Nguyễn Đình Thi

mảng sóng Hà Nội. Trong suốt cả cuốn tiểu thuyết hơn một ngàn trang này, người ta còn có thể nhận ra nhiều cảnh, nhiều người đã thuộc về kinh nghiệm riêng, từng trải riêng của Nguyễn Đình Thi ở Hà Nội trước 1945, từ câu chuyện của một cậu học sinh nghèo, tỉnh nhỏ, lên đây trọ học như Đông, đến cảnh sống của những người thuộc loại nhà giàu như chị em Phượng, Hằng... và đặc biệt là cái đám người viết văn, viết báo, vẽ tranh, chơi nhạc. Hộ, Vũ, Toàn Tư kể cả Thanh Tùng, v.v... Bản lĩnh nhà văn của Nguyễn Đình Thi không chỉ thể hiện ở cách nhìn, mà còn ở cách khai thác tài liệu, cách viết nữa, nó là sự tổng hợp giữa kiến thức lý luận với kinh nghiệm như trên chúng ta vừa nói. Những người viết văn kết hợp được cả quan sát rung cảm với việc đọc, như Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Đình Thi , là một thứ “đặc sản” chỉ ở Hà Nội mới có.

+
+ +
- Tôi không sinh ra ở Hà Nội, nhưng cuộc đời và sáng tác của tôi đã gắn bó rất nhiều với thủ đô.
- Nếu ai nói vì sao tôi viết nhiều và có những tác phẩm thành công về Hà Nội(...) thì xin thưa rằng đó hoàn toàn không phải do tôi sống ở Hà Nội nhiều mà là do tôi rất gắn bó với Hà Nội, với thủ đô của đất nước Việt Nam anh hùng. Nói về Hà Nội, về con người Hà Nội cao đẹp, cũng chính là nói tới những phẩm chất quý giá của cả dân tộc.
Có lần, trong dịp trả lời phỏng vấn một tờ báo - tờ Tuổi trẻ thủ đô, số kỷ niệm 10-10-1954 Nguyễn Đình Thi đã viết như vậy. Theo nhà văn tự nhận xét, thì từ các cuốn tiểu thuyết Xung kích, Vỡ bờ, Mặt trận trên cao, các vở kịch Nguyễn Trãi ở Đông Quan, Tiếng sóng, Giấc mơ... tác phẩm nào của ông cũng có hình bóng những người thanh niên của đất ngàn năm văn vật.
Nhưng còn thơ? Trong sáng tác của nhà thơ rất độc đáo này, nhất là tập Người chiến sĩ gồm những bài làm trong kháng chiến, hình bóng, hơi thở, không khí Hà Nội được gợi rất cảm động. Hình ảnh mở đầu bài thơ nổi tiếng Đất nước:
Sáng mát trong như sáng năm xưa
Gió thổi mùa thu hương cốm mới
Tôi nhớ những ngày thu đã xa
Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội
Những phố dài xao xác hơi may
Người ra đi đầu không ngoảnh lại
Sau lưng thềm vắng lá rơi đầy.
đã ăn sâu vào tâm trí nhiều thế hệ thanh niên học sinh. Mỗi lần đi xa thủ đô, đọc mấy câu thơ ấy lên, lòng họ lại xao xuyến, tâm trí mỗi người lại trở về với bao kỷ niệm về Hà Nội thân yêu.
Tiếp xúc với nhiều bài thơ in trong Người chiến sĩ như các bài Không nói, Mưa xuân, Nhớ, Bài thơ viết cạnh đồn Tây, người ta không sao quên được hình ảnh một lớp thanh niên Hà Nội, những người con trai trên đường ra trận, những người con gái bồi hồi xúc động muốn chia xẻ với người yêu của mình mọi gian nan vất vả “Thì thầm em nói em yêu quá - Các anh vất vả vì giống nòi”. So với cách nghĩ bình thường, thì lối bộc lộ tình cảm trong thơ tình Nguyễn Đình Thi thường là rất bạo, nhưng vẫn tinh tế.
Còn có thể nói nhiều về những bái thơ như Nhớ, Chuyện hai người yêu xa cách, Chia tay trong đêm Hà Nội.
Tuy nhiên, kỷ niệm ban đầu của Nguyễn Đình Thi đối với Thủ đô mà cũng là đối với đề tài cách mạng nói chung, lại là một bài hát, bài Diệt phát xít
Nguyễn Đình Thi kể: Bấy giờ là đầu 1945, Hà Nội đang chết đói dở, Hà Nội cũng rục rịch cách mạng. Bọn phát xít Nhật kiểm soát rất kỹ. Ai muốn ra đường phải có thẻ, không rõ làm sao Nguyễn Đình Thi lại có thẻ. Hình như ông có được là do nhặt từ một người nào đó đã chết. Nhưng ra đường càng thấy Hà Nội đang đau đớn dưới ách phát-xít, và tức nước vỡ bờ, lòng người đều quyết tâm đứng lên cứu nước, cứu nhà. Trở về trên cái gác xép nhà Trần Văn Cẩn mà Nguyễn Đình Thi đang ở nhờ, ông viết Diệt phát-xít. Làm xong, mang khoe Văn Cao. Thì Văn Cao cũng vừa sáng tác xong Tiến quân ca (mà ban đầu còn lấy tên là Bài ca Việt Minh) Ban đầu Diệt phát-xít được hát ở Hà Nội như một bài hát... vô danh. Ai cũng hát, tuy không ai nhớ tên tác giả. Sau khi dự Đại hội quốc dân ở Tân Trào ông đi bộ về Hà Nội, nhưng vì sốt rét nên tối 2-9 mới về tới nơi. Qua sông Hồng, đã thấy các đám biểu tình đi rầm rập trên đường. Không kịp nghỉ ngơi, Nguyễn Đình Thi nhập ngay vào hàng ngũ những người biểu tình, đến tự mít-tinh ở Nhà hát lớn. Và ở đấy, tác giả lại cùng mọi người hát to lên bài Diệt phát xít. Những lúc này, trong lòng người nghệ sĩ không khỏi dấy lên niềm tự hào: sáng tác của mình đã trở nên tiếng nói của mảnh đất thiêng liêng mà mình từng gắn bó.
Vinh dự đó còn đến với Nguyễn Đình Thi một lần nữa, bài hát Người Hà Nội. Nói chung, các bài hát, bài thơ, các cuốn tiểu thuyết của Nguyễn Đình Thi ít nhiều đều có liên quan đến một phương diện của truyền thống Hà Nội hôm nay - Hà Nội cách mạng. Đọc Nguyễn Đình Thi, chúng ta nhớ tới lớp lớp những người con trai, con gái thủ đô hết lòng vì sự nghiệp chung của dân tộc, những người biết hy sinh, phấn đấu mà vẫn không thôi giữ được cái chất của đất kinh thành, lịch sự, tài hoa, duyên dáng.

