Ngân Giang

Cuộc đời làm thơ của bà bắt đầu từ rất sớm . Theo những tài liệu công bố mới đây , bà đã có thơ đăng trên báo Đông Pháp từ khi mới tám tuổi , tức năm 1924 ,và trong mấy năm 1941-1944 đã cho in những tập thơ đầu tiên . Thế nhưng Ngân Giang Đỗ Thị Quế lại không có được may mắn như những Thu Hồng ,Vân Đài , Mộng Tuyết , Hằng Phương ...nghĩa là có thơ đưa vào bộ Thi nhân Việt Nam 1932 - 1941 do Hoài Thanh tuyển chọn. Thậm chí, giờ đây đôi người vẫn không khỏi bỡ ngỡ khi thấy tên bà trong các tuyển thơ tiền chiến .
Từ sau 1945 , việc đưa thơ đến với đông đảo bạn đọc ở bà lại có những khó khăn khác . Bà kể : “ Trong cuộc đời tôi từng chịu quá nhiều khổ đau ,xót xa ,oan uổng .” Và việc đó ảnh hưởng đến sự in thơ . Nếu chỉ qua những tuyển thơ hoặc các bộ lịch sử văn học viết ra từ trước 1985 thì người ta gần như không được biết gì về nhà thơ này . Chỉ mươi mười lăm năm gần đây ,mới có ngày một thêm nhiều bài viết về bà . Và thỉnh thoảng một tập thơ Ngân Giang lại thấy bày bán .
Một trong những lý do khiến một số người không xếp thơ Ngân Giang vào nhóm Thơ mới là ở cung cách cổ điển của ngòi bút này . Không phải ngẫu nhiên một số bài thơ mới sưu tầm gần đây của bà là rút ra từ tạp chí Tri Tân , một tờ báo mà nhiều cộng tác viên là các cụ đồ nho còn áo dài khăn đóng khi ra đường , và rất hay bàn chuyện lịch sử . Đọc Ngân Giang , người ta nhớ đến thời của Tản Đà ,Nguyễn Trọng Thuật ,Trần Tuấn Khải ... Trong cái chặt chẽ của niêm luật, những bài dở đồng thời là những bài gò gẫm ,không tự nhiên. Nhưng hãy thử đọc những bài hay nhất của Ngân Giang , ở đó những từ ngữ tưởng rất sáo như có dịp sống lại và chúng ta gặp một chất thơ hào sảng mà phong vị cổ kính chỉ càng tôn lên vẻ đẹp riêng :
ải bắc quân thù kinh vó ngựa
Giáp vàng khăn trở lạnh đầu voi
Chàng ơi điện ngọc bơ vơ quá
Trăng chếch nghiêng trời bóng lẻ soi
Trưng Nữ Vương --1941

Năm cửa ô vùng lên tiếng hát
Đón muôn nhịp bước chín thu ròng
Đã khơi nguồn sống trong dân tộc
Đẹp cỏ hoa và đẹp núi sông
Chín mùa trông đợi – 1954
Tác giả của những vần thơ giàu chất từ chương đó , thật kỳ lạ , lại là một con người có cuộc sống rất hồn nhiên mang đậm dấu ấn bình dân . Nhà thơ thời nay thường là những người đi dần từ ít bài thơ in báo đến những cuốn sách ; tập nọ tập kia nối tiếp ra đời , rồi tác giả được xếp hạng trên văn đàn theo tài năng và lứa tuổi , và dù theo những cách khi ẩn khi hiện , khi trực tiếp khi gián tiếp khác nhau , song cuối cùng thơ có tham gia vào việc kiếm sống . Ngân Giang không tồn tại theo kiểu đó . Bà vẫn sống như một nghệ sĩ dân gian . Những năm cuối đời , trên cái ngõ hẹp ngoài bãi Phúc Xá , bà mở một quán nước độ nhật . Thỉnh thoảng có ai đến chơi thì cùng mang thơ ra đọc ,còn khoẻ thì sẵn sàng chép thơ kỷ niệm cho người đến thăm , lấy thế làm vui ! Có lẽ nhờ cách sống cách nghĩ hồn nhiên hoang dã ấy mà bà chỉ chịu chia tay cuộc đời khi còn ít năm nữa là bước sang tuổi chín mươi , cái tuổi mà người ta thường gọi là đại thượng thọ .
SỐ TRUY CẬP online