Cuốn sách có thể thay bản tham luận tại đại hội nhà văn VI

(nhân đọc Buồn vui đời viết của Vương Trí Nhàn, Nxb Hội Nhà văn, 1999)
Các bạn văn thường có ấn tượng về Vương Trí Nhàn như một nhà phê bình sắc sảo, tinh quái, có khi nghiệt ngã nữa trong đời thường và trên các trang viết. Các đồng nghiệp khác của anh mỗi người thường chuyên chú vào một thể loại. Còn anh, anh nổi lên như một nhà bình luận sắc sảo về đời sống văn học hôm nay (giai đoạn văn học đổi mới với cơ chế thị trường). Buồn vui đời viết là tập hợp những bài báo tiếp cận với tình hình văn học như vậy. Có thể nói bằng cách nhìn khái quát và những bài phân tích bình luận xác đáng từng vấn đề, anh đã dựng lên một bức tranh toàn cảnh về hiện tình văn học và rung lên hồi chương cảnh tỉnh các nhà văn đang mải chạy theo nhu cầu của đời sống, của cơ chế thị trường mà sao lãng nghiệp văn chân chính của mình. Anh đã đối chiếu tấm gương lao động nghiêm túc của các bậc thầy lớp trước như Cao Xuân Huy, Nguyễn Từ Chi, Trần Đình Hượu... để tự nhận xét về thế hệ mình: vừa ham chơi vừa ham danh lợi như phần lớn chúng tôi"... "...lần lữa qua ngày, tham bát bỏ mâm, sống bằng những quả pháo chuột lẹt đẹt mà không bao giờ có nổi một quả pháo đùng của ... cả một đời cầm bút (Bao giờ có mặt hàng riêng?) Căn bệnh lớn nhất của nền văn học hôm nay là bệnh thiếu đỉnh cao, văn học được mở ra theo chiều rộng, có nền mà không có đỉnh (Không nỗi lo nào là của riêng ai).
Là một nhà phê bình, anh phản ứng một cách chính đáng trước những sự khen tặng không có chuẩn mực gì, nhân bài viết về lễ bế giảng khoá V trường viết văn Nguyễn Du in trên Văn nghệ số 31 (19997). Anh phân tích: Sở dĩ bài viết này làm bạn đọc trái tai, vì những mỹ từ được xuất hiện quá tập trung, chứ nhìn rộng ra trên các trang viết sách báo hiện nay, lời lẽ đâu có hạn chế hơn, như giải nhất một cuộc thi thơ được gọi là trạng nguyên thơ, một số người dùng theo, không thấy gì là chướng. Căn bệnh ấy giống như việc cho điểm ở một trường (không phải là ít), đáng 7 thầy cho 10, không mất gì của thày mà còn mang lại niềm vui cho cả học trò, phụ huynh, niềm vui cho Sở, cho Bộ, tội gì không cho. Nhưng Vương Trí Nhàn vẫn cho đó là bệnh nhẹ, anh cho rằng: đó là dấu hiệu của căn bệnh trầm trọng hơn: bệnh thiểu lực do sức sáng tạo suy yếu, thành quả làm ra chính người trong cuộc cũng thấy không vừa lòng, mà không biết cách nào làm được hơn, đành phải vuốt ve mơn trớn nhau, đề cao nhau, cho đỡ buồn. Theo anh, tiểu thuyết phần lớn viết dông dài, không dựa trên quan niệm vững chắc nào về thể loại. Truyện ngắn xuất hiện đều, nhưng... nhiều tập truyện của một tác giả thường được gom lại tuỳ tiện, đại khái như một rổ hoa quả, dăm quả doi, vài quả ổi, mấy quả nhãn, xanh chín lẫn lộn, bảo đa dạng cũng được, mà bát nháo cũng được. Phê bình văn học thì gặp đâu hay đó, tản mát tuỳ tiện, đến mức phải nghĩ rằng nó hầu như không có. (Bốc đồng và những nguyên do của nó). Điểm qua một số điều kiện in ấn, anh cho rằng Chúng ta đang viết văn trong một hoàn cảnh thuận lợi hơn bao giờ hết (trang 173) nhưng vẫn không có tác phẩm hay, bởi: Khi một nghệ sĩ thiếu đi đủ thứ, từ học vấn đến lòng tự trọng, nhất là thiếu đi những yêu cầu cao về nghề nghiệp, tóm lại, thiếu đi nội lực cần thiết thì chẳng những không thể khai thác tốt mọi thuận lợi, mà trong hoàn cảnh mới, lại có dịp bộc lộ nhiều nhược điểm nặng nề.
Qua một số việc trong đời thường, như cô bạn anh dọn tủ sách, khi có hai cuốn cùng tên, cùng tác giả, một cuốn in trên giấy nội đen xỉn, một cuốn giấy trắng ngon lành như miếng giò lụa. Tất nhiên cô bạn sẽ loại bỏ cuốn giấy đen, nhưng anh ngăn lại: Chưa chắc bản giấy trắng đã đáng giữ hơn có thể có hàng tạ lỗi chưa ai sửa, có thể thiếu đi cả một tay sách chưa biết chừng, để nói về việc làm sách ào ào tuỳ tiện hiện nay. Rồi một số hiện tượng biên soạn sách liều lĩnh chụp giật, chủ yếu chỉ là photocoppy hoặc là con số cộng của các bản tham luận, rồi hiện tượng nhà văn trẻ được mang danh là trẻ mãi đến khi có... cháu ngoại.
Là người quan tâm đến từng động tác làm ăn của đồng nghiệp, lại là cán bộ lâu năm của Nxb Hội Nhà văn, có thể nói Vương Trí Nhàn đã có một góc độ ưu thế để dựng được một bức tranh khái quát về đời sống văn học, cách sống cách viết và việc in ấn của các Nxb hiện nay bằng những phân tích ngắn gọn, hóm hỉnh, có lúc sắc sảo đến nghiệt ngã, như anh tự nhận. Cách viết của anh như con dao mổ mini dưới bàn tay thành thạo của một bác sĩ ngoại khoa đang rạch những đường chính xac đến từng ly mét. Nhiều khi ở dạng một câu khen, anh chỉ cần bớt hoặc thêm một chữ, đã lái nó thành câu trào lộng. Bình về việc đầu năm 1998, đã in xong cuốn Truyện ngắn hay 1997, không cần đến độ lùi thời gian cần thiết để đánh giá cho chuẩn, anh bình: "Đời sống văn học vận động thật nhanh nhảu và cũng thật hào phóng!"
ở đại Hội Nhà văn, tất nhiên ta đã được nghe những báo cáo về thành tựu của văn học nhiệm kỳ qua như thường lệ. Tất nhiên thành tựu là có thực, nhưng không thể không nhắc nhở những gì đang tồn tại (và sẽ tồn tại). Buồn vui đời viết của Vương Trí Nhàn có thể là một đối trọng với những thành tựu trên. Giới nhà văn rất cần có những cây bút phê bình nghiệt ngã, riết róng như vậy, để ta chớ vội ngủ yên trên những thành tựu ẩn bên dưới cả rừng sách vừa xuất bản.
(10-6-2000)
Vân Long
SỐ TRUY CẬP online