CUỘC PHIÊU LƯU GIỮA TRẦN AI CÁT BỤI

CUỘC PHIÊU LƯU GIỮA TRẦN AI CÁT BỤI

Với nhiều truyện ngắn đăng ở Hà Nội tân văn của Vũ Ngọc Phan hoặc Mê gái đăng ở tờ Chủ nhật của nhóm Tự lực văn đoàn, có thể coi Tô Hoài chính thức có mặt trên văn đàn từ 1940 . Vừa vào nghề sớm lại vừa kéo dài tuổi nghề – một sự kéo dài đàng hoàng chứ không phải lê lết trong tẻ nhạt -- đời văn Tô Hoài gợi ra hình ảnh một dòng sông miên man chảy và mang trong mình cả cuộc sống bất tận.
Năm và năm mươi
Ít ra 55 năm liên tục làm nghề của Tô Hoài, người ta có thể nhận ra hai giai đoạn.
Một là 5 năm lập nghiệp đầu tiên, từ những ngày bơ vơ không biết làm gì cứ viết liều và gửi ào đi các báo rồi bắt đầu nhận được những đồng nhuận bút đầu tiên… tới những ngày được các ông chủ hợp đồng đặt hàng, viết đến đâu bán hết đến đấy, nên có đồng ra đồng vào đủ sống và “giang hồ vặt”, dông dài với những Đinh Hùng, Vũ Hoàng Chương, Nguyễn Bính.
Hai là 50 năm gần đây, khi giữ chân phóng viên ở Nam Trung bộ, khi cùng với Xuân Thủy, Nam Cao, Trần Đình Thọ lo làm báo Cứu quốc dưới chân núi Phia Boóc (Hoa Sơn), khi được kéo về phụ trách nhiều mặt công tác khác nhau ở Hội Văn nghệ, rồi Hội Nhà văn Việt Nam. Nếu chỉ tính 5 năm trước đã bao nhiêu trầm luân chìm nổi thì sang cái thời gian 5 năm mười lần hơn lên về sau, vui buồn sướng khổ nguồn cơn còn kể đến đâu là cùng!
Hãy thử nhớ lại những khó khăn khúc mắc như thế nào đã đến với những kiện tướng của nền văn học cũ như Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan, Thế Lữ… khi xử lý đề tài mới, nhân vật mới, người ta mới thấy những thành tựu của những người trẻ hơn Tô Hoài, Chế Lan Viên, Tế Hanh… là tự nhiên, nhưng cũng thật là đáng quý. Riêng Tô Hoài thì gần như không bao giờ im lặng quá lâu, mà thời nào cũng có tác phẩm được nhắc nhở. Điều gì đã xảy ra ở đây? Phải nhận Tô Hoài có sự thích ứng cao, có sự bền bỉ dẻo dai, rất tự nhiên, mà không phải ai cũng có.
Cuộc sống quanh mình
Nhớ lại những ngày mới tập viết, Tô Hoài kể: lúc ấy đọc sách Nhất Linh, Khái Hưng viết thì cũng thích lắm, nhưng tự xét mình không thuộc cuộc sống như họ, nên không thể viết như họ.
Cách nói ý nhị, tưởng như một lời tự thú khiêm tốn về sự bất lực của mình. Nhưng thật ra ở đó, ngầm chứa một thứ tuyên ngôn nghệ thuật: ngòi bút này dựa trên sự quan sát thực tế chung quanh và sống đến đâu, viết đến đó, viết ngay về những gì từng biết từng trải quanh mình.
Có thể bảo một thứ tuyên ngôn như thế quá thông thường, không đủ làm ai giật mình, mà lại cũ nữa. Nhưng nó thích hợp với cá tính Tô Hoài, thói quen ham nghe ham biết, hóm hỉnh hiền lành của Tô Hoài lúc ấy, cũng như những chăm chỉ dùi mài nghề nghiệp những năm về sau. Cuộc sống vốn không chỉ có cái phần dồn dập sôi nổi bên trên mà còn có cái phần chậm chạp từ tốn, đôi khi uể oải ngưng trệ, song thật ra là những chuyển động chắc chắn, ở tận đáy sâu. Được khích lệ bởi không khí thời đại, một số người chọn lối viết “đặt vấn đề” dồn hết tâm lực vào việc nắm bắt những cuộc đấu tranh tư tưởng, và quả thật có mang lại cho các trang sách một sinh khí mới. Không phải là Tô Hoài đứng ngoài chuyện đó, ông có biết và đã để tâm đưa vào sáng tác cái không khí sôi sục của đời sống. Nhưng ông vẫn thấy tạng của mình là viết về cái mạch ẩn chìm kia hơn và lặng lẽ làm cuộc phiêu lưu đơn độc. Có một hồi ngòi bút Tô Hoài đã hứng chịu nhiều chê bai, nào là chỉ thích ngắm nhìn, nào là chỉ giỏi phong tục… Nhưng thời gian lại có sự sàng lọc riêng của nó, gần đây một số cuốn tiểu thuyết, nhiều truyện ngắn đậm chất phong tục của tác giả, đã được in lại, âu cũng là bằng chứng về sự công bằng của bạn đọc. Một người khá thâm trầm là Tế Hanh có lần nhận xét “Đọc tập Truyện Tây Bắc, trong khi nhiều người chỉ nhớ Vợ chồng A Phủ thì tôi (tức Tế Hanh) lại rất thích Mường Giơn”. Không rõ liệu có nhiều người cùng chia sẻ nhận xét trên với Tế Hanh, song nếu có, cũng không có gì là lạ. Trong khi Vợ chồng A Phủ nói được cái sự thực lớn lao rằng thời đại ta, là thời đại của những sự quật khởi, những sự đổi đời, thì Mường Giơn lại là câu chuyện mà hình như thời nào cũng có, bởi thời nào mà cuộc sống chẳng bao gồm đủ cả những nồng nàn sôi nổi lẫn những cay đắng mất mát, và khi nghĩ lại về nó, nhất là về một cái gì sẽ tàn phai mà không sao cứu vãn nổi, bao giờ trong con người chẳng thoáng qua một cảm giác buồn buồn man mác.
