Khái Hưng

Khái Hưng
Vài nét tiểu sử
Khái Hưng tên thật là Trần Khánh Giư, sinh 1896, mất 1947. Trụ cột của Tự Lực văn đoàn. Tác phẩm chính: Hồn bướm mơ tiên (1933), Nửa chừng xuân (1934), Tiêu sơn tráng sĩ (1935) v.v...
Người có lẽ đã sinh vào mùa xuân

Văn học Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX là cả một quá trình hiện đại hóa gấp rút liên tục. Và một trong những người đóng vai trò mở đường, người sớm mang lại cho tiểu thuyết giai đoạn này những khuôn mẫu hoàn chỉnh, đó là nhà văn Khái Hưng.
Trong các sách tư liệu văn học không thấy nói rõ ngày sinh tháng đẻ của Khái Hưng, song những người yêu văn ông dễ đoán rằng ông sinh vào mùa xuân. Bởi văn chương Khái Hưng là một thứ văn trẻ trung lại tự nhiên như cây cỏ. Vẻ mềm mại của câu, những ý nhị trong cách dùng từ, sự chừng mực của giọng điệu... bấy nhiêu nhân tố gộp cả lại, làm nên cái duyên dáng riêng mà cũng là một vẻ đẹp riêng, không chói lọi, nhưng dễ chấp nhận. Có thể là những ai sành sỏi sẽ nghiêng về các loại văn có sắc thái thật đậm, hương vị gắt hẳn lên, tức những loại "đặc sản" như văn Nguyễn Tuân, văn Nam Cao... Nhưng với số đông bạn đọc, chỉ thưởng thức văn chương giữa trăm công ngàn việc tất bật hàng ngày, tôi nghĩ văn Khái Hưng như một thứ cơm chín tới, thơm dẻo, rất vừa miệng. Nên nhớ là những cuốn tiểu thuyết đầu tay của nhà văn này ra đời từ đầu những năm ba mươi, khi nền văn xuôi mới còn trầy trật tìm tòi, lúc thì chưa thoát khỏi chất biền ngẫu của văn xuôi cổ điển (như trường hợp Tản Đà, Nguyễn Bá Học), lúc lại Tây quá (như trong một số thể nghiệm trên báo chí của Hoàng Tích Chu). Tiếp nối một thành công khá nổi bật trước đó là Tố Tâm, Khái Hưng đã cùng với nhiều người đương thời đặt những viên gạch đầu tiên, trên con đường xây dựng một nền văn xuôi linh hoạt mà lại tự nhiên như đời sống.
Giữa Tản Đà và Nhất Linh
Cũng giống như nhiều người cùng lứa sinh vào những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, Khái Hưng trước tiên là con người của một giai đoạn chuyển tiếp văn hóa. Tiểu sử Khái Hưng còn ghi rõ ông là con một vị tuần phủ (quan đầu tỉnh ở các tỉnh nhỏ), thân phụ ông từng cũng nổi tiếng là hay chữ, đã có thơ đăng ở Nam phong; và trước khi tiếp nhận học vấn ở các trường tiểu học, trung học của người Pháp, ông đã theo đòi bút nghiên trong gia đình để có được một căn bản Hán học vững chắc. Người ta cũng lại biết rằng so với nhiều đồng nghiệp khác, con đường văn nghiệp của Khái Hưng bắt đầu hơi muộn, mãi năm 36 tuổi tác phẩm đánh dấu đời văn của ông là Hồn bướm mơ tiên mới xuất hiện trên tờ Phong hóa (1932). Có thể dự đoán sở dĩ như vậy là do Khái Hưng có một thời gian dò dẫm tìm đường, tâm thế sáng tác của ông không thể mới như Nhất Linh (Nhất Linh sau chuyến du học ở Pháp) nhưng cũng không thể "nửa chừng xuân" như Tản Đà, mà trên nét lớn phải là sự kết hợp của cả hai kiểu sáng tác đó. Và Khái Hưng đã làm trọn vai trò của mình, vai trò một người tự đổi khác, đổi khác đến hoàn toàn để thích ứng với thời đại. Đọc văn Khái Hưng, tiếp xúc với những con người trong văn xuôi của ông, dễ có cảm tưởng là trước mắt ta không có sự phân biệt cứng nhắc Đông - Tây, mà chỉ có một thực thể văn hóa sinh động. ở đó, có sự muôn màu muôn vẻ của đời sống, cái cốt cách nhân bản vốn là yêu cầu bắt buộc với mọi hoạt động tinh thần; ở đó lại có sự tinh tế, có vẻ đẹp. Đây không chỉ là cái hồn của văn Khái Hưng mà cũng là cái đích hướng tới của nhiều tác phẩm văn xuôi ở ta, thời tiền chiến.
