Nguyễn Tuân

Không những chỉ sinh ở phố Hàng Bạc, mà Nguyễn Tuân còn chính là người gốc ở một vùng đất ngoại thành nổi tiếng: làng Nhân Mục (làng Mọc); tức ông đồng hương với Đặng Trần Côn.
Nhà văn Tô Hoài kể: có những lần Tô Hoài, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Tuân về Dục Tú, quê Nguyễn Huy Tưởng. Nghe Nguyễn Huy Tưởng kể chuyện thành cũ Cổ Loa gần đấy, Nguyễn Tuân cũng hào hứng nhắc đến quê hương mình. Bấy giờ là thời Tây Sơn đánh quân Thanh. Một mũi quân do đô đốc Bảo chỉ huy. Sau khi đánh tan quân Thanh ở đầm Mực, cánh quân này trên đường tiến ra Đống Đa: theo Nguyễn Tuân, thể nào họ cũng vu hồi lên Kim Giang, Kim Lũ rồi tập kết ở bốn làng Kẻ Mọc mà Nguyễn Tuân gọi một cách tự hào là Kẻ Mọc chúng tôi.
Lớn lên một chút, Nguyễn Tuân cùng gia đình đi “tha hương” ở nhiều nơi, Nam Định, Thanh Hoá và cả các tỉnh sâu vào trong nữa. Nhưng theo Nguyễn Tuân kể với chúng tôi, dù làm ăn ở đâu, năm nào bà cụ thân sinh ra ông cũng dẫn ông về Hà Nội ít ra là một lần, và thường vào dịp Tết.
Năm 1923, mười ba tuổi, cậu bé Nguyễn Tuân học ở một trường tư Hà Nội, trường Trương Minh Sanh, rồi sau đó mới chuyển về học thành chung ở Nam Định. Và khi trưởng thành, sống hẳn về nghề văn, nghề báo, thì Nguyễn Tuân cũng chuyển luôn từ Thanh Hoá ra Hà Nội, để rồi “đàn đúm”, “tụ họp” với không biết bao nhiêu là bè bạn ở đây, làm nên một thời vang bóng của ông trong nghề nghiệp.
Trong một bài viết gần đây về phim Chị Dậu, Nguyễn Tuân kể lại những ngày mới bước vào nghề làm báo, từng sống ở một toà soạn ở phố Hàng Da, cùng phòng với Ngô Tất Tố. Trong khi Nguyễn Tuân đi chơi, thì Ngô Tất Tố miệt mài làm việc. Trở về phòng, Nguyễn Tuân đã mệt lắm, nhưng nhìn những trang viết giở của người đồng nghiệp vong niên lại phải ngồi vào bàn.
Trong các tài liệu khác, chẳng hạn Một đêm họp đưa ma Phụng chúng ta cũng lại bắt gặp những trang tả lối sống, lối làm việc của Nguyễn Tuân và những nhà văn đương thời. Đại khái là các ông rất hay đi bộ, cứ diện Tây, thắt cra-vát vào mà cuốc bộ ra Thư viện quốc gia, rồi đến thăm nhau, rủ nhau ra làm một chầu rượu mạnh ở Bờ Hồ hoặc cầm những quyển sách Pháp mới mua được ở các hiệu sách trên tay vừa đi đường vừa tán chuyện. Gần, giữa mấy phố đông người Hà Nội. Xa, có khi mấy người kéo bộ sang tận xóm Thượng Cát bên kia sông Hồng, rồi sáng hôm sau lại qua chín nhịp cầu Long Biên quay về.
Vạn nhất mới phải lên xe điện!
Trong những lý do để đi bộ, nó cũng là cái thú thanh nhã nữa, có điều này hợp với nghề báo, nghề văn. Là vừa đi, người ta có thể vừa quan sát, vừa nghĩ về cái thành phố mình đang ở, liên hệ giữa những điều đọc trong sách vở với việc đang xảy ra trước mắt.
