Cánh bướm và đoá hướng dương

Với 50 bài, có bài chỉ hai ba trang, bạn đọc đã được lướt qua ngót một thế kỷ từ thời văn học quốc ngữ mới nhen nhóm rồi phát triển tới hôm nay. Tiểu luận của Vương Trí Nhàn vẽ ra bước tiến thần kỳ ấy của văn học Việt Nam bằng nhân vật kèm lời bình được rút ra tất nhiên, theo cảm quan của Vương Trí Nhàn, những nét chính trong đời văn của tác giả ấy.
Đó là công trình của một bộ sử văn học, vậy mà chỉ ngót ba trăm trang, bạn đọc đã được thưởng thức tất cả. Không phải là một lược sử mà là những trang chắt lọc mang giá trị phát hiện. Không có cảm tưởng đọc một thiên nghị luận thường thấy, mà qua cách kể, Vương Trí Nhàn đã phân tích và dẫn ra những sự việc, những tưởng hợp, chẳng khác một cuộc trò chuyện, bàn bạc tay ba của ngưòi viết, tác giả và bạn đọc.
Sự phát hiện là công phu cao nhất của người nghiên cứu, phê bình văn học. Tôi thích thú sự giả dụ hơi hướng báo chí trong phong cách thơ Tú Xương và thơ cũng như văn của Tản Đà mà trong thời ấy chưa có báo chí hoặc vừa mới có báo chí ở miền Bức. Thể hiện táo bạo như vậy, bởi vì Vương Trí Nhàn đã nắm bắt được cái không khí và trào lưu xã hội đương đảo điên trong thơ Tú Xương diễn tả, ấy là lúc giao thời mà báo viết manh nha ra tiếp sức cho dư luận.
Những điểm chính được tìm ra và nhấn mạnh trong các nhân vật của Vũ Trọng Phụng. Nói về tâm lý và sở trường của Nguyễn Khải đã đưa từ đời sống xã hội vào sáng tác như thế nào. Vương Trí Nhàn mổ xẻ chi tiết trạng thái tư tưởng khác nhau của Nguyễn Huy Thiệp từ "Một thoáng Xuân Hương" đến "Tướng về hưu" và một số truyện sau, là phát triển hay yếu đi. Và nhà thơ Nguyễn Duy với "chữ lạ, người lạ". Trong thời gian qua, vô số nhà thơ đã đi tìm "chữ lạ" như đi đãi vàng, nhưng người ta hô là đi tìm mà thực ra chỉ là ngồi tìm, mà rung đùi ngồi tìm thì làm sao ra chữ được. Thơ Nguyễn Duy đã ý thức được quan niệm và việc làm cật lực để cho có được "chữ bàu lên nhà thơ".
Mỗi nhà văn, nhà thơ được đề cập tới, Vương Trí Nhàn đều nêu ra được những phát hiện mới. Tất cả đã góp phần tạo nên bóng dáng, hình thù dòng chảy của văn học Việt Nam một thế kỷ qua.
(Người Hà Nội ra ngày 13/3/2000)
Hồng Hoa (Tô Hoài)
SỐ TRUY CẬP online