Đọc Cánh bướm và đoá hướng dương

Những ai yêu văn chương, quan tâm đến các nhà văn, nết sống và tác phẩm của họ, đọc Cánh bướm và đoá hướng dương của nhà lý luận Vương Trí Nhàn sẽ thấy bổ ích và lý thú.
Vương Trí Nhàn thực hiện một cuộc hội ngộ, trải chiếu hoa mời các văn nhân của nhiều thời, nhiều thế hệ tới ngồi chung trong tập sách của mình. Đấy lại là những nhà văn đặc sắc, tài hoa đã tồn tại trong lịch sử, dẫu cuộc đời và tác phẩm của họ trải qua nhiều thăng trầm. Là Nguyễn Gia Thiều với Cung oán ngâm khúc, là Hồ Xuân hương, Tú Xương, Tản Đà, Ngô Tất Tố, Phan Khôi, Vũ Bằng, Vũ Trọng Phụng, Lê Văn Trương... là Nguyễn Tuân, Nguyên Hồng, Tô Hoài... là Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu, cặp vợ chồng tài hoa mệnh bạc Xuân Quỳnh, Lưu Quang Vũ rồi cả những khuôn mặt mới Nguyễn Huy Thiệp, Bùi Chí Minh, Phan Thị Vàng Anh... cuộc hội ngộ gần 50 khuôn mặt.
Vương Trí Nhàn không viết theo dạng văn học sử, quá trình hình thành nhà văn và tác phẩm, phân tích đánh giá tỉ mỉ về tư tưởng nghệ thuật từng tác phẩm, ông nghiên cứu cảm thụ tìm ra cái đặc trưng tinh tuý nhất của tác giả, tác phẩm để khám phá và diễn đạt. Cũng có thể coi là những bức phác hoạ chân dung các nhà văn, nhưng có lẽ như thế chưa đủ. Giống như một người sành rượu, biết phân biệt nhiều hương vị khác nhau, và tìm ra những bí quyết, những nguyên cớ làm ra những hương vị ấy, khác nhau mà đều có sức quyến rũ.
Viết về khúc ngâm Cung oán của Nguyễn Gia Thiều, một tác phẩm "rực rỡ và khắc khoải", Vương Trí Nhàn cũng khẳng định lại những điều đã được khẳng định, tác phẩm có nghệ thuật điêu luyện, một triết lý không dễ từ chối, và ông chứng minh ngoài những giá trị trên, Cung oán tồn tại cùng lịch sử còn vì tính hiện đại.
Về Hồ Xuân Hương, Vương Trí Nhàn đã tưởng tượng ra một cuộc phỏng vấn với nhà nữ sĩ tài hoa và tai quái đã khuất cách đây non hai thế kỷ, để trình bày những hiểu biết và nhận định của mình về bà Chúa thơ nôm đáng kính ấy và dựa vào đấy để bộc bạch ý nghĩ của riêng mình như trong đoạn kết:
- " Theo bà hiểu, đóng góp của bà trong văn học là gì?
- Tôi là cái ham muốn muôn đời của con người, muốn được sống thật đã đầy, thật trọn vẹn. Và cũng là cái ham muốn vượt lên trên mọi ràng buộc, không chịu khuất phục các quy phạm, muốn vứt bỏ hết mọi sự thiêng liêng đắp điếm giả tạo để tìm tới cái thiêng liêng chân chính của đời sống".
Hay cũng qua nghiên cứu và cảm thụ Tú Xương, Vương Trí Nhàn đồng thanh cùng cụ Tú đưa ra cái quan niệm về nghề văn:
"Kinh nghiệm đời tôi bảo với tôi rằng: Người ta không bỏ nổi văn chương thì hãy làm nghề văn. Nó là chuyện nghiệp chướng. Không ai lại đi chọn nó cả. Tôi chán những kẻ lấy văn chương để lập thân, với lại chán những sự cảm động hão huyền, nước mắt ngắn nước mắt dài sụt sịt trong thơ lắm rồi. Lúc nào cũng leo lẻo nói đến tình, chưa chắc đã là kẻ có tình với đời, còn trong thơ ngoa ngoắt chua cay như thơ tôi, có tình hay không xin thiên hạ cứ đọc sẽ rõ".