Một căn bản văn hóa chắc chắn
Như những người thân trong gia đình từng kể, trước lúc ngồi viết, Khái Hưng có thói quen ngâm nga mấy câu chèo cổ hay trống quân.
Có dịp theo chân mấy anh em trong Tự Lực văn đoàn một lần hứng lên kéo nhau xuống xóm ả đào, Hoài Điệp Thứ Lang (tức Đinh Hùng) đã phác họa hình ảnh một Khái Hưng vùng vẫy giữa môi trường nghệ thuật đó như sau: "Khái Hưng đón lấy trống và roi chầu ở tay Nguyễn Tuân một cách thành thạo. Với một dáng điệu ra phết lạc phách giang hồ, anh ngồi vắt chân chữ ngũ rất gọn (rung đùi cẩn thận), tay cầm roi chầu đúng kiểu phong lưu tài tử, và đầu nghiêng nghiêng, anh đánh liền một hơi cả ba khổ trống sơ cổ, tòng cổ, trung cổ - tiếng trống ròn tan dõng dạc khiến đào với kép đang dừng phách, buông đàn để uống rượu, hút thuốc lào, bỗng giật mình sửa lại điệu ngồi cho tề chỉnh và Nguyễn Tuân khoái trí, vỗ đùi la lên: Hay quá! Hay quá! Không ngờ trống anh chàng Nửa chừng xuân này nghe hào hùng đáo để".
Ta cũng không nên quên rằng Khái Hưng lấy tựa cho câu chuyện tình giữa Lan và Ngọc từ một câu thơ tương truyền là của Lê Thánh Tôn, và được ghi lại trong Công dư tiệp ký của Vũ Phương Đề: Gió thông đưa kệ tan niềm tục - Hồn bướm mơ tiên lẩn sự đời; cũng như về sau, ông viết Tiêu sơn tráng sĩ dựa trên quá trình khai thác kỹ lưỡng Hoàng Lê nhất thống chí cùng truyện thơ Sơ kính tân trang.
Đấy là một cực trong con người văn hóa Khái Hưng - cực truyền thống.
Nhưng đây, còn một cực khác: sau Nửa chừng xuân, Dọc đường gió bụi... Khái Hưng sẽ viết Đẹp, ở đó qua nhân vật người họa sĩ tên Nam, nhiều quan niệm về nghệ thuật hiện đại vốn không lấy gì làm dễ hiểu - vì chỉ mới bùng nổ và lan ra trong đời sống nghệ thuật bên Paris ít lâu - lại được ngòi bút nhà viết tiểu thuyết Khái Hưng diễn giải khá dung dị, tự nhiên. Trên con đường tiếp nhận văn hóa phương Tây, Khái Hưng cũng như Nguyễn Tuân, Hàn Mặc Tử và một số đồng nghiệp khác cũng rất muốn đi tới cùng, đi tới cái mới nhất, so với hoàn cảnh lúc ấy cho phép.
Từ rất nhiều chi tiết nho nhỏ như trên, Khái Hưng hiện ra trong tâm trí chúng ta như một người cầm bút với một căn bản văn hóa chắc chắn, xem việc viết văn như một hành động văn hóa, luôn luôn có được lối tiếp cận toàn diện với những ảnh hưởng đương thời, và "tiêu hóa" được chúng một cách dễ dàng.
