Tô Hoài

Không kể thời gian kháng chiến chống Pháp và không kể những đợt đi công tác ngắn ngày, thì từ nhỏ đến giờ, Tô Hoài luôn luôn sống ở Thủ đô. Tính đến đầu 1985, ông từng viết 43 cuốn sách về Hà Nội. Ngoài sáng tác văn học, có lúc ông còn trực tiếp làm công tác đường phố. Hiện Tô Hoài đang là chủ tịch Hội Văn nghệ Hà Nội.
Những chi tiết ấy nhiều người đã biết, cũng như phần lớn chúng ta đã biết hai chữ Tô Hoài là do Tô Lịch và Hoài Đức ghép lại. Một người như Tô Hoài mà có viết nhiều về Hà Nội là chuyện đương nhiên! Giữa Thủ đô và một đời như đời văn của Tô Hoài, quả là có một mối quan hệ đặc biệt.
Tô Hoài hay kể: ông đến với nghề văn một cách rất giản dị, và bước đầu vào nghề, không thấy có gì mới lạ hơn, so với những nghề khác, như nghề bán giày ở một đại lý cho hãng Bata hay nghề dạy trẻ học mà bạn bè ông thường làm. Đại khái một lần, đi phủ hộ đê, thấy cảnh canh đê, “trống giục trống dồn”, “người lớn và trẻ con rúc ráy bên vệ cỏ” Tô Hoài liền viết truyện Nước lên gửi đăng ở Hà Nội tân văn của Vũ Ngọc Phan.
Nếu có thể nói vào nghề, có nghĩa là viết truyện in ra được trả tiền cẩn thận thì Tô Hoài vào nghề bằng truyện ấy. Có điều, khi đến với nó, ông vẫn có được sự bình thản, không cuống lên vì hoang tưởng, không quá choáng ngợp.
ở đây, có những lý do thuộc về cá tính riêng của Tô Hoài. Nhưng một phần quan trọng khác cũng là do hoàn cảnh. Ông lớn lên và đi học ở quê ngoại vùng Nghĩa Đô. Từ nhỏ, không những đã quen với Kiều, ca dao, mà còn quen với Tứ dân văn uyển, Văn đàn bảo giám, và các loại truyện dịch Chinh đông Chinh tây, Tam hạ nam đường... Dù là gia đình chỉ làm nghề thủ công, nhưng bước vào tuổi thanh niên, Tô Hoài cảm thấy không có gì xa lạ với mọi tờ báo ở Hà Nội, và Sài Gòn lúc ấy: Nước non, Cậu ấm, Mới, Tiểu thuyết thứ năm, Tiểu thuyết thứ bảy.
Mới hai mươi mốt tuổi, ông đã viết câu chuyện nổi tiếng về chú Dế Mèn, trong đó cảnh bờ sông Tô Lịch với những vườn nhãn, ao chuôm, con gà ri, đôi chuột bạch... là những khung cảnh gần với ông ở làng Nghĩa Đô của ông. Cả tư tưởng của một chàng thanh niên mới lớn lên, thích sống độc lập lại cũng thích phiêu lưu như ông diễn tả trong Dế mèn... đều là tư tưởng bao trùm trong nhiều thanh niên thời kỳ 1940-41.
Tô Hoài lại sớm viết hồi ký. Trong tập Cỏ dại in ra từ 1944, ông lấy chuyện gia đình, họ hàng mình để kể. Gần đây (1978). Tô Hoài có tập Tự truyện, kể lại những bước đường tư tưởng của mình khi mới đến với nghề văn.
óc quan sát tinh tế và tỉ mỉ đã giúp cho Tô Hoài nhớ và ghi được nhiều chi tiết về cuộc sống ở Hà Nội. Ông đính chính hộ nhiều người những cái nhầm lẫn, vì như nhiều người cứ nghĩ chung quanh Hồ Gươm: nhiều liễu, hoá ra bây giờ còn mỗi một cây, v.v. Ông lại giúp cho chúng ta tự tìm hiểu thêm về những địa điểm trong sinh hoạt thành phố (chẳng hạn, tại sao gọi là Vườn hoa canh nông?). Rồi, nguồn gốc nem cuốn ở đâu? Nghề làm giấy ở Bưởi đòi hỏi người thợ thủ công trước đây phải khéo léo, vất vả thế nào?
