Sự tận tâm nghề nghiệp

Đọc - Những kiếp hoa dại- của Vương Trí Nhàn - Nxb Hội Nhà văn, 1993

Cả tên sách, thêm nữa là cách trình bày bài của hoạ sĩ Lương Đoàn khiến Những kiếp hoa dại của Vương Trí Nhàn gợi ta nghĩ đến một tập thơ. Nhưng đây là tập thơ chân dung và phiếm luận văn học.
Đọc một mạch, gấp sách lại, ngẫm nghĩ, tôi thấy các tác giả, cả nhà văn cũng như hoạ sĩ có lý của mình. Một nỗi buồn nào đó, sâu kín, thâm trầm, thấm đượm qua từng trang sách.
Có thể chỉ là trong tìềm thức, nhưng nhà thơ thầm cảm thấy hoa dại, cỏ dại là ứng với mình, thân phận mình... Trong hình ảnh hoa dại, nhà thơ không chỉ tìm thấy niềm an ủi, ở đó còn bao hàm cả lời thú nhận về sự bất lực cả bản thân, cả nỗi hờn tủi, oán trách...
Thơ, trong một nghĩa rộng, là tất cả những gì thuộc về lĩnh vực nghệ thuật, lĩnh vực tâm hồn. Nó như một thứ nghiệp chướng luôn ám ảnh lên bất cứ số phận nào, dù cả dời không hề viết một dòng thơ, nhưng rủi ro sinh ra đã mang theo một tâm hồn quá nhạy cảm với cái đẹp.
Có thể chỉ là một ngẫu nhiên, nhưng là ngẫu nhiên từ tiềm thức, những chân dung văn học của Vương Trí Nhàn hầu hết là về các nhà thơ. Ngay với những tác giả vẫn được xếp là nhà văn ta cũng thấy điều này, Nguyên Hồng là tác giả tập thơ Trời xanh với Cửu Long Giang ta ơi nổi tiếng. Nguyễn Tuân, Nam Cao, Paoutôpski đều từng làm thơ. Thạch Lam hết sức am tường thơ ca. Và không ngẫu nhiên mà B. Patecnăc đã tìm thấy những tương hợp giữa Maiacôpxki và Đôxtoiepxki... Một hệ quy chiếu nào đó? Những tác giả rất tinh tế trong cảm thụ thực tại và rất kỹ trong văn...
Tác giả là người từng đóng góp nhiều cho tủ sách chân dung văn học. Anh biên tập và tổ chức sách. Anh viết. Anh dịch... Với tất cả lòng yêu mến và sự tận tâm nghề nghiệp.

