Phê bình, có phải là như thế?

Nhân đọc - Những kiếp hoa dại- của Vương Trí Nhàn - Nxb Hội Nhà văn, 1993, in lần thứ hai có sửa chữa và bổ sung, 1994)

Muốn tìm đọc chơi một bài được gọi là phê bình, thật chẳng có gì là khó. Bạn cứ việc giở bất kỳ một tờ báo hoặc tạp chí văn học nào- đúng là nhiều không kể xiết. Có sáng tác văn học thì dĩ nhiên phải có phê bình văn học. Thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết ra đều đều nên phê bình cũng vì thế mà... lai rai tồn tại.
Vâng, phê bình đã làm được nhiều chuyện lắm. Nào là chào hàng hộ nhà văn. Nào đóng dấu chất lượng lên tác phẩm mới ra đời. Nào tóm tắt dùm những độc giả lười đọc mà ham bàn luận nội dung các cuốn sách đủ thể loại. Cả việc giải chiếu hoa ngoài "đình xã hội" để một số "vĩ nhân văn chương" ngồi xếp bằng vuốt râu với thiên hạ nữa, v.v..
Nhưng, phê bình có phải là như thế? Nếu nói phải, chắc chắn tôi là người lạc quan với thành tựu và thực trạng của phê bình văn học hiện nay. Nếu nói không phải, tôi hoá ra là kẻ phủ nhận. Vậy nói thế này hợp lẽ hơn chăng: Phê bình, chưa hẳn là như thế. ít ra cũng vì cuốn phê bình tôi đang đọc đây - Những kiếp hoa dại- của Vương Trí Nhàn- chưa hẳn là như thế.
Cuốn sách đã hậu thuẫn cho ý kiến trên không chỉ bằng quan điểm về phê bình được trình bày ở một bài viết, mà bằng toàn bộ nội dung của nó, bao gồm một số chân dung văn học cùng các mảng phiếm luận hoặc những dòng tự vấn khá nghiêm khắc. Có thể thấy tác giả đang cố gắng tạo cho mình một phong cách phê bình riêng, độc đáo. Nhưng rõ hơn là ý thức xác định đúng hướng đi cho phê bình, nhằm giúp nó thoát khỏi tình trạng mất giá và bị khinh rẻ như hiện nay. ở đây, Vương Trí Nhàn đã thu được một số kết quả kép: trên đường nỗ lực vì một danh hiệu phê bình chung, phong cách của anh đã được định hình.
Vương Trí Nhàn gần gũi và hiểu các nhà văn, anh đến với họ bằng tính bè bạn và chăm chú nghe họ nói (qua lời tâm sự trực tiếp cũng như qua tác phẩm của họ). Chẳng thế mà có Những cuộc tái ngộ và sự Nhận diện qua tưởng tượng để nhiều Chuyện làng, chuyện xóm được kể ra khiến người đọc phải day dứt, suy nghĩ. Tự cho mình rất "thuộc" thói quen, tính cách một số người viết, có lúc anh đã bạo dạn (thậm chí liều lĩnh nữa) nói hộ những điều họ chưa kịp nói, qua vài ba cuộc phỏng vấn tưởng tượng. Chả biết sự "truyền ngôn" ấy trung thành đến mức nào (và rồi những lời kia chắc cũng bị quên đi) nhưng độc giả cảm nhận ở đây một thái độ trân trọng (không đơn giản là lời khen) đối với người cầm bút. Không có thái độ đó đừng mong hiểu sáng tác. Nó chính là sự đối thoại bình đẳng, không tự cho mình cái quyền đứng trên đầu người ta mà phán định. Những trang phê bình, nhờ thế, chắc sẽ cận nhân tình hơn, và những cuộc trao đổi sẽ thực sự vì cái đẹp của văn chương, vì không khí tinh thần trong sạch, lành mạnh của đời sống văn học. Vả chăng kẻ phê bình cũng như người sáng tác, đều là "những kiếp hoa dại" mà thôi. Có một thoáng ngậm ngùi định mệnh phảng phất trên những trang viết của Vương Trí Nhàn, cả khi anh Chẳng cũng sướng sao! Nhại theo Thánh Thán. Những đề xuất của anh về một thái độ cần có đối với nhà văn và sáng tác văn học, có lẽ không chỉ xuất phát từ lý trí, mà còn từ chiêm nghiệm sâu xa về cái "phận" khá mỏng của người cầm bút ở xứ ta.