Xét về thời gian lịch sử, ta thấy Hà Nội đã được Tô Hoài theo dõi liên tục, từ khi Pháp mới sang (Quê nhà) cho tới những năm ba mươi, bốn mươi và kết thúc bằng Cách mạng tháng Tám (Mười năm). Đó là phần ngoại thành, vùng Nghĩa Đô, Bưởi và quá lên vùng Cầu Giấy, Từ Liêm, Hoài Đức, Tô Hoài rất quen.
Về nội thành, những xóm rác ven hồ Bảy Mẫu cũ, đầu hoà bình lập lại được ông phác qua trong Những ngõ phố và một số nét sinh hoạt Hà Nội hồi đánh B52 được ông vẽ nên trong Người đường phố (cả hai tiểu thuyết đều được in ra 1980)
Viết về ngoại thành, ngòi bút ông lui tới một cách thoải mái đã đành. Ngay viết về nội thành, Tô Hoài vẫn rất ung dung. Ông không hay tả Hà Nội nhà cao cửa rộng. Trước cách mạng, khu nội thành được ông miêu tả như một nơi không thiếu gì chuyện nhảm nhí, nơi có nhiều nhân vật rất kỳ cục, nào me tây, nào nặc nô hiệu cầm đồ, đủ thứ. Từ 1954 đến nay, bà con hàng phố sống với nhau gần gũi, đầm ấm như người trong một gia đình. Thành phố nhấp nhô những dãy nhà một tầng thấp, bên trong mỗi nhà xanh lên những giàn hoa lý, cây cảnh, cây, cây hoa mộc trong chậu.
Thành phố với những mái lợp phi-brô xi măng trắng, hay những miếng giấy dầu đen nhoáng, cạnh cửa sổ vải hoa treo dò phong lan tai trâu xanh dày... Đấy là Tô Hoài trực tiếp tả. Một đoạn khác (trong Người đường phố) ông còn để cho một nhân vật nói thẳng:
- Kẻ chợ mà đủ phố Hàng Bừa, Hàng Bún, Hàng Mụn, Lò Rèn... tức là cái gốc nhà quê rõ rồi.
Cái gốc nhà quê này của Hà Nội không làm cho nhân vật khó chịu. Trái lại, họ nói thế, dễ dàng thấy gần với Hà Nội hơn, cái Hà Nội là của mình, và cùng với tác giả, tìm ra vẻ đẹp của phố xá.
Nhân vật chính trong bút ký Nhớ quê của Tô Hoài là một thanh niên Hà Nội đứng vào đội quân Nam tiến, và nghĩ trong lúc này: “Chúng ta còn ở Hà Nội làm gì?”
Trong tiểu thuyết Những ngõ phố, người đọc lại bắt gặp một trường hợp khác, một gái nhảy của Hà Nội cũ, nay đi tham gia xây dựng các công trường ở miền Tây Tổ quốc, và nghĩ rằng phải đi xa, cái tình của mình với Hà Nội mới trọn vẹn.
Bản thân Tô Hoài cũng vậy. Chúng ta đã nói bao giờ “hộ khẩu chính” của ông cũng là Thủ đô, nhưng từ trước cách mạng ông đã có nhiêu chuyến giang hồ vặt, đi khá xa, tận Huế, Sài Gòn. Bây giờ, ông còn bay đi xa hơn. Ngoài Hà Nội, ông còn một vùng quê nữa để viết là các tỉnh miền núi Tây Bắc, Việt Bắc. Hai cái chất thật đối lập nhau, Hà Nội và núi rừng. Nhưng với Tô Hoài, hai nơi đó đều gần gũi tự nhiên, như đâu cũng là quê ông. Thành thử lại có thể nói về phương diện nữa của chất Hà Nội trong Tô Hoài: Khả năng thích ứng mạnh mẽ. Có cảm tưởng đi đâu ngòi bút ông cũng hoạt động được. Tô Hoài thật đã giống như bao nhiêu người có thời gian ở Hà Nội rồi, thì đi đâu cũng khéo gây dựng cơ nghiệp, sắp xếp nhà cửa, khiến cho cuộc sống mình được nên cơ ngũ, gia đình mình trở thành có nền nếp.
Bao nhiêu người Hà Nội, sau những năm kháng chiến ở lại Việt Bắc, hay Nam Định, Thanh Hoá đã sống như thế. Lại bao nhiêu gia đình ngoại thành Hà Nội, đi xây dựng miền núi, những năm sau 1954, đã sống như thế.
