Buồn vui đời viết

Hơn ba chục năm cặm cụi làm việc, lại được "trời phú" cho cái tính hoạt, bặt tiệp trong nghề văn, Vương Trí Nhàn đã khắc được tên mình trong làng văn, mà việc đó quả không dễ dàng chút nào. Từ Bước đầu đến với văn học (1980). Các nhà văn Hà Nội viết về Hà Nội (1987) đến Những kiếp hoa dại (1993), Cánh bướm và đoá hướng dương (1999). Buồn vui đời viết (1999), Vương Trí Nhàn đã tự vạch một lối trong nghề nghiệp- lối viết uyển chuyển tung phá đôi khi gần tới sự tinh tế của phê bình văn học.

Buồn vui đời viết

Như ghi chú ở đầu sách Buồn vui đời viết là dạng "sổ tay văn hoc" gồm 36 bài nhỏ (đã in báo một phần lớn) mà tác giả tự nhận "chúng cũng phần nào có được sự nhất quán trong cách nhìn và giọng điệu", các bài viết kiểu "sổ tay" này nhằm "Từ kinh nghiệm của một người trong cuộc, phác hoạ lại đời sống văn học với một ít ngóc ngách cụ thể của nó". Tác giả đã lấy tên bài viết trong tập sách Cánh bướm và đoá hướng dương đặt tên cho tập sách mới Buồn vui đời viết.
ở chặng đầu của văn nghiệp ta thấy Vương Trí Nhàn viết rất nắn nót, mỗi bài đều chứa đựng vừa xúc cảm run bật vừa sáng rõ lý trí (như bài viết 1967 Đầu súng trăng treo- một mạch thơ kháng chiến được tiếp tục) đến Buồn vui đời viết, giọng văn đã trở nên quá già dặn, cái giọng của người trong cuộc, lăn lộn tiếp xúc nhiều, biết nhiều nên lúc nào cũng chủ động cũng riết róng mà chưa thấy nhiều người phản bác. Dường như thời gian và sự viết đã làm anh đủ tự tin để viết về nghề nhưng vẫn cần một chỗ dựa trong lĩnh vực này nên Vương Trí Nhàn đã "mượn" Nguyễn Khải để Nguyễn Khải để phô diễn thêm ý tưởng của mình "Năm 1963, Nguyễn Khải từng có một bài viết mang tên Con đường dẫn tôi tới "nghề" văn. Riêng việc chữ nghề ở đây được đặt trong dấu ngoặc kép, đã hàm ý một tuyên ngôn: Ông coi nghề nghiệp của mình là một nghề đặc biệt" (trang 164) . Rồi cũng vì nhận thấy mình bị "nghiệp văn" vận vào nên có lúc Vương Trí Nhàn đau đáu thực sự "mỗi lần nhìn lại cuộc đời viết văn của người bạn vong niên mà bản thân tôi từng chịu ơn rất nhiều này, tôi như có dịp nghĩ thêm và thấm thía về duyên nợ văn chương" (trang 142). Và anh đã làm việc trong nghề văn vất vả theo tinh thần "Một trong những lý do khiến cho nhiều người cứ phải ngần ngại khi nói tới chuyện chuyên nghiệp hoá, có lẽ là ngay ở tính chất quyết liệt của nó. Từng người phải vắt kiệt sức mình cho công việc".
Là người mạnh mẽ trong cách nghĩ và cách viết mới đặt vấn đề "Văn chương, đồng tiền và sự kiếm sống" (tên một bài trong tập nói về cái nông nỗi "cơm áo không đùa với khách thơ"). Lối nói thẳng thắn, thực tế của anh đã được đồng tình ở nhiều người làm nghề văn: "Văn chương là cả một sân chơi, rộng rãi: ai muốn sống theo kiểu lãng tử, gặp đâu hay đấy, xin cứ tiếp tục. Còn với những cây bút nghiêm túc sống chết với nghề, thì việc giúp đỡ cho họ có được mối quan hệ công khai, rành mạch, hợp lý... đối với đồng tiền cũng đã đến lúc thành việc cần thiết, vì đây là tiền đề tốt, để giúp cho họ có thể giải phóng hết tiềm năng sáng tạo" (trang 172)
Trong cuốn sách này nhiều lần Vương Trí Nhàn nói tới cái "không khí nghề nghiệp" bị nhạt nhoà của làng văn, điều ấy quả là có thực nếu so sánh hiện tại với thời gian trước 1945 khi mà các bậc như Thạch Lam, Nam Cao, Nguyễn Tuân, Nguyễn Bính còn tung hoành trên văn đàn. Nhân nêu vấn đề này, anh có nói đến một thói quen không lành mạnh đã làm suy yếu văn học- sự tung hô nhau không phải lối, ở người khác, thiết nghĩ viết như thế sẽ là có động chạm, với Vương Trí Nhàn, anh không e ngại vì nói và nói có thiện ý. Quả thực người viết bài này (và có lẽ nhiều người khác) đã hiểu thêm được nhiều hơn về nghề văn, giới văn hiện nay ở ta. Khi đọc bài "chất lang chạ trong mỗi chúng ta" (Đã in trong Những kiếp hoa dại), thoạt đầu nhiều người cứ thấy gai gai vì thấy tác giả thẳng quá, "bạo mồm bạo miệng" quá, song khi biết rằng đó là một thực tế, và có người đã như thế, lại thầm cảm ơn Vương Trí Nhàn đã nói hộ trước bàn dân thiên hạ cái bệnh có tính cách tâm lý này.
Trong cuốn này có bài Quyền được hách đọc rất vui và cả vấn đề nêu và lối viết, nhưng đọc xong cảm thấy Vương Trí Nhàn đôi khi cũng lây cái tính "thích được hách", chẳng hạn anh đã "đo ván" Thơ Mới 1932-1945 bằng một nhận định rất chi là "cả vú lấp miệng em": "Phong trào Thơ mới là một hiện tượng bồng bột và chói sáng trong đời sống văn hoá dân tộc thế kỷ XX" (trang 177). "Chói sáng" thì ai cũng biết nhưng "bồng bột" thì chỉ thấy tác giả và thêm vài người nữa nhận định như thế.
Sau Chuyện nghề (Nxb Hội Nhà văn, 1999) của Nguyễn Khải loại sách như Buồn vui đời viết của Vương Trí Nhàn đã dần dần làm đầy "tủ sách sáng tác", những cuốn sách không thể thiếu trên giá của người làm nghề văn mà trước đây chúng ta đã được đọc kiểu như Sổ tay viết văn (Tô Hoài) Đời viết văn của tôi (Nguyễn Công Hoan), Chuyện nghề (Nguyễn Tuân)... Một nhà văn viết về chuyện nghề văn, đã đành, còn một người viết phê bình như Vương Trí Nhàn viết về nghề văn mà linh hoạt, mà phong phú với những vui buồn bất tận, kể ra cũng còn hiếm. Mục tiêu của tác giả quả là đáng khích lệ "Quá trình dân chủ hoá đời sống tinh thần hiện nay, đã mở ra khả năng để dư luận có thể hiểu kỹ thêm và nhất là hiểu đúng hơn cả vai trò sứ mệnh văn chương lẫn những đặc điểm của nó, về mặt nghề nghiệp".
Bùi Việt Thắng
SỐ TRUY CẬP online