phác hoạ Vương Trí Nhàn từ Những kiếp hoa dại

Gom vào thành tập, thì đây là tập phê bình thứ hai của Vương Trí Nhàn. Vậy mà, nhiều điều cần chín dường như đã kịp chín. Riêng cách chọn tên khai sinh cũng đủ thấy từ Bước đầu đến với văn học (1986) tới Những kiếp hoa dại (1993) có cái gì như từ "con so" đến "con dạ"- đứa sau xem ra "khôn mặt" hơn. Bảo rằng đó là khoảng cách thành hình một phong cách thì cũng đúng, mà bảo nó cho phép ta hình dung khuôn mặt văn học của tác giả này lại... còn đúng hơn.
1. Có nhiều cách hình dung về một khuôn mặt phê bình. Tôi thì chú ý trước hết đến "cái tôi" của anh ta. "Cái tôi" ấy tạo dựng từ một chỗ đứng, một điểm nhìn vào đời sống văn học và một cách nhìn riêng đồng bộ.
Có lẽ không chỉ riêng tôi mới phân loại phê bình theo ba dạng chính thế này: phê bình của nhà giáo, phê bình của nhà khoa học, phê bình của nhà văn. Cố nhiên, căn cứ ở lối viết, không ở danh xưng nghề nghiệp. Loại đầu nặng về giảng văn, bình tán, trong qui phạm trường ốc, học đường; loại hai nghiêng về khảo cứu, luận giải, tuân theo nền nếp hàn lâm; loại ba ham tiết lộ bếp núc, hậu trường của văn, sính chuyện ngoài lề văn bản, trộn văn với đời. Hai lối trước thường lấy mổ xẻ văn bản làm thao tác độc tôn, phần nào nghiêng về tiêu thụ. Còn lối sau là câu chuyện của người sản xuất. Mỗi lối có vũ khi riêng, đồng thời cũng mang những mặc cảm riêng, vừa chủ thể với nhau, vừa tò mò tước bí mật của nhau. Đến khi viết, thì ít có ngòi bút nào không từng chấm vào bình mực của nhau. Phê bình thế mà vui! Không biết khi cầm bút, chàng Vương có băn khoăn đứng giữa "3 dòng nước" đó không? Chỉ biết rằng Những kiếp hoa dại giờ này đang trôi trên dòng thứ 3. Tất nhiên, xác định điều này mới chỉ có ý nghĩa như việc làm khung cho bức chân dung hơn là đã phác ra những nét chu vi cho một diện mạo.
2. Thay vào mấy chữ "Phê bình - Tiểu luận" hồi mới Bước đầu đến với văn học, lần này Vương Trí Nhàn đã tìm đến một cách chua thể loại đúng với tạng mình hơn: "Tập chân dung và phiếm luận văn học". Nó muốn trình báo với độc giả rằng: anh sẽ đi vào những đời văn, sẽ nhàn đàm, phiếm đàm về những chuyện này nọ trong giới và của giới.