+
+ +
“Khởi nghĩa tháng Tám như một lưỡi cày khổng lồ đào xới mảnh đất Việt Nam đau thương, để theo sự sống trở lại lên những luống đất đẫm máu và nước mắt. Bao nhiêu vấn đề đều phải đặt lại tất cả cùng một lúc”. Trong một bài viết tháng 2-1952, nhân việc nhà văn Nam Cao hy sinh, Nguyễn Đình Thi đã viết như vậy. Với cuộc cách mạng long trời lở đất này, đời văn của nhiều cây bút nổi tiếng trong văn học ta thay đổi, và cố nhiên, mối quan hệ của mỗi người với Hà Nội cũng thay đổi. Trong một số trường hợp, thủ đô là nơi chứng kiến những chuyển biến rất cụ thể.
Ngay sau cách mạng, Xuân Diệu, Nam Cao, Tô Hoài, Nguyễn Huy Tưởng... sôi nổi bắt tay vào làm tạp chí Tiền Phong của Hội văn hoá cứu quốc.
Nguyễn Tuân cùng đi với Nguyên Hồng, Nguyễn Đình Lạp, Sĩ Ngọc, Nguyễn Văn Tỵ tham gia vào một đoàn văn nghệ sĩ Nam tiến trước 19-12-1946. Sau này, cả Nguyễn Tuân lẫn Nguyễn Đình Lạp, cũng như Thôi Hữu, Tô Hoài, Nguyễn Đình Thi, còn có dịp trở lại với mặt trận Hà Nội.
Nhà thơ Thanh Tịnh trước nay sống ở Huế là chủ yếu. Cuối 1946, ông ra thủ đô dự Đại hội văn hoá toàn quốc, chưa kịp quay về quê hương thì tiếng súng toàn quốc kháng chiến bùng nổ. Theo dòng những người Hà Nội tản cư, ông bắt đầu dùng độc tấu phục vụ kháng chiến, và thế là một quãng đời mới của ông thực sự bắt đầu.
Bằng nhiều con đường khác nhau, trước sau các văn nghệ sĩ nổi tiếng đều theo tiếng gọi của đất nước ra khu Ba, vào Thanh, và nhất là lên Việt Bắc tham gia kháng chiến để rồi sau 10-10-1954, cùng với đoàn quân chiến thắng, trở lại thủ đô yêu dấu.
Từ ấy, đời văn của mỗi người sang một trang hoàn toàn mới!
SỐ TRUY CẬP online