ANH THƠ

đặc sắc nghệ thuật
của Bức tranh quê

Một căn phòng riêng với hai kỷ vật treo trên tường , một là bức khảm trai tứ quý ( bốn mùa ) và hai là bức tranh có hình cô tố nữ đang thổi sáo. Trong hồi ký Từ bến sông Thương , Anh Thơ kể lại nơi bà -- lúc đó là một cô gái 20 tuổi – làm quen với việc làm thơ chỉ đơn giản như vậy .
Không cần đẩy trí tưởng tượng đi xa lắm , người ta vẫn có quyền nghĩ rằng mấy bức tranh ấy gần xa đều có liên quan chất thơ riêng có của tập Bức tranh quê , cái cớ chính đáng khiến cho tên tuổi Anh Thơ còn mãi trong lịch sử văn học .
Nếu về bản chất , tập thơ là tiếng sáo mà cô thiếu nữ đã cất lên để chứng tỏ sự có mặt của mình trong cuộc đời , thì trong cách thức tồn tại , nó là bức tranh bốn mùa hiện ra bằng những nét vẽ riêng , với cốt cách riêng , nếu chưa nói là hiện đại thì cũng là đi hết cái khả năng mà thời đại cho phép .
Ra đời trong những buổi trưa cô gái trẻ trốn bố để kịp làm một tập thơ dự cuộc thi hàng năm của Tự Lực văn đoàn , 45 bài như được sản xuất cùng một kiểu . Cả tập được hình thành như một sản phẩm công nghiệp. Bài nào cũng gồm ba khổ mối khổ bốn câu và mỗi câu tám chữ . Từng bài tưởng như dang dở nhưng bài nọ tựa vào bài kia đã làm nên một dòng chảy liên tục .
ở vào thời điểm ra đời của mình , cái hình thức đơn giản ấy hoá ra tạo dựng được hiệu quả . Đời sống nông thôn Việt Nam vào đây còn giữ nguyên cái vỏ ngưng đọng vốn có . Uể oải , chậm chạp , nhưng nó lại có vẻ đẹp riêng của những góc tối lần đầu được ánh sáng mới mẻ soi rọi .
Và cái chất hiện đại này --- một thứ hiện đại đơn sơ , tự nhiên ---, không chỉ nằm trong cách hình thành nên tập thơ mà còn ăn vào cả hình thức giọng điệu .
Trở lại với thi đàn Việt Nam mấy năm 1932-41, người ta thấy rằng sau sự khai phá của Thế Lữ ,đến Xuân Diệu , Huy Cận , Chế Lan Viên , khi phong trào Thơ mới như tìm ra được cái mạch của mình , thì cũng là lúc hơi thơ cũ trở lại . Theo như sự phân chia của Hoài Thanh , Thơ mới lúc ấy gồm có một xóm Thơ Pháp rồi một nữa là xóm Thơ Đường . Cái gọi là hơi hướng thơ Đường này âm thầm có mặt trong mọi yếu tố của thơ ca . Bằng chứng : trong số những người cũng dùng những thi liệu đặc sệt chất nông thôn tương tự như Bức tranh quê không kể Nguyễn Bính giàu chất dân gian thì Đoàn Văn Cừ tác giả những bài thơ trong Thôn ca cứ như bị ớm . Mà vì sao , nếu không phải vì những khổ tứ tuyệt bốn câu bảy chữ với cái ngân vang mòn mỏi của nó . Về phần mình , hình thức thơ ca của Bức tranh quê là ở ngoài cái mạch thông thường . Không còn những bài thơ hoàn chỉnh , với những câu đề câu thực câu luận nối nhau chặt chẽ , không còn một sự đăng đối cầu kỳ tỉ mẩn gò gẫm đọc lên vừa thú vị vừa bực mình của những bài thơ làm theo đường luật , -- Anh Thơ hầu như không biết đến sự ràng buộc ấy . Thơ tám chữ trong Bức tranh quê có ý nghĩa như một sự giải phóng .
