Với độc giả chúng ta là người có lỗi

Hỏi chuyện văn chương Nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn:

Thưa anh, chuyên mục Hỏi chuyện văn chương của Văn nghệ trẻ xin được phỏng vấn anh- một nhà phê bình văn học, lại gắn bó lâu năm với công việc xuất bản- về mối quan hệ giữa văn chương và độc giả hiện nay. Trước tiên xin anh cho biết độc giả giữ vai trò như thế nào trong suy nghĩ hàng ngày của anh về nghề nghiệp.

Vương Trí Nhàn: Không rõ những người viết văn khác như thế nào, riêng tôi, bao giờ viết tôi cũng thường nghĩ đến độc giả. Bảo rằng tôi rất e sợ họ nữa cũng được. Trước họ, tôi chẳng có một thứ gì gọi là quyền hành. Rất có thể họ chỉ cầm trang báo có bài viết của tôi lên rồi lướt qua rất nhanh và bỏ luôn. Mà như thế thì tủi thân lắm. Vậy phải viết làm sao để họ có nhu cầu đọc mình. Chẳng những thế, lại còn có thể tìm ở họ những tác động ngược để giúp mình viết tốt hơn.

Thường thì anh thích viết cho loại độc giả nào?


Chỗ này phải nhận là tôi hơi tham. Tôi thích viết thế nào đó để cho những người khác nhau cũng có thể đọc được. Có thể đó là những ông giáo sư, tiến sĩ tôi quen biết (tôi là cái anh không có bằng cấp gì, nhưng cũng có đi lại chuyện trò một số người như thế, và nếu tôi không lầm, thì họ cũng coi tôi như một đồng nghiệp, chứ không phải mình chơi trèo hay học làm sang gì đâu!). Mà cũng có thể đó là những người làm đủ các loại nghề khác, không có quan hệ trực tiếp tới văn học. Không loại trừ trong số này có cả những người đạp xích lô, người bán hàng rong. Chinh phục được loại thứ hai này cũng thú vị lắm. Ngay từ những năm 1968-70, nhà văn Nguyễn Khải có lần nói với tôi rằng nói chuyện với thanh niên là khó nhất. Họ vội vã sống. Họ không có thì giờ để nghe những chuyện cà kê dài dòng và khi không thích là họ bỏ đi liền. Cho nên nói chuyện thế nào để thanh niên nó nghe được mới thấy sướng. Viết cũng tương tự như vậy.

Anh có thể giải thích cụ thể về cách mà bạn đọc tác động tới anh?


Mong có nhiều người đọc, nhưng lúc viết tôi thường hình dung như bên cạnh mình có một độc giả rất là khó tính, rất là uyên bác, mà cũng rất là thạo đời... để lấy đà phấn đấu. Người độc giả lý tưởng này biết tất cả. Họ biết chỗ này tôi nói dối, chỗ kia tôi không đọc mà cứ nói liều, chỗ khác nữa thì suy nghĩ không kỹ, chẳng qua cũng chỉ diễn lại vài ý người đời ai cũng biết. Tôi thường đặt ra một loại độc giả rất cao như vậy rồi xác định viết để đối thoại với họ. Khi nghĩ được rằng vẫn còn một người nào đấy tin mình, chờ mình, phải viết sao để đáp ứng lại sự chờ đợi của người đó, tự nhiên người ta có cớ để cố và bớt viết những cái lăng nhăng đi.

Nhận xét của anh về độc giả hôm nay?


Đạo diễn sân khấu Nguyễn Đình Nghi có lần bảo tôi: cái căn bản của sân khấu ngày trước là rất nghiêm túc, còn bây giờ lắm khi vào rạp người ta cắn hạt dưa, rồi thì cười nói rúc rích thì còn ra sao nữa. Chúng ta đang thiếu cái gọi là "công chúng chọn lọc". Lớp "công chúng chọn lọc" này đóng vai trò dẫn dắt những công chúng khác. Chính họ là cái người đối thoại với tác giả. Quay trở về với lĩnh vực văn chương, thời bao cấp, chúng ta có một loại độc giả rất là tốt, chịu đọc, suy nghĩ nghiêm túc. Mà nay thì không có, hoặc đúng hơn cũng có, lúc nào cũng vẫn còn, nhưng hình như ngày một ít đi, ngày một lép vế.

