Từ người đến với văn

Là một cây bút phê bình gắn bó với đời sống văn học, tuy chưa già nhưng cũng chẳng còn trẻ trung gì nữa, Vương Trí Nhàn vẫn ngần ngại xếp tập sách mới nhất của mình - Những kiếp hoa dại- vào loại phê bình tiểu luận, mà thích gọi nó là "chân dung và phiếm luận văn học". Dường như dưới hình thức này, anh tỏ ra thoải mái hơn khi bàn về các hiện tượng văn học hay thử hướng vào những vấn đề đang đặt ra trong quá trình phát triển của nền văn học chúng ta.
Những kiếp hoa dại, không đi vào phân tích những tác phẩm văn học cụ thể, mà thường xuất phát từ hiểu biết về con người nhà văn, kết hợp với ấn tượng khi tiếp xúc với tác phẩm của họ để "tưởng tượng", suy nghiệm ra những liên hệ giữa tác giả và tác phẩm. Nói rõ hơn, Vương Trí Nhàn đã đi từ người sáng tạo để đến với thành phẩm của sáng tạo, để rồi luận bàn về văn học không phải theo cách hàn lâm, trên cơ sở của các khái niệm lý thuyết mà chỉ muốn tâm sự cùng bạn đọc và cả với tác giả nữa những tâm đắc của mình. Vốn trí thức, sự mẫn cảm cũng như mối quan hệ tự nhiên thân thuộc với giới sáng tác là những điểm tựa tin cậy, khiến cho không ít trường hợp tác giả của Những kiếp hoa dại tránh rơi vào cảm tính, phiến diện vốn dễ mắc ở lời thẩm định văn chương phi văn bản này, để có được những kiến giải thấu đáo, thú vị.
Mặc dù quan tâm đến toàn bộ cuộc đời và sự nghiệp của nhà văn khi phác vẽ chân dung họ, Vương Trí Nhàn biết lấy ra chỉ vài chi tiết, từ chuỗi dữ liệu phong phú bề bộn trực tiếp soi sáng động cơ sáng tạo rồi thông qua cảm nhận của mình dựng lên bộ mặt tâm hồn của từng nghệ sĩ như cách dò đoán của nhà văn "nhân tướng học". Chẳng hạn với Xuân Quỳnh, theo trực cảm của anh, đó là "một con người sống bằng tình yêu, làm thơ nhờ tình yêu, sung sướng vô cùng trong tình yêu và cũng bị tình yêu hành hạ đến cùng cực" (tr.14). Với Hàn Mặc Tử, thì chính căn bệnh hiểm nghèo vừa là "bất hạnh trời đày" vừa là "may mắn ngẫu nhiên", đưa nhà thơ lạc vào "khu vực của những kích động tình cảm lên tới cùng cực" sẽ là suối nguồn của "giọng thơ độc đáo" trong nền thơ Việt Nam hiện đại (tr.71). Hoặc sự cố hỏng thi trong đời Tú Xương được nhìn nhận như là nhân tố làm xuất hiện một phong cách thơ dựa trên "cảm giác cơ nhỡ" (tr.121). Từ sở thích ham mê bóng đá đến biệt tài đánh đáo của Nguyên Hồng, Vương Trí Nhàn giả định rằng tác giả của Những ngày thơ ấu bắt gặp hình ảnh của chính mình ở lối lập nghiệp dựa vào năng khiếu, đi lên từ cuộc sống lam lũ vỉa hè, vươn tới đỉnh cao vinh quang của các câu thơ (tr. 34). Lý giải sự nối tiếp của Nguyễn Tuân bằng cách phân tích sự độc đáo tài hoa trong khi chất văn của tác phẩm Vang bóng một thời thì nhiều người đã làm, nhưng ít ai lưu ý tới việc chính những giai thoại mà Nguyễn góp phần tạo ra chung quanh hành trang của mình cũng là một lý do khiến cho tác phẩm của Nguyễn Tuân "có thêm cái lung linh mà người đọc phải cố tìm biết" (tr.38).
