Trinh Đường

một đời chí cốt với thơ

Nhớ Trinh Đường (1/1/1917 –28/9/2001 )


Hồi đầu chống Mỹ , khi Trinh Đường còn giữ chân gác gôn trang thơ của báo Văn Nghệ ,tôi đã có lần theo chân mấy anh em làm thơ cùng tuổi đến thăm ông ở căn gác hẹp cuối phố Bà Triệu và cái ấn tượng còn lại cho đến bây giờ ,ấy là sự thiêng liêng mà con người ấy đặt vào sự sáng tác nói chung cũng như việc biên tập thơ nói riêng .Trước một bài thơ sắp sửa đưa in dù đó là của bất cứ ai ông đều có sự cẩn trọng tỉ mỉ như nhau .Ông tính đi tính lại từng câu thơ trong bài còn quá cả người sáng tác ra chính bài thơ đó nữa.Trên nét mặt đăm chiêu dấu hiệu của một đời người nhiều lên thác xuống ghềnh như thấy toát ra một sự thản nhiên : với thơ công phu bao nhiêu cũng là chưa đủ .
Cái sự hết lòng với thơ ấy ở Trinh Đường hình như càng về già càng trở nên bền chắc và không phải ngẫu nhiên mà những ngày cuối đời ông thường được anh em trong giới nhắc tới như một người chịu bỏ công sưu tầm sáng tác của các đồng nghiệp.Đầu hè 1994, một chiếc xe công tác ghé vào Hội Văn Nghệ Thanh Hoá thì được các đồng chí phụ trách Hội gửi nhờ một người trên đường ra Hà Nội .Người đó là nhà thơ Trinh Đường .Ông đi xe đò vào đây làm việc từ đâu hơn một tuần trước chỉ cốt trực tiếp đọc những bài thơ anh em chung quanh Hội mới viết để chuẩn bị cho cuốn tuyển thơ thế kỷ XX do ông làm ,và nay ông cần ra Nam Định tiếp tục công việc. Tôi còn nhớ cái dáng ông quả quyết xốclại lúc từ xe bước xuống và chuẩn bị gõ cửa Hội Văn nghệ tỉnh bạn .Đêm nay trong cái phòng khách sơ sài kia,ông sẽ một mình một bóng bên những bài thơ anh em vừa chép gửi tới . Mà tuổi bảy mươi đã đến với ông từ lâu.Cùng với sự ái ngại cho người đồng nghiệp lớn tuổi trong lòng chúng tôi không khỏi thoáng qua một chút ân hận : hình như không bao giờ mình có thể tận tuỵ như vậy .
Tôi không dám chắc rằng cái việc vầy vò của Trinh Đường trước các bài thơ ông nhận biên tập bao giờ cũng đạt hiệu quả tối ưu .Sau một thời gian dài lay lắt qua tay mấy nhà xuất bản , tập thơ thế kỷ XX do ông sưu tầm biên soạn gần đây đã được in ra nhưng cũng không gây ra được tiếng vang gì đáng kể.Trớ trêu thay sự chăm chỉ cần mẫn không phải bao giờ cũng là bảo đảm chắc chắn để nắm bắt được một thứ đỏng đảnh như thơ ! Song tôi hiểu với Trinh Đường đây là một niềm vui theo suốt cuộc đời, thế là được rồi .Chẳng phải số đông những người làm nghề chúng tôi đều tồn tại như ông ,tức là để hiệu quả sang một bên , hãy lấy sự say mê làm lẽ sống !
Trinh Đường từng được biết tới như tác giả của các tập thơ Hạt giống ,Thuỷ triều ,Bạch Đằng giang khúc ,Giao mùa....nghĩa là phần thơ ông viết từ những năm sáu mươi trở đi . Nhưng vào những ngày này , khi đọc trên các trang báo tin ông qua đời , tôi lại thấy nhớ hơn cả những bài thơ ông làm hồi còn ở Khu Năm .Chẳng hạn bài Hồi ức đầu thu ông viết năm 1950 mở đầu bằng một đoạn như sau Thu đến ,ồ mùa thu khiêu khích-- Các anh ơi tôi đã nghe-- Tiếng các anh hú chặt đèo khe-- Giọng so le thanh vòng quanh xuống núi-- Trận cười qua suối -- Câu chuyện đánh Tây vang dội núi rừng .Theo ý tôi bài thơ này bắt vào cái mạch của những Nhớ máu của Trần Mai Ninh, Đèo cả của Hữu Loan ,Nhớ của Hồng Nguyên ... tức một mạch thơ tự do ,đanh quánh chắc khỏe hồi đầu kháng chiến chống Pháp . Nhiều thành tựu của các nhà thơ Việt Nam hồi ấy đến nay còn chưa được sưu tầm đầy đủ và nhất là chưa được đánh giá đúng mức trong đó có một ít bài thơ của tuổi trẻ Trinh Đường .
SỐ TRUY CẬP online