Nguyễn Huy Tưởng

Với Những người ở lại, Luỹ Hoa, Sống mãi với Thủ đô... Nguyễn Huy Tưởng là một trong những người xứng đáng nhất với danh hiệu nhà văn Hà Nội. Những thành công chính của ông đều gắn với đề tài này. Lại nữa, trong khi viết về thủ đô, ông biết mang lại cho sinh hoạt nơi đây một vẻ trang nghiêm, một không khí lịch sử, nó là cái sắc thái cần thiết cho suy nghĩ của người ta về thủ đô mọi nước nói chung, và rất tiêu biểu cho Thủ đô Hà Nội nói riêng.
Đời sống văn học Thủ đô những năm Nguyễn Huy Tưởng mới bước vào nghề đã giúp một phần trong việc khẳng định những đặc sắc ấy của nhà văn.
Bấy giờ là thời kỳ 40- 45. So với mấy năm trước, đời sống văn học Hà Nội có cái gì trầm xuống, không sôi nổi như thời 36-39. Nhưng để bù lại, nó có bề sâu. Hàng loạt tạp chí nghiên cứu ra đời Thanh Nghị, Tri Tân... Công tác biên khảo các sách thuộc các bộ môn khoa học xã hội, như biên khảo lịch sử khá phát triển. Tại sao? ở đây có vai trò của yếu tố dân tộc đang nẩy nở mạnh trong suy nghĩ của nhiều người, nhất là tầng lớp trí thức. Một người như Đinh Gia Trinh chủ trì tờ Thanh Nghị đã viết vào 1944.
“Cuộc phục hưng ở xứ ta, khởi đầu bằng một sự lựa chọn ôn tồn giữa hai nền văn minh á Đông truyền thống và văn minh Tây phương mới nhập tịch (...) rồi nó đi đột ngột tới sự khinh miệt cái di sản tinh thần ở nước nhà, sự ca tụng quá đáng và thiết tha những gì Âu Tây mang lại (thời Phong hoá- Ngày nay). Nay thái độ bồng bột ấy thay đổi và bọn trí thức đã trở lại tôn trọng những di sản của đất nước, những tinh tuý của văn minh châu á, trong khi tin tưởng càng mạnh là phải học nhiều của Tây phương để đi tới sự thành công trong việc xây dựng một nền tư tưởng và một nền nghệ thuật Việt Nam xứng đáng”.
Trên cái nền chung của đời sống văn học như thế này, những xu thế sẵn có ở Nguyễn Huy Tưởng thời thanh niên được nâng đỡ và bồi đắp thêm. Đó là lòng yêu nước, tinh thần tự hào vì truyền thống dân tộc. Cộng với vốn kiến thức chắc chắn về lịch sử và ảnh hưởng của những sáng tác mà Nguyễn Huy Tưởng say mê, như Chiến tranh và Hoà bình của Tôn-xtôi, Gia đình Ti-bô của Rô-giê Mác-tanh đuy Ga, có thể nói những tiền đề có những sáng tác như Vũ Như Tô, Đêm hội Long Trì... đã khá đầy đủ. Dĩ nhiên là trong những tác phẩm này Hà Nội đóng vai trò một thứ nhân vật trung tâm, như Hà Nội đã là đối tượng được miêu tả trong Ngược đường Tràng Thi và Bà Chúa Chè của Nguyễn Triệu Luật ngày xưa, trong Bóng nước Hồ Gươm của Chu Thiên gần đây?
ở nước nào cũng vậy, một phần đáng kể tiểu thuyết lịch sử liên quan đến thủ đô, vì thủ đô là nơi tập trung mọi cơ quan quyền lực của Nhà nước, là nơi chứng kiến mọi sự hưng vong. Thủ đô bao giờ cũng được ghi chép nhiều hơn cả trong những công trình nghiên cứu lịch sử, và Nguyễn Huy Tưởng, như các nhà tiểu thuyết lịch sử khác đã phải dựa chắc vào đấy, trước khi để cho trí tưởng tượng của mình phát huy hết tiềm lực vốn có.
Nhà văn Kim Lân kể:
“ Nguyễn Huy Tưởng biết nhiều về Hà Nội. Hà Nội mới, Hà Nội cũ, Hà Nội kháng chiến và Hà Nội những năm xa xưa thời Lê, thời Trịnh... Mỗi lần đi dạo các hè phố với anh, tôi thường được nghe anh kể chuyện Hà Nội.”