Cắt nghĩa chất thơ trong văn xuôi Hồ DZếnh, Vương Trí Nhàn tìm đến cái vị thế "chông chênh", "quê hương là thực mà như là hư", gần gũi đấy mà xa vời đấy", của tác phẩm Chân trời cũ (tr.24). Trường hợp Xuân Diệu một nhà thơ có sức viết khoẻ và nhanh, không chỉ ở địa hạt thơ mà cả ở nghiên cứu, lý luận phê bình về thơ, tác giả của Những kiếp hoa dại đã hư cấu ra một cuộc phỏng vấn xuyên thời gian với người đã khuất, để chính Xuân Diệu tự bộc lộ: "Còn tôi, không có gia đình, tôi chỉ lấy viết làm vui " (tr.53). Cũng từ hành trang của các nhà thơ: Thâm Tâm (1915-1950), Trần Huyền Trân (1913-1989), nhà phê bình của chúng ta xem đó là loại nghệ sĩ tài tử, với họ "thơ là một cái gì ngẫu nhiên xuất hiện", "làm ra không cốt công bố" (tr.47 và 48). Về hiện tượng Nguyễn Huy Thiệp một cây bút từng gây ra dư luận trái chiều cho đến nay vẫn chưa ngã ngũ, trong mắt của Vương Trí Nhàn thì nét chính trên khuôn mặt văn học của nhà văn này là vẻ "nhàu nát, tê dại, để rồi trở nên hung hãn, táo tợn" (tr.17) và "văn chương Nguyễn Huy Thiệp có phần giống con gái Thuỷ thần, hoặc một thứ con hoang... chỉ có điều là phong cách con hoang dị dạng đó lại biết nói về những đặc trưng của cuộc sống hôm nay đích đáng" (tr.17).
Xuôi theo dòng của những ấn tượng, tác giả của Những kiếp hoa dại thử đưa ra những cách thử hình dung về những nhà văn, những hiện tượng văn học mà trước đó đã có không ít những bài viết của các cây bút lý luận khác nói đến. Vương Trí Nhàn không muốn tranh cãi với ai, anh chỉ góp thêm một tiếng nói, một kiểu lý giải, đề nghị một cách nhìn. Thật ra có lúc, Vương Trí Nhàn đã sa vướng vào chủ quan mà không tự biết. Trong bài Thạch Lam về với cội nguồn từ văn hoá, bên những ý kiến tinh tế, anh lại để lọt vài nhận định thiếu chính xác rằng "không chỉ so với các nhà văn thuộc Tự lực văn đoàn, mà trong cả dàn nhạc tiền chiến, Thạch Lam vẫn là khuôn mặt phương Đông rõ ràng và khả ái hơn cả"? (tr.29). Ngay tên gọi- Những kiếp hoa dại không hề là cách chơi chữ, làm duyên mà liên quan tới chủ kiến mang tính nền tảng, xuyên thấm vào toàn bộ tập sách này, chí ít cũng bắt nguồn từ quan niệm của Vương Trí Nhàn về đội ngũ những người cầm bút viết văn hiện nay, tới tình trạng mà anh gọi là "nghiệp dư" của nó trong sự liên tưởng tới "hình ảnh của các loài cây dại" (tr.112). Quan niệm này cùng một vài nhận xét rải rác đây đó, chẳng hạn cho rằng "đến nay chúng ta chỉ có những cán bộ viết văn chứ không có những người viết văn sống bằng nghề nghiệp của mình" (tr. 113) hoặc "thiếu lý tưởng nghề nghiệp, thiếu cốt cách trí thức; đây có phải căn bệnh có thật của những người viết văn hôm nay không", v.v dường như chưa hẳn được chia sẻ, thậm chí còn cần được bàn bạc, trao đổi ý kiến lại với tác giả thấu đáo hơn, rạch ròi hơn. Những điều đáng ghi nhận ở đây là tiếng nói nghiêm túc, không phải từ tháp ngà xa xôi vọng tới trong một tầm gần gũi thân mật của người trong cuộc, cố gắng tự ý thức về công việc của mình, về một nghề nghiệp cao quý là sáng tạo văn học.
(Nhân dân chủ nhật 8/5/93)
Ký bút danh Châu Thành Nguyễn
Nguyễn Văn Thành
SỐ TRUY CẬP online