Nhịp điệu đều đặn
Có lẽ do sự bùng nổ của thông tin mà cũng là vì sự đưa đẩy của thói quen, báo chí ta hiện nay - cả báo hàng ngày lẫn các báo hàng tuần - gần như không bao giờ đăng tiểu thuyết. Nhưng trước đây, thời tiền chiến thì đó là việc thông thường. Từ Giông tố, Số đỏ của Vũ Trọng Phụng, qua Quê hương của Nguyễn Tuân, Lều chõng của Ngô Tất Tố... trước khi được in thành sách, nhiều cuốn tiểu thuyết nổi tiếng đã sống dưới hình thức feuilleton, tức đăng dần trên mặt báo. Lẽ tự nhiên là từ đó, nảy sinh ra lối làm việc riêng của các nhà văn thời ấy. Có khi cùng lúc họ viết mấy tiểu thuyết. Và cứ hàng tuần, họ phải nộp đủ một số trang mà họ đã hẹn với báo. Sự cảm hứng có bị khuôn vào theo đơn đặt hàng. Nhưng để bù lại, tự nhiên ở các nhà văn hình thành một nền nếp, hơn nữa, một quan niệm lành mạnh về nghề, hoạt động sáng tạo trở thành đều đặn.
Trong số các nhà văn chuyên viết tiểu thuyết loại này, Khái Hưng phải được suy tôn là "tay tổ". Nghĩa là đọc ông người ta không bao giờ cảm thấy người viết ấy bôi bác, viết chiếu lệ cho xong chuyện. Ngược lại, với lối làm việc ung dung tự tin, ngòi bút ông lui tới một cách dễ dàng, tác phẩm của ông vừa có bố cục chu đáo, vừa giữ được cảm hứng thường trực. Có cảm tưởng như với nhà tiểu thuyết Khái Hưng, không có việc gì là khó, chuyện gì rồi cũng viết được thành tiểu thuyết hết. Tác phẩm của ông, thuần túy tưởng tượng có, dựa vào sách vở cũ để hình dung lại cũng có; mà bám ngay vào những chi tiết thực của dòng họ ông, cái gia đình lớn của ông cũng có.
Có lần nhân dịch mấy truyện của Alphonse Daudet, Khái Hưng bảo: "Đọc Daudet ta có những cảm giác êm thấm, dịu dàng. Tác giả dù muốn ta buồn lo yêu ghét, cho chí kinh hoàng nữa, ta cũng chỉ buồn lo yêu ghét kinh hoàng... một cách nhẹ nhàng". Những nhận xét như thế cũng là đúng cho chính ngòi bút của Khái Hưng nữa.
Một chỗ đứng riêng
Bao giờ cũng vậy, thế giới của những người cầm bút là cả một tập hợp phong phú gồm những cách sống khác nhau và các số phận khác nhau. Trở lại với thời tiền chiến, người ta dễ nhận ra một sự đa dạng đáng ngạc nhiên: Nhất Linh là người có học thức, là người khởi xướng cả một phong trào; ý đồ ở ông luôn luôn có thừa, nhưng khả năng thực hiện lại không theo kịp. Thạch Lam vốn sẵn tâm huyết với đời, nhưng thiếu một cái gì như sự tự nhiên, do đó, là sự dồi dào. Lưu Trọng Lư phù du trôi nổi sống bằng những nóng lạnh bất thường. Vũ Trọng Phụng mạnh vì thù hận, nhưng cũng khổ vì thù hận quá nặng. Văn chương Nguyễn Tuân có cái thế của cây cảnh, đẹp, cao sang, nhưng đơn độc, không gần với số đông... Đặt bên cạnh những đồng nghiệp ấy, Khái Hưng gợi ra hình ảnh một người cầm bút dung dị mà người ta dễ gần dễ mến. ở ông, không chỉ có cái uyên bác, cái lịch lãm của những ông đồ, ông cống, các nhà nho tài tử, mà còn có cái tài hoa của những tay thợ khéo, làm nên niềm tự hào của các làng nghề truyền thống thời xưa. Một đời sống với văn chương, ông đã viết rất đều đặn, và không có quyển nào đuối, và ở thể tài nào cũng có những thành tựu. Chỉ riêng đóng góp của ông vào việc sử dụng và thuần hóa mà đồng thời cũng là hiện đại hóa tiếng Việt, đã đủ khiến người ta phải xếp ông vào hàng ngũ các bậc thầy của văn chương ở nửa đầu của cái thế kỷ mà chúng ta đang sống.
SỐ TRUY CẬP online