Trong Tự truyện, khi nhắc lại lần họp của nhóm Văn hoá Cứu quốc ở làng Tây Hồ, Tô Hoài không quên ghi lại những liên tưởng, phỏng đoán của Nguyễn Huy Tưởng “Đò này là thuyền rồng của vua tôi Trần Thánh Tông đi chơi Hồ Tây”. “Ngày trước , Hồ Xuân Hương ở Tây Hồ, chắc phiên chợ thì sang chợ Bưởi bán chỉ và mua tơ về đánh chỉ. Thế nào nàng thơ cũng qua bến đò ngang này”.
Có vẻ như Nguyễn Huy Tưởng đã tìm thấy mảnh đất riêng của tác giả, và anh em bè bạn trong nghề viết cũng khuyến khích để cái phần chuyên sâu ấy của Nguyễn Huy Tưởng ngày một chín hơn.
Vậy là chúng ta đã khẳng định Nguyễn Huy Tưởng viết nhiều bằng những cái ông đọc, bằng những liên tưởng đối chiếu giữa kiến thức trong sách vở với từng trải trong cuộc đời.
ở nước nào trên thế giới cũng có kiểu nhà văn như thế này, nhà văn có vốn liếng tư chất của nhà nghiên cứu, công việc chuẩn bị ở họ khá lâu. Nhưng thông thường, họ làm nghề rất bền. Cũng phải nói thêm là chỉ ở những trung tâm văn hoá lớn, có các thư viện tàng trữ đủ sách vở có các mặt công tác nghiên cứu hỗ trợ, thì người viết văn mới có điều kiện để làm công việc chuẩn bị một cách đầy đủ, tỉ mỉ và làm hết những dự định của mình. Cả ở đây nữa, cũng thấy Nguyễn Huy Tưởng gắn bó với Hà Nội là do những thúc ép nội tại từ chính các ý đồ sáng tác ông hằng ôm ấp.
Sau cách mạng, Nguyễn Huy Tưởng không chỉ viết về các chuyện lịch sử, mà còn viết ngay về những mảng đời sống xảy ra ngay hôm nay như cuộc chiến đấu ở Hà Nội tháng chạp 1946 trận Cao-Lạng giải phóng biên giới, hoặc Cải cách ruộng đất. Một mặt, như các nhà nghiên cứu đã chỉ rõ trong khi viết về những sự kiện đương thời, Nguyễn Huy Tưởng vẫn biết phát huy thế mạnh vốn có, ông thường mang lại cho các sự kiện ngày hôm nay một vẻ nghiêm trang, như các sự kiện lịch sử. Mặt khác, ta cũng có dịp chứng kiến khả năng quan sát, những rung động của ngòi bút Nguyễn Huy Tưởng. Điều này đặc biệt có ý nghĩa với chúng ta, nhất là ở những trang Nguyễn Huy Tưởng miêu tả phố xá.
Đọc Sống mãi với Thủ đô, có thể bắt gặp một Nguyễn Huy Tưởng quen thuộc. Khi qua miệng một nhân vật, ông ca ngợi rừng bàng Yên Thái hay bến trúc Nghi Tàm “hàng vạn cây trúc thân vàng soi bóng xuống nước hồ biếc”... Nhưng cũng rất thú vị là những đoạn Nguyễn Huy Tưởng tả Hà Nội hôm nay. Cũng như Nguyễn Tuân, Nguyễn Huy Tưởng rất thuộc khu trung tâm thủ đô, đặc biệt là chung quanh hồ Hoàn Kiếm, quãng từ Hàng Đào, chợ Đồng Xuân trở lên, và thường tả các sinh hoạt ở đó với rất nhiều trìu mến. Lý do trước 1945, các đại lộ lớn hiện nay như Bà Triệu, Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, nghĩa là nửa phía Nam từ Bờ Hồ trở xuống là khu phố của người Pháp và các công chức cao cấp, các nhà thật giầu có. ở địa vị một công chức yêu nước như Nguyễn Huy Tưởng mặc dù rất thích các vòm cây Hà Nội ở các đại lộ kia, nhưng ông cảm thấy thoải mái hơn hẳn khi trở về với các phố Hàng Đào, Hàng Bạc trên này.
Nói chung, cách nhìn nhận, xem xét Hà Nội của Nguyễn Huy Tưởng đằm thắm, đôn hậu, và phải nói là ông tả được những nét sang trọng, lịch sự của thủ đô. Sang trọng, lịch sự mà vẫn yêu nước, ghét Tây, và không sa đà vào thứ văn chương trưởng giả của cánh Tự lực văn đoàn. Hà Nội đã vào văn ông, làm nên toàn bộ hồn cốt đường nét trong văn ông. ảnh hưởng đó là rất lớn.