Chúng ta vừa nói Tô Hoài đến với nghề một cách bình thản. Nhưng sau khi đã có một quan niệm sòng phẳng thế rồi, nghề văn ở Tô Hoài lại được nhìn nhận khá tỉ mỉ. Nói đây là chuyện để cả đời người ta làm, cũng không phải quá đáng. Từ chuyện lẩn mẩn người ta ăn, người ta mặc thế nào, đến chuyện suy nghĩ tư tưởng một thời... đều phải lắng nghe, để mắt tới. Lúc nào cũng lo tích luỹ, nhặt nhạnh. Và viết, viết rất đều tay, không chờ cảm hứng, không viết theo những cơn nóng lạnh bất thần. Chẳng hạn ai đã làm nghề văn đều biết, gọi chung là viết, nhưng công việc rải ra đủ thứ, người chuyên viết ngắn, người chuyên viết dài, người chỉ sáng tác cho người lớn đọc, người thâm canh ở khu vực viết cho thiếu nhi. Thậm chí, nói đến cùng, cũng phải thấy là trong nghề người ta hay có thành kiến: Việc này người mới vào nghề mới đáng làm, người lâu năm trong nghề không nên làm. Việc này dở, việc kia mới sang trọng v.v...
Tô Hoài không thế, ông viết đủ thứ, miễn thấy cần làm là làm, không chọn việc. Đấy chính là một đặc điểm của ngòi bút Tô Hoài, nó khiến cho nhiều người nhìn ông phải khâm phục.
Nói cho đúng ra, trong cái việc mà chúng ta gọi một cách quy ước là “làm nghề” chăm chỉ, thành thạo, ở Tô Hoài không phải chỉ có sự đều tay, sự chuyên cần, mà còn có cái mau mắn duyên dáng, nó khiến cho ông cả khi viết những tiểu thuyết dài lẫn những bài báo ngắn đều có được cái giọng riêng. Những khi phải tả Hà Nội, Tô Hoài vừa có cái kỹ lưỡng từ trong nói ra, lại có cái tươi mới như vừa gặp vừa thấy.
Sở dĩ như vậy, theo tôi, một phần do trước sau Tô Hoài vẫn giữ được cái hóm, cái nghịch cần thiết cho những “Người ven thành” luôn luôn phải đi lên thành phố để làm đủ các loại việc, rồi ít ngày sau, lại bỏ đấy, bắt sang những công việc khác, mà lúc nào cũng giữ được cái thế của người đứng ngoài, đứng hơi xa một chút, để nhận xét cho thấu đáo, lên thành phố, những người này phải rất hoạt bát để bán được hàng, tìm được việc, mà lại khỏi bị những người hàng phố lừa. Và lên đấy phải nghe ngóng, tích luỹ, phải có nhiều điều tai nghe mắt thấy, để về còn kể cho bà con hàng xóm, hoặc con cháu trong nhà. Bởi vậy, nên cái chân dung thành phố do những con người này vẽ nên bao giờ cũng tươi mới, giàu chi tiết, kích thích sự tò mò của người khác.
Trong cuốn Nguời đường phố trên kia đã nhắc (cũng như trong nhiều tập sách khác, trong đó có Chuyện cũ Hà Nội) Tô Hoài kể ra một số vùng ngoại ô với những nghề nghiệp cha truyền con nối, lên làm ăn ở thành phố. Cổ Nhuế, thợ may, hàng thầu; Thủ Lệ, giặt là; Lai Xá, thợ ảnh; Thanh Nhàn, cắt tóc; Thuỵ Khuê, xôi lúa, quà vặt v.v... và v.v... Quả ngoại ô Hà Nội là một “thế giới” phong phú. Trong “thế giới” đó, cũng có sự phân công lao động rất tỉ mỉ, khiến cho từng người làm nghề trở thành những người nghệ sĩ tài hoa và hết lòng với nghề, được mọi người kính trọng. Từ các làng xóm chung quanh nội thành, người đi viết văn, viết báo xưa nay không phải ít, nếu kể ra các vùng quê mới cắt từ Bắc Ninh, Hưng Yên, Sơn Tây, Hà Đông để nhập vào Hà Nội, thì số tác giả của Thủ đô thật là nhiều. Song có lẽ chỉ có Tô Hoài là mang được cái chất riêng của vùng đất mà mình đã từ đó trưởng thành. Và giữ được cái chất đó, trong suốt cuộc đời cầm bút.
SỐ TRUY CẬP online