Cánh bướm và đoá hướng dương

Chọn tiêu đề một bài viềt về nhà thơ đông quê Nguyễn Bính làm tên gọi chung cho tập sách, ngỡ tưởng tuỳ tiện mà thực ra lại ngầm chứa ý tưởng về mối tương quan giữa cái lượn lờ hay biến động như Cánh bay của con bướm với sự thuỷ chung, cần mẫn của đoá hướng dương, bởi trong hình dung của nhà phê bình chính từ thế tương phản đó thấp thoáng hiện ra biểu tượng về các số phận văn chương.
Sự chăm chú quan sát cộng với vẻ chiêm nghiệm, chắt lọc qua nhiều năm tháng lăn lộn "ăn chịu" với nghiệp cầm bút của cả Người lẫn với Ta, Vương Trí Nhàn mới có thể ngẫm ra rằng: "... Một tên tuổi tồn tại được ở đây, vì hầu như họ sinh ra vì văn chương, họ đã sống tất cả cho văn chương" (tr.3).
Từ tâm niệm ấy, tác giả Cánh bướm và đoá hướng dương khảo sát, tìm hiểu những nẻo đường khác nhau dẫn đến nghề văn của 36 nhà văn, nhà thơ xưa và nay, với tham muốn chộp bắt cái thần thái riêng loé lên từ mỗi người để rồi phác dựng lại qua đôi nét chấm phá dưới dạng "Chân dung văn học". Bởi chưng, mỗi nhà văn sở dĩ còn trụ lại được ngoài sự chuyên tâm sống chết với nghề nghiệp lại còn phải biết phấn đấu tạo ra cho mình một bản sắc riêng, một giọng điệu riêng, không ai giống ai.
Thoạt nhìn, tập sách thật ngổn ngang, với những bức ký hoạ về mấy chục nhà văn, nhà thơ đã thành danh, từ các tác giả vào hàng cổ điển đã qua sự sàng sảy, xếp hạng của thời gian như Hồ Xuân Hương, Nguyễn Gia Thiều, tiếp đến Khái Hưng, Lê Văn Trương, Vũ Bằng, Nguyễn Bính, hàn Mặc Tử và những cây bút có được sự ổn định hơn trong phẩm bình của dư luận như Tú Mỡ, Thế Lữ, Xuân Diệu, Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan, Nam Cao, Nguyễn Tuân... Thậm chí đề cập tới cả các nhà văn trẻ tiêu biểu cho mấy lớp tuổi kế tiếp xuất hiện gần đây mà trong nhận định của xã hội còn tồn tại nhiều ý kiến khác nhau như trường hợp của Nguyễn Huy Thiệp, Bùi Chí Vinh, Phan Thị Vàng Anh v.v....
Dường như nỗ lực hướng tới một cách tiếp cận văn học muốn quy tụ cả những hiểu biết cặn kẽ chi tiết về tiểu sử nhà văn và bối cảnh thời đại mà họ sống trong sự đối chiếu qua lại với bản thân sáng tác của họ; sự pha trộn bổ sung, xâm nhập lẫn nhau của nhiều luồng thông tin rút từ các phương tiện khác nhau này đã ít nhiều rọi chiếu vào thế giới sáng tạo của nhà văn (vốn còn bị khuất lấp trong tấm màn bí mật) đã giúp nhà phê bình, trong không ít trường hợp, đến gần được với nhà văn và các tác phẩm của họ. Đôi khi, một số bài viết trong Cánh bướm và đoá hướng dương không dừng lại ở chỗ cung cấp những chỉ dẫn cần thiết và thú vị, tạo cơ hội cho bạn đọc hiểu sâu sắc hơn và do đó thêm khâm phục những nhà văn mình ưa thích và thông qua những đời văn cụ thể mở ra, xới lên những suy nghĩ chung về cuộc đời, về văn chương nghệ thuật... Đó là loạt bài về Thế Lữ như là người mở đường táo bạo (ở phong trào thơ mới) và cũng biết dừng lại đúng lúc; về Thạch Lam vừa thấm đẫm ảnh hưởng của văn hoá phương Tây vừa tìm về cội nguồn văn hoá, về Nguyễn Tuân với vẻ cổ kính rất hiện đại trong giọng điệu văn chương quy tụ được những phẩm chất khác nhau: rất cụ thể mà cũng rất thơ mộng, vừa nhạy cảm vừa uyên bác...
Vương Trí Nhàn cảm nhận văn chương thường ưa thích vận dụng so sánh, liên tưởng từ nhà văn này tới nhà văn khác, từ chuyện văn chương tới chuyện làm ăn, sinh hoạt, nhằm cụ thể hoá sự lý giải của mình. Cho nên, các tiểu luận không được trình bày, phân tích và bình giải một cách khô khan bằng lý lẽ mà dung dị phóng túng như sự tự giãi bầy những cảm nhận, có tính chất thu hoạch lấy thẳng từ những trang viết trong sổ tay cá nhân của tác giả nên linh hoạt mềm mại, rất dễ đọc và đọc không sợ mệt hoặc chán.
Tuy vậy hình như sự cố gắng ghi lại thật ngắn gọn những ấn tượng vốn có của mình về các nhà văn và đời văn của họ ở đây, không phải bao giờ cũng dễ dàng, làm một lần là xong, nên nhiều khi tưởng Vương Trí Nhàn phải viết thêm vài bài khác bổ sung thành hẳn một chùm những mong vẽ được diện mạo của một nhà văn mà tầm hoạt động và sự nghiệp vốn phong phú như trường hợp của Tú Xương, Nguyễn Tuân, Nguyễn Minh Châu, Nam Cao, Nguyễn Bính, Xuân Diệu, Thạch Lam, Tô Hoài, Nguyễn Khải. Nhất là ở các bài viết mà đây đó đưa ra được những nhận xét tinh tế, sắc sảo nào đấy như vì chưa khai triển, đào sâu đến đủ mức độ cần thiết đã vội dừng lại hoặc chuyển sang một ý tưởng khác, rút cục mọi điều đem ra bàn bạc như còn dang dở, nửa chừng, nên chưa làm thoả mãn được bạn đọc muốn hiểu kỹ lưỡng hơn, đầy đủ hơn điều mà bài viết gợi ra. Nên Cánh bướm và đoá hướng dương có gì đấy như những dịp thử bút, những phác thảo thăm dò nhiều hơn là các tiểu luận - phê bình hoàn chỉnh về vấn đề đặt ra trong chừng mực cho phép. Với cảm giác như vậy, công chúng chờ đợi một tập sách khác của Vương Trí Nhàn sẽ bù đắp được phần thiếu hụt này chăng?.
(Phụ san VNQĐ số ra 25-6-1999)
Nguyễn Văn Thành
SỐ TRUY CẬP online