Ngô Tất Tố

Vài nét tiểu sử
Ngô Tất Tố (1898-1954). Vừa viết văn vừa viết báo (các bút danh Thục Điểu, Phó Chi, Hy Cừ...), ngoài ra còn nghiên cứu dịch thuật. Tiểu phẩm báo chí được sưu tầm từ trước 1975, và hiện nay còn đang tiếp tục. Các tiểu thuyết Tắt đèn (1939), Lều chõng (1940).

Nhà nho thức thời, ngòi bút tình cảm

Khả năng thích ứng
Mỗi khi đề cập tới thiên tiểu thuyết giàu chất tự truyện của Ngô Tất Tố là cuốn Lều chõng, các nhà nghiên cứu văn học ở ta có thói quen đối lập nó với Nhà nho, Bút nghiên. Trong khi Chu Thiên (tác giả Bút nghiên) thi vị hóa chế độ thi cử, thì "Ngô Tất Tố phê phán nó một cách sắc sảo" (Từ điển văn học). Ông "không ngại ngùng phanh phui ra trên mặt giấy tất cả những mặt trái, những chuyện ti tiện thấp hèn của tầng lớp trí thức của một chế độ" (Lời giới thiệu Ngô Tất Tố, Tác phẩm, tập I). Nhưng có lẽ không nên quên là cùng với Nho giáo của Trần Trọng Kim, Vang bóng một thời của Nguyễn Tuân, Lều chõng từng được giải thưởng của Hội Alexandre de Rhodes, một hội nghiên cứu có khuynh hướng khuyến khích phục cổ. Chỉ nhìn vào nhân vật chính của Lều chõng là Đào Vân Hạc, người ta đã thấy tác giả gửi vào biết bao ưu ái. ở Đào Vân Hạc như cô đúc tập trung mọi nét tài hoa mà những người xuất thân chốn cửa Khổng sân Trình thường ngấm ngầm tự hào. Sự khuôn phép của thi cử được miêu tả trong Lều chõng như một cái gì cực kỳ vô lý. Song, dưới ngòi bút của Ngô Tất Tố, nhân vật Đào Vân Hạc vẫn phóng túng trong ăn nói, cư xử, vẫn đùa rỡn hồn nhiên với đám cô đầu Hà Nội, nói chung là vẫn thanh thoát tự do trong cách sống. Được viết khi tác giả đã ở vào độ tuổi chín chắn song Lều chõng lại có cái duyên riêng của tuổi trẻ, nó hé cho thấy một phần cuộc đời tình cảm tự nhiên của tác giả. Giữa những dòng chữ, người đọc không cần tinh ý lắm cũng đọc ra được nỗi ngây ngất của ông đầu xứ trước quá khứ đẹp đẽ của mình, và có cơ sở để ngờ rằng mãi mãi về sau ông còn nhấm nháp vẻ thi vị của nó một cách hào hứng.
Nhưng mặc cho bao người lưu luyến, Nho học ngày một đi vào tàn lụi. Các khoa thi tiếp theo bị bãi bỏ, Ngô Tất Tố của chúng ta buộc phải đi vào con đường vứt bút lông đi, cầm lấy bút sắt. Theo lôgíc thông thường, hẳn một người đã có lúc đánh cược cuộc đời mình vào sự lều chõng thi cử, sẽ rất bỡ ngỡ trước vận hội mới, và sẽ để cho cuộc sống riêng của mình trôi qua trong lúng túng, chán chường. Tính cách bảo thủ của các trí thức nho học bấy lâu vẫn được truyền tụng như một huyền thoại và giá có thêm một ông đầu xứ bảo thủ nữa thì sự đời cũng chẳng làm ai ngạc nhiên! Song với Ngô Tất Tố, mọi chuyện giản dị hơn nhiều. Ông có mặt ở một khu vực hết sức mới mẻ là nghề "bán chữ", tức dùng ngòi bút để sinh sống. Trong hồi ký Bốn mươi năm nói láo, Vũ Bằng, với tư cách một đồng nghiệp trẻ, từng cho thấy ở Ngô Tất Tố còn nhiều chất thầy đồ cổ lỗ, thật thà như đếm, dễ bị đám trẻ lỡm đến như thế nào! Có điều nghĩ kỹ lại, thấy đấy chính là những chi tiết ghi nhận sự kiên trì cùng là cái dẻo dai nhập cuộc, tức khả năng quyền biến để thích ứng với hoàn cảnh của ông đầu xứ hôm qua. Từ nông thôn lên thành thị, từ cách sống của một ông đồ, một thầy thuốc mô phạm nghiêm trang, chuyển sang cách sống dông dài đàn đúm của đám ký giả tọc mạch đương thời, Ngô Tất Tố luôn luôn vẫn còn là mình mà cũng đã tự khác mình khá nhiều. Hóa ra trong hạt nhân triết lý của đạo Khổng vẫn có điểm tựa cho những người ham sống, biết lựa chiều cuộc sống để tồn tại một cách hợp lý! Về phần mình, khả năng hóa thân liên tục đã cho phép Ngô Tất Tố có mặt trong những giai đoạn lịch sử văn học khác nhau của nửa đầu thế kỷ, cả thời báo chí mới thành hình, cả những năm 1932-1945 mà giờ đây, người ta gọi là cái thời tiền chiến huy hoàng, cả những năm đầu của nền văn học cách mạng và kháng chiến.