Nhưng có lẽ đến những kiếp hoa dại Vương Trí Nhàn mới cho ta thấy hết phong cách viết chân dung của anh. Viết từ sở trường của một nhà phê bình văn học. Nghĩa là luôn luôn nhìn văn học trong dòng chảy của những biến động. Chỉ viết những gì đặt ra từ những yêu cầu, đòi hỏi của văn học đương đại. Viết như tìm kiếm một câu trả lời cho ngày hôm nay. Trên một hằng số về phẩm chất giá trị tác giả, Vương Trí Nhàn đưa ra những biến số khả biến, những phỏng đoán, những phóng tưởng. Phải có một kiến thức vững chắc và một nhãn chứng biện chứng mới có thể làm điều này. Dĩ nhiên, khi cần Chuẩn anh là người rất chuẩn. Nhưng hình như anh vẫn thích những cuộc đối thoại qua không gian, qua thời gian, ở đó anh bộc lộ được hết những gì là của mình. Những khắc khoải, những tâm đắc, những đau đớn, những hy vọng... Khi mực thước trân trọng, khi suồng sã thân mật, anh kéo ta đi cùng với anh qua những tưởng tượng đôi khi thật phóng túng nhưng bao giờ cũng thú vị. Ta có thể không đồng ý với anh, có thể trao đổi lại, tranh luận... nhưng bao giờ anh cũng giữ được cái duyên cho ngòi bút của mình. Trong nhà phê bình này tiềm ẩn một nhà sáng tác? Anh biết những điểm dừng. Những chân dung của anh có trang viết không nhiều, nhưng bao giờ cũng đọng và gợi.
Cho tôi mở một dấu ngoặc nhỏ, ở đây tôi chỉ viết về những ấn tượng chính với riêng tôi mà những trang viết của Vương Trí Nhàn mang lại. Tôi hoàn toàn không có tham vọng có một cái nhìn hay đánh giá toàn diện.
Không rõ cách hiểu của tôi có thể chia sẻ với tác giả cũng như người đọc khác được không, nhưng tôi có cảm giác như những phiếm luận của Vương Trí Nhàn, xét đến cùng, cũng là một thứ chân dung văn học. Và ngay trong các chân dung văn học ta cũng luôn gặp chất phiếm luận bàng bạc qua từng trang. Phải, đây là chân dung văn học của cả một thời. Biết bao giá trị đáng trân trọng. Còn cả bao điều phải ngượng ngùng, nếu không muốn gọi là xấu hổ. Khi chúng ta nhắc đến một thứ văn hoá quà vặt, một thứ bóng tối ở dưới chân đèn, một thứ vũ khúc không buồn mà tê tái, một thứ cơ thế tự thoả mãn trong đời sống văn học chúng ta, cũng là lúc chúng ta hiểu rằng thế hệ chúng ta phải chịu trách nhiệm tất cả. Mong những thế hệ đến sau sẽ đọc lại, nhìn lại, và có thể họ sẽ độ lượng hơn. Còn chúng ta, chúng ta phải nhìn thẳng vào chính những xót xa, những cay đắng của mình. Chúng ta còn đẩy nó cho ai được. Có người sẽ nói, xát muối chi lên những vết thương. Nhưng không xát muối vết thương sao có thể hi vọng được lành lại. Khi ta mong để cho nghề viết văn trở thành một nghề cao quý, cũng là lúc ta nhận thức được là chúng ta đã làm nhiều điều không phải, không như ý. Khi chúng ta phân tích đến mặc cảm phân thân cũng là lúc chúng ta ý thức về những mất mát những tha hoá. Nếu có một chút gì an ủi, thì nói như tác giả, ta cũng lầm lạc nhưng chúng ta man trá. Ngòi bút tác giả mổ xẻ, đau đớn. Những trang viết chua chát nhưng cảm động. Có lẽ là thái độ đúng nhất để nói rằng chúng ta không man trá, không muốn man trá... Với những người đang sống cùng thời. Với những người sẽ đến sau. Và có lẽ, với cả những thế hệ trong quá khứ.

Phải tâm huyết với văn học, với nghề văn, tác giả mới có thể viết những trang như ta đang có trên tay. Không thiêng liêng hoá văn học và nghề văn một cách giả tạo, phù phiếm, tác giả chỉ yêu và mong đợi những gì thật giản dị, lặng lẽ, khiêm nhường mà nghệ thuật mang theo một sứ mệnh thiêng liêng. Nó thiêng liêng và giản dị như con người, đời sống con người.
Người ta thường nhắc đến cái tôi trữ tình trong thơ. ở đây tôi gặp cái chủ thể trữ tình của nhà phê bình. Chính nó tạo ra mạch văn, hơi văn cho những trang viết. Trong một nghĩa nào đó, Những kiếp hoa dại như một thứ tự thuật. Và như một cuốn sách cho nghề viết văn. Nó đặt ra những vấn đề về sứ mệnh, về lương tâm, về phẩm cách...

Những trang cuối sách... Thử nhại Thánh Thán, Vương Trí Nhàn viết: một người bạn mình vốn phục vì có tài, song lận đận mãi. Tự nhiên anh ấy viết được một cái thật khá; giống như đi chợ kiếm được thứ ổi trái mùa, ngon lành mà lại lạ miệng, thiên hạ ai cũng thích. Bản thân mình như được tiếp một nguồn kích thích mới, thêm hăm hở viết, chẳng cũng sướng sao!
Tôi thích cuốn Những kiếp hoa dại của Vương Trí Nhàn. Và tôi mong rằng nhiều người cũng thích cuốn sách của anh.
(Văn nghệ 1994, Phụ nữ TP HCM 30-7-94)
Ngô Thế Oanh
SỐ TRUY CẬP online