Ngô Tất Tố

Khi Tản Đà mất (1939, Nguyễn Công Hoan có viết một bài kể chuyện những lần gặp Tản Đà, trong đó có một lần gặp ngay ở báo quán của nhà thơ, khi ông đang phải dúm dùm chèo chống An nam tạp chí. Cảnh sống của Tản Đà thật eo hẹp: “Tôi buồn ngủ phải nằm ghé vào bàn đèn thuốc phiện bày ở phản cạnh bàn làm việc của ông mà giấy má, muối, vỏ trứng, bụi hoả lò bừa bãi”.
Nhưng đó cũng là cảnh sống của nhiều nhà báo khác ở Hà Nội những năm ấy, chẳng hạn như Ngô Tất Tố. Từ quê hương ở Lộc Hà (trước thuộc Từ Sơn Bắc Ninh, nay thuộc Đông Anh, ngoại thành Hà Nội) ra thủ đô, thậm chí vào lục tỉnh Sài Gòn làm báo. Ngô Tất Tố vẫn giữ cốt cách một nhà nho nghèo. Một đồng nghiệp cũ của ông mô tả ông đầu xứ này thường ăn vận như một kẻ thất thế: “chiếc áo the đã sờn, chiếc khăn xếp không có tuổi, cây ô đen tương đối, đôi giầy trăng trắng gọi là...” Nơi báo quán Ngô Tất Tố làm việc cũng là nơi những anh Dậu, chị Dậu ở quê hương ông đến than thở một vài điều oan ức, vay một hào, hoặc nhờ xem lại ít chữ nghĩa trong các đơn kiện. Nghĩa là tuy ở Thủ đô, Ngô Tất Tố vẫn liền lặn với quê hương ông trong tình cảm, công việc; ông như một thứ đại sứ đặc biệt sống ở giữa Hà thành này để phát ngôn hộ cho những người nông dân nghèo khổ.
Lại nói tiếp chuyện ăn ở của giới những người cầm bút lúc ấy. Một nhà báo đương thời kể họ thường trải chiếu nằm sàn gác với nhau. ăn uống thì nhờ cả ở một hàng cơm nào đấy. ăn xong lại về bàn công việc. Và bàn xong, bắt tay vào viết luôn. Nghĩa là sống suốt ngày với tờ báo của mình. Những người có gia đình ở Hà Nội còn thế, nữa là những người lên đây lúc đầu có một mình như Ngô Tất Tố. Với ông, sống ở Hà Nội có nghĩa là sống để mà viết.
Cho mãi tới 1946, theo trí nhớ của Nguyên Hồng, Ngô Tất Tố còn hiện ra như một ông già tóc ngắn hoa râm, áo dài khăn xếp, v.v... Về đường ăn mặc, Ngô Tất Tố bao giờ cũng vẫn là chính mình, không mấy thay đổi. Một tờ báo đương thời giễu ông “suốt đời không biết ăn kem Bờ Hồ”.
Nhìn bề ngoài, người ta dễ lẫn ông với một ít ông đồ già lạc lõng giữa Hà Nội “kinh thành hoa lệ”, mà Vũ Đình Liên từng phác ra trong một bài thơ nổi tiếng, từ năm 1936.
Thế nhưng, trong việc vận dụng ngòi bút để vạch mặt chỉ tên những truyện ngang trái của xã hội thực dân và phong kiến trên báo chí hàng ngày, thì Ngô Tất Tố không chịu kém ai. Từ 1942, trong Nhà văn hiện đại (quyển ba) Vũ Ngọc Phan sau khi bảo rằng “ông là một tay kỳ cựu trong làng văn, làng báo Việt Nam”, thuộc vào loại “những nhà Hán học đã chịu ảnh hưởng văn học Âu tây và được người ta kể vào hạng nhà nho có óc phê bình, có trí xét đoán, có tư tưởng mới”, còn nói rõ thêm:
... “Về đường văn nghệ, ông đã theo kịp cả những nhà văn thuộc phía tân học xuất sắc nhất”.