Một số hoạt động văn hoá cứu quốc

Trở nên, chúng ta đã nói rõ sự gắn bó của nhiều nhà văn trước 1945 với Hà Nội, về mặt nghề nghiệp. Nhưng từ sau 1930, truyền thống Hà Nội còn đồng thời là truyền thống cách mạng. Bởi vậy, sự gắn bó của các nhà văn với Hà Nội từ đây trở đi, sẽ có thêm sắc thái hào hùng, rất đáng ghi nhớ.
Một sự kiện thường được nhắc nhở. Cuộc biểu tình ngày 1-5-1938.
Nguyên trước đó, trong thời kỳ Mặt trận Dân chủ, Đảng Cộng sản Đông dương đã có những cơ quan ngôn luận của mình ở Hà Nội như tờ Thế giới, tờ Tin tức, tập hợp chung quanh mình một số cộng tác viên. Nguyên Hồng, Hồ Xanh, Nguyễn Thường Khanh (Trần Mai Ninh), Như Phong v.v.... Nhiều nhà văn nhà báo khác, tuy không viết cho các báo nói trên, nhưng ít nhiều đã chịu ảnh hưởng của Đảng, có nhiều sáng tác đứng về phía những người cần lao là quần chúng công nông nghèo khổ.
Trong tình hình đó, cuộc biểu tình ngày 1-5-1938 giống như một cuộc biểu dương lực lượng của những người lao động Hà Nội. Trong cuộc biểu tình này, lực lượng những người viết văn, viết báo tham gia rất đông.
Theo Nguyên Hồng kể lại, thì ông nhớ là nhà giáo Nguyễn Công Hoan hôm ấy đeo băng đỏ giữ trật tự. Nguyễn Tuân đứng bên Lưu Trọng Lư, Phùng Bảo Thạch bên Vũ Ngọc Phan, Tô Hoài lúc ấy chưa thuộc nghiệp đoàn những người viết văn, viết báo nhưng cũng có mặt trong đoàn quân thất nghiệp. Cuộc biểu tình có hai vạn người dự này là một sự kiện đáng ghi nhớ cuối những năm ba mươi. Một người như Nguyễn Tuân sau này còn hay nhắc lại, như một kỷ niệm đẹp.
Đến thời kỳ từ 1943 trở đi, thì các sự kiện lại còn dồn dập hơn nữa.
Khoảng tháng 3-1943 (theo trí nhớ của Học Phi), Vũ Quốc Uy, Như Phong và Học Phi có buổi họp đầu tiên ở nhà một cơ sở đầu phố Hàng Đường, để triển khai cuộc vận động các văn nghệ sĩ hoạt động theo đường lối của Việt Minh.
Từ buổi họp này, nắm được chủ trương, Như Phong và Vũ Quốc Uy sẽ xâu chuỗi thêm những người khác: Tô Hoài, Nguyễn Huy Tưởng, Nam Cao, Nguyễn Đình Thi, Trần Huyền Trân, v.v
Mùa thu năm 1943, Đề cương Văn hoá được chính thức gửi về để các đồng chí trong Văn hoá cứu quốc nghiên cứu và thảo luận chung. Các buổi họp thường tiến hành ở nhà Vũ Quốc Uy, 124 phố Phó Đức Chính có đồng chí Lê Quang Đạo, bí thư thành uỷ viên lúc đó về dự, và hướng dẫn, rồi sau ở nhà Tô Hoài (có đồng chí Trần Độ, đồng chí Mười Hương, phái viên của Trung ương về hướng dẫn).
Quán triệt tinh thần bản đề cương đến đâu, thì hoạt động của mọi người càng sôi nổi đến đấy. Điều mà mọi người tha thiết là làm sao có được một tờ báo và một nhà xuất bản làm cơ quan tập họp dư luận. Trong hai việc này, công việc làm xuất bản có vẻ thuận lợi hơn. Anh em định tranh thủ một cơ sở xuất bản là nhà Bách Việt, “Với ông chủ con trẻ, rất hiền lành, tin và nghe Tô Hoài như tin và nghe mục sư hay cha đạo” (Nguyên Hồng), đã ra được Chuyện Hà Nội của Vũ Ngọc Phan, Xóm giếng của Tô Hoài. Trong Xóm giếng đại khái có những đoạn:
“Người ta ước ao làm một trận mưa rào. Mưa rào xuống cho lòng hả hê và cho trời quang đãng. Những cái gì bực tức được gạt bỏ. Trong khoảng mênh mông xanh nhởn kia sẽ phủ một không khí tốt lành và tự do”.
