Cùng một kiếp hoa... dại

Những kiếp hoa dại ?- Nghe như tên một cuốn truyện, một tập thơ? Vậy mà không, một tập tiểu luận phê bình đấy. ắt hẳn không phải vô tình mà tác giả đặt cho tập sách của mình một cái tên gợi nhiều cảm nghĩ như vậy. Bất giác tôi cứ muốn nghĩ rằng từ trong thâm sâu ý thức, tác giả của nó muốn ví nghề văn, những người viết văn, về một mặt nào đó, âu cũng là những kiếp hoa dại. Có thể có người tán thành anh, có người không. Riêng tôi, tôi tôn trọng ý kiến anh, vì tôi nghĩ rằng anh có lý, nếu quả là anh có ý đó.
Vương Trí Nhàn gọi cuốn sách của mình là tập chân chung phiếm luận văn học. Có lẽ gọi như vậy là khá chân xác. Phải hơn vài chục năm trong nghề, tác giả vừa làm công việc phê bình, vừa tự tìm tòi để phát hiện ra mình, ra cái "tạng" của mình. Với tập sách mới này, tập Những kiếp hoa dại, ta thấy dường như anh đã hình thành cái "tạng" riêng, trên cơ sở đó, phát triển thành những trang viết có màu sắc khác biệt, tránh được cái nhạt nhẽo vì sự na ná như nhau của lối phê bình hiện hành.
Điều dễ nhận thấy trước hết, cũng là điều đáng quý qua những trang phê bình của Vương Trí Nhàn là một tâm hồn tinh tế, nhạy cảm trước cái đẹp của nghệ thuật văn chương cũng như cái đẹp và những nỗi đau trong cuộc đời. Cây bút phê bình này khát khao "tự đào luyện thành một trí thức chân chính, điều ấy càng ngày càng hiện lên như một mơ ước". Anh chịu khó học hỏi, tích luỹ thường xuyên cho mình một thứ vốn liếng cơ bản về mọi mặt. Mặt khác anh có ý thức thu nhặt, lượm lặt các câu chuyện dưới dạng chuyện phiếm, tiếu lâm trong cuộc sống, cũng như quanh cuộc trò chuyện, tâm sự lúc trà dư tửu hậu của các văn nhân thi sĩ. Giá thử người khác thì có khi nghe những câu chuyện như vậy rồi cũng quên ngay. Nhưng ở Nhàn, một khi đã nghe được, anh ghi khắc luôn vào đâu đó trong trí nhớ, và sẽ có lúc sử dụng rất đắt, khiến trang viết lung linh, sống động hẳn lên. Đọc anh, thường gặp hiện tượng thế này: anh vào đề bằng một câu chuyện ngó như vu vơ mà anh "chộp" được trong một cuốn sách hay một cuộc gặp gỡ nào đó, hoặc nghe ai kể một lần nào đó, câu chuyện là một xuất phát điểm tạo hứng cho anh, từ đấy anh dẫn dắt một cách hóm hỉnh những suy nghĩ của mình về một vấn đề rộng hơn, có quy mô hơn, buộc người đọc cùng suy nghĩ với anh. Những lúc này, tôi không nghĩ rằng ý nghĩ của anh chỉ mới chợt loé lên khi anh gặp câu chuyện có vẻ vu vơ nọ, mà thực ra, anh đã thường xuyên ngẫm ngợi, băn khoăn về những vấn đề đó, tuy nhiên nó chưa thật chín để anh có thể trình bày ra một cách mạch lạc, rành rẽ. Giữa lúc ấy thì câu chuyện kia bỗng dưng đến, thế là vấn đề như được sáng tạo bởi ánh chớp bất thường đó. Và thành chuyện để anh đối thoại cùng chúng ta dưới một hình thức riêng, đầy thú vị.
Nhận ra sở trường, sở đoản của mình có lẽ là một điều khá quan trọng đối với người cầm bút. Giờ đây, Vương Trí Nhàn đã vỡ lẽ ra rằng mình có ưu thế gì, và thế là ngòi bút của anh tung hoành hẳn. Có thể tạm gọi lối viết của anh là phê bình tuỳ bút chăng. Đọc kỹ tác phẩm, rồi tìm hiểu con người tác giả với những câu chuyện, những mối quan hệ, những hành động, cùng lời ăn tiếng nói... càng cụ thể càng tốt. Tất cả trở thành một mớ kiến thức tổng hợp gợi cho nhà phê bình những suy nghĩ bao quát, và hình như cũng trúng nhất. Anh không dựa hoàn toàn vào văn bản, không nệ văn bản, không tìm hiểu thi pháp của nhà văn, nhưng anh lại nắm được con người và phong cách nhà văn trên những nét khái quát nhất.