Tức là, như người ta hay nói: văn hoá đọc hiện nay giảm sút?


Hồi trước số đầu sách thì ít nhưng số lượng in của từng cuốn lớn lắm. Và người ta săn sách kinh khủng. Chúng tôi cũng vậy, mỗi lần đi công tác các tỉnh, thế nào cũng sục vào các hiệu sách xem có cuốn nào hay còn sót thì mua. Lúc nào cũng như đang trong tình trạng đói sách. Còn gần đây, độc giả có tình trạng ngược lại: quá no. Một số trở nên dễ tính, yêu cầu của họ cũng thấp. Ngày trước, văn học mang đậm tính chất giáo dục, nó thiêng liêng quá, mà lại thiếu sự thông cảm với những yêu cầu bình thường của con người, thiếu chất giải trí. Nhưng mà bây giờ thì lại nhiều chất giải trí quá. Có nhiều cuốn sách, không ít người kêu là dở nhưng lại bán chạy, nhìn kỹ thì thấy chẳng qua ở đó, tác giả đóng vai trò mua vui khi trêu chọc khi nịnh nọt độc giả.
Nhìn chung nay là lúc trong độc giả đang có sự phân hoá. Có lẽ là chúng ta cần một cuộc khảo sát.

Theo anh, đã xuất hiện những độc giả mới, có cách ứng xử với sách văn chương không theo "chuẩn mực" như trước đây và anh không hẳn tin ở cách đánh giá của họ?

Đúng vậy. Hiện có những cây bút tự hào là rất ăn khách, rồi vin vào cớ đó đi rêu rao rằng tác phẩm của mình toàn là văn chương thứ thiệt, là những giá trị lâu dài. Tôi không có cách gì để cãi lại họ, chỉ biết rằng tôi tin ở một loại độc giả khác, phấn đấu cho một loại độc giả khác.

Đâu là nguyên nhân của sự phân hoá độc giả như anh vừa nói?


Tại sao loại độc giả lý tưởng của văn học lại đang ít đi, hay đang bị ít đi: mà loại độc giả đùa bỡn, đối xử với sách như một thứ trò mua vui vớ va vớ vẩn thì lại có vẻ ngày càng nhiều hơn? Theo tôi thì có hai lý do thế này: Một là sau một thời gian lý tưởng hoá văn chương, coi tác phẩm văn chương như thần như thánh, một số độc giả thấy chán. Chán sách, học chán luôn cả văn học. Hai nữa là lớp trẻ bây giờ họ ra đời trong điều kiện ti vi đầy ra, các phương tiện thông tin đầy ra. Bóng đá và các thứ khác nó lôi cuốn họ. Cái họ cần, không thấy có trong sách.

Thưa anh, phải chăng đó chỉ là kết luận khi chúng ta nhìn nhận từ thực tế ở chốn thị thành? Còn độc giả đông đảo ở nông thôn, vùng sâu vùng xa? Họ có được vậy không và có đến thế không?


Chính vì không rõ là ở những vùng ấy độc giả hiện nay đọc sách ra sao, nên tôi mới đề nghị phải có những cuộc điều tra, thậm chí điều tra thường xuyên. Tuy nhiên tôi ngờ rằng ở đó quá trình phân hoá này cũng đang xảy ra.

Đứng trước thực trạng như vậy, chúng ta có thể nói gì về trách nhiệm của những người viết văn?


Phải nhận chính chúng ta là người có lỗi. Văn chương góp phần tạo ra độc giả, rồi độc giả lại góp phần vào việc định hướng văn chương, hai bên góp phần sinh thành đạo tạo ra nhau. Nói thế để ta tự nhận lấy phần trách nhiệm của ta. Cụ thể là, theo tôi, mỗi người viết văn cần đặt cho mình yêu cầu cao tự nâng mình lên. Giống như đi tu ấy. Phấn đấu hàng ngày. Bây giờ, có nhiều bạn viết mang tâm lý thế này: cái gì mình viết ra thì cần phải có người khen ngay hay chê ngay ? Tại sao lại không nghĩ rằng: vài năm sau người ta mới hiểu mình? Xưa, các cụ có câu: "Tiên trách kỷ, hậu trách nhân". Chính cái sự tự trọng ấy của người viết sẽ có tác động tích cực đối với sự đọc văn chương của độc giả.

