Có một cách nhìn văn trong một giọng bình văn

Giả sử có ai đó thống kê được số đầu sách văn học được xuất bản trong năm, và trong đó có bao nhêiu đầu sách về lý luận, phê bình văn học hẳn không khỏi ngạc nhiên khi thấy sự chênh lệch quá lớn giữa con số hàng trăm của các tập thơ và văn xuôi với con số quá ít (có thể đếm trên đầu ngón tay) của các tập lý luận, phê bình văn học. Vào thời điểm này, những tưởng viết được những bài phê bình nghiên cứu văn học có chất lượng đã là một công việc khó khăn, và cần được khích lệ (bởi trong phê bình văn học đòi hỏi người viết vừa phải có trình độ thẩm định, lại có cách viết vừa khách quan, trung thực trước mọi vấn đề của văn học) thì việc để có dược những tập sách phê bình, nghiên cứu văn học ra mắt bạn đọc hoá ra lại càng khó hơn nhiều! Vì thế, sự xuất hiện của Những kiếp hoa dại là đáng quý. Sách của Vương Trí Nhàn (Nxb Hội Nhà văn).
Phần lớn các bài đã được đăng báo và tạp chí, được sắp xếp một cách có hệ thống và đầy đủ trong một cuốn sách thì dễ nhận thấy ý tưởng của tác giả hơn... Những trang viết có sự thấu hiểu và mẫn cảm, chân thành và trách nhiệm trước tình hình văn học. Dưới đây là một vài ghi nhận
1. Từ cách nhìn "bao sân"...
Người đọc có thể dễ nhận thấy ngoại trừ hai bài Đôt-xtôi-ép-ski và Pao-stốp-ski, và một bài viết về Cung oán ngâm khúc, còn lại đều là những hiện tượng, những vấn đề nội tại của văn học ở thế kỷ XX đầy biến động này. Tác giả "quay trở về"với Tản Đà, Tú Xương những năm đầu thế kỷ, đến với Hồ Zếnh, Trần Huyền Trân, Vũ Bằng, những nhà văn lâu nay ít được giới thiệu rộng rãi và hiện tại, tức thì với Nguyễn Huy Thiệp...
Với mục đích tạo dựng chân dung các nhà văn mà hầu hết đã được định hình, Vương Trí Nhàn có cách của mình, từ những nét nhỏ trong tính cách, trong cuộc sống của từng nghệ sĩ, anh đã chứng minh và tìm ra những yếu tố ảnh hưởng đến sáng tác văn học nghệ thuật. Một Nguyên Hồng giản dị đến xuềnh xoàng, biết lánh xa mọi thứ phù vân để giữ được thiên lương cho mình, cho người cầm bút (Nguyên Hồng cát bụi và ánh sáng). Một Nguyễn Tuân độc đáo, "không giống ai" trong cuộc đời cũng như trong văn nghiệp tới mức đã trở thành giai thoại. Cả những khi tính hách của nhà văn được hiểu một cách đúng mức và rõ ràng như trường hợp của Nguyễn Tuân trong Quyền được hách thì đó cũng là một bài học cho những ai đã, đang và sẽ lập thân bằng con đường văn chương...
ở phần chân dung, tác giả luôn quan tâm khai thác yếu tố mà một số nhà nghiên cứu phê bình thường gọi là xung quanh văn bản chẳng hạn, tác giả luôn chú ý đến nhưũng lời đề từ, lời giới thiệu cho tác phẩm của nhà văn, lời tựa của tác giả cho các tập sách, cũng có khi lại chỉ đơn giản từ một cái tên cho tác phẩm, như vì sao Nguyễn Tuân lại đặt tên tác phẩm của ông là Vang bóng một thời, hoặc lý do Hồ DZếnh ký bút danh Lưu Thị Hạnh ở một số tác phẩm. Bằng hướng đi này, Vương Trí Nhàn đã đưa ra những nhận định có sức thuyết phục, ví dụ qua lời đề từ của Nguyễn Tuân trong thiên tuỳ bút Người lái đò sông Đà: Chúng thuỷ giai đông ấu- Đà giang độc bắc lưu (mọi con sông đều chảy ra biển Đông, riêng sông Đà chảy ngược lên phía bắc) tác giả cho rằng đó là sự cô độc của nhà văn Nguyễn Tuân, hay như một nhận định từ lời đề từ của Pao-stốp-ski trong chuyện Paris chốc lát (trang 68), tác giả viết"... nhà văn Nga giàu chất Pa-ri, chất Pháp chính cống hơn ai hết... là Pháp, nhưng cũng là Nga, là Slave, là cái chất cổ điển thanh thoát mãi mãi cần cho đời sống tinh thần nhân loại..."
