Một người trong số ... ít người...

(Vài cảm nghĩ khi đọc Cánh bướm và đoá hướng dương Tiểu luận phê bình của Vương Trí Nhàn- Nxb Hải Phòng, 1999)

Ngày xưa... Vương Trí Nhàn là một cây bút viết phê bình tiểu luận văn học khá bài bản, kinh viện. Nhưng bây giờ, khoảng 10 năm đổ về đây Vương Trí Nhàn được biết đến như một nhà báo viết bình luận văn học sắc sảo, hóm hỉnh không thiếu sự sòng phẳng, cay nghiệt, cồm cộm. Nhưng cũng chính nhờ những "tố chất" đó của những bài viết mà ông nổi tiếng và có một uy lực nhất định, có một cái giá không phải là rẻ với các báo và đông đảo bạn đọc hiện nay. Giống như hầu hết các bạn văn chương cùng thời và cũng giống y như thời cuộc, ông đã thay đổi nhiều. Đã đổi mới từ văn phong, cốt cách kiểu nhìn cách nghĩ để ngày một sắc sảo hơn, sâu lắng hoàn thiện hơn, khái quát và tinh tế hơn nhích gần tới chân lý của ngôi đền nghệ thuật hơn. Duy chỉ có cái nhiệt huyết của ông thì vẫn y nguyên như ngày xưa. Sôi nổi, hăng hái, nhiệt tình. Sôi nổi lắm, nhiệt tình lắm, hăng hái lắm đến gần như vội vội vàng vàng, hấp ta hấp tấp. ấy nhưng cái "vẫn như xưa" ấy của ông thì lại rất đáng quí đáng mến và đáng yêu. Với đông đảo độc giả nói chung, nó mang lại sự gần gũi thiện cảm. Còn tất nhiên với một số ít người tốt bụng và trang nghiêm thì nó mang lại một sự lo lắng trìu mến cho ông Nhàn. Nhưng thôi, chuyện đó chỉ là chuyện nhỏ
Cánh bướm và đoá hướng dương là một tập hợp 51 bài viết ngắn gọn xúc tích của Vương Trí Nhàn về mấy chục văn nhân Việt Nam thời xưa (trước năm 1945) và thời nay. Ông Vương Trí Nhàn không có ý thu xếp làm một tuyển chọn các "vĩ nhân văn chương" đại để như "108 bài thơ của thế kỷ" hoặc "trăm năm trăm người" v.v... và v.v... Một cái nạn dịch sách đang có nguy cơ bùng nổ trông mấy cái năm cuối thiên niên kỷ thứ hai này. Không biết những người đang nô nức vô tư làm cái công việc "phân loại" đó là để tôn vinh ngôi đền văn nghệ nước nhà hay đây chỉ là cái mẹo láu cá của mấy tay đầu nậu sách bày cho, cốt để gây ấn tượng, gãi vào thị hiếu tò mò của độc giả để hốt bạc, kiếm tiền chia nhau. Cứ đọc mấy chục "văn nhân" mà ông Vương Trí Nhàn viết trong Cánh bướm và đoá hướng dương thì thấy ông này (ông Vương Trí Nhàn) thích thú ai thì ông ấy viết mà thôi. 51 bài trong tập sách này từ cái hồi còn in lẻ tẻ ở trên báo, có không ít bài đã gây ra tranh cái lung tung, đánh động lung tung khiến cho không ít kẻ cười, người tức tối (vẫn chỉ tại cái lối viết của ông Vương Trí Nhàn gây ra). Có một cái cảm giác chung là bây giờ đọc lại 51 bài cùng một lúc trong một tập sách thì thấy có cảm giác bớt hứng thú vì cái phần thời sự nóng hổi đầy tính báo chí đã đi qua rồi. Nhưng cũng phải công bằng mà nói dù có đọc lại vẫn cứ phải nghĩ ngợi nhiều. Đấy là sự nghĩ ngợi về số phận văn học, về thân phận nhà văn, về cái nghề văn chương và sự ba đào chìm nổi của nó trong xã hội, trong cuộc đời. Đó cũng là những giá trị văn chương bền vững và có tính ẩn dấu trong những bài viết (gần như là trong 51 bài viết) của ông Vương Trí Nhàn đã in trong Cánh bướm và đoá hướng dương.
Cái kiểu viết phê bình tiểu luận văn nghệ của ta lâu nay nói thẳng ra thường là hay cứng nhắc áp đặt những lý luận cũng rất cứng nhắc. Người phê bình giống như anh đi úp cá lúc nào cũng lăm lăm trong tay một cái Nơm, vớ được con cá nhỏ úp gọn trong nơm thì vui vẻ lắm và bảo cá đây rồi. Chẳng may vớ được con cá bự, to hơn cái nơm. úp chẳng được thì ông phê bình cáu mà quát lên: đây không phải là cá... đại đẻ là như vậy. Chính cái kiểu phê bình úp nơm cá như thế đã tạo nên một không khí không bình thường trong đời sống văn nghệ. ấy là chưa kể nó còn tạo ra mảnh đất béo bở cho một số người cơ hội xu thời tha hồ hành nghề phê bình văn nghệ dẫn tới làm lệch lạc méo mó hạn hẹp thẩm mỹ nghệ thuật của độc giả. Vì vậy cái được tổng thể của tập sách Cánh bướm và đoá hướng dương này là ông Vương Trí Nhàn không chơi cái kiểu úp nơm cá. Cái được tổng thể vừa có giá trị văn chương lại gây được thiện cảm người đọc ấy là những phát hiện sắc sảo và mạnh dạn của ông về văn học và văn nhân, ấy là những cảm và luận rất sôi nổi, thẳng thắn đôi lúc quá đà của ông. Nói gọn lại ông đã không rơi vào con đường mòn làm phê bình tiểu luận lâu nay. Điều đó là điều thứ nhất đã đặt ông vào vị trí một người trong số... ít người...
Tôi thích 25 bài viết ở phần một Cánh bướm và đoá hướng dương mà ông Vương Trí Nhàn đã viết về các văn nhân ngày xưa (trước 1945). Đó là những bài viết có nhiều giá trị khảo cứu tìm tòi với tâm huyết tìm đến một sự công bằng nào đó trong sự đánh giá văn nghệ mà thời gian qua phê bình văn nghệ vẫn còn bỏ qua vì những lí do tế nhị. Cái kiểu "chơi đồ cổ" của ông Nhàn là kiểu chơi tử tế tôn vinh các tác phẩm và văn nhân ngày xưa của văn đàn Việt Nam. Khác với một số người phê bình văn nghệ tìm đến "chơi đồ cổ" với ý định lén lút làm thứ chính trị hàng xén phủ nhận văn nghệ hiện nay. Cách chơi của ông Vương Trí Nhàn là cách "chơi" có trách nhiệm cũng không phải là cách "chơi " của một số người bộ thực trí tuệ và ứ thừa sự chán đời bất mãn với văn học đương thời chơi để mà giải trí mà thôi. Chính vì vậy 25 bài viết này có ích cho người đọc và cho cả cái không khí văn nghệ bây giờ. Tôi thích những khảo cứu và phát hiện có giá trị của ông như là thích thú bật cười khi thấy ông Nhàn phát hiện ra ông Nguyễn Gia Thiều có cái gì đó của nghệ thuật Ba Rốc mặc dù ý kiến riêng của tôi thì cái Ba Rốc đó nên dành cho bà Hồ Xuân Hương, còn ông Nguyễn Gia Thiều thì cũng vẫn chỉ là nghệ thuật tình cảm tả thực cổ điển mà thôi. Nhưng tôi cũng phải nói rõ hơn là những cảm và luận của ông Vương Trí Nhàn về Khái Hưng, về Vũ Bằng, về Lê Văn Trương về Phan Khôi, Thạch Lam, Hàn Mặc Tử, Thâm Tâm, Trần Huyền Trân... là những cảm và luận can đảm, sắc sảo vừa có lý lại vừa có tình ở một khía cạnh nào đó nó biểu lộ cái tài, cái tâm của người cầm bút khi viết.