Và mỗi gương mặt, Vương Trí Nhàn nhìn ra một thần thái riêng, một số phận độc đáo, phong cách độc đáo. Sự thực thì các nhà văn nhà thơ có tài chẳng mấy ai có cuộc đời bằng phẳng, có những trang viết nhợt nhạt xuôi chiều. Vấn đề là người viết nhận ra cho đúng, có sức thuyết phục. Vương Trí Nhàn đã làm được điều đó, tuy chưa phải chọn vẹn, có đôi điều còn cần bàn cãi, nhưng trong phần lớn các bài viết, ông có nhiều nhận xét đặc sắc, cách viết đặc sắc. Ông không né tránh mà còn thích thú tìm hiểu phân tích những nhà văn, những tác phẩm còn có nhiều ý kiến đánh giá khác nhau và đưa ra kiến giải của mình một cách rõ ràng tự tin. Như với Nguyễn Huy Thiệp mà Vương Trí Nhàn bầu là "cây bút vàng" vào cái năm mà tác giả này mới xuất hiện.
"Sự độc đáo kỳ lạ là một yêu cầu nhất thiết với văn học, thế nhưng một phong cách như Nguyễn Huy Thiệp lại hai lần kỳ lạ, vì nó mang tới cái chất mà lâu nay văn học Việt Nam hơi thiếu - chất kiêu bạc, tàn nhẫn, cay đắng", mà Vương Trí Nhàn gọi là "Khuôn mặt nhàu nát", và viết tiếp: "Chỉ người xa lạ với tác phong đám học trò nhạy cảm học đòi làm văn mới dám viết - tức là "chường mặt mình ra"- như vậy, viết bất chấp mọi lề thói trong nghề, chỉ tuân theo một luật chơi duy nhất là nói những điều đào sâu chôn chặt trong lòng". Nhưng Vương Trí Nhàn lại phát hiện ra đằng sau khuôn mặt nhàu nát ấy một mạch trữ tình kín đáo không phải ai cũng nhận ra, đấy là những thoáng rưng rưng của tác giả khi nói về những con người yếu đuối trước trận cuồng phong của lịch sử, hoặc về nỗi cô đơn của người nghệ sĩ... và cùng với những phát hiện khác. Vương Trí Nhàn giải thích về sức hấp dẫn ma quái của tác phẩm Nguyễn Huy Thiệp đối với bạn đọc: Đằng sau cái vẻ "lạnh lùng ma quái ấy" là cái đẹp tuy mỏng mảnh yếu đuối, nhưng lại là cái quý hiếm, niềm hy vọng trong cuộc đời nghiệt ngã, mà sự sáng tạo văn chương còn cần được hiểu theo cái nghĩa: Khi cái ác được viết ra, tức là có điều kiện để đẩy lùi nó. Mỗi lần nghệ thuật chiến thắng là một lần cái thiện chiến thắng.
Đối với những cây bút mới như Bùi Chí Vinh, Phan Thị Vàng Anh, cũng với thái độ đồng cảm và trân trọng, Vương Trí Nhàn tìm ra cái mạnh cái yếu và quan trọng là cái độc đáo, cái nết người, nết văn của họ từ lúc mới cầm bút và cần gìn giữ, sáng tạo cái độc đáo ấy.
Mỗi tác giả, tác phẩm bằng những bài viết ngắn gọn, nhưng không phải là tóm tắt sơ lược, càng không phải bằng những khuôn mẫu định sẵn, Vương Trí Nhàn viết với ngẫu hứng, với cảm xúc như những bài bút ký lý luận với cái tâm sáng và sự suy ngẫm thấu đáo.
Tôi nhớ vào khoảng giữa những năm 60, Tạp chí Văn nghệ quân đội nhận được một bài phê bình của Vương Trí Nhàn từ một đơn vị bộ đội gửi đến. Người viết phê bình văn học vốn hiếm, viết hay lại càng hiếm. Bài viết của Vương Trí Nhàn từ một đơn vị bộ đội gửi đến. Bài viết của Vương Trí Nhàn được khen là "mát tay". ít lâu sau Vương Trí Nhàn chuyển về Văn nghệ quân đội, và từ đó Vương Trí Nhàn đã có ý thức về nghề nghiệp của mình. Với lao động cần mẫn, học hỏi thể nghiệm, với vẻ nhút nhát khiêm nhường, nhưng Vương Trí Nhàn luôn trăn trở tìm cho mình một cách viết, một cách nghĩ và trau dồi bản lĩnh của người cầm bút. Có lúc đúng, lúc sai, nhưng Vương Trí Nhàn kiên trì tin tưởng và theo đuổi con đường mong đạt tới sự thiêng liêng của nghệ thuật chân chính. Vương Trí Nhàn đã tạo cho mình một khuôn mặt riêng đặc sắc.
Quyển sách này, tôi tạm so sánh hơi thô thiển, là một mặt hàng thông dụng nhưng có chất lượng cao. Trong lúc thị trường tràn ngập hàng giả (kể cả hàng nghệ thuật) thì Cánh bướm và đoá hướng dương không phải một thứ nhãn hiệu màu mè mà là một vẻ đẹp có thực.
9/1999
Xuân Sách
SỐ TRUY CẬP online