Xuân Diệu

Trong một bài tuỳ bút mang tên Việt Nam đại hội viết từ trước cách mạng, sau in lại vào tập Triều lên (1957), Xuân Diệu từng mượn lời miền Nam để ca ngợi miền Bắc. Trong tâm trí nhà thơ, Hà Nội phải đặt trên bối cảnh toàn miền đồng bằng Bắc Bộ, mới thật rõ cá tính.
- Thưa chị, trải bốn ngàn năm, chị lại càng tươi tốt hơn bao giờ. Chị vẫn trẻ mãi như thế. Mấy thời đại qua, sông Nhị Hà vẫn là một con sông trẻ... Núi Tản Viên tinh khiết như màu trời sắt lại, hồ Ba Bể trăng soi lánh lỏi, Vịnh Hạ Long rồng nổi mây sa, con sông Thương nước chảy đôi dòng. Nhưng huyền diệu nhất là mùa đông của chị. ở tận miền Nam, em ao ước đến luôn: em cố tưởng tượng cái rét thế nào, cái sương gió thế nào. Những hôm mưa vừa mới tạnh, một trận gió lạnh bỗng xảy đến, đôi chút sương kỳ diệu phơ phất các tán cây, thành phố Sài Gòn của em nhớ thương Hà Nội hơn lúc nào hết. Từ khi đồng bào miền Bắc càng vào nhiều trong em thì những mùa mưa của em cũng như thêm gió thêm sương, thêm một vài luồng lạnh quí báu, hiếm hoi...”.
Đoạn văn diễn tả khá tinh tế những ấn tượng mà một người vốn quê khu Năm như Xuân Diệu “tiếp nhận” ở Hà Nội, ngạc nhiên về Hà Nội. Bấy giờ là 1935, nhà thi sĩ trẻ mười chín tuổi đến Hà Nội để vừa học tú tài phần thứ nhất, vừa viết văn, viết báo. Với các bạn trẻ bây giờ, Xuân Diệu thường kể: Nếu từ nông thôn lên Quy Nhơn, ông đã thấy con người được cởi mở hơn, tâm trí phong phú hơn, thì với việc ra Hà Nội, những thay đổi lại càng như kỳ diệu.
“Tôi được đi ra Hà Nội học tú tài phần thứ nhất ở trường Bưởi gần Hồ Tây. Hồ Tây lúc đó còn hoang vu hơn bây giờ nhiều, số người còn ít. Hồ Tây rất là rô-măng-tích. Có thể nói, khi ra Hà Nội, tôi có sự nảy nở lần thứ hai... Đi vào những trại trồng hoa ở Ngọc Hà, xem những cây hoà đào ở Nhật Tân, đối với tôi vào tuổi 18, 19 như một sự bừng nở, như mùa xuân mới về”.
Nếu muốn tìm hiểu thiên nhiên đã ảnh hưởng đến tâm hồn một người viết văn như thế nào, thì trường hợp Xuân Diệu tiếp xúc với miền Bắc, trước tiên là Hà Nội, đã là một đề tài thú vị.
Trên phưong diện văn học, những ảnh hưởng này sẽ rõ rệt hơn, và những ngạc nhiên trong lòng Xuân Diệu sẽ còn bùng lên mạnh mẽ hơn. ở Quy Nhơn ngày nào Xuân Diệu đã say mê thơ Tản Đà, khi nghe tin An nam tạp chí tục bản, cứ phải trốn trường ra phố thăm hỏi không thôi. Nay Xuân Diệu được gặp Tản Đà giữa toà soạn một tuần báo.
Cũng ở Hà Nội, Xuân Diệu được gặp Thế Lữ. Tác giả Mấy vần thơ đã động viên Xuân Diệu viết, đã cho đăng một số bài của Thơ thơ trên Ngày nay, và khi Thơ thơ in ra, tự tay viết những trang đề tựa. Từ những trang thơ này, Xuân Diệu sẽ vào sâu thêm giới văn học Hà Nội. Không phải ngẫu nhiên nhiều bài thơ của ông in báo rồi in lại trong Thơ thơ, bên cạnh đầu đề, có ghi thêm mấy chữ tặng một người nào đó: Chiều tặng Nguyễn Khắc Hiếu, Nhị Hồ tặng Thạch Lam, Xa cách tặng Đỗ Đức Thu, Vội vàng tặng Vũ Đình Liên v.v.. và v.v...
Những chi tiết nho nhỏ ấy chỉ xác nhận một sự thực là Xuân Diệu đã gắn bó với đời sống văn học thủ đô lúc ấy, và do được sự động viên, cổ vũ của bè bạn, đồng nghiệp... mà ngòi bút Xuân Diệu thêm hứng khởi.
Có lẽ cũng chỉ Hà Nội hồi ấy mới chấp nhận cái chất “tây” rõ rệt trong thơ Xuân Diệu và vừa chào đón nồng nhiệt vừa hướng cho nó thêm mềm mại hơn.
Rồi cũng ở đây, sự nghiệp Xuân Diệu cơ bản hình thành. Thơ thơ in ra hai lần ở Hà Nội (1938-39), đã có tiếng vang tới mức, năm 1941, khi làm Việt Nam văn học sử yếu, Dương Quảng Hàm đã ghi lại lần thứ nhất Thơ thơ được in ra, như một ngày tháng đáng nhớ trong Biểu liệt kê các tác giả và tác phẩm theo thứ tự thời gian.