Văn của phê bình chính là chỗ đó. Tôi đã nghe một số người khen Vương Trí Nhàn viết có văn: một lối viết thật sự tự nhiên, một giọng văn điềm đạm, thung dung mà tinh tường, sắc sảo, một cách đặt vấn đề sáng rõ, một khuôn khổ gọn xinh cho những kiến nghị vừa tầm, một chút châm biếm, cười cợt... Nhưng đây mới chỉ là phần hệ quả, hình thức. Để phê bình có thể trở thành văn học, thành những áng văn cho độc giả thưởng thức, nó phải tái hiện được không khí thực của đời sống văn chương với những thành tựu và non yếu, những bất bình và phấn khởi, cả nỗi mong chờ, hy vọng..., thông qua việc cảm nhận, đánh giá một hiện tượng văn học cụ thể nào đó. Vương Trí Nhàn đã có được những trang viết khiến người đọc thích. Họ đọc anh không chỉ để xem anh kết luận về tác giả này, tác giả nọ ra sao, mà để cảm nhận, suy nghĩ cùng anh về các đối tượng, về văn học, và rộng ra là về cuộc đời. Sức gợi của một bài phê bình, phải đâu là không cần thiết?
Tác giả Những kiếp hoa dại rất phản đối thứ phê bình ngợi khen dễ dãi. Nhưng đến lượt mình, anh đã quan niệm về nghề ra sao? Những bài viết ở các mục III, mục IV của cuốn sách đã phần nào khẳng định thế tồn tại độc lập của phê bình trước sáng tác. Cả những bài về tác giả hay các hiện tượng văn học cụ thể nữa. Chúng có một cơ sở học thuật vững vàng, một tính quan niệm khá sâu sắc. Mỗi bài viết, song song với việc giải quyết một vấn đề nào đó, còn khơi lên những suy nghĩ mới. Đàng sau các nhận định về Xuân Quỳnh, Nguyễn Huy Thiệp, Hồ DZếnh, Vũ Bằng, Nguyễn Tuân, Nguyên Hồng, Xuân Diệu..., ta thấy thấp thoáng những gợi ý về một cách tiếp cận hữu hiệu đối với từng nhà văn. Rõ ràng, theo tác giả cuốn sách, một người phê bình phải có học, có phương pháp, nguyên tắc, có cả trái tim biết rung động và san sẻ nữa.
Nói về điểm bất cập của cuốn sách, tôi có cảm tưởng thấy tác giả (tức là thấy định hướng phê bình của anh) rõ hơn bản thân những vấn đề văn học mà anh bàn đến, trong khi đáng lẽ anh phải cho người đọc thấy cả hai. Cũng như anh, ta mong mỏi phê bình có được khuôn mặt khả ái hơn, có tinh thần, khí sắc hơn. Chắc đến lúc đó, anh, cũng như toàn giới phê bình, không chỉ biết bàn chuyện làng, chuyện xóm, mà cả chuyện quốc gia, quốc tế, thế kỷ, thời đại..., vượt tầm "thiết thực tiểu nông" để nêu lên những dự án táo bạo, thể hiện khao khát mạnh mẽ đưa văn học ta tiến kịp trình độ thế giới. Khốn nỗi, phê bình tuy không phải "ăn theo" sáng tác nhưng số phận bị ràng buộc chặt chẽ với sáng tác. Trong bối cảnh cụ thể này. Chuyện làng, chuyện xóm còn là to tát lắm, hệ trọng lắm...
Nếu có ai cầm cuốn sách Những kiếp hoa dại trên tay mà hỏi: "Phê bình, có phải là như thế?", tôi sẽ trả lời" Phê bình cũng ... gần gần như thế!"
Phùng Giản
SỐ TRUY CẬP online