Bên cạnh phần viết chân dung văn học, là những suy ngẫm của tác giả, là tiếng nói chân thành mang tính chất xây dựng trước những vẫn đề thời sự của văn học. Có nhiều vấn đề gợi mở và tạo cho người đọc cùng suy nghĩ như vốn sống, trình độ của nhà văn, như trình độ văn hoá của người tiếp nhận. Và những bài học về quản lý văn nghệ, phê bình văn học... Tất nhiên những nguyên nhân được đưa ra chưa phải đã đủ và chính yếu nhưng nói chung những căn nguyên làm cho văn học chậm bước mà tác giả đã nêu đáng được mọi người quan tâm đến văn học suy nghĩ. Có những vấn đề đã xảy ra cách chúng ta gần một thế kỷ nhưng được làm cho trở thành có tính thời sự bởi nó không chỉ có ích cho các nhà văn và nền văn học mà nó còn có ý nghĩa tác động lớn đến văn hoá của cả một dân tộc, như bài Một lần bừng tỉnh lý giải về trường hợp: phong trào Đông Kinh nghĩa thục hồi đầu thế kỷ.
2.... đến cách viết nhiều giọng điệu
Trong cuộc "phỏng vấn" với Tản Đà khi được hỏi nghề nào là gần với nghề làm thơ hơn cả?" Tản Đà đã trả lời "nghề cô đầu, là nghề phải lấy thanh sắc ra mà chiều thiên hạ.." (trang 9978). Có thể phỏng theo cách nói trên để cho rằng cách viết chân dung, phiếm luận văn học của Vương Trí Nhàn là cách viết đa âm, nhiều giọng điệu khác nhau. Nhiều bài viết mang phong cách báo chí, ngắn gọn, chính luận, có tính thời sự như Sự kiện in dấu vào thơ Việt Nam thế kỷ 20. Đặc biệt có những bài "phỏng vấn" tuy hư nhưng lại rất thực bởi vấn đề của nó đặt ra như nhà văn và sự sáng tạo, trách nhiệm của nhà văn trước tác phẩm của mình, trước thời cuộc, và công việc phê bình văn học nghệ thuật, tạo được ấn tượng mạnh bởi hình thức (ngắn và trực tiếp) như Xuân Diệu: chưa ai cảm thông hết nỗi cô độc của tôi; Nam Cao: Ngày Chí Phèo năm mươi tuổi; Tú Xương- lẳng lặng mà nghe nó chúc nhau; Tản Đà- Hồn nhiên, thành thực cùng... một chút say sưa.
ở một số bài viết, Vương Trí Nhàn có xu hướng khám phá đối tượng theo phương pháp phân tích văn bản. Cách đi này rất tiếc lại chỉ xuất hiện ở một vài tác giả, tác phẩm và cũng chưa "đủ độ" để gọi đó là một phương pháp tiếp cận của Vương Trí Nhàn, như Rực rỡ và khắc khoải hay là tính cách hiện đại của Cung oán ngâm khúc.
Suy nghĩ riêng của tác giả ở phần III và IV là những lời bộc bạch, thẳng thắn tâm huyết trước những vấn đề nổi cộm của nền văn học đương đại, cả những điều lâu nay được đem ra tranh luận, bàn cãi chưa ngã ngũ. Về vấn đề nội dung và hình thức trong tác phẩm, tác giả viết "... cái phần nội dung đã chuyển thành hình thức, là hơi thơ, giọng thơ" (trang 48). Với mong muốn về một nền văn học ngày càng có tác phẩm có giá trị, tác giả như báo động về một nền văn hoá quà vặt đang ngự trị, về tình hình, thực trạng đáng buồn ở cả người sáng tạo và người tiếp nhận, về tình trạng phê bình trong cơ chế tự thoả mãn, về tha hoá mặc cảm phân thân trong tâm lý người cầm bút... Có thể là chưa đủ và có khi không phải là nguyên nhân chính nhưng chỉ từng đó thôi cũng đủ để văn học có những bước tiến mới nếu biết gạt bỏ và vượt lên trên những lực cản đó.
Biết bao vấn đề mà mỗi người đọc sẽ phải suy nghĩ cùng với tác giả ở cuốn sách này. Thói thường, khi một cuốn sách ra mắt, người thưởng thức có những ước muốn: giá mà, nếu như hay đáng tiếc...
Khi kết thúc bài viết này, bản thân người viết cũng chợt nhớ tới điều đó. Nhưng trong lịch sử nào chả có giả sử, nếu biết hết con người đã không phải trả giá và còn bao điều không bao giờ có thể trả giá được. Với Những kiếp hoa dại cũng như vậy.
(Hà Nội mới, thứ bảy 25-12-1993)
Vũ Mạnh Tần
SỐ TRUY CẬP online