Về Pau-xtôp-xki chẳng hạn: anh nói ngỡ như khơi khơi nhưng không phải là không có chiều sâu: "Người ta thấy Pau-xtôp-xki hay nói tới giây phút kỳ lạ trong mỗi đời người, những giây phút mà người trong cuộc đôi khi bàng hoàng không hiểu: một cuộc gặp gỡ ngẫu nhiên, một lần lỡ làng để lại bao tiếc nuối, những ao ước không đâu, những hứa hẹn lấp lửng song lại có sức ràng buộc. Tất cả chúng, những giây phút ấy hình như chẳng là gì cả, mà lại hình như là cái nhân tố làm nên ý nghĩa chính của đời sống" (trang 67).
Hoặc về nhà văn Hồ DZếnh: "Khi nói về xứ sở này, ông ở vào tình thế chông chênh, chân trong chân ngoài, quê hương là thực mà như là hư, là phải mà lại như không phải, gần gũi đấy mà lại xa vời đấy. Nhưng có lẽ chính vì thế mà ông có cái lui tới trong cách nhìn, cái xót xa trong tình cảm, cái khao khát vươn tới một mảnh đất tâm linh tưởng không bao giờ vươn tới nổi. Bấy nhiêu yếu tố hội lại khiến cho các trang văn của ông có được chất thơ chân chính" (trang 24).
Cái làm nên sức hấp dẫn của ngòi bút này theo tôi còn là khả năng cảm thông sâu xa, là khả năng nối tiếp ý nghĩ với nhà văn mà anh đang đọc, đang đối thoại. Có thể kể những trang viết về tình yêu thương của Vũ Bằng với đất Bắc là tiêu biểu về mặt này. Nỗi xa cách của Vũ Bằng là xa cách về không gian. Nhưng theo Vương Trí Nhàn, còn một thứ gián cách nữa cũng gợi nhớ quay quắt là gián cách về thời gian:
"Một thanh niên Hà Nội luôn luôn phải đi giữa đưòng phố bụi bặm hôm nay thật khó lòng tưởng tượng có lúc thành phố mình "đường sá lại sạch như lau" và" lá cây ngọn cỏ thì xanh ngăn ngắt" lúc nào cũng mời người ta đi dạo.. Như thế thì giữa người độc giả ấy với người viết sách sao lại không thể bảo là "cùng một lứa bên trời lận đận"? Và ngay trên đất này, nỗi sầu xứ của nhà văn giờ đây không được mấy ai biết tới kia, sao lại bảo là không được chia sẻ đầy đủ?" (trang 46).
Những nhà văn mà tác giả chọn để viết không theo một tiêu chí nào nhất định. ở đây có cả cổ kim đông tây, cả Việt Nam và thế giới. Anh chọn những tác giả nào mà anh thích, văn thơ họ giúp anh ngẫm ngợi đến những vấn đề quan thiết, đến cuộc đời, đến văn chương, nhờ đọc họ mà anh có thể trình bày những suy nghĩ củ mình một cách rõ nét nhất, đầy đủ nhất. Cũng có thể nói: các tác giả đó là những tâm hồn có nét đồng điệu với anh, anh đối thoại với họ để qua đó nói với bạn đọc những vấn đề có ý nghĩa văn học và ý nghĩa nhân sinh. Chính sự cảm thông sâu sắc giữa người phê bình và nhà văn đã gây xúc động và truyền cảm đến người thứ ba - người đọc.