Đó là một cách nói bóng gió để khẳng định và ao ước: cách mạng sẽ tới.
Ngoài ra, còn Nhà xuất bản Mới, nơi đã in Tạp văn của Đặng Thai Mai Ngọn lửa của Nguyên Hồng... Nhưng công việc tiến hành trầy trật, sách ra loi thoi, giấy xấu, chỗ thủng, chỗ mọt đủ thứ. Không có việc gì kéo được lâu dài.
Chỉ có một điều chắc chắn, chúng ta có thể ghi nhận. Đó là, ngay trong lòng cái sinh hoạt văn học khá đa dạng ở Hà Nội, yếu tố cách mạng vẫn nảy sinh, Thủ đô là nơi để nhiều thanh niên vào với nghề văn, nay lại là nơi để các ngòi bút đó chuyển biến, sẵn sàng đi theo tiếng gọi yêu nước của cách mạng.
Các nhà văn - những người đã hình thành bản sắc ngòi bút của mình trên báo chí về thị trường xuất bản ở Hà Nội nói chung - suy nghĩ ra sao, khi tiếp xúc với đề cương, và đứng trong hàng ngũ văn hoá cứu quốc?
Tô Hoài hay nói: “Trên sóng cát cuộc đời, mình đã từng sống mãi kiếp phong trần, vật vờ, vào đâu nên đấy của con phù du” . Nay gặp Đảng của giai cấp, mới thành người. Không rẻ nghề, chán nghề, coi đây chỉ như nghề bán giầy, thư ký kế toán... mà thấy nghĩa vụ của người cầm bút là thiêng liêng cao quý”.
Nguyên Hồng vốn đã đến với nghề văn một cách say sưa, lại tìm cho ngòi bút của mình những nồng nhiệt hơn nữa, và tình cảm lại bốc lên mạnh mẽ hơn bao giờ hết, khi hiểu mình sẽ viết để phục vụ cách mạng. Hà Nội là nơi Nguyên Hồng đã đến để tìm liên lạc với các báo Tin tức, Thế giới, hồi Mặt trận bình dân. Hà Nội là nơi đến những năm 1943 - 1944, sau khi đi tù về, Nguyên Hồng lại lên để tìm liên lạc với Như Phong, Vũ Quốc Uy, Tô Hoài, Nam Cao. Chính ở Hà Nội mà Nguyên Hồng được Như Phong chuyển cho đọc bản Đề cương văn hoá.
“ Tôi còn nhớ bản Đề cương viết chữ tay nhỏ xíu khổ giấy nhỏ chỉ bằng bàn tay gồm có tám trang. Như Phong đưa cho tôi vào một ngày mùa rét 1943 ở nhà một anh bạn làm kịch ở Hà Nội, nơi đây chúng tôi vừa lấy làm địa điểm liên lạc, vừa làm chỗ tụ họp của những anh em văn nghệ sĩ chỉ muốn sống làm văn học nghệ thuật không thôi. Chiều chiều Như Phong và tôi đi phố trao đổi ý kiến với nhau.”
Nguyên Hồng kể trong hồi ký như vậy. Và khi đã có được niềm tin sâu xa ở thắng lợi tất yếu của cách mạng, con mắt nhà văn nhìn Hà Nội khác hẳn, không phải chỉ thấy Hà Nội lầm than như xưa mà giờ đây (những ngày chuẩn bị cách mạng) là một thành phố đầy sức sống.
“Cả Hà Nội ầm ĩ rần rật, nung nấu... Con sông Hồng ở bên kia đường trước cửa nhà tôi ngồi viết càng cuồn cuộn, ì ầm phù sa nước lũ. Chiều chiều, các đỉnh Tam Đảo, Ba Vì mây trắng lung linh, rực rỡ, vang âm, như có cờ bay, quân trẩy, súng dậy ngựa reo... Hà Nội như một ngõ núi lửa rình phục”.
Sống trong lòng một Hà Nội sục sôi khi thế cách mạng, khi viết Buổi chiều xám, Nguyên Hồng cảm thấy ngọn bút tung hoành như chưa bao giờ được như thế: Khi Buổi chiều xám được đăng trong Tiên phong dù không còn cái nông nổng như khi mới vào nghề, nhà văn vẫn nghe nước mắt vỡ ra ở trong lòng mình.