Sau này, khi đã trải qua kháng chiến trở về thủ đô, Nguyễn Tuân vẫn giữ nếp sinh hoạt như vậy. Cùng với Nguyễn Huy Tưởng đi vào những ngóc ngách phố cũ. Hoặc dạo quanh Hồ Gươm. Hoặc cùng với các bạn nước ngoài, dừng lại ở cửa Toà thị chính cũ, nay là trụ sở Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội, ở cửa Câu lạc bộ Thống Nhất, v.v... Vừa đi vừa kể:
- Toà thị chính được xây dựng từ những năm 80 của thế kỷ trước.
- Câu lạc bộ Thống Nhất (nay là chỗ bán vé của Hàng không Việt Nam) xưa là trụ sở của Hội khuyến nhạc thành phố.
- Hiệu sách đầu tiên ở Hà Nội khai trương 1897. Thư viện đầu tiên ở Bắc kỳ mở cửa 1919 v.v....
Nguyễn Tuân đã thật sự trở thành một pho sử sống của Hà Nội. Nhiều trang viết của ông có thể sẽ còn mãi, bởi ghi được một cách cô đọng những cảnh sắc Hà Nội, khiến cho chúng lung linh lên, khắc sâu vào trí nhớ. Gần đây nhất, là những đoạn Nguyễn Tuân tả Hà Nội trong những ngày chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Nhưng không phải chỉ có thế. Bốn chục năm trước, Nguyễn Tuân cũng đã từng ghi lại cảnh Hà Nội tập báo động, chủ yếu là ở khu vực trung tâm thành phố.
“Vợ chồng H Ng và tôi vẫn đi một cách tò mò vòng quanh hồ Hoàn Kiếm. ánh sáng đỏ và xanh hoa lý nhà Thuỷ Tạ chảy xuống hồ tù hãm như những ống điện nê-ông có kèm những con tiện ngòng ngoèo màu sơn đỏ da chum...
Đồng hồ tay chỉ 21 giờ. Còi báo động bắt đầu. Còn gì rền rĩ thê thảm bằng. Đèn tắt một loạt. Trong tối tăm, chuông nhà thờ phụ hoạ với còi báo động (...). Tiếng còi nấc lên rồi vẳng xa như sáo gió một con diều thả về từ một cõi âm nào (...). Tiếng còi vẫn rỉ rên, rồi nấc mạnh, rồi chết hẳn (...). Tiếng còi đau khổ vẳng ngân trong bảy tám khổ vừa khoan vừa dài, vẫn nâng đỡ lấy mảnh trăng ốm, bị chém khuyết hẳn một góc...”.
Một đoạn khác:
“Thời loại điểm vào đêm kinh thành những chấm rực rỡ. Một gạch xanh cỏ non ở các ngã tư. Một chấm đỏ ở các hầm đang đào. Một bóng đèn màu nước biển ở cái bóp gác. Chung quanh và trên những đốm lửa màu ấy, đêm bao la, đêm lù mù. Trong bóng tối nhiều cái bóng thủ thỉ lướt qua”.
(Những ngọn da xanh và ... những dịp còi)
Lùi về trước nữa, lần Pháp cho phá thành cổ, xây phố xá, cũng đã được Nguyễn Tuân kể lại rất có không khí, nhân khi viết bạt cho cuốn Sống mãi với thủ đô của Nguyễn Huy Tưởng.
Nếu đồng ý rằng đối với Nguyễn Tuân, Hà Nội là nơi còn in lại nhiều dấu vết lịch sử “vang bóng một thời”, nơi những người tài tử hội ngộ, chúng ta sẽ hiểu tại sao tuy đây đó tác phẩm của ông có đượm chút “hoài cổ” song lại là những trang sách có ích, nó cho thấy “bề dầy” của Hà Nội, và làm cho chúng ta trân trọng những khía cạnh truyền thống tốt đẹp.
Trước cách mạng, Nguyễn Tuân ở Hà Nội là chính. Ông cũng luôn luôn đi khắp nơi trên đất nước. Song, mỗi lần hoàn thành tác phẩm, ông đều trở lại thủ đô sống, cái không khí nghề nghiệp cho thật đã. Cũng có lần năm 1941, ông bị bắt và bị bắt ngay ở Hà Nội, để rồi đầy đi Vụ Bản, nhưng mấy tháng sau được tha ngay.
Lần Nguyễn Tuân xa Hà Nội lâu nhất là thời kháng chiến chống Pháp. Xa và nhớ Hà Nội lắm! Nhìn cột mốc cây số nào cũng thấy nó dẫn về Hà Nội. Và từ Việt Bắc, ông thấy nhớ đủ thứ của đời sống thủ đô hôm qua. Nhân gặp một ông hàng phở, Nguyễn Tuân viết:
“ Bây giờ là mùa hè 1948. Nắng lắm. Thêm cái bóng me và sấu lùm buổi sớm của Dốc Hàng Kèn, những giờ đi “đả phở tập thể” (chắc là “hội” những anh em làm báo, như chúng ta đã biết ở đoạn trên!). Gặp ông Xước, thủ thư cũ của Thư viện quốc gia, Nguyễn Tuân thấy xao xuyến nhớ “cả một thời thanh bình độc thư săn tàng thư lâu lá mùa thu rụng từng cái một bên đường Trường Thi”. Rồi gặp ông Cai Lộc phát hành báo; cô Lan bán hoa; anh Két đưa cốc-tay ở Thuỷ Tạ; chị Nhâm cua bể chợ Đồng Xuân; anh Khôi kính-coong v.v...
Có cảm tưởng rằng trong Hà Nội cũ, Nguyễn Tuân rất nhiều người quen biết, bất cứ ai lành nghề trong công việc của mình, đều được ông dành cho một sự ưu ái trong tâm trí. Con người hay bị kêu là khinh bạc này thực ra lại rất biết nể trọng người tài và thấm thía cái câu “nhất nghệ tinh nhất thân vinh” hơn ai hết.
Bởi chính Nguyễn Tuân cũng thế, cũng lấy nghề nghiệp làm trọng.
Những người có quen riêng Nguyễn Tuân đều biết và có ấn tượng sâu sắc về thói quen lao động nghệ thuật kỹ càng, tỉ mỉ nơi ông. Viết về cái gì, ông tìm đọc cho bằng hết các loại sách viết về cái đó để tham khảo,. Ví như trước khi viết về cầu, ông đọc cả sách về kỹ thuật dựng cầu, rồi sưu tầm hết các kiểu ảnh cầu đã làm ở nơi A, nơi B, vào cái thời gian mà ông định tả. Lương tâm nghề nghiệp không cho phép ông nói liều, nói bừa về một thứ mình không biết. Ông đọc. Ông tra xét. Rồi ông lao động cật lực trên từng câu, từng chữ, khiến cho mỗi dòng, mỗi trang ông viết ra đều mang dấu ấn nơi ông, nhiều khi không cần đọc tên người viết ở cuối bài, người ta cũng biết ai là người đã viết ra bài đó. Nếu bảo tác phẩm là một thành phẩm, một mặt hàng thì những tuỳ bút ký tên Nguyễn Tuân bao giờ cũng là thứ hàng thượng hạng, hàng kỹ, nhìn qua biết ngay, mà càng nhìn lâu càng thấy quý.
Đó chính là một khía cạnh làm nên chất Hà Nội của nhà văn này. Nếu không sợ mang tiếng là hạ thấp công việc viết văn, chúng ta có thể nói đây cũng là một nghề, nó đòi hỏi người ta phải rất công phu học hành, phải hết sức khổ hạnh. Và Nguyễn Tuân gần gũi với bao nhiêu những người thợ tài hoa khác - thợ vẽ, thợ may, thợ khâu giầy, người viết chữ đẹp, người ca sỹ hát hay, v.v... Chính họ đã mang lại cho đời sống kinh kỳ một vẻ sầm uất và một niềm tự hào chân chính.
SỐ TRUY CẬP online