Tuân nhưng không phải theo lối kính bút người ta vẫn viết. Mà chỉ muốn nói về ông, vốn như ông ấy vẫn sống.
Qua năm 1992, cuốn sách về Nguyễn Tuân (mà cũng là về chính Tô Hoài) ra đời trong sự chào đón của cả người trong nghề lẫn đông đảo bạn đọc. Từ nay nếu cần kể thật ngắn gọn về nhà văn mà họ yêu thích, họ sẽ bảo ông không chỉ có Dế mèn phiêu lưu ký mà còn có Cát bụi, chân ai.
Có thể nói Cát bụi, chân ai đã phát hiện ra một Tô Hoài mới: Tô Hoài của hồi ký. Thoạt nghe tưởng đó là một việc dễ ợt, hễ ai sống nhiều mà chịu khó ngồi viết một tí, làm gì chẳng ra được một cuốn “nhớ lại và suy nghĩ” tàm tạm đọc được. Nhưng có vào cuộc mới thấy công việc hóc hơn nhiều. Cả Nguyễn Tuân lẫn Xuân Diệu, hai ông kễnh đó trong giới, những năm cuối đời, người nào cũng để tâm chăm lo tới vị trí của mình trong lịch sử văn học, nhưng có người nào viết được hồi ký? Lý do thật đơn giản: Viết hồi ký để tự ca công tụng đức khoe tài, khoe giỏi chẳng nói làm gì. Chứ viết hồi ký theo đúng nghĩa của nó phiền phức lắm. Nói như Aragon “tôi lật con bài của tôi”, tôi bộc lộ cái phần lâu nay vẫn ẩn kín trong tôi cho mọi người xem, phải giàu có mà dũng cảm lắm mới làm nổi! Nói trộm vía, một người về già còn thích tự ngắm mình như cụ Nguyễn và một người sắp bảy mươi rồi, còn nhuộm tóc và thích đua với thiên hạ trong việc viết nhiều viết khỏe như tác giả Thơ thơ, làm sao viết hồi ký được?! Thế cho nên, cái việc tưởng trong tầm tay của mọi người, lại chỉ có ít người làm đến nơi đến chốn, trong đó có Tô Hoài. Ông viết hồi ký, không phải chỉ vì có một trí nhớ tốt, mà cái chính là từ lâu, sẵn có những mảng ký ức chưa khai thác, tưởng như trong ông đã cùng tồn tại những con người khác nhau, việc viết văn xưa nay mới chỉ động đến một cách nhìn một cách nghĩ, nay còn những cách nhìn cách nghĩ khác, nên trình ra cho mọi người cùng biết. Hồi ký như vậy, là một cách bổ sung cho những gì nhà văn đã viết. Chẳng những Tô Hoài không “kính viết” về Nguyễn Tuân mà với một người như Vũ Bằng, ông cũng có một thái độ tương tự. Một mặt, ông ân cần ghi ơn dìu dắt của Vũ Bằng. Mặt khác, ông không quên chỉ ra cho mọi người thấy ở Vũ Bằng một cách sống cách viết quậy phá, bạt tử, nó đã hủy hoại một phần khả năng và khát vọng của tác giả. Với Nguyễn Văn Bổng, một người bạn thân, hay với Trọng Hứa, một cây bút mà bóng dáng chỉ hiện ra thấp thoáng trong đời sống văn nghệ, Tô Hoài đều có sự công bằng và tình nghĩa, nó khiến cho qua chân dung người được ông nói tới, bạn đọc nhận ra được cái không khí thực trong sinh hoạt của những người làm nghề một thời.
Bên cạnh những ông già ốm yếu, yên tâm nghỉ ngơi thì trong giới cầm bút thời nay lại thấy có người dù cao tuổi song vẫn tỏ ra năng động lăn lộn để viết và mải miết viết, mặc dù nhìn kỹ thì những điều họ viết chỉ là nối dài của những cái đã in ra từ trước. Tô Hoài khi về già trẻ theo nghĩa khác. Ông làm lại một phần hình ảnh của mình trong lòng đồng nghiệp và bạn đọc. Với những người muốn hiểu lại lịch sử văn học, ông như một thứ từ điển, hỏi đâu biết đấy, và bao giờ cũng có ý kiến riêng.
Bởi vậy, những khi có dịp gặp ông, tôi thường tỏ ý mong muốn Tô Hoài tiếp tục công việc của mình (trong lúc trò chuyện, tôi vẫn thường gọi ông già 80 tuổi này bằng anh):
- Còn bao nhiêu người anh đã gặp gỡ, người nào mà chẳng bao nhiêu kỷ niệm, xem ra anh có thể làm hẳn một bộ chân dung những người cùng thời.
Tô Hoài chỉ thủng thẳng đáp:
- Ấy, có những người cùng làm việc cả đời, nhưng chả thấy thân thiết, xong việc là quên ngay, đến tên tuổi mình cũng không muốn nhắc đến nữa thì viết gì?
Hình như Tô Hoài muốn lẩn, muốn giữ cho mình những bí mật riêng? Mà lại hình như Tô Hoài nói thật? Mặc dù có cả chục năm cùng làm việc với Tô Hoài, nhưng thú thực, tôi vẫn không dám nói là mình biết kỹ về ông già này, thậm chí đôi khi tôi còn thoáng có ý nghĩ chính ông cũng không biết ông là như thế nào, luôn luôn ông có thể thế này và có thể thế khác. Song có lẽ vì thế mà ông có sức hấp dẫn lạ lùng. Chỉ một điều có thể cầm chắc, ấy là Tô Hoài còn đang làm việc và luôn biết dành cho đồng nghiệp và bạn đọc những bất ngờ. Một sức khoẻ dẻo dai trời phú, nhất là một cách nghĩ phóng túng , thích ứng với hoàn cảnh một cách tự nhiên, mà vẫn giữ được cho mình những phần riêng tư - nhiều khi đó chính là một cách nghĩ tự do không chịu khuôn hẳn theo nền nếp nào – tất cả những cái đó bảo đảm cho Tô Hoài lung linh ẩn hiện trong đời sống văn chương và nếu như hôm nay mọi người vẫn thường nhắc đến ông, thì điều đó trước tiên là một may mắn cho chính chúng ta.
SỐ TRUY CẬP online