Nhịp đập của một bài báo

Đến bây giờ tâm trạng háo hức vẫn chưa mất đi trong chúng tôi khi đón chờ NTNN số thứ Hai hàng tuần để tìm đọc cái góc riêng yêu thích "Những lời cảnh tỉnh của người xưa". Nơi đây có trích đăng lại những bài, những đoạn báo đã ra đời cách đây gần trăm năm. Báo chí như một loại thức ăn nhanh, đọc rồi vứt, thế nhưng trong chuyên mục này, những bài báo của đầu thế kỷ XX vẫn nóng hổi thời sự hôm nay. Đấy là cái tài của cây bút tâm lý xã hội thời trước, những con người góp phần sinh ra nghề báo Việt Nam- những Nguyễn Văn Vĩnh, Phan Khôi, Phan Chu Trinh, Phan Kế Bính v.v...
100 năm sau liệu mấy người làm báo hôm nay được hậu thế trân trọng trích đăng lại tác phẩm của mình? Thế nhưng chúng tôi tin rằng, 100 năm sau nữa, những bài báo trong chuyên mục này có được một Vương Trí Nhàn khác phục sinh lại trong một chuyên mục nào đó thì chắc hẳn chuyên mục ấy vẫn được độc giả hồ hởi đón đọc như chúng tôi hôm nay. Suy nghĩ như thế và chúng tôi đã chợt giật mình khi thấy ra cái tầm của người tổ chức tờ NTNN- họ đã tạo được một tiếng nói riêng, một sự độc đáo riêng cho tờ báo mình bằng việc trở về tìm trong di cảo "một tiếng nói lạ", "tiếng nói phê phán thói tật xấu của người Việt trong quá khứ" để gióng động một tiếng chuông cảnh tỉnh con người, cảnh tỉnh xã hội hôm nay. Từ yêu thích riêng tư "Những lời cảnh tỉnh của người xưa", chúng tôi đã may mắn trở thành cộng tác viên của NTNN.
Dù chưa biết mặt, biết người, nhưng qua mỗi bài báo được đăng chúng tôi vẫn thường được "trò chuyện" cùng nhiều thành viên trong Ban Biên tập NTNN. Họ không nói nhưng "chỉ" cho chúng tôi nhiều điều. Một lần chúng tôi đưa tin tường thuật lại một vụ tàu đánh cá bị chết máy ngoài khơi. Báo đăng và tôi thật ngạc nhiên khi đọc cái "tít": Đích thân chủ tịch tỉnh chỉ đạo cứu tàu v.v... đây chỉ là một thông tin nhỏ trong tin nhưng với NTNN nó trở thành quan trọng, trở thành "vấn đề" bao trùm của cả cái tin, nó khẳng định sự quan tâm của chính quyền trước những rủi may của người dân... Và chúng tôi đã có một cái tin hay ngoài... chú ý của mình. Sau đó ít ngày, khi người trên con tàu này được giải cứu, chúng tôi có nhận được một gợi ý của một thành viên trong BBT, rằng hãy chọn cái gì có vấn đề mà viết. Chính gợi ý này đã làm chúng tôi phân vân. Trong khi các bạn mình say mưa mô tả tình cảnh của các nạn nhân tàu đắm trên cả trang Tuổi trẻ, Lao động, Thanh Niên... thì chúng tôi lặng thầm hơn đi nói một điều hơi lạ: Rằng sự quay lưng lại của các bạn nghề với nhau mới là điều khủng khiếp nhất của giới đi biển. Trước khi tuyệt vọng vì bão tố, vì đói khát, những kẻ rủi ro đã đối diện với một nỗi tuyệt vọng còn lớn lao hơn- đấy là sự lạnh lùng của chính những bạn mình. Bài báo chí vẻn vẹn nửa trang, chỉ có một cái ảnh được đăng, nhưng đấy lại là một bài báo "lạ", có giọng điệu riêng- giọng điệu rất NTNN. Và nó được nhiều người đón nhận.
Có những bài báo đã đăng rồi, 100 năm sau đăng lại vẫn thấy hay. Còn chúng tôi viết cho NTNN chỉ mong sao cho những tác phẩm của mình không chết trước khi người phát hành làm xong nhiệm vụ. Nó vẫn còn một cuộc sống khác, thật sinh động, trong lòng độc giả dù chỉ vài giây sau khi độc giả đọc hết dòng cuối. Như thế đã là tốt rồi!
Nông thôn ngày nay, số đặc biệt kỷ niệm 20 năm thành lập.
Cẩm Châu
SỐ TRUY CẬP online