Sáng tác không phải tất cả
So với các cây bút đương thời, Tô Hoài có lẽ là nhà văn giàu chất chuyên nghiệp bậc nhất. Sống đến đâu viết đến đấy. Việc viết lách đối với ông là một thứ lao động hàng ngày. Ông lại có nhiều kinh nghiệm tổ chức công việc, nhờ thế, mọi khâu vận hành nhịp nhàng mà con người vẫn thoải mái có chơi có nghỉ như mọi người khác.
Nhưng đừng thấy thế mà bảo với nhà văn này, sáng tác là tất cả. Một nét đặc biệt cũng thấy rõ trong cuộc đời viết văn của Tô Hoài là ngoài nghề viết, ở ông luôn luôn có một cuộc sống khác, cuộc sống của người cán bộ chính trị hoặc nhìn rộng ra, cuộc sống nhà hoạt động xã hội. Trong 5 năm mới vào nghề, ông vẫn tiếp tục sinh hoạt trong các tổ chức cách mạng ở quê nhà như thời còn làm anh thợ cửi, đồng thời có chân trong khối Văn hóa cứu quốc mới được thành lập. Từ sau 1945, ngoài làm báo, làm xuất bản hoặc làm công tác đối ngoại, ông còn tham gia sinh hoạt tổ dân phố, các hoạt động của mặt trận, của tổ chức người già… nói chung là trăm thứ bà rằn linh tinh khác. Phải chăng đó chỉ là một động tác nghề nghiệp, nghĩa là làm thế để hiểu đời hiểu việc, có thêm tài liệu ngồi viết? Không khẳn! Đằng sau cái sự Tô Hoài việc gì cũng nhận, đâu cũng có mặt… còn bao hàm một nhận thức sâu xa hơn. Gần nửa thế kỷ sống trong chiến tranh, mảnh đất này lấy đâu ra chỗ cho những hoạt động văn chương thuần túy? Ở nước nào kia, còn có thể có hạng nghệ sĩ thu mình lại trong tháp ngà, ở ta, cái bàn viết của nhà văn nằm giữa cuộc đời. Sở dĩ Tô Hoài thành ra Tô Hoài như ngày nay mọi người nhìn nhận – với tất cả cái hay cái dở của một ngòi bút năng động – cũng là do một phương hướng sống đúng đắn mà ông theo đuổi, ngay từ khi còn rất trẻ.
Một cuộc đời dài dặc
Chỉ một ít dịp cùng đi công tác với Tô Hoài song tôi đã được nghe, được chứng kiến không biết bao lần bạn đọc nồng nhiệt đón chào ông. Tiếng reo hân hoan cất lên. Cái nhìn sững ra, tưởng không còn tin ở mắt mình nữa – bao giờ thì những người mê văn chương chả nhìn tác giả mà mình ngưỡng mộ bằng con mắt ngạc nhiên như vậy! Phần ông, Tô Hoài đáp lại thịnh tình của mọi người theo một cái cách hầu như đã thành quy tắc: trân trọng mà bình thản. Cho đến lần ấy, ở cửa sân bay Nội Bài, lại thêm tiếng reo một cô gái trẻ.
- A, bác Tô Hoài! Bác viết Dế mèn phiêu lưu ký đây mà! Hồi đi học cháu đã được đọc của bác rồi.
Tưởng cũng như mọi lần khác, Tô Hoài chỉ mủm mỉm cười đáp lễ rồi cho qua. Không ngờ lần ấy, đi được một quãng, một ý nghĩ bất thần chợt đến trong đầu, ông ghé vào tai nói nhỏ với bọn tôi:
- Không phải nó đọc mà là bố mẹ nó đọc, ông bà nó đọc ấy chứ!
Đến lượt chúng tôi sững sờ, không tin ở tai mình nữa, nhưng rồi nhanh chóng ai nấy hiểu ra mọi chuyện: không, cùng đi với chúng tôi không phải là một người bình thường mà là người đồng hành của hơn nửa thế kỷ văn học vừa qua, người đã mang lại vui buồn cho bao thế hệ bạn đọc. Tô Hoài, đó là văn chương tiền chiến, Tô Hoài, đó lại là đồng tác giả một đời sống văn học 50 năm sau cách mạng với hai cuộc chiến tranh và bao nhiêu thăng trầm thay đổi. Chỉ riêng cái việc người ta tồn tại được, ở giữa cái dòng đời cuồn cuộn sôi nổi này, đã là một chuyện đáng tự hào lắm!
SỐ TRUY CẬP online