Một đồng chí cùng tổ văn hoá cứu quốc với Nguyên Hồng bấy giờ là Trần Huyền Trân. Một buổi chiều, khi ở toà soạn Tiểu thuyết thứ bảy ra về, đang đi trên phố Hàng Da, thì Trần Huyền Trân gặp Như Phong đi tới rỉ tai “Có chỉ thị mới đây” rồi đưa cho Trần Huyền Trân một điếu thuốc lá. Tác giả Độc hành ca về đọc, và nghiền ngẫm. Đó là Đề cương văn hoá. Ngay đêm hôm ấy, hết sức hứng khởi Trần Huyền Trân làm bài thơ Gió gác Sơn Nam. Như trên đã kể, Sơn Nam là cái ngõ Trần Huyền Trân ở chung với Thâm Tâm, Nguyễn Bính. Ba cái bóng gầy nói dưới dây cũng vẫn là ba người bạn thân ấy.
Gió lên về gác Sơn Nam
Ao thơ gió lạnh, đèn tàn gió bay
Trang thơ lộng gió thèm bay
Ba ta ba chiếc bóng gày - đèn khuya
Đêm dài tù túng đi về
Ngọn đèn trang giấy cùng chia cái nghèo
Dầu hao, bấc lụi, gió vèo
Cháo rau ấm bụng, thơ gieo ấm lòng
Gác Sơn Nam, gác đèo bòng
Có ba mái tóc bồng bềnh bên nhau.
Gió đời chưa nổi biển dâu
Gió trời thổi mãi mái đầu nằm mơ
Đêm nay - thật lúc bất ngờ
Bỗng dưng bão nổi khi vừa rạng đông.
Sức lôi cuốn của Đề cương văn hoá với văn nghệ sĩ Hà Nội lúc ấy thật mạnh mẽ. Có người như Hồng Nguyên (Nguyễn Văn Vượng) không thấy nói trong các tài liệu chính thức là thuộc về nhóm trung tâm của Văn hoá cứu quốc, nhưng theo nhà văn Vũ Cao còn nhớ, hồi đầu 1945 trước khi từ giã Hà Nội vào Thanh Hoá, Hồng Nguyên đã đưa cho Vũ Cao một số tài liệu nhờ cất giữ hộ, trong đó có bản Đề cương văn hoá.
Thôi Hữu là một chiến sĩ nồng nhiệt khoảng 1943 đã từ các tỉnh miền trong chuyển ra Hà Nội và làm nhiều công tác. Nhà thơ Tế Hanh kể năm 1943, nhân ra Hà Nội học một thời gian ngắn gặp Thôi Hữu (hai người đã từng biết nhau ở Huế). Thôi Hữu có đưa cho Tế Hanh đọc ít tài liệu bí mật, và đối với Tế Hanh, đó là một tí kỷ niệm về Hà Nội. Trong Tự truyện, Tô Hoài, cũng đã nhắc nhiều đến Thôi Hữu (Tân Sắc). Theo cách trình bày của Tô Hoài thì hồi đó, hoạt động của Thôi Hữu khá rộng, ông quan hệ sâu và kỹ với các tổ chức cách mạng ngoại thành hơn là giới những người làm văn, làm báo.
Lại còn trường hợp Như Phong. Nhà văn này vốn nguyên quán Hà Nội, từng có hoạt động từ hồi Mặt trận dân chủ, và là một trong những thành viên đầu tiên của Văn hoá cứu quốc. Sau này, nhân đọc Sóng gầm ông còn diễn tả lại cảm giác về những nỗi kinh hoàng mà cuộc sống của những thành phố lớn để lại trong tâm lý lớp thanh niên như ông trước 1945. Lúc thấm thía sâu sắc nỗi kinh hoàng đó cũng là lúc Như Phong cả quyết đi theo cách mạng.
Trở lại với các hoạt động chung của Văn hoá cứu quốc. Từ sau khi Nhật-Pháp bắn nhau, tình hình càng ngày càng khẩn trương. Có lần, có cuộc họp liên tịch nhiều nhóm văn hoá cứu quốc ở xóm Cung, giữa làng Tây Hồ, bất chấp cả lính Nhật lúc nào cũng tuần tiễu, sục sạo. Có lần họp ngay ở căn gác nhỏ phố Phù Đổng Thiên Vương. Rồi lần về nhà người chị Nguyễn Huy Tưởng ở bên Dục Tú, Đông Anh, bàn làm tạp chí Tiên phong trong bí mật (khi làm xong thì vừa Tổng khởi nghĩa, báo ra công khai luôn. Rồi về làng Vạn Phúc họp, bầu đại biểu đi dự Quốc dân đại hội ở Tân Trào. Trong lòng Hà Nội, một số nhà văn, nhà báo thực sự bắt tay vào việc chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa 19-8
SỐ TRUY CẬP online