Đời sống văn nghệ hôm nay

Những kiếp Hoa dại trong con mắt một nhà phê bình
Nếu không có gì thay đổi, 94 là năm sẽ diễn ra Đại hội nhà văn Việt Nam lần thứ 5. Trong sự chờ đón sự kiện văn học này của năm mới, chúng tôi phỏng vấn nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn - người luôn thị sát văn mạch của đất nước và thấu hiểu chuyện hậu trường làng văn nghệ với những bài viết thời sự và sắc bén. Mới đây, tập chân dung phiếm luận văn học - Những kiếp hoa dại- của anh là tác phẩm được độc giả trong ngoài giới tìm đọc.

- Trong sách của anh có bài viết trang trọng "Để nghề viết văn trở thành một nghề cao quí", vậy mà cái tên tập "nghe ra ngậm đắng nuốt cay thế nào"!?

- Chẳng riêng dân sáng tác, bản thân đám phê bình chúng tôi cũng thuộc "kiếp hoa dại" mà thôi. Văn chương là cái nghề mong manh, vất vưởng, đời đời khởi nghiệp, mà sự nghiệp thì mỏng dính! Phê bình thì càng giao du nhiều bao nhiêu càng dễ đụng chạm bấy nhiêu nếu viết đúng điều mình nghĩ. Tôi vốn là anh nhát, thấy cái gì đáng thì muốn viết ngay, về nghĩ kĩ thấy ngại, mà rồi rốt cuộc vẫn không đừng được. Lâu nay, hình như hai vai trò "sợi dây trói" và "người ngợi khen" có vẻ vẫn là thái độ chưa chịu triệt tiêu trong bình xét? Vậy thì sá gì lũ phê bình chúng tôi!

- Anh nhận xét gì về tình hình văn học mấy năm qua?

- Gần như không lấy gì khả quan cho lắm. Lớp người viết già vẫn hơn trẻ, trước vẫn hay hơn sau dù từng người một có thể kém. Cho đến thập niên 90 rồi mà văn học của chúng ta vẫn chưa thoát khỏi khuôn khổ và cầm cỡ của một nền "văn hoá nội địa", không dây dưa gì đến những trào lưu chung của thế giới. Một tác phẩm được đánh giá cao ở nước ngoài không dễ được đưa tin hồ hởi trong khi một sản phẩm vật chất dù nhỏ bán được ra ngoài, có được tiếng khen, đã mừng rú. Gần đây nhất, tiểu thuyết của Phạm Thị Hoài được giải ở Đức, truyện ngắn của 5 tác giả được một nhà xuất bản lớn nhất ở Pháp dịch in- thử hỏi đã mấy ai biết ngoài đám chuyên tọc mạch chuyện văn chương chúng ta?!

- Hiện anh có vẻ là người chịu khó quan tâm đến thể tạng văn học chung- có phải anh chủ trương giảm bớt lối phê bình chuyên môn hoá để làm thành các bài báo mang tính văn học?


- Tôi vẫn viết chuyên luận chứ, nhưng chưa in thành tập. Lâu nay tôi cộng tác với tờ "Thể thao Văn hoá" như một người viết báo chuyên nghiệp và thấy phù hợp. Mặc dù lắm lúc biết rằng thứ"văn hoá quà vặt" đó cũng chẳng bổ béo cho ai- trong khi người làm văn đôi khi na ná anh hát xẩm. Vả chăng có nên đề cao quá đáng văn học? Tôi nhớ người bạn đời của Sartre là Beauvoir từng than thở về sứ mạng nhà văn "Thật không ngờ là nghề văn óc lắm ý nghĩa đến thế, trong khi nó chỉ có thế!" - Đùa cho vui, dù chọn lối viết suồng sã trêu chọc song không vì thế mà tôi dám phủ nhận "cái nghề cao quí" cũng như tình yêu của mình đối với nó! Về phía người đọc, tôi luôn nghĩ rằng họ không chán, nên mọi cố gắng thuộc loại giải thích, "dạy dỗ " trong sáng tác hay phê bình đều hết sức lạc hậu.

- Có điều này: phần chân dung văn học có chỉ định và cả ám chỉ tên tác giả của anh, nhiều chỗ gai lắm- thậm chí đôi khi gần như còn là tiết lộ bí mật của người này người khác- anh không ngại ư?


- Ngại thì quá đi rồi, tuy nhiên sắp tới tôi còn định viết tiếp một loạt huyền thoại văn học nữa- kiếm đâu ra lắm giai thoại và nhân vật kì lạ như ở làng văn An Nam ta! à, trong Những kiếp hoa dại tôi có in lại bài viết ưng ý "Mặc cảm- Tha hoá- Phân thân trong tâm lí người cầm bút" đấy.

(Tiền Phong chủ nhật)
Dương Phương Vinh
SỐ TRUY CẬP online