“Ngô Tất Tố là một nhà nho mà đã viết được những thiên phóng sự, những thiên tiểu thuyết theo nghệ thuật Tây phương và ông đã viết bằng một ngòi bút đanh thép, khiến cho người tân học phải khen ngợi”.
Chắc chắn rằng chỉ lên “góp mặt với đời” trên Hà Nội, ngòi bút của Ngô Tất Tố mới có những bước chuyển rõ rệt như vậy.
Theo Nguyễn Đức Bính kể, Ngô Tất Tố là loại nhà báo chỉ đi bộ từ nhà đến toà soạn - lúc này, đâu ông đã có một hiệu thuốc ở đường Sinh Từ, phố Nguyễn Khuyến hiện nay(1) - nhưng có thể viết đủ chuyện năm châu bốn bể trên mặt báo. Công phu tu luyện để có thể đạt tới một trình độ như thế, chắc phải lớn lắm.
Thế Ngô Tất Tố - nhà văn, nhà báo - có viết gì về Hà Nội không? Dĩ nhiên là có. Trong các tiểu phẩm của ông, in lại trong Ngô Tất Tố tác phẩm, tập 1, chúng ta bắt gặp những đoạn ông chửi bọn đồng cốt lừa bịp ở đền Hàng Trống, hoặc có cả một phóng sự ngắn mang tên Dao cầu thuyền tán, tố cáo các loại lang băm. Đối với bọn văn sĩ tư sản dùng ngòi bút để xúi giục người ta đi vào con đường hư hỏng kiểu “vui vẻ trẻ trung”, Ngô Tất Tố cũng có những đòn đả kích thậm tệ. Nói chung, trong các tiểu phẩm của Ngô Tất Tố, đời sống Hà Nội hiện ra như một thứ kẻ chợ lộn xộn, ồn ào, phồn vinh giả tạo, một nhà nào như ông thấy rất chướng tai gai mắt (tuy nhiên, trong hoàn cảnh lúc ấy, ở nông thôn thì đời sống cũng rất đen tối!. Chỉ riêng trong Lều chõng, chúng ta thấy Hà Nội hiện lên với nhiều nét đẹp, người Hà Nội từ những cô hàng bán giấy bút, cho đến ông chủ quán trọ cũng đều hết sức tài hoa, lịch thiệp. Lều chõng thường vẫn được mô tả như là một tác phẩm có những nét tự truyện. Bởi vậy, với Lều chõng, có thể nói Ngô Tất Tố đã ghi nhận một phần những ảnh hưởng mà Hà Nội để lại trong cuộc đời những kẻ sĩ tương tự như ông. Bấy giờ mức độ xâm nhập của văn minh Tây Âu vào xã hội Việt Nam còn là hạn chế. Hà Nội chưa có vẻ sầm uất với nhiều nét sinh hoạt thị dân rõ rệt như sau này. Nhưng lên Hà Nội, lớp học trò như Đào Vân Hạc vẫn cảm thấy có gì thật thoải mái, họ dễ dàng tìm được chút tự do lặt vặt như xuống xóm cô đầu... cô đầu lúc ấy còn là một thú chơi thanh nhã hoặc thăm thú các nơi. Điều có ý nghĩa quan trọng hơn: lên đây, những kẻ gọi là nhân tài các tỉnh có dịp trò chuyện, “đấu” với nhau để tự kiểm tra sức học, trình độ năng lực của mình. Riêng với Đào Vân Hạc, thì trong những dịp thi cử, chàng cảm thấy cái vô nghĩa của con đường hoan lộ mà việc học đã mở ra và chàng cả quyết sống theo lối ở ẩn giữa đời. Đấy cũng là những kết luận mà chỉ những kẻ sĩ tương đối từng trải mới có được.
Tóm lại, Lều chõng đã cho chúng ta thấy chân dung tinh thần Ngô Tất Tố như một nhà nho, để rồi từ đó ta phải hình dung ra thêm Ngô Tất Tố... nhà văn, nhà báo. Tuy nhiên, đối với quá trình tư tưởng của ông trong cả hai chặng đường này, Hà Nội vẫn có một vai trò không gì thay thế được.
SỐ TRUY CẬP online