Tuy nhiên, cũng ở Hà Nội, trước cách mạng Xuân Diệu nhanh chóng đi tới sự chán ngán bế tắc. Trong Những bước đường tư tưởng của tôi, ông kể:
Năm 1943-1944, ở trên cái gác Hàng Bông, tôi chạy buôn chợ đen thì không được, viết văn cứ nói mãi về cái buồn cũng hết chuyện... Tôi ngồi giở quần áo cũ ra và giữa một bóng chiều thu đông lạnh và héo xám như hoa khô”.
Những trang văn xuôi của tác giả lúc này có một không khí riêng buồn buồn, ngùi ngùi, nó là trạng thái tâm hồn tác giả đồng thời lại cho chúng ta thấy một vài khía cạnh Hà Nội trước cách mạng mà ở người khác không thật rõ.
Trong Phấn thông vàng, nhà văn tả cái nơi ở của một người bạn:
“Tôi biết nói cái gì trước bây giờ? Cái gì cũng buồn như nhau. Con đường sắc xanh không rải nhựa, dãy phố lặng lẽ, gian nhà không chút đặc biệt của ông chủ, căn phòng không sáng sủa của bạn tôi... Mọi vật đều buồn một cách lưng chừng, xui lòng tôi không đủ cớ mà buồn nữa kia, phải chịu ngùi ngùi một cách vô lý”.
Và đây nữa, cái chất lưng chừng, vừa phải của một mảng đời thành phố, qua sự cảm nhận của Xuân Diệu:
“Đoạn đường chạy qua không đủ rộng để làm một đường phố, cũng không đủ hẹp để làm một ngõ hẻm, đá không chịu lởm chởm, mà chỉ hơi gập ghềnh. Nhà không chịu xấu, không chịu tồi mà lại chưng một vẻ phong lưu nghèo nghèo một ít. ánh sáng không chịu sáng, giữa hai dãy lầu khéo đứng để ngăn mặt trời, cả ngày chỉ là một buổi chiều dài. ở chợ Hôm đang náo nhiệt bao nhiêu, thế mà vừa đi một trăm bước để vào con đường này, cuộc đời bỗng quạnh hiu, làm cho nhà cửa ngơ ngẩn”.
Có thể bảo rằng đây là một nét Hà Nội trước cách mạng rất hiếm người nhận ra, cái Hà Nội mờ mờ, nhạt nhạt, bùi ngùi như Xuân Diệu hay nói, cái Hà Nội giống như trong tranh Bùi Xuân Phái, trời đất không ra sáng, không ra tối, chỉ thấy nhà không thấy người, và những mái nhà thì tuy nhỏ nhoi, nhưng không cái nào giống cái nào.
Chính một thứ Hà Nội bùi ngùi như thế này đã quyết định những chuyển hướng trong cuộc đời và trong thơ Xuân Diệu...
Theo chính Xuân Diệu kể, thì trước khi về 61 Hàng Bông, cái gác vá áo nói trên. Xuân Diệu còn cùng với Huy Cận ở 40 Hàng Than. ở đây Xuân Diệu và Huy Cận ở trên gác, còn người ở gác dưới là nhà thơ Lưu Trọng Lư. Lưu Trọng Lư từ miền trung ra Hà Nội trước Xuân Diệu, bấy giờ đã sống bằng ngòi bút, ông nhận làm thuê cho Tiểu thuyết thứ bẩy, Phổ thông bán nguyệt san lương mỗi tháng là sáu chục đồng.
Nhưng bao nhiêu màu sắc kỳ lạ của cuộc sống Hà Nội bấy giờ không làm cho thi sĩ yên tâm. Nhìn vào đời sống Lưu Trọng Lư, Xuân Diệu thấy chẳng có gì bảo đảm. Chưa đầy ba mươi tuổi mà Xuân Diệu đã cảm thấy hết cái lạnh lẽo của kiếp sống con người. Huy Cận than: “Phố không cây, ôi sầu biết bao chừng” nghe còn mơ màng. Xuân Diệu nói rõ hơn: “Cơm áo không đùa với khách thơ”, thật là cụ thể. Có lẽ là nghề viết không nuôi nổi người ta thật, nên mê văn chương, mê Hà Nội vậy, Xuân Diệu vẫn phải bỏ cả hai mà đi làm tham chính nhà đoan ở Mỹ Tho ba năm, khi Huy Cận đỗ kỹ sư canh nông nuôi được bạn rồi, hai người mới đoàn tụ.
Khi nghe tôi hỏi về những ấn tượng mà Hà Nội để lại trong tâm trí mình, Xuân Diệu ngước mắt lên thoáng nghĩ gì đó, rồi nói rằng sẽ có lúc mình viết về trời đất, nắng gió Hà Nội. Tuy nhiên, còn một điều ông đã nói ngày. Hà Nội bây giờ là cái xưởng làm việc của ông, là nơi cung cấp cho ông đủ “nguyên vật liệu” để suy nghĩ, nghiên cứu, lại tạo không khí đủ ấm, đủ nóng để cái nụ của sự sáng tạo thành hoa, cái mầm trong hạt lớn lên thành cây. Ngoài ra, phải nói là từ sau cách mạng, Xuân Diệu sống giữa Hà Nội thấy đầm ấm hơn. Ông lại hay đến với Hồ Tây rất rô-măng-tích, như ông đã nghĩ, hơn bốn chục năm trước. Lại hay đến Trại trồng hoa Ngọc Hà, tới xem đào Nhật Tân... Trong khi đường trăng- đường thơ- đường tình yêu của Xuân Diệu lúc này mở rộng ra tới tận Láng “thơm bạc hà, canh giới” thì hàng ngày, Xuân Diệu vẫn sống bên phố phường nhà cửa, những con đường đậm bóng sấu Hà Nội, và viết, lao động, với một nhịp điệu mà những người trẻ tuổi cũng phải ghen tị.
SỐ TRUY CẬP online