Thạch Lam

Trong số những phố phường cũ ở Hà Nội, phố Hàng Bạc thật có duyên với văn học: Nguyễn Tuân, Thạch Lam đều sinh ở đấy; Vũ Trọng Phụng đã sống ở đấy nhiều năm. Trong văn chương, Nguyễn Tuân không tả cụ thể Hàng Bạc nhưng như sau đây chúng ta sẽ thấy, ông thường tả rất kỹ khu trung tâm thành phố, chung quanh hồ Hoàn Kiếm. Vũ Trọng Phụng cũng thường nhắc tới trong các phóng sự tiểu thuyết của mình cảnh ăn chơi của những Tạ Hiền, Sầm Công, Hàng Buồm cách Hàng Bạc không xa. Riêng Thạch Lam có khác. Thuở nhỏ, ông theo gia đình về ở mãi cái huyện xa vùng Hải Dương (Cẩm Giàng) và Thái Bình (Tân Đệ), sau mới về học ở Hà Nội và ra làm báo. Lúc này, gia đình ông khi thì ở Hàng Bún, khi lên Yên Phụ. Có điều trong văn Thạch Lam, khu vực từ Đồng Xuân tới Bờ Hồ vẫn rất quen thuộc; nhân vật Hiệp trong Cô áo lụa hồng (tập Gió đầu mùa) từng mũ đội lệch, miệng ngậm thuốc lá” đi dạo đủ các phố Hàng Ngang, Hàng Đường, Chợ Đồng Xuân, Hàng Lược... Và quan trọng nhất là cái cốt cách ra cảm thấy trong văn Thạch Lam. Đó là một giọng văn bình dị mà lại tinh tế, như người Hà Nội từng trải thanh lịch, tiếng nói Hà Nội dễ dàng, sang trọng. Nói Thạch Lam là một trong những nhà văn Hà Nội tiêu biểu, chính bởi những lý do đó.
Theo Thanh Tịnh kể lại, thì bề ngoài Thạch Lam dáng cao cao, thân hình mảnh khảnh, ăn nói điềm đạm, mới gặp người ta dễ lầm là một nhà giáo hơn là một nhà văn. Qua văn ông, chúng ta đoán ông sống thanh đạm, chăm lo nhiều tới cuộc sống nội tâm, không bị cuốn theo ngoại cảnh ồn ào. Ông tôn trọng mọi người, sợ làm phiền người khác, nhưng lại giữ được sự độc lập trong đầu óc và không phải là không phóng túng trong nếp nghĩ. Chắc chắn là ông không sống hùa theo mọi người. Chả thế mà viết văn giữa Hà Nội, bạn bè với nhiều đồng nghiệp trưởng giả, ông vẫn dửng dưng với mọi tiện nghi vật chất, và chỉ tìm thấy niềm vui trong một mái nhà tranh trông ra Hồ Tây ở Yên Phụ (làng Yên Phụ có con đường lát gạch và hồ Ao Vả, chứ không phải đường phố Yên Phụ!). Ông sống như thế cho đến những ngày cuối cùng trong đời. Theo nhiều tài liệu cho biết, ông chết vì bệnh lao, khi mới hơn 30 tuổi. Nhưng đọc văn ông cũng như xem cách sống của ông, thấy ở Thạch Lam tất cả đều đã đến giai đoạn chín, ổn định.