Tính cách chuyên nghiệp

Thời tiền chiến, giữa giới viết văn với giới làm báo, hầu như chưa có ranh giới rõ rệt. Các nhà văn không chỉ coi báo chí là chỗ ghé gẩm nhờ cậy đăng bài trước khi in vào sách, mà trước tiên, họ đến với báo như một công việc phải xúm vào làm cho nổi đình đám. Với các tờ báo nhận viết giúp, họ sẵn sàng có mặt trong đủ loại bài vở khác nhau: viết tiểu thuyết để cắt ra đăng làm nhiều kỳ; viết phóng sự; và nhất là viết các bài vặt, để trêu chọc thiên hạ, gây sự với đám quan trường cùng đám trọc phú, hoặc cãi nhau với các báo bạn.
Những bài báo nhỏ này, - đội những cái tên ước lệ: phiếm luận, nhàn đàm, hài văn... và giờ đây được xếp chung vào một mục là tiểu phẩm - tiêu thụ một khối lượng giấy mực lớn lao và cũng bòn rút khá nhiều sức lực của đám người viết nọ. Nhưng họ chấp nhận vì biết rằng trước tiên, cầm bút là một nghề khe khắt, đã làm là phải dấn tới. Ngô Tất Tố là một trường hợp như thế. Ông viết nhanh, viết bạo vừa có kiến thức, vừa có thực tế. Giống như một cầu thủ bóng đá sẵn sàng đi với các huấn luyện viên khác nhau, và đá được ở mọi vị trí, ông có mặt ở nhiều thể tài (từ tiểu phẩm đến phóng sự, từ tiểu thuyết đến nghiên cứu, dịch thuật), và ngả món nào cũng độc đáo, ở thể nào cũng bộc lộ được bản sắc ngòi bút của mình. Tuyển tập hiện đang lưu hành của Ngô Tất Tố có hai tập, trên một ngàn trang thì một phần ba là tiểu phẩm. Song thỉnh thoảng người ta vẫn đọc lại được, phần vì ở đó hiện lên cả cái lỉnh kỉnh bất thành của báo chí đương thời, phần vì có những bài thuộc loại tuyệt bút như Làm no, hay Cái ăn trong những ngày nước ngập, kể chuyện một người nông dân lấy... đất để sáng chế ra các món ăn như thế nào.
Ngòi bút tình cảm
"Ngô Tất Tố với chiếc áo the đã sờn, chiếc khăn xếp không có tuổi, cây ô đen tương đối, đôi giày trăng trắng gọi là, đủng đỉnh từ nhà quê ra thành phố".
Một ký giả lâu năm cùng cụng đầu với Ngô Tất Tố trong nghề làm báo, kể lại về ông như vậy. Có vẻ như ông không có tuổi. Ông đứng ngoài thời gian, đứng ngoài mốt. Trong một xã hội đã an bài, ông dễ dàng lẩn đi, né tránh, và để hết tâm sức vào công việc. Nếu như nhận xét này không đúng với tính cách xông xáo trong trường văn trận bút của Ngô Tất Tố, thì ít nhất, nó cũng đúng ở một điểm: trong văn chương, ông không thuộc loại người chăm sóc đến hình thức và thích tìm tòi các phương cách biểu hiện. Mải miết với những sứ mệnh xã hội mà theo ông, ngòi bút phải đảm nhận - mà có lẽ, cũng là mải miết với việc kiếm sống - ông không bao giờ ngả sang phía duy mỹ của sự nghiệp sáng tác. Cách viết của ông đơn sơ chân thực, và trước tiên, đó là cách viết tình cảm, cũng tức là một cách viết mực thước, cổ điển. Song chính vì vậy nó là một thứ văn chương thời nào người ta cũng
SỐ TRUY CẬP online