Mạnh Phú Tư - Chế Lan Viên Tế Hanh - Bùi Hiển

Ra với Hà Nội để vừa học, vừa viết, có khi ban đầu chưa phải đã định sống với nghề viết, nhưng do ở Hà Nội thấy nghề này hấp dẫn quá, thú vị quá mà đi vào lúc nào không rõ - đấy không chỉ là trường hợp của riêng Xuân Diệu, mà của nhiều cây bút khác, trước cách mạng.
Chẳng hạn như Mạnh Phú Tư. Vốn quê ở Hải Dương, ông ra Hải Phòng học trước, rồi sau học ở Hà Nội, và vừa dạy từ các gia đình, vừa viết văn. Nhờ cuốn Làm lẽ (1940) được giải thưởng Tự lực văn đoàn, ông mới tiếp tục viết những cuốn khác Sống nhờ, Gây dựng, Nhạt tình, v.v...
Hoặc như Chế Lan Viên. Đến nay nhiều người còn nhắc đến chuyện thời ấy, một vụ hè, Chế Lan Viên ra đây “bám” Thư viện trung ương chỉ để đọc sách. Tờ báo phát hiện ra ngòi bút Chế Lan Viên là tờ Bắc Hà của nhóm Trần Huyền Trân, Thâm Tâm. ít lâu sau, thi phẩm Điêu tàn đánh dấu sự trưởng thành của Chế Lan Viên cũng được in ở Hà Nội.
Lại có trường hợp như Tế Hanh. Tuy chỉ ra Hà Nội ít ngày rồi về ngay, nhưng có thể nói khi đi học. Tế Hanh vẫn sống với không khí thơ ở ngoài này, nhờ thế, tập Nghẹn ngào có gì rất gần với những tập thơ khác xuất hiện đương thời.
Và đây, một trường hợp nữa, nhà văn Bùi Hiển. Theo như ông kể với chúng tôi, thì từ 1935-36, khi đnag đi học ở Vinh, ông đã sống với không khí văn học của Hà Nội. Hàng tuần cứ đến thứ năm là có chuyến tàu chở sách báo Hà Nội vào, độ 8 giờ tối thứ năm đã thấy bầy bán ở các hiệu sách lén của thành phố Vinh, và Bùi Hiển bao giờ cũng phải tìm ngay những tờ báo đó để đọc.
“Đúng là Hà Nội toả sáng trong tôi” - Bùi Hiển nhận vậy. Ông mê những tác giả đương thời nổi tiếng in trên báo chí thủ đô, đến mức có lần ngồi chép lại một đoạn văn của Nguyễn Công Hoan mà ông rất thú. Ngôn ngữ Hà Nội quả là tuyệt, có thể nói tiếng Hà Nội là tiêu biểu cho vẻ đẹp của tiếng Việt. Một vài câu ca dao dẫn vào giữa trang truyện như mấy câu:
Lẳng lơ thì cũng chẳng mòn,
Chính chuyên cũng chẳng sơn son mà thờ
Vũ Trọng Phụng dẫn trong Cơm thày cơm cô, đối với Bùi Hiển, cũng đã là bài học.
Mặc dù chỉ viết về những truyện ở tỉnh nhỏ lúc ấy, hoặc về những người dân chài vùng biển, nhưng Bùi Hiển bao giờ cũng cố gắng để có một ngôn ngữ uyển chuyển, dung dị, người các vùng khác cũng có thể hiểu được. Và giới văn học Hà Nội rất hiểu những cố gắng đó của Bùi Hiển. Ngày nay và Trung bắc chủ nhật, Tiểu thuyết thứ bảy và Thanh Nghị, báo nào mà Bùi Hiển có bài gửi tới, cũng khuyến khích ông làm việc, nhiều khi còn cho đăng truyện ngắn của ông với những đoạn giới thiệu ngắn gọn, trang trọng.
Đến nay, mấy chục năm đã qua, nhưng Bùi Hiển có thể sung sướng mà nói rằng Hà Nội đã phát hiện ra mình. Cái nỗi niềm hân hoan của một người viết văn ở một tỉnh nhỏ, khi lần đầu đến với một nhà xuất bản ở Hà Nội làm việc về tập truyện ngắn đầu tay của mình, nỗi niềm đó thật suốt đời người ta không thể nào quên nổi!
Từ đây đến chỗ bỏ gia đình quê hương lên Hà Nội, sống hẳn với nghề văn bước đường không còn bao xa.
Tuy nhiên, cái điều xảy ra với nhiều người, không xảy ra với Bùi Hiển. Ông sống ở Vinh cho đến khi cách mạng mới ra họp hội nghị văn hoá toàn quốc, rồi trở về, hoà nhập vào không khí kháng chiến của quê hương.
SỐ TRUY CẬP online