Và sự nghiêm túc, nghiêm khắc của nghề văn không chỉ được thể hiện qua các tác phẩm như thơ, trường ca, truyện ngắn, tiểu thuyết v.v. mà còn được thể hiện trong cả những bài viết nhỏ in báo và ngay cả trong những ý kiến nhà văn phát miệng nơi này, nơi khác?


Vâng, đúng là như thế. Bây giờ báo nhiều nên mấy ông ham nói, nói nhiều, nói dai, nói dài tha hồ múa may. Thực ra, trong ý nghĩa sâu sắc của nó, văn học đòi hỏi chúng ta phải làm ra những thứ tinh luyện hơn, kỹ lưỡng hơn. Cũng như trong đời sống nhiều người chúng ta đang mắc bệnh nói nhiều trong khi con người hiện đại cần thanh cao hơn, hợp lý hơn, từ tốn hơn. Một điểm nữa tôi xin nói tạt ngang nay là lúc chúng ta sẵn sàng khề khà trò chuyện với nhau mà lại ít đọc nhau. Lẽ ra nếu còn lương tâm nghề nghiệp, thì nên dành thì giờ mà đọc nhau, mà tập trung cho việc sáng tác. Tôi đã nghe có người chê rằng như thế là già, là cổ lỗ lắm rồi. Nhưng cái tạng của tôi là thế, với văn chương không bao giờ tôi dám coi là chuyện đùa bỡn, với những gì thuộc về tương lai lại càng không thể đùa bỡn.

Quay trở lại với vấn đề độc giả, theo anh thì làm thế nào để có thể "tổ chức độc giả" cho nền văn học của chúng ta?


Trước mắt phải lo sao có những tác phẩm tương đối có giá trị thì mới có sức lôi cuốn bạn đọc. Tuy nhiên, khi đã có sách, lại cũng cần có những sáng kiến cụ thể. Tôi nghĩ báo chí nên dành thêm chỗ cho độc giả phát biểu. Các tờ báo, các nhà xuất bản có thể nghĩ ở các hình thức giao lưu khác nhau, ví dụ có thêm những buổi gặp mặt tiếc xúc với bạn đọc. Hoặc có những cuốn sách mang ra cho bạn đọc bỏ phiếu, cuốn nào được nhiều người thích thì coi như được nhận một thứ giải thưởng, tạm gọi là giải của bạn đọc. Có giải của bạn đọc thanh thiếu niên, giải của bạn đọc lớn tuổi v.v... Nói cho to tát tức là cần có cách để khôi phục cảm giác thiêng liêng của văn học trong lòng bạn đọc.
Nói thì dễ nhưng làm thì khó lắm. Năm ngoái năm kia, nhà xuất bản nơi tôi công tác có in một cuốn sách của một nhà văn nổi tiếng, tôi mới nói hay là bây giờ ta họp mặt bạn đọc để tác giả giới thiệu sách rồi ai thích thì xin chữ ký tác giả. Nhưung Giám đốc nhà xuất bản bác đi ngay: nhỡ tổ chức ra mà quá ít người đến thì sao? Nhỡ người ta có đến mà người ta không mua sách thì sao? Ai dám tự nhận là nắm chắc được độc giả bây giờ?!. Thế là lại thôi. Tuy vậy, với tư cách một người làm xuất bản và một người có viết sách, tôi vẫn tin ở những độc giả lý tưởng của mình và cố làm việc cố viết để khỏi phụ lòng những độc giả đó.
Xin cảm ơn anh!
PVNNT
(Văn nghệ trẻ số 386 ngày 18-4-2004)
SỐ TRUY CẬP online