Song phải nói rằng điều khiến tôi lưu ý hơn cả khi đọc cuốn sách, ấy là những suy nghĩ da diết, nóng bỏng của anh về nghề văn và về nhà văn. Có thể thấy đây là những trang tâm huyết nhất của tác giả. Anh không phát biểu ý kiến của mình như một thứ lý thuyết chung chung, na ná như ý kiến về các nhà văn của một xứ sở nào khác. Mà, dựa vào thực tế nhà văn ta, vào cái hội mà anh đang sinh hoạt, vào các thế hệ nhà văn anh từng quen biết, tâm sự... từ tất cả những cái đó, anh đau xót nhận thấy: thì ra, nghề văn và nhà văn ở ta có một lối sống, lối làm việc thật là đáng trách, đáng thương, thật là tội nghiệp, mà hoàn cảnh khách quan và oái oăm thay đôi khi chính bản thân nhà văn tạo nên. Không nên đổ lỗi cho ai, trước hết hãy tự vấn mình. Chúng ta thiếu hẳn những tiền đề, những điều kiện để có thể vươn lên, để có thể có những nhà văn có tầm cỡ, được thế giới nể trọng chứ không phải chỉ được yêu mến một cách chiếu cố chỉ vì anh là nhà Việt Nam đang trải qua chiến tranh chống Mỹ- như Nguyễn Minh Châu sinh thời thường nói. Anh ao ước Hội Nhà văn phải là Hội nghề nghiệp, chú trọng bồi dưỡng tài năng các nhà văn chứ không phải là Hội của phong trào như hiện nay. Vương Trí Nhàn đã thẳng thắn chỉ rõ cái tật của đa số các nhà văn ta thích làm quan- quan văn nghệ, và đang trong quá trình quan liêu hoá trầm trọng. Điều anh ao ước lớn nhất là mỗi nhà văn trước hết phải là một nhà trí thức, như Rô-lăng (R.Rolland), Frăng-xơ (A. France), Bac- buyt-xơ (H. Barbusse), Xác-trơ (J. P. Sartre), Camuy (A. Camus) của Pháp. Buồn thay, nhà văn ta lại "thiếu lý tưởng nghề nghiệp, thiết cốt cách trí thức" và đây chính là căn bệnh có thật của người viết văn Việt Nam hôm nay. Anh muốn gióng một hồi chương báo động cấp bách cho giới mình, ngõ hầu thức tỉnh mọi cây bút cùng vươn lên, khả dĩ dáp ứng được mong mỏi của công chúng và xứng đáng với chức năng cao quý của nghề mình.
Ngòi bút Vương Trí Nhàn thường thiên về gợi, anh muốn khơi dậy những vấn đề để người đọc hiểu anh và đi tiếp suy nghĩ của anh, làm cho những gợi mở của anh đến một kết luận nào đó. Thế nhưng, riêng khi nói về nghề văn thì anh đã nói cặn kẽ, nói hết ý và rất thẳng thắn nêu ra những khuyết tật trầm trọng của nó. ở đây chàng Vương rụt rè bỗng trở thành một con người khác hẳn, hết sức nghiêm khắc với những yêu cầu cao. Anh không nhân nhượng, không chấp nhận thái độ nửa vời nhu nhơ vì như vậy là hạ thấp vị trí cái nghề mà anh cho là cao quý, và có ý nghĩa lớn đối với cuộc đời và con người. ở đây anh đã đi đến tận cùng suy nghĩ của mình, anh thường làm cho người đọc bất ngờ vì những liên tưởng, những phát hiện thông minh, sắc sảo có sức lay động sâu xa đến những cây bút có lương tâm. Tôi nghĩ rằng mỗi nhà văn và Hội Nhà văn nên suy nghĩ nghiêm túc về những vấn đề mà tác giả Vương Trí Nhàn đã nêu ra.
Có lẽ trong lời Tựa, Văn Tâm đã nói khá đúng khi gọi phê bình của Vương Trí Nhàn là một món đặc sản. Rõ ràng đây là một cây bút có nét độc đáo và có những suy nghĩ có tính phát hiện với lối viết riêng của mình, thoải mái, có duyên, ngay cả khi có những suy nghĩ rất nghiêm túc, có sức nặng, anh vẫn giữ được giọng thoải mái. Vương Trí Nhàn đã tạo được sự thu hút đối với bạn đọc. Món đặc sản này góp phần làm cho nền phê bình của chúng ta thêm màu sắc, thêm tươi mới, nhất là đỡ tẻ nhạt- Âu đó cũng là điều kiện đầu tiên cần thiết để đến được với người đọc khó tính và có trí tuệ ngày nay.
(Đã in trong Hái giữa đôi bờ, Nxb Văn học, 1994)
Thiếu Mai
SỐ TRUY CẬP online