Đối tượng quan tâm ở đây rất chụm, rất nhất quán. Anh nói về "những vui buồn của kiếp hoa dại" ở Xuân Quỳnh và không chỉ của Xuân Quỳnh, về thơ của "những kẻ rừng đời lạc lối", về Hồ DZếnh như một "người lữ hành đơn độc", về Thạch Lam ngòi bút "về với cội nguồn từ văn hoá". Anh nói về nỗi cô độc của Xuân Diệu, nỗi bất bình của Nam Cao "nhân ngày Chí Phèo 50 tuổi"... Nhất là nhiều lề thói trong giới: quyền được hách, cơ chế tự thoả mãn, chất lang chạ ở người này, thói quen tạo ra huyền thoại ở người kia, về sự "nhênh nhang bôi bác" chỗ này, nỗi "hết nhung hết tuyết" chỗ khác... Rồi cách nhìn các thi sĩ dễ thương như Xuân Quỳnh là kiếp hoa dại (thoạt nghe có vẻ sái!), khuôn mặt văn học của Nguyễn Huy Thiệp là nhàu nát, tê dại, hung hãn, táo tợn với lối viết "chường mặt mình ra"... nhất nhất đều là cách đề cập, cách gọi khá suồng sã chỉ có thể hợp từ cửa miệng một người trong giới... Từ chỗ đứng của một người trong giới, hiểu đến cả cái sang cái hèn của nghề, để rồi nói về nghề, nhằm gìn giữ sự cao quí của nghề cầm bút, đó là tư thế và tư tưởng của Vương Trí Nhàn. Ngòi bút xông xáo vạch vôi đầy trách niệm của anh có lẽ đã yên chí với "mảnh ruộng phần trăm" này; Những kiếp hoa dại là vụ gặt ngon lành đầu tiên trên mảnh ruộng ngày một thâm canh đó. Và nếu có thể nói đến một "cái tôi" nào đó của người phê bình, thì vẫn rất nghiêm túc, khi hình dung ở họ Vương một "cái-tôi-trong-giới" (Dĩ nhiên, là giới "sản xuất văn chương"!) Bởi vì, cũng rất nghiêm túc, khi nói theo kiểu toán học về 3 đỉnh của một tam giác đều đang vạch ra quỹ tích của ngòi bút Vương Trí Nhàn: Từ nghề, về nghề và vì nghề .
Còn qua thái độ biểu dương, ngưõng mộ, qua việc nhắc nhau, giễu nhau, phê nhau của anh, chúng ta có thể thấy Vương Trí Nhàn đã bộc lộ một quan niệm nào đó của mình về phẩm cách một ngòi bút. Trước hết, phải là một cốt cách trí thức, một bản lĩnh văn hoá (Bài Nguyễn Gia Thiều, Thạch Lam...), phải dũng cảm là mình, phải tập sống đơn độc, dù đôi khi đơn độc nghĩa là thiệt thòi, bởi đơn độc là một cách khẳng định nhân cách (Bài Nam Cao, Hồ DZếnh, Nguyễn Tuân, Nguyên Hồng, Pau-tôp-xki...) Cần thấy rằng những điều đó đều từ kinh nghiệm tồn tại của những cây bút lớn trong văn học. Dù đậm dù nhạt, dù tự giác hay chưa, thì đó đã là những tiêu chuẩn, những thước đo, anh đang dùng khi đánh giá các hiện tượng văn học mình quan tâm. Nói một cách khác, chỉ đời văn nào sáng lên những phẩm cách như thế, mới có sức quyến rũ ngòi bút phê bình của Vương Trí Nhàn. Còn những hấp dẫn khác, anh sẽ đẩy xuống hàng thứ hai. Chừng nào còn thiếu những chuẩn mực của riêng mình, thì chưa thể nói gì về một phong cách phê bình!
3. Tuy nhiên, Vương Trí Nhàn vẫn không giống với những Nguyễn Tuân, Xuân Diệu, Thạch Lam, Chế Lan Viên..., hay gần hơn, với những Vũ Quần Phương, Trần Đăng Khoa... những người vừa sáng tác vừa "lấn sân" phê bình. Họ có những ưu thế mặc nhiên. Do trực tiếp sáng tác, họ rất nhạy với những vấn đề sốt dẻo và tinh vi của công việc bút mực. Đồng thời những điều họ phán, dù ít dù nhiều, đã được "thế chấp"bằng sáng tác của chính mình. Không có "bảo bối" ấy, một cây bút thuần tuý phê bình như Vương Trí Nhàn sẽ trông cậy vào điều gì, khi chọn chỗ đứng của người trong giới?
Chẳng dại gì cho bằng chọn cho mình những việc mình không thạo. Vương Trí Nhàn đã không đi sâu vào trò chọn câu lựa chữ, vào các thao tác chế biến thuộc "kỹ thuật nấu nướng" của văn. Thay vì, anh sẽ nói đến những mối liên hệ hoàn toàn hiện hữu nhưng cũng khá mơ hồ trong tâm thức sáng tạo. Anh để tâm đến vốn kinh nghiệm đã tàng trữ vào cốt cách của từng người. Vừa từ chốn vô hình ấy mà nó thực hiện công việc của mình: âm thầm sinh nở ra các hình tượng nghệ thuật cho nhà văn. Thú xem bóng đá của Nguyên Hồng với thú chơi đánh đáo của tác giả Bỉ vỏ có một liên hệ biến ảo nào đó với thế giới những kẻ "dưới đáy" của ông. Vụ bị xử tử hình của Đốtxtôiépxki cứ hiện diện như một ẩn ức trong khắp thế giới hình tượng của ông. Cảm xúc ba rốc trong Cung oán ngâm của Nguyễn Gia Thiều, vẻ càng điên càng đẹp khiến người ta "say mê" ở Hàn Mặc Tử v.v. khám phá những điều này, họ Vương có những kiến giải riêng và khác lạ. Tâm thức người sáng tạo vốn rất mù mờ bỗng hiện ra những đường dây liên lạc kì bí. Nó cho thấy cây bút phê bình này có những am tường "khó mà qua mặt được"
Vậy ra chỗ dựa vững chắc và gần như duy nhất của ngòi bút Vương Trí Nhàn vẫn là một kiến văn khá rộng, một khả năng cảm nhận tinh tế vào dây truyền sáng tạo, một lưng vốn nghiệm sinh qua những dịp "ăn hết một pút muối " với người trong giới. Sự sành điệu mang màu sắc trực giác với những tín hiệu nghề nghiệp (gồm cả hay lẫn dở, cả điều đáng tôn vinh lẫn điều đáng hổ thẹn). Người đọc nể vì trước hết ở vốn am tường này. Và, hẳn vì thế mà có thể thấy qua giọng họ Vương (toát lên từ tất cả) rằng: hãy tin tôi đi, tôi là người trong giới! hoặc đừng có loè tôi, tôi là người trong nghề! Anh như muốn vung tay mà phân bua với mọi người rằng. Nhà văn nó thế đấy! Cần phải trân trọng, nhưng chớ có vái dài! Cần phải thân tình suồng sã nhưng đừng ai làm vẩn đục lên! Về điểm này ta thấy Những kiếp hoa đại có chút gì gần gụi với cái nhìn của Tô Hoài trong Cát bụi chân ai - Tập hồi ký dựng lại nhiều đời văn, không kiêng dè nói ra cả những tì vết mà người đời, không hiểu sao, cứ coi là huý kị.
4. Trong Những kiếp hoa dại, phần thành hơn cả vẫn là mảng "chân dung". ở đây Vương Trí Nhàn có những lối đi riêng, bộc lộ tập trung nhất cách nhìn, quan niệm và thao tác phê bình của anh. Chúng ta biết, thể "chân dung văn học" phổ biến hai dạng: Dạng nghiên về truyện, ký dựng lên con-người- đời của nhà văn, và dạng khảo cứu nghiêng về dựng dậy con-người-văn qua tác phẩm của nhà văn ấy. Dạng trước sinh động nhưng dễ hời hợt cảm tính; dạng sau dễ đào sâu vào tư tưởng, phong cách, cá tính sáng tạo thì hay khô khan, trừu tượng. Đó âu cũng là khoảng cách hiển nhiên giữa hai "kênh" sáng tác nghệ thuật và khảo cứu khoa học. Thế, đâu là lựa chọn của họ Vương? Anh tìm một gạch nối giữa "con-người-đời" và "con-người-văn", ở gạch nối ấy cố làm hiện lên chân dung "con-người-nghề-nghiệp". Chân dung trong Những kiếp hoa dại thuộc dạng ấn tượng. Anh thường chộp lấy một chi tiết nghệ thuật nào đó (mà theo anh là có giá trị điển hình) và tô đậm lên, tô loang ra mà xem ra rất gợi. Về phẩm chất tạo hình, chân dung của anh có một cách "ám gợi" rất có duyên và tài hoa. Anh phác dựng Thạch Lam qua một chi tiết về cốm, dựng Hàn Mặc Tử kẻ cai trị "Trường thơ loạn" bắt đầu bằng hình ảnh cây liễu loạn bay trước gió... Ngay cách đánh giá về Nguyễn Tuân cũng là một thoáng chân dung hiện ra trên dòng thời gian có cái gì rất Nguyễn: "Đến với hiện tượng Nguyễn Tuân giờ đây, trong lòng không khỏi thoáng qua cảm tưởng thanh vắng y như đến chùa những ngày hội đã hết, chỉ còn gác chuông, mái ngói và những pho tượng trầm tư. Ai người mau xúc động thấy thế lại còn muốn ngả sang vẻ ngậm ngùi nữa! Họ quên mất rằng khi đặt tên cho tác phẩm của mình là "Vang bóng một thời", Nguyễn Tuân đã tự chứng tỏ ông là một người có quan niệm chắc chắn về thời gian: Thời gian làm nên những giới hạn cho mỗi đời người, song, những ai sống hết lòng với thời của mình, người đó đã coi như tìm được cách đến với vĩnh viễn (tr 41). Vương Trí Nhàn đã làm cái thao tác: đem những tưởng tượng về con-ngưòi-văn vốn đã tượng hình dần dần qua việc đào sâu vào văn phẩm, để phổ vào một chi tiết nào đó, rồi phóng to lên. Thế là một chân dung ấn tượng đã ra đời! Cũng phải thấy rằng, chất liệu dựng chân dung ấn tượng đã ra đời! Cũng phải thấy rằng, chất liệu dựng chân dung là lấy từ việc khảo văn. Nhưng khi cầm cây cọ để vờn vẽ, anh lại chọn tư thế không phải của một người văn. Mà của một người-văn-hoá. Nói một cách khác, anh không muốn bị ngợp trong riêng văn chương mà cố vươn cao hơn để nhìn nó bằng một nhãn quan văn hoá (tổng hợp) vươn tới một ứng xử với văn của một kẻ lịch lãm, minh triết. Cho nên anh hay đặt con-người-văn vào trong mạch thâu tóm, đúc kết những lề thói, thông lệ, luật chơi được rút trực tiếp từ cái đời sống vừa cao quí vừa phiền tạp của văn. Này là bản lĩnh làm chủ như một qui luật khi viết về cái ác- "Khi cái ác được viết ra, tức là có điều kiện để đẩy lùi nó. Mỗi lần nghệ thuật chiến thắng là một lần cái thiện chiến thắng" (tr. 19) hay sức ám ảnh có tính qui luật của tài năng lớn - "cũng như những nghệ sĩ lớn, tài năng của Đốt là chỗ buộc chúng ta nhìn đời theo cách mà ông đề nghị" (tr 64) có khi là tình trạng nhạt hương phải sắc kém duyên: "cái tình trạng bảo cứng lại cằn đi cũng được, bảo lữa ra chết mòn cũng được, ấy là cái tình trạng hết nhung, hết tuyết rồi mà vẫn sống ườn ra trong nghề, như người ta từng thấy ở không ít cây bút công chức khác" tr. 26). Phải nhận rằng đời sống văn học cần được quan sát như vậy. Nếu những phát hiện phần nhiều còn ở bộ phận, tiểu tiết ấy được đặt vào cả một hệ thống, đặt vào cả một hệ thống, đúc vào một tư tưởng tổng quát về phê bình của anh, nó chi phối một cách nhất quán cái nhìn của anh trong việc thâu tóm cả một đời sống sáng tạo, thì cuốn sách không chỉ có giá trị lý luận lớn, mà ngòi bút của anh sẽ có cả cái tầm vóc chắc chắn của một triết gia trong lĩnh vực của mình. Tôi không biết anh có coi đó là mẫu hình lý tưởng đang chờ đợi phía trước của tạng mình hay không? Nhưng tôi cứ mong rằng giá một ngày kia anh đạt tới tầm độ đó! Chúng ta có quyền hi vọng, bởi cây bút này mới bước vào tuổi "tri thiên mệnh" cái tuổi -triết học trong vòng đời một con người
5. Đọc Những kiếp hoa dại, có được một thích thú mà một tập phê bình văn chương thật sự không nên thiếu: một giọng điệu riêng! Tình trạng thiếu văn trong phê bình, xét một mặt nào đó cũng là thiếu giọng. Giọng tự nhiên cất lên từ cá tính. Còn lên giọng, giả giọng, mượn giọng đều chỉ là nhại giọng và rồi sớm muộn cũng mất giọng! Có lẽ Vương Trí Nhàn hợp với chất giọng có vẻ nghịch lý này: Lịch lãm mà suồng sã. Hồi Bước đầu đến với văn học ít nhiều đã có. Nhưng phải qua kỳ "vỡ giọng dậy thì" đến Những kiếp hoa dại, giọng điệu ấy mới định hình. Đây là giọng điệu chúng ta thường gặp ở những tay bút già đời trong trường văn trận bút. Đọc họ, ta có cái thú rất lạ: vừa nể vừa khó chịu - nói điều gì cũng lọc lõi, ta đây biết tỏng rồi. Mà không có gì qua mặt họ thật. Cả đời lăn lóc, họ còn lạ gì cả cái thiêng liêng cao quí lẫn cái nhảm nhí phù phiếm nhất ở giới ấy, việc ấy. Nhưng giọng điệu này cũng có cái nguy của nó. Đúng vậy, đã đi giọng này mà tư tưỏng non lép sẽ dễ chơi vơi, xốp xoáp; giọng tinh thông, tinh tường dễ thành giọng... "tinh tướng"! Tỏ ra là một cung cách lịch lãm về kiến văn, sành sỏi trong thưởng ngoạn, Vương Trí Nhàn đã đem đến cho Những kiếp hoa dại một vẻ trang trọng mà thân mật, tinh tế mà bình dị. Khi anh gọi ai đó bằng ông thì cũng không thấy xa vời lắm, bằng anh cũng không thấy khinh nhờn gì. Đó là cái đáng quí của cây bút này.
Tuy nhiên, đánh giá một tập phê bình, không thể không xét tương quan giữa giọng điệu và tư tưởng. Phải nói rằng ở đây, giọng điệu có phần nhỉnh hơn tư tưởng, và giọng cũng có phần điệu. Nhất là lắm khi nó cứ xui ta nghĩ đến giọng dẫn chương trình thi hoa hậu, hay tường thật bóng đá ta vẫn nghe trong các chương trình văn hoá thể thao.
Phải nhận rằng: Vương Trí Nhàn thuộc vào những người mạnh dạn kiếm tìm những hình thức mới. Anh làm đối thoại, phỏng vấn, nhại v.v... theo lối thông tấn báo chí, theo lối Pholklo. Phỏng vấn tiền nhân nay đã ở dưới suối vàng, sắm vai mượn cả người xưa mà "mắng" ai đó! Vậy mà cũng không chướng lắm! Cả cái hình thức nhại Thánh Thán để nói cái sướng của người cầm bút nữa, cũng ngộ đáo để, nhiều cái "sướng sao" cũng dễ chịu... Tôi nghĩ rằng giọng phê bình suồng sã rất đời đó đang trả mối quan hệ giữa các giới trong đời sống văn học về đúng khoảng cách của nó. Nói theo giọng thi pháp học là thay "khoảng cách sử thi" bằng "khoảng cách tiểu thuyết". Điều đó chẳng cũng sướng sao!
Hà Nội, thu 1994
Chu Văn Sơn
SỐ TRUY CẬP online