Trăm hình nghìn vẻ - những cách tồn tại

Vương Trí Nhàn (V.T.N.) đề dẫn như vậy cho những bài viết- đúng hơn là chân dung những con người thơ, con người văn trong tập tiểu luận phê bình mới của ông: Cánh bướm và đoá hướng dương . Người ta ai cũng có một lý do rất mực chính đáng để tồn tại trên đời này dẫu cho thân phận sang cả hay thấp hèn, dù nhân thế tung hô hay vùi dập. ở một phạm vi hẹp hơn, văn chương cũng thế. Nhà thơ-một-bài hay nhà-văn-chục-pho-tiểu thuyết cũng có một lý do để tồn tại, một cái đích để hướng tới: cái tài và cái tình.
Chắt lọc ra hay chộp được từ kho tư liệu văn chương ngồn ngộn tự cổ chí kim của Việt Nam hàng ngàn những chân dung dù đậm nét hay mờ nhoà, V.T.N. thu lấy những nét tâm đắc nhất- theo ông- của những con người thơ, con người văn ấy. Đấy là một Hồ Xuân Hương với "một ham muốn sống thật đã đầy, thật trọn vẹn" một Tản Đà "người mở đường táo bạo và người biết dừng lại đúng lúc", một Nguyễn Công Hoan với "những cái nháy mắt tinh nghịch", một Nguyễn Bính nhởn nhơ như cánh bướm, đồng thời cũng tuyệt đối chung tình như đoá hướng dương hướng về mặt trời. Gần hơn nữa là một Nguyễn Khải- như một cách tồn tại trong văn học, một Nguyễn Minh Châu phấn đấu hết mình vì một lý tưởng nghề nghiệp cao quí, và nhất là một Xuân Quỳnh rực rỡ và đa đoan với tất cả "những buồn vui của kiếp hoa dại", chữ mà V.T.N. dùng để gọi tất cả những bạn nghề của mình.
Nhiều khi bạn đọc yêu quí V.T.N. cứ tự hỏi: ông có khổ sở lắm không, khi phải vất vả len lách giữa các khái niệm, các thuật ngữ, các lý thuyết mới (sở trường của trường phái kinh viện) để tìm kiếm một giọng riêng vừa tai vừa mắt người nghe, người đọc, mà lại không bị hoà lẫn vào đám đông? Công bằng mà nói, một số bài viết của ông có những cái tên không "chuẩn mực" cho lắm: Người có lẽ đã sinh vào mùa xuân (viết về Khái Hưng), Biết cười tức là biết sống (về Tú Mỡ), Mối thiện cảm đến sớm (về Thạch Lam), Xanh vỏ đỏ lòng (về Bùi Chí Vinh)... nhưng đã gợi được sự chú ý nơi người đọc. Dụng công và tung tẩy trong cách đặt tên, ông càng tung tẩy hơn trong hình thức thể hiện: phỏng vấn (với ma Hồ Xuân Hương, ma Xuân Diệu, ma Nam Cao- hoá ra ông lại là người phỏng vấn ma sớm hơn cả, từ 5-7 năm trước), nghiên cứu, phê bình, chân dung... (dù ông có muốn gói gọn trong bốn chữ: tiểu luận, phê bình thì người đọc vẫn cứ thấy nó đa dạng và nhăm nhe nhảy ra ngoài mọi thể loại).
Và có lẽ hấp dẫn nhất trong cuốn sách không phải ở những chính kiến sắc sảo, những vấn đề văn học thời sự hay cao siêu, mà ở những phát hiện nho nhỏ thú vị có thể được tìm thấy đây đó trên các trang sách của Cánh bướm và đoá hướng dương.
(Tuổi trẻ 13-4-1999)
Thu Hà
SỐ TRUY CẬP online