Phan Khôi

Vài nét tiểu sử
Phan Khôi sinh 20-8-1887. Mất ngày 16-1-1959.
Tác phẩm đã in Chương dân thi thoại (1936, tái bản 1996), Trở vỏ lửa ra (1939), Việt ngữ nghiên cứu (1955), và các bản dịch Thù làng (1951), Tuyển tập tiểu thuyết Lỗ Tấn (1955), Tuyển tập tạp văn Lỗ Tấn (1956).

Ngòi bút "hiếu sự"

Trong tài liệu nghiên cứu văn học, Phan Khôi không bao giờ được coi như một nhà thơ thực thụ và lại càng không có vai vế gì trong nền thơ Việt Nam hiện đại. Dù vậy, mỗi khi nói đến phong trào Thơ mới người ta vẫn phải nhắc tới ông với bài thơ Tình già, in ra năm 1932. Lạ một nỗi là chính Phan Khôi cũng không hề có ảo tưởng gì về mình khi làm cái việc công bố bài thơ này. Ông nói về sự mở đường của mình như một bước nhảy liều qua quãng đường bí. "Chẳng phải là tôi hiếu sự, nhưng vì tôi hết chỗ ở trong vòng lãnh địa của thơ cũ, tôi phải đi kiếm đất mới, mà miếng đất tôi kiếm được đó chẳng biết có ở được không, nên mới đem ra trình chánh giữa làng thơ (...). Tôi cầm chắc việc đề xướng của tôi đây sẽ thất bại lần nữa, nhưng tôi tin rằng sau này sẽ có người làm như tôi mà thành công" (Phụ nữ tân văn 10/3/1932). Những chi tiết này không chỉ giúp ta hình dung ra vai trò của ông trong đời sống tinh thần đương thời, mà đồng thời còn để nhận biết con người ông, cách tồn tại của ông trong văn học. Đó là một con người độc đáo, đôi khi đến mức gàn quải. Trong khi muốn bứt ra khỏi mọi lối mòn, muốn tự mình khác đi và giúp cho chung quanh khác đi, con người đó cũng không thoát khỏi những hạn chế của thời đại, của hoàn cảnh xuất thân, và cả những ràng buộc do chính bản thân ông gây ra cho ông. Chính vì vậy, sự tồn tại của ông là bao gồm cả thành công và thất bại, dở và hay, mở đường và đứt gãy.

Người can dự
Tuy đi vào chi tiết cụ thể, còn có nhiều điều phải tranh luận, nhưng trên nét lớn, các nhà nghiên cứu lịch sử - văn hóa thường gọi giai đoạn từ đầu thế kỷ cho tới 1945 ở ta là một giai đoạn chuyển mình so với một ngàn năm lịch sử trước đó. Người ta chợt nhận ra ngoài mình còn có cả một thế giới rộng lớn. Nhiều việc không thể làm như cũ. Mọi chuyện phải được quan niệm lại. Ta đang ở vào khoảng vị trí nào trong công cuộc tiến hóa? Những ưu thế của chúng ta ra sao, và đâu là chỗ bất cập, là chỗ kém cỏi? Nên làm thế nào để có thể đua tranh với các dân tộc khác trên thế giới?... Hàng trăm câu hỏi đặt ra, buộc mọi người, trước tiên là các tri thức, phải xúm lại bàn bạc. Chính là đặt trên cái nền của những thay đổi này mà các nhà nghiên cứu lịch sử nhận ra bóng dáng của một con người như Phan Khôi: ông can dự vào quá nhiều những vụ việc quan trọng nổi cộm lên trên dư luận. Bên cạnh sự kiện "trình chánh" bài Tình già có liên quan đến phong trào Thơ mới, ông còn thu hút sự chú ý qua cuộc trao đổi về cuốn Nho giáo của Trần Trọng Kim, qua việc tranh luận về Quốc học với Lê Dư, Phạm Quỳnh, Nguyễn Trọng Thuật, rồi qua cuộc tranh luận về duy tâm và duy vật với Hải Triều v.v... Trong 10 vụ án văn chương, mà nhà nghiên cứu ở Sài Gòn cũ là Thanh Lãng liệt kê ra khi tổng kết Phê bình văn học 1932-1945, thì Phan Khôi đã liên quan có tới 5 vụ. Có khi ông là người khởi xướng. Có khi ông chỉ là một thành viên tham gia tranh luận. Sự nhạy cảm đôi khi đẩy ông đi quá đà. Cách nói của ông thường gây khó chịu. Kết luận cuối cùng không phải bao giờ cũng thuộc về ông. Song sự đóng góp của Phan Khôi không ai có thể phủ nhận, mà trước tiên là với sự tham gia của ông, một số cuộc tranh luận hiện lên với tầm vóc xứng đáng của nó. Trên phương diện hiểu thấu xã hội và đề xuất vấn đề, những can dự liên tiếp này của Phan Khôi đánh dấu sự có mặt của một lớp trí thức độc đáo của xã hội Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX - những trí thức xuất thân từ Nho học, nhưng do sự xô đẩy của hoàn cảnh, lại tiếp nhận được những tinh hoa của Tây học, và muốn vận dụng cả hai thứ hiểu biết đó, để giải quyết các vấn đề xã hội ở Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX.

Ngòi bút tung hoành trên trường báo chí

Nếu như sự sáng tác văn chương đã có từ nước Việt Nam trung cổ, thì chỉ từ thế kỷ XX (hoặc tính rộng ra, lùi về trước đó ít năm) trên con đường hiện đại hóa, ở xã hội ta mới bắt đầu có các hoạt động báo chí. Đứng về phương diện tiến hóa xã hội mà xét, loại phương tiện truyền thông đại chúng mới được du nhập này quả là một công cụ hữu hiệu, nó giúp ích nhiều cho sự vận động của xã hội. Không chỉ ngẫu nhiên, những trí thức quan trọng của đất nước nửa đầu thế kỷ, từ Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Văn Tố, Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, qua Hải Triều, Trần Huy Liệu, rồi Nhất Linh, Khái Hưng trong đời đều có làm báo và lấy báo làm nơi thể nghiệm những điều suy nghĩ cùng là những đề nghị của mình trước quốc dân đồng bào. Về phần mình, Phan Khôi cũng sống trong báo chí một cách tự nhiên, như con cá sống trong nước. Đây không phải loại nhà báo lấy tin, phản ánh sự việc - đúng theo nghĩa đen của hai chữ ký giả - mà đây là loại nhà báo chuyên thăm dò vào những vấn đề vừa nẩy sinh trong xã hội, để khái quát và bình luận. Nhiều người đương thời cùng lúc nhận ra một đặc điểm của ngòi bút ông, đúng hơn là của con người ông: nhạy cảm và bộc trực. Lấy một ví dