Nguyễn Văn bổng - Nguyễn Thành Long - Phạm Hổ

Thật ra không phải từ sau 1954, các nhà văn chúng ta vừa kể trên, mới tiếp xúc với Hà Nội.
Nguyễn Thành Long cho chúng tôi biết: Sau khi học ở Quy Nhơn, anh ra Hà Nội học chuyên khoa và thường đến Thư viện Trung ương đọc sách. Trong đầu óc những người như Nguyễn Thành Long bấy giờ Hà Nội thật là huyền ảo, những cô gái Hà Nội thẹn thò e lệ sau các khung cửa từng làm cho các chàng trai, các anh bấy giờ bâng khuâng. Và yêu đủ thứ. Trước 1945, Nguyễn Thành Long đã có bài viết in trên Thanh Nghị. Có thể nói là anh đã yêu nghề, say nghề văn từ đây. Và suốt chín năm kháng chiến, ở khu Năm nhưng những kỷ niệm về đời sống văn học ở Hà Nội không thể phai mờ, cho nên, khi ra tập kết, anh cảm thấy thoải mái, như trở lại với quê hương gia đình mình.
Còn lớn tuổi hơn cả Nguyễn Thành Long, là Nguyễn Văn Bổng. Trước cách mạng, chủ yếu anh dạy học ở Huế, và có viết bút ký, truyện ngắn cho tạp chí Thanh Niên ở Sài Gòn, Thanh Nghị ở Hà Nội, Nguyễn Văn Bổng kể:
- Hè 1946, tôi ra Hà Nội, đến với tạp chí Tiền Phong gặp các anh Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Huy Tưởng, Xuân Diệu... Trụ sở Hội văn hoá cứu quốc và tạp chí Tiền Phong hồi bấy giờ ở 40 Quang Trung. Các anh đã biết tôi qua một vài bài tuỳ bút hồi trước 1945, tuy nhiên đối với các anh, tôi vẫn là người rất mới. Ngày trước, giữa một tên tuổi như Xuân Diệu, Nguyễn Tuân với chúng tôi mới vào nghề, khoảng cách rất xa, xa đến ngao ngán. Sau Cách mạng tháng Tám, gần lại dần. Vào kháng chiến, gọi nhau bằng đồng chí, tình trở nên ấm áp.
Chúng ta thấy gì qua những lời “tự thú” này? ở đó, có niềm ngưỡng vọng chân thành đối với những giá trị của Hà Nội văn học (mà tiêu biểu ở đây là Nguyễn Tuân, Xuân Diệu), một cái gì như là có chút tự ti. Và ở đó, cũng có chất reo vui, khi cảm thấy đời mình từ nay đã gắn chặt với nền văn hoá đó.
Đây cũng là tinh thần toát ra qua bài viết của Nguyễn Văn Bổng, tường thuật Đại hội văn hoá toàn quốc in trên Tiền phong, 1946.
Nhập vào đám đông tập sách đầu tay của Nguyễn Văn Bổng cũng in ra ở Hà Nội. Sách gồm có một số bút ký nói suy nghĩ của tác giả trước những đổi mới cách mạng trong đời sống. Sách do nhà xuất bản Hoa Lư của Lưu Quang Thuận cho in. Tiếc rằng, chưa kịp phát hành khi tiếng súng kháng chiến bùng nổ, tập sách không còn giữ được bản nào.
Một buổi sáng cuối thu đầu đông 1946, Nguyễn Văn Bổng đã ra ga Hàng Cỏ, tiễn các nhà văn Nguyễn Tuân, Nguyên Hồng, Nguyễn Đình Lạp lên tàu, vào với các mặt trận ở Nam Trung Bộ, Nam Tây Nguyên. ít lâu sau, chính Nguyễn Văn Bổng cũng từ giã thủ đô quay trở về với Đà Nẵng tham gia kháng chiến. Mãi 1950 anh mới có dịp ra Việt Bắc họp một lần, và 1953... ra họp lâu hơn, rồi ở lại luôn Việt Bắc, đi cải cách ruộng đất. Thành thử cùng với Kim Lân, Nguyễn Tuân, Nguyễn Huy Tưởng, đến tháng 10-1953 tác giả Con trâu lại ở trong đoàn cán bộ trung ương về tiếp quản thủ đô. Lần này Nguyễn Văn Bổng đến với Hà Nội với tư cách nhà văn đã có tác phẩm được nhiều người biết. Tư thế có khác. Nhưng tình yêu của nhà văn với Hà Nội thì trước sau vẫn là nguyên vẹn.
Một người đồng hương với Nguyễn Văn Bổng và Nguyễn Thành Long là Phạm Hổ, kể với chúng tôi:
- Mãi đến 1946, tôi mới có dịp ra Hà Nội, nhưng trước đó, một người anh tôi là học sinh trường Bưởi mỗi lần nghỉ hè trở về vẫn kể với tôi về sinh hoạt thủ đô nên không phải là tôi không có ấn tượng gì về miền đất thú vị này. Cái mà anh tôi lưu ý tôi nhất: Hà Nội là nơi người ta học hành, sinh hoạt văn hoá có nhiều sâu, nên thanh niên cầu tiến ra đấy có lợi lắm. Cố nhiên là khi tôi ra, ấn tượng của tôi về đời sống nghệ thuật Hà Nội vẫn đậm nhất. Tôi nhớ cửa hàng Bách hoá thiếu nhi bấy giờ còn mang tên Quán nghệ sĩ. Vào đấy người ta được thưởng thức tài nghệ của Nguyễn Xuân Khoát bên cây vi-ô-lông, Bùi Công Kỳ trước pi-a-nô và nhiều bậc thầy khác. Đúng như anh Bổng có nói, hồi ấy những tên tuổi này đối với chúng tôi là rất cao xa, tôi chỉ chiêm ngưỡng, nhưng chính vì thế, càng thấy thiết tha với nghệ thuật.
Lần ấy Phạm Hổ định ra học trường võ bị Trần Quốc Tuấn nhưng yếu sức khoẻ, phải quay về. Suốt mấy năm kháng chiến, anh ở khu 5. Có điều, một tình yêu chân thành với thủ đô vẫn “làm tổ” trong anh và hiển hiện ra bằng đủ cách. Chẳng hạn, mê tiếng Hà Nội, thấy người nào nói tiếng Hà Nội chuẩn đều bâng khuâng muốn được nghe mãi không thôi. Trung ương chính phủ năm ấy ở Việt Bắc, nhưng Đài tiếng nói Việt Nam vẫn sử dụng tiếng Hà Nội. Nghe đài, lại nhớ thủ đô!
1955, Phạm Hổ ra tập kết. Theo ấn tượng mà anh ghi nhớ được, thì thủ đô lúc ấy phải nói là rạng rỡ trong một sức sống mới.
Cũng theo nhận xét của Phạm Hổ thì, với việc trở lại Hà Nội sau 1954, sáng tác của nhiều nhà văn khu Năm cũ có thay đổi. Khương Hữu Dụng như trẻ lại mà Tế Hanh ngày một “chín” hơn (đặc biệt phải kể tập thơ Gửi miền Bắc). Võ Quảng từ một cán bộ chính trị, nay trở thành nhà văn nổi tiếng viết cho thiếu nhi, và để lại cho bạn đọc trẻ tuổi cả nước ấn tượng rất đậm về vẻ riêng của quê hương (Quê nội, Tảng sáng). Từ những miền quê hương khác nhau của Nam Bộ ra tập kết, những Hoàng Văn Bổn và Nguyễn Quang Sáng, Bùi Đức ái và Đinh Quang Nhã... cũng sẽ bắt đầu viết nhiều, viết khoẻ hơn, khi nhập vào không khí văn học thủ đô, và trở thành những cây bút chủ công trong cuộc chiến đấu chống Mỹ. Có một dạo báo chí và làn sóng điện Đài phát thanh ở ta truyền đi nhiều bài tuỳ bút Anh Đức gửi Nguyễn Tuân. Nguyễn Tuân gửi Anh Đức. Sau một thời gian ra Bắc, nay nhiều nhà văn quê khu 5, quê Nam Bộ đã trở lại quê hương, nhưng nhiều người vẫn thường hướng về Hà Nội để trò chuyện, tâm sự.
SỐ TRUY CẬP online