"Không nên viết những gì thấp kém hơn cái đã có của mình"

Bàn về quan điểm của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp trên tạp chí Ngày nay, số 6, ra ngày 15-3-2004
Là một nhà nghiên cứu lão luyện trong làng văn, ông đánh giá thế nào về quan điểm trong bài viết của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp?

Nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn: Điều gây ấn tượng đậm nhất trong bài viết của Nguyễn Huy Thiệp là những mệnh đề có khả năng thách thức, mời gọi tranh cãi. Nếu chúng được mang ra thảo luận cho kỹ, sẽ có lợi cho sự sáng tác nói chung. Cố nhiên, người ta chỉ nên nói vậy khi có lý lẽ xác đáng, thậm chí phải trình bày cách hiểu của mình về những chữ như "vô học" hoặc "lưu manh" ra sao, rồi đưa ra những ví dụ cụ thể để chứng minh. Nhưng đó là việc khó nên anh Thiệp lướt đi rất nhanh rồi nói sang các chuyện khác. Ngược lại, những người phản bác anh Thiệp (qua những câu chuyện quanh chén nước trà cũng như trong các bài viết đến hôm nay đã đăng trên mặt báo) cũng chỉ muốn nói to lên cái ý "nhà văn ta không vô học, không lưu manh", rồi quay ra chê anh Thiệp là nói người mà không quay lại nhìn chính mình, hoặc chẳng qua bí quá trong sáng tác nên nói càn như vậy. Chứ cũng không ai chứng minh cụ thể xem chúng ta không "vô học" không "lưu manh" là ở những điểm nào.
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp có viết về tình trạng các nhà phê bình văn học hiện nay là cứ mũ cao, áo dài và giữ nguyên cung cách chuyên chế, áp chế kiểu "các cụ"... Ông nghĩ gì về điều này? Theo ông, phải chăng chính những nhà phê bình trước đây từng "lăng xê" Nguyễn Huy Thiệp cũng mắc phải những "phẩm chất" trên?

Đây là một trong những chỗ anh Thiệp can tội hàm hồ. Theo tôi, cái gọi là giới phê bình hiện nay cũng có đủ các loại người: Mũ cao áo dài có, ngồi rỗi tán nhảm không ít, mà những người chăm chú theo dõi đời sống tác tác lúc nào vẫn còn. Vậy không thể và không nên xếp họ chung vào một rọ.

Theo ông thì phản ứng tốt nhất, nhân bản nhất và kẻ sĩ nhất của một nhà văn đang trong giai đoạn bị độc giả lãng quên là gì? Nếu cách tốt nhất mà nhà văn đó không thể theo được thì hẳn là vẫn còn một cách thứ hai?


Trước tiên phải nói rõ đây là loại độc giả nào. Những người có trình độ và muốn suy nghĩ thêm về việc đời qua văn chương? Hay đám rỗi rãi chỉ thích chọc ghẹo rồi cười hô hố trước những lời bông lơn của tác giả? Một nhà văn quan tâm loại độc giả thứ nhất làm sao không buồn được khi họ bị lãng quên?! Ngay bản thân cái việc dám nhìn thẳng vào sự thật là dường như chẳng ai tử tế muốn đọc mình cũng là là một việc rất khó khăn rồi, chỉ những người thật dũng cảm mới làm nổi. Một số trong họ sẽ tìm được cách vượt lên để làm những cuộc chinh phục mới. Số khác thà bỏ đi làm nghề khác còn hơn viết ra những trang thấp kém hơn cái đã có tốt đẹp của mình. Có điều, số những nhà văn này không nhiều. Số còn lại thường tự phỉnh nịnh, hoặc cho là đời không hiểu mình, hoặc tự nhủ đang có vô khối kẻ tri âm yêu mến mình (mà số đọc giả ẩm ương này thì cũng không khó tìm lắm!). Thế rồi họ vẫn "sinh đẻ" sòn sòn, và chắc chắn không biết buồn là gì, càng không tính chuyện tự lột xác, tự thay đổi để vươn lên. Thành ra mới có những nhà văn đang viết mà tắc thì quay ra nói nhăng nói cuội.

Theo ông, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đã viết bài tiểu luận đó trong một tâm trạng thế nào? Có người cho rằng đó là tâm trạng của người đã "hết hơi" trong sáng tác?