Một chỗ mới quan trọng khác của Bức tranh quê là ở con mắt nhìn hiện thực . Trước Anh Thơ đã có nhiều nhà thơ Việt Nam viết theo lối tả thực . Khi nói về những người mà mình có đọc trước khi làm thơ , Anh Thơ có nhắc đến Bà Huyện Thanh Quan , đến Nguyễn Khuyến với ngõ trúc , song thưa , ao thu lạnh lẽo .
Thế nhưng hãy đọc lại Bức tranh quê để bắt gặp những chi tiết phải nhận là lạ . Thiên nhiên thì lũ chuồn chuồn nhớ nắng , rặng duối , hoa mướp , hoa xoan , đom đóm . Khung cảnh thì có hội hè , đêm vắng , đám xẩm và cả cái cảnh , một ông già với con ngựa trên đường xuống huyện mỏi mắt chờ đò . Rồi hãy cùng đọc những câu thơ “ Bến bỗng nổi một nhịp cười như rú -- Sông rùng mình nước giợn bóng ma bơi “ , “ Những đĩ con ngồi buồn lê bắt chấy -- Bên đàn ruồi rạc nắng hết hơi kêu “ và cả những “ Ngoài sân chùa trăng tươi tung ánh bạc -- Lũ trai tơ rộn rịp lượn vào ra -- Thỉnh thoảng họ lại nam vô lên một lượt Và cười trêu các ả đến dâng hoa “ . Phải nói đây là một thứ tả thực mới về chất . Một thứ đồ gỗ để mộc chưa qua sơn phết . Một thứ cà muối xổi còn nguyên tất cả cái vẻ ngai ngái sường sượng của nó .
Giống như cuộc phiêu lưu của những mùi hương mà nhà thơ đã ghi nhận ( Làng xóm lặng say đi trong giấc ngát . -- Những hương hồng hương lý dậy miên man ) , hồn thơ ở Bức tranh quê cũng có lúc miên man trong hành trình tìm tòi của mình .
Còn nhớ con người chỉ chiếm một vị trí khiêm tốn trong những bức tranh vẽ phố Hà Nội của Bùi Xuân Phái . Nhiều khi họ chỉ tồn tại như những yếu tố trang trí .Thậm chí họ không có mặt mà chỉ thấy một vệt lưng , một dáng đi , dáng đứng . Ngược lại nhờ những ngôi nhà không còn là một vật vô tri vô giác --- những ngôi nhà có cái vẻ dịu dàng đằm thắm như người --- mà người ta còn bắt gặp hơi thở nồng ấm của hoạ sĩ .
Trong chừng mực nào đó , con người trong Bức tranh quê , cũng bị đẩy lùi tương tự và sự có mặt của tác giả cũng có hình thức tương tự . Thế giới đã bị đồ vật hoá . “ Trong các hình tượng ở đây có một cái gì đó bất động khô cứng khiến cho chúng như thuộc nhiều hơn vào lĩnh vực miêu tả và người đọc cảm thấy thiếu cái quầng sáng bí ẩn của chất thơ thực sự “. Những nhận định của các nhà văn học sử Pháp dành để nói về một nhà thơ của phái Thi sơn là Leconte de Lisle (1818-1894 ) hoá ra cũng đúng với nữ thi sĩ người Việt .
Sẽ là tự nhiên nếu để hiểu Anh Thơ người ta đặt tác phẩm đầu tay của bà vào môi trường xã hội đương thời . Đấy là lúc công cuộc hiện đại hoá trong xã hội Việt Nam đi vào chiều sâu . Hiện đại hoá không phải chỉ là những cuộc tranh cãi rầm rộ trên mấy tờ báo lớn . ở một thị xã bé nhỏ như đất Bắc Giang , cái mầm hiện đại hoá vẫn âm thầm nẩy nở . Trong vẻ độc đáo hiếm có , Bức tranh quê đã đánh dấu cho sự đa dạng của một phương hướng từng chi phối thơ Việt trong cả thế kỷ XX.
SỐ TRUY CẬP online