Về những văn nhân đương đại (sau 1945) ông Nhàn viết nghiêng về cảm nhiều - cái tình của ông chi phối mạnh hơn cái nghĩ của ông. Vì vậy 26 bài viết này còn có cái gì đó rụt rè chưa tới. Hay là ông ngại sự va chạm? Trong 26 bài viết này tôi thích hơn cả là hai bài viết về nhà văn Nguyễn Khải và một bài viết về nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. Có lẽ đây là hai nhà văn ông Vương Trí Nhàn mến mộ nhất nên ông cũng yêu ghét nồng nàn nhất. Nếu định "có thể dùng làm tài liệu tham khảo cho giáo viên dạy văn và có ích cho ai yêu mến văn chương" như lời in ở bìa 4 của Cánh bướm và đoá hướng dương thì đây là 3 bài có giá trị như vậy hơn cả. Không biết có đúng thế không?
Tập Cánh bướm và đoá hướng dương mang đến cho tôi một suy nghĩ về thái độ của người làm phê bình văn nghệ mà có người gọi là cái Tâm, cái đạo đức gì đó. ấy là một thái độ rõ ràng, trung thực, thẳng thắn. Trước tiên là rõ ràng trung thực thẳng thắn với chính mình. Nếu như vậy dù cho có chút cay độc, cồm cộm quá đà thì vẫn thể tất được. Chán đời nhất là cái kiểu phê bình tiểu luận đong đưa, uốn éo, láu cá, lấy lòng, hung hẵn, trắng trợn, đàn áp... Dù có đầy rẫy những "tố chất" đó đi chăng nữa thì vẫn chỉ tạo ra sự nhạt nhẽo trống rỗng và đầy ác cảm, thờ ơ với đông đảo bạn đọc mà thôi.
Điều cuối cùng tôi muốn nói khi đọc Cánh bướm và đoá hướng dương là cái công trạng "báo chí hoá" cách viết phê bình tiểu luận văn nghệ của ông Vương Trí Nhàn. Cách viết này nó tốc độ, nó ngắn gọn, đầy ắp thông tin cụ thể, ít lý luận con cà con kê, ít định kiến và nhiều dân chủ tạo ra sự hấp dẫn và mối giao lưu với đông đảo người đọc. Nhưng mà cách viết này tôi ngờ rằng nó có cái gì đấy thời thượng và hình như có chủ ý "chăm nom" tới thị hiếu đương thời. Nó giống như các trận đá bóng ở vòng đấu loại mà thôi. Nhìn toàn thể một bầu không khí văn chương dài dài- xét toàn thể những khát vọng của người sáng tác và đông đảo người đọc thì hình như đang có một đòi hỏi muốn được dự những trận đấu vào sâu ở vòng lại trực tiếp và cuối cùng là trận thư hùng chung kết của lý luận phê bình văn nghệ. Tôi nghĩ một cây bút như Vương Trí Nhàn chắc chẳng vừa lòng với những bài báo cảm và luận văn nghệ như đã tập hợp trong Cánh bướm và đoá hướng dương. Có lẽ ông cũng đang chuẩn bị cho trận chung kết đời văn nghiệp của ông. Đó là mong muốn từ xa của bạn bè, của người đọc tin tưởng ông vì cái vốn trí thức sâu sắc của ông, vì cái sự hăm hở mạnh mẽ của ông, vì cái tính can đảm của ông và hơn hết vì cái sự lăn lộn trong đời sống văn nghệ và xã hội của ông. Không biết ông Vương Trí Nhàn có lờ mờ cảm thấy sự ngóng đợi này không?
6/1999
(Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh số 26 (bộ mới) ngày 22-7-1999)
Nguyễn Đình Chính
SỐ TRUY CẬP online