Chuyện nói Nguyễn Huy Thiệp lâu nay viết lách lâm vào tình trạng bí bách, thì tôi không phản đối. Nhưng tôi để dành suy nghĩ của mình vào việc khác: Ví dụ lúc nào đó có thể viết một bài tìm hiểu cái bí chung của các nhà văn ở ta hiện nay là gì, và họ thường trốn chạy cái sự thực đó như thế nào. Viết để tác động vào phong trào sáng tác nói chung, chứ không phải để biểu dương hay hạ bệ, rỉa rói riêng anh Thiệp. Có phải nhờ nói được mấy câu khiến một người thật đau mà dư luận coi trọng ta hơn đâu!

Tại sao có hiện tượng một số nhà văn chỉ viết được một hoặc hai tác phẩm có giá trị thực, gây được ấn tượng với người đọc? Có ý kiến cho rằng, đó là vì vốn văn hoá có hạn và vì cái hư danh đã khiến họ tiếp tục làm hàng "nhái", những "món hàng" mà họ tưởng sẽ tiếp tục được tung hô. Ông nghĩ sao về nhận xét này?


Có lần tôi đã "bịa" ra một cuộc phỏng vấn tưởng tượng về Tản Đà để rồi sau khi nêu câu hỏi "Người ta có học để trở thành thi sĩ được không?" , tôi đã đặt vào miệng Tản Đà câu trả lời "Không. Nhưng phải học thì mới trở thành được thi sĩ lớn!" (Bài in trong cuốn Những kiếp hoa dại 1993). ác một nỗi là học hơi mệt nên nhiều người ngại học, rồi khái quát lên thành cả một thứ lý luận là không cần học, học lắm chỉ tổ chịu ảnh hưởng của người khác. Nhưng quả thực học được là cả một chuyện khó, có người định học để gây cho mình một lưng vốn văn hoá khơ khớ, nhưng vì mặt bằng ban đầu thấp quá, học không nổi, sau mới xoay qua thứ lý luận không nên học để yên tâm mài mình ra mà viết, viết mãi một kiểu.

Khoảng cách "xa nhất" và là khoảng cách có thể cho phép giữa trái tim nhà văn và tinh thần dân tộc được thể hiện như thế nào? Nhà văn có thể nhân danh điều gì khác để có thể không cần đến lòng tự tôn của nền văn hoá đã sinh ra mình không?


Tôi lớn lên trong một gia đình nghèo. Tôi biết cha mẹ tôi đã hy sinh rất nhiều để tôi được ăn học như mọi người. Song phải nói thật là nếu so sánh cuộc sống của tôi bây giờ với cuộc sống của gia đình ngày xưa, thì rõ là có nhiều chỗ khác. Chỗ bắt đầu của sự khác ấy là cái nhận thức. Không vì biết ơn các cụ mà ta cứ bảo rằng cái gì của người xưa cũng đều tốt đẹp.
Tôi nghĩ rằng khi xét mối quan hệ mỗi công dân với nền văn hoá dân tộc cũng nên có cách hiểu và xử sự tương tự. Từ đầu năm 2003 đến nay, tôi có làm cho một tờ báo một mục nhỏ mang tên "Những lời cảnh tỉnh của người xưa", trong đó tôi sưu tầm nhận xét của các bậc tiền bối về thói hư tật xấu. Điều làm tôi ngạc nhiên là chính những người yêu nước thương nòi, những người tỉnh táo nhất trong quá khứ- những Nguyễn Trường Tộ, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng v.v... lại có những nhận xét nghiêm khắc khiến ta giật mình (Nói riêng cái chuyện mối quan hệ với thơ ca thôi, từ xưa đã có bao nhiêu lời than phiền rằng thơ ta nặng về sáo rỗng, quá nhiều thứ thơ thù tạc, nếu không ru rín vuốt ve người ta thì cũng chẳng có ích lợi gì cho nhân sinh). Các bậc trí giả ấy thật đã nêu cho chúng ta một bài học về lòng yêu mến đối với các giá trị cũ: Phải biết sàng lọc, đồng thời với việc tôn vinh những cái hay, cái đẹp cũng phải mạnh dạn từ bỏ những cái kém, cái dở. Khi đó, lòng tự tôn dân tộc mới có được cái ý nghĩa chân chính mà nó phải có.
(Công an nhân dân số 42 (1825) ngày 6-4-2004)
Tuyết Nhi
SỐ TRUY CẬP online