Buồn vui của người trong cuộc

(Nhân đọc Buồn vui đời viết của Vương Trí Nhàn, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội, 2000)

Quả là "Tiên trách kỷ, hậu trách nhân"... Với rất nhiều những tôi, chúng tôi, phần lớn chúng tôi, lúc chúng ta, làng văn chúng ta, nghề văn chúng ta... nhà phê bình Vương Trí Nhàn từng trải nghiệm nhiều năm trong đời sống văn chương đã tự phân thân để phân tích, đánh giá lại mình và giới mình. Anh thông thuộc nhiều dẫn chứng để chỉ ra mọi nhẽ cái hay cái dở của nghề cầm bút, cả trong giới sáng tác và phê bình, nhất là những năm gần đây.
Tôi cho rằng phần lớn những câu chuyện, những lề lối và mánh lới được nêu ra trong tập sách hầu như chẳng có gì thật mới mẻ lạ lẫm trong giới văn chương- nếu không muốn nói là lời dám tiếu hàng ngày những khi trà dư tửu hậu. Điều đáng bàn là tác giả biết đan kết, bao quát các chi tiết, sự kiện nhãn tiền ấy thành vấn đề, thành tính vấn đề của đời sống văn chương. ở đây có câu chuyện của người viết, của bạn đọc, của thời cuộc, của người quản lý và bài học lịch sử "dầu lòng vậy, cầm lòng vậy". Lại có chuyện chưa xa như Nguyễn Tuân in Sông Đà (1960), Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi (1973) mà thành nỗi niềm đau đáu: "Giữa hai quyển sách ấy là bao nhiêu phá sản, đổ vỡ, đến nay còn lưu lại, thành những câu chuyện để cả giới truyền tụng. Đại khái có khi sách đã sắp chữ rồi, có bông in rồi vẫn bị cúp" (tr.47); lại có những điều nghịch lý mà lại là hợp lý, thậm chí còn là đòi hỏi của đời sống trước cái chập chờn của nghề văn nghề báo hôm nay: "Huống chi viết báo còn có ích ở chỗ nó tập cho người ta thói quen làm việc đều đều, nhất là không chỉ biết viết theo cảm hứng, mà còn biết làm theo đơn đặt hàng có sẵn trong giới hạn thời gian nghiêm ngặt- tóm lại là những phẩm chất phải nói là cần thiết cho con người trong thời hiện đại" (tr.161); hoặc đi sâu hơn, tác giả nhấn thêm một lần về cái bệnh của cơ chế hình thức chủ nghĩa mà ai cũng biết, cũng chịu, cũng "tìm cách hoà hợp" sống chung với bão lũ: "Một là... Hai là, bấy lâu công việc viết văn lại thường được xem là một công tác hơn là một nghề nghiệp. Gọi là công tác tức là phần nhiệt tình là chính, ai lập trường vững và có năng khiếu một chút làm được. Người viết văn được xếp gọn trong hệ thống hành chính, theo thâm niên mà lên lương và hưởng bổng lộc. Khi trao đổi về sáng tác, sự chú ý của mọi người trước tiên hướng vào nội dung tư tưởng, còn các vấn đề nghề nghiệp ít khi được bàn bạc một cách thấu đáo" (tr.194).
Qua tập sách tác giả nói đúng, nói thẳng, nói thật ra biết bao nhiêu ý, bao nhiêu câu, đoạn có thể khiến cho anh, cho chúng ta cùng phải nghiêm túc suy nghĩ lại. Song hiển nhiên khi ai cũng can dự vào cái lỗi chung ấy thì rốt cuộc hoà cả làng, thậm chí cả làng đều biết rõ: "Bấy giờ thì không riêng ai nữa, hầu như cả giới cầm bút ở ta đều đã công nhận rằng đời sống văn học hôm nay mở ra theo chiều hướng rộng, nhưng lại thiếu chiều cao, có nền mà chưa có đỉnh". Cá nhân tôi chia sẻ phần nào với ý kiến này nhưng vẫn băn khoăn về nỗi chúng ta có đoàn có hội mà sao không có ai cầm trịch, không có trọng tài dám chịu trách nhiệm phân xử đúng sai. Đời sống văn học- đặc biệt về phê bình và tranh luận văn học- quả đang trong tình trạng chuyển động brao. Có những cuộc thi, những tập thơ đã được thẩm định và trao giải, thế rồi vì thiên kiến, vì hóng đâu đó về sự "nguy hại", "có vấn đề", "kẻ xấu lợi dụng" mà có người quay ngược lại chê bai, suy diễn những là nghệ thuật non kém, thiếu cảm xúc. Và rồi cũng chẳng có ai nói một lời cho phải!
Từ cuốn sách của Vương Trí Nhàn có thể liên hệ và mở rộng tới nhiều vấn đề liên quan đến câu hỏi: Tại sao văn học ta rơi vào tình trạng lúng túng như hiện nay? Và tác giả đã có câu trả lời : Hãy bắt đầu bằng cách tự phê phán... Có lẽ chính với tinh thần trung thực ấy- trung thực trước hết với chính mình, giữa chúng ta với chúng ta - cho nên sự phê phán khá nghiêm khắc, lời lẽ đôi khi đến độ, đến điều mà người đọc vẫn chấp nhận được, vẫn đồng cảm với "người trong cuộc" để cùng trăn trở, cùng tháo gỡ, đi lên. Tôi muốn nói thêm: chúng ta đang rất cần định hướng trong quản lý văn học, cần bàn tay nhạc trưởng phê bình, cần tiếng còi trọng tài thực tài và dám chịu trách nhiệm.
(Người Hà Nội 2/9/2000)
Nguyễn Hữu Sơn
SỐ TRUY CẬP online