Là nhà văn, càng không được xa lạ với văn học thế giới

Phóng viên báo Văn hoá đã có cuộc trao đổi với nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn nhân dịp Nxb Hội Nhà Văn xuất bản cuốn Ngoài trời lại có trời của ông.

Là một trong những nhà phê bình xông xáo, nhưng độc giả vẫn ngạc nhiên với cuốn Ngoài trời lại có trời. Đây là tập phê bình tiểu luận về văn học nước ngoài (VHNN). Trong khi người ta đã quen nghĩ "đối tượng" của V.T.N là các tác giả, tác phẩm Việt Nam...

- Xuất xứ sâu xa của cuốn sách là một nỗi ám ảnh. Nỗi ám ảnh ấy đã đi cùng tôi, từ khi bước chân vào lãnh địa phê bình văn học đến nay: muốn biết, muốn hiểu VHNN. Ngay cả các nhà văn, nhà thơ trước hoặc cùng lứa chúng tôi như Bằng Việt, Lưu Quang Vũ, Hoàng Hưng... đều chung niềm tha thiết ấy. Với thời của chúng tôi, đó là một mong muốn xa xỉ. Bởi khó thực hiện. Nhưng cam đoan nó không phải là một sự làm dáng, mà là một đòi hỏi tất yếu. Các cụ ta ngày xưa đều thạo chữ Hán, đều đọc văn chương Đường, Tống, Minh, Thanh bằng chữ Hán. Tới đầu thế kỷ này, các nhà văn, nhà thơ đồng thời là những người thành thạo tiếng Pháp, hoặc thường xuyên được tiếp xúc với văn học văn hoá Pháp từ khi ngồi trên ghế nhà trường. Nhà văn Tô Hoài là một người có tuổi thơ cũng khó khăn nhưng đã rất chịu khó tìm đọc sách Pháp, có những lúc tự dịch Môpatxăng ra tiếng Việt. Bây giờ cụ Tô Hoài vẫn tiếp tục đọc các nhà văn Pháp đương đại. Cái thiệt thòi của lứa bọn tôi là việc tiếp cận với VHNN đầy khó khăn. Nhưng tôi tâm niệm, một ngưòi làm văn học phải biết văn học nước ngoài. Biết để xem người ta làm thế nào, mình đang ở chỗ nào. Chúng ta phải phát triển theo những quy luật chung của văn học thế giới. Chúng ta không thể là một cái gì đó độc đáo, ngoại lệ, đứng ngoài mọi cái. Những gì người ta đã đi qua thì chúng ta vẫn sẽ phải đi. Vậy là tôi tự học ngoại ngữ để tự mở cho mình một cánh cửa nhìn ra thế giới văn học. Khi ta đọc sách của các tác giả từ những phương trời xa xôi, ta càng nhận ra bản thân mình rõ hơn

Các nhà văn, nhà thơ khác có chia sẻ nỗi ám ảnh đó với ông không?


- Anh Nguyễn Khải kể, khi đọc Phaoxtơ có nhiều từ anh không hiểu. Nhưng do sự đoán định về mặt tư tưởng của tác phẩm nên anh hiểu những điều mà người thạo ngôn ngữ mới hiểu được. Nhờ có tác động chủ quan mà người đọc hiểu được tác phẩm. Dịch phẩm hay chính là cuốn sách mà như thể dịch giả cũng viết được như thế. Nhà văn Nguyễn Minh Châu có lần nói đùa, khi đọc cái gì hay mình thường có cảm giác đó là điều hình như mình muốn viết nhưng giờ đã có người viết mất rồi. Các nhà văn lớp trước rất khuyến khích chúng tôi đọc. Với đông đảo bạn đọc thì Nguyễn Khải chỉ kể chuyện đi thôi. Kỳ thực anh ấy đọc rất cẩn thận. Anh Vũ Cao kể, hồi kháng chiến, anh lấy trong thành ra được những cuốn sách tiếng Pháp, anh Nguyễn Đỉnh Thi đã đi bộ đến chỗ anh Vũ Cao để đọc tất cả những thứ đó. Đọc xong lại đi bộ về. Anh Nguyên Ngọc đi B từ năm 1962, nhưng khoảng năm 70-71 anh có nhắn với bạn anh ở Hà Nội gửi cho ít sách trong đó có Quyển Truyện bỏ dở của Aragông. Đấy, ngay ở chiến trường, anh Ngọc vẫn tìm thấy tiếng vọng của tất cả những cái đau xót, những cái dằn vặt, suy tư của Aragông trước những diễn biến của thế giới và cảm thấy cần phải đọc cuốn đó.

Còn mối quan hệ giữa dịch và sáng tác, cần phải xác định ra sao?


- Một trong những con đường thể hiện của nhà văn là thể hiện các tác phẩm dịch. ở các nước những người dịch giỏi đồng thời là nhà văn. Hiện nay tôi thấy có hiện tượng không lành mạnh, đó là sự tách rời giữa người dịch và người sáng tác. Dường như có một đám thợ để chuyên môn dịch. Nhiều ngưòi coi thường việc dịch lắm. Họ không biết rằng chính dịch cũng là một sự sáng tạo. phải xem các tác phẩm ấy là một bộ phận cảu VHVN chứ không phải là VHNN. Một trong những đóng góp lớn của Xuân Diệu là dịch. Ông ấy làm cho chúng ta hiểu thêm về thơ không vần là như thế nào. Rồi Chế Lan Viên, Nguyễn Đình Thi... Tôi viết ơn những người ấy. Tôi hiểu họ không chỉ qua tác phẩm của họ mà còn qua các bản dịch. Thật buồn khi thấy toàn tập của họ không đưa các dịch phẩm vào.

Thời nay, các nhà văn có nhiều thuận lợi hơn trong việc tiếp cận VHNN nên việc đọc có thể là hiển nhiên, không bức xúc như trước. Ông nghĩ về điều này thế nào?


- Hiện nay, thông tin đa dạng hơn bao giờ hết. Đó không phải là một thuận lợi mà là khó khăn. Con người bị xâu xé bởi nhiều thứ. Tôi biết các nhà văn bây giờ đọc nhiều hơn, nhưng nhiều người chỉ đọc chơi chơi. Không nghiền ngẫm, suy nghĩ để xem xét người ta đang đi theo hướng nào, mình đang ở vị trí nào. Các nhà văn phải đọc không chỉ qua bản dịch. Kinh nghiệm của tôi, nếu chỉ trông cậy vào những người dịch và nhà nghiên cứu, thì tôi đã hiểu nhầm văn học Nga và văn học Trung quốc. Văn học Việt Nam là một bộ phận của văn học thế giới. Mà nhà văn thì không được xa lạ với văn học thế giới.

(Báo Văn hoá số 881+882, ra ngày 26/4 - 1/5/2003)

Lê Nguyên Chung
SỐ TRUY CẬP online