Vũ Bằng

Hồn nhiên , chân thành , biết người biết của ...
( Vài nét về mối quan hệ giữa Vũ Bằng
và các đồng nghiệp )

Nhà văn Nam Cao vốn có thói quen đưa những chuyện hàng ngày vào tác phẩm và biến ngay những người thân của mình thành nhân vật . Đôi mắt của ông cũng được viết theo kiểu đó . Thiên truyện này được hình thành nhân một chuyến Nam Cao về công tác tại đồng bằng khu Ba . Nhân vật Hoàng mang nhiều nét của Vũ Bằng là người ông có gặp trong chuyến đi . Đây tôi không nói cái dụng ý của Nam Cao khi viết truyện này mà chỉ muốn lưu ý tới nhân vật chính của tác phẩm . Theo sự cảm nhận của số đông bạn đọc thì Hoàng là một nhân vật thuộc loại ta vẫn nói là tiêu cực .”...Nam Cao đã đặt vào trung tâm truyện Đôi mắt này hình tượng của một kẻ xét cho cùng thuộc vào phường ích kỷ (...) anh ta yên tâm thoả thuê sung sướng no đủ một mình giữa những tháng ngày gian khổ nhất của cuộc kháng chiến toàn dân. Và đấy là một lý do (..) khiến dưới đôi mắt anh ta , con người hiện lên với chỉ toàn cái xấu “ “Trong cách cấu tứ của Nam Cao , Hoàng là một phản đề “ (1) Những nhận định như vậy hầu như được mọi người chấp nhận .
Trong nghề với nhau , cái lối mang nhau vào trang văn đôi khi cũng chỉ được xem là chuyện làm cho vui, nhân tiện thì viết , nhưng cũng đã nhiều phen để lại đủ nỗi thù hận . Dù trong thâm tâm tôi công nhận anh nói đúng song tôi thích làm sao được ! Có ý thế nào đi nữa thì anh cũng còn phải nể cái mặt tôi nữa chứ ! Hết cái để viết rồi hay sao mà phải “ăn thịt” cả đồng nghiệp ? Đây lại cũng là một lối phản ứng thường tình .
Nhưng Vũ Bằng thì khác . Bài viết về Nam Cao có in trong tập này vẫn nói về Nam Cao với những lời hết sức kính trọng . Trước sau , Vũ Bằng vẫn cho rằng nhiều văn sĩ cỡ kha khá trên thế giới chưa chắc đã ăn đứt Nam Cao . Riêng buổi gặp mặt cuối cùng giữa hai người vẫn được ông nhắc lại như một kỷ niệm vui , toàn bài chẳng có một ý nào gọi là thanh minh cho mình lại càng không có một lời gọi là oán trách người đồng nghiệp trẻ đã một lần vẽ mình theo lối biếm hoạ .
Có thể xem đây như một ví dụ cho cái tự ý thức đúng đắn vốn ăn sâu trong tâm trí Vũ Bằng . Dù say sưa làm nghề và từng đặt cả vui buồn đời mình vào các trang sách các tờ báo , song ông không có lối khoe khoang kiêu ngạo tự xem mình như thần như thánh không ai có quyền động tới . Ngược lại thường ông sẵn sàng thú nhận mọi chuyện ma giáo đã làm và thản nhiên nhận rằng mình cũng là người , mình cũng có đủ tính tốt lẫn mọi thói xấu mà một người bình thường có thể có , giá như được trở thành nhân vật của một tác phẩm thì bất cứ thế nào cũng không có lý do gì mà phải từ chối .
Cái sự nhìn đời một cách hồn nhiên này cũng chi phối tác giả khi dựng lại chân dung các đồng nghiệp .
. Nghề làm báo đã buộc ông phải có mối quan hệ rộng. Song ngay giữa những người có quan hệ rộng , ông vẫn nổi lên như một trường hợp đặc biệt : trong nhiều năm ông bao thầu một lúc mấy tờ báo , vừa phải lo viết vừa phải đôn đốc người khác cùng viết để báo có bài . Không chỉ là tài tử sân khấu hoặc một cầu thủ trên sân mà ông còn có vai người đạo diễn , người huấn luyện viên . Đây chẳng phải chỉ là trách nhiệm được giao, hoặc nói nôm na cái nghề kiếm sống người ta buộc ông phải làm , mà còn là niềm vui thích riêng cái tạng riêng của ông . Bởi vậy , những chân dung đồng nghiệp được ông phác hoạ đây đó thường khi hồn hậu , vừa giàu chi tiết vừa mang những nét hóm hỉnh riêng của Vũ Bằng , dù đã quá quen biết với con người được nói tới thì người ta vẫn muốn đọc ông để xem dưới mắt ông , con người đó hiện ra với những nét ra sao .
Qua một loạt chân dung các nhà văn được Vũ Bằng phác hoạ , bạn đọc say mê tìm hiểu đời sống văn chương còn có thể hình dung ra con người nhà văn Việt nam nửa đầu thế kỷ XX với bao ao ước cháy bỏng , thói quen lao động say mê , và cả những cái tài cái tật riêng của họ ,những dị mọ tầm thường , những kiểu cách ngông nghênh mà hình như mọi người tầm thường đều có nhưng ở những nhà văn đôi khi chúng được đưa lên đến mức quái đản đầy ấn tượng .
Một điều nữa khiến tôi thích thú tìm đọc các hồi ký và chân dung văn học Vũ Bằng đã viết là ở bút pháp tự nhiên dễ dàng của tác giả . Một số người viết loại bài này thường không tránh khỏi cái vẻ đăm chiêu khi nghĩ rằng mình đang đứng ra tổng kết về một con người , khắc hoạ những đóng góp của họ vào lịch sử .Vũ Bằng khác hẳn . Luôn luôn người ta cảm thấy ông không cần dụng công một chút nào cả không cố làm ra vẻ quan trọng . Dường như ông chỉ nhân tiện thì kể , có người muốn nghe thì kể , nhớ đến đâu kể đến đấy .
--- Thú thực cho đến bây giờ tôi sợ nhiều người giỏi , nhưng chưa hề sợ như sợ cái tài viết văn viết báo của ông ( bài về Nguyễn Văn Vĩnh )
---- Thực tình tôi không hiểu lý do gì thúc đẩy Nguyễn Khắc Hiếu tạo nên bài thơ đó (bài Thề non nước )
----Tại sao tôi lại bị Ngô Tất Tố liệt vào hàng súc sinh ?
Những lối nói , những lời thú nhận kiểu ấy có thể gặp trên nhiều trang sách của Vũ Bằng .Chúng khiến cho tác giả trở nên thân tình và người đọc cảm thấy như đang được trò chuyện tay đôi với ông . Hơn thế nữa , chúng khiến cho người đọc tiếp tục suy nghĩ trên những điều ông đã viết , tìm thêm tài liệu kiểm chứng thêm các mối quan hệ đã được mô tả . Đằng sau vẻ dễ dàng của câu chuyện hình như là một niềm tin chắc chắn : không thể và cũng không cần lý tưởng hoá nghề văn làm gì . Dẫu sao chúng tôi đã viết và có người đọc , bây giờ vẫn còn có những người bạn muốn hiểu thêm về chúng tôi, thế là đáng sống lắm rồi , tôi còn có thể kể mãi về các đồng nghiệp của tôi để các bạn cùng biết .
Vũ Bằng vốn đã được nhiều người biết tiếng với tập Bốn mươi năm “nói láo “ . Tập chân dung văn học bạn đọc đang cầm trên tay là một sự bổ sung cần thiết cho cuốn hồi ký đó . Nếu cuốn trước nghiêng hẳn về đời làm báo của Vũ Bằng thì cuốn này cho thấy một phần hoạt động văn học sôi nổi của ông . Trước sau chúng ta vẫn được gặp một Vũ Bằng linh hoạt , hấp dẫn và đầy sức sống .
SỐ TRUY CẬP online