+
+ +

Trong một thiên truyện mang tên Phê-ra-guýt, thủ lĩnh của đám phàm ăn, Ban-dắc từng nêu một nhận xét, như một con người phải xấu hổ khi làm điều đê tiện. ở đó, cũng có những phố cao thượng, những phố quả thực lương thiện, những phố trẻ trung mà công chúng chưa kịp có ý kiến về đức hạnh của chúng: tiếp đó, có những đường phố hung bạo... những đường phố đáng kính, những phố luôn luôn bẩn và những phố lúc nào cũng sạch, những phố lao động làm ăn buôn bán. Tóm lại, những đường phố ở Pa-ri có những tính chất của con người và vẻ ngoài của chúng gợi cho ta những ý nghĩ nhất định mà ta không cách gì cưỡng lại được”.
ý nhà văn hào Pháp ở đây chỉ muốn nhấn mạnh khuôn mặt các thành phố thường đa dạng. Pa-ri là vậy, Hà Nội của chúng ta là vậy, và Hà Nội được phản ánh trong các tác phẩm văn học cũng vậy. Qua văn Nguyễn Công Hoan, chúng ta đã bắt gặp một số mẫu người kẻ chợ, láu, học đòi, bạc bẽo, bất nhẫn, qua văn Vũ Trọng Phụng, ta biết thêm một Hà Nội của xã hội thực dân phong kiến với những mưu đồ xoay xoả, những vụ bịp lớn, một con đường lưu manh hoá sẵn sàng mở ra với mọi thanh niên. Nhưng Hà Nội đâu phải chỉ có thế? Mãi mãi vẫn còn một Hà Nội nhạy cảm tế nhị, giàu lòng thương xót người khác, một Hà Nội rất tử tế, sang trọng nếu có thể nói như vậy. Như ở tác phẩm Thạch Lam chúng ta đang xét. Qua Một cơn giận, nhân vật xưng tội tự kể về một tình thế trớ trêu: do bực mình, nóng nảy, lạnh lùng, v.v... tóm lại trong một trạng thái tâm lý không bình thường, anh đã vô tình đẩy người khác (ở đây là một phu xe nghèo khổ vào bước đường bất hạnh. Nhưng sự tỉnh táo đến rất nhanh, kèm theo là sự xót xa ân hận, và những hành động cụ thể, để sửa chữa, vớt vát lại tình thế, khiến người đọc truyện không khỏi cảm động. Qua Một cơn giận, ta cảm thấy tác giả có cách nhìn vào đời sống khá thấu đáo, lại biết thông cảm với mọi lầm lẫn ở mình và xung quanh. Con người Hà Nội, con người thành thị ở đây có những nét đáng yêu, đáng vì nể chứ không chỉ thuần có lạnh lùng, vô trách nhiệm, như người nọ, người kia vẫn mô tả.
Một trong những mô-tip thấy trở đi trở lại vài lần trong truyện ngắn Thạch Lam: một người thành phố về thăm quê hương của mình. Trong Trở về là thế, trong Dưới bóng hoàng lan là thế. Rồi Những ngày mới lại càng kỹ hơn, tỉ mỉ hơn. Trừ trường hợp nhân vật Tâm trong Trở về thấy chán ngán, ngại ngùng (anh ta gần như bỏ chạy khỏi nông thôn), còn trong hai truyện kia, nhân vật chính đều rất thiết tha với quê hương. Họ tìm thấy ở đấy những gì tượng trưng cho sự trong sạch, sự bền chắc trong tình cảm. Nói như ngày nay chúng ta thường nói, trở về với làng quê, đối với một số nhân vật trong Thạch Lam, là trở về với cội nguồn của đời sống. ở đó, ta tiếp nhận được đời sống ở cái phần chân chất nhất, trong lành nhất của nó. Đấy cũng là điều Thạch Lam muốn nhắc nhở chúng ta. Trong đoạn văn viết về cốm rất nổi tiếng, trong tập Hà Nội ba mươi sáu phố phường.
“Cơn gió mùa hạ lướt qua vùng sen trên hồ, nhuần thấm cái hương thơm của lá như báo trước mùa về một thứ quà thanh nhã và tinh khiết. Các bạn có ngửi thấy khi đi qua những cánh đồng xanh mà hạt thóc nếp đầu tiên làm trĩu thân lúa còn tươi, ngửi thấy cái mùi thơm mát của lúa non không? Trong cái vỏ xanh kia, có một giọt sữa trắng thơm, phảng phất hương vị ngàn hoa cỏ. Dưới ánh nắng, giọt sữa dần dần đọng lại, bông lúa càng ngày càng cong xuống, nặng vì cái chất quý trong sạch của Trời”.
Nét đặc biệt của Hà Nội của chúng ta là thành phố luôn luôn gắn bó với các vùng nông thôn xung quanh, nhiều người lên đây làm thợ, buôn bán, đi học, thậm chí làm quan, đã sống hàng đời ở Hà Nội rồi, vẫn không khỏi thoáng qua một chút run rẩy khi nhớ về quê cũ. Trước rất nhiều nhà văn khác, Thạch Lam đã kêu lên như thế, tiếng kêu của ông nhẹ nhàng, nhưng đầy sức thuyết phục.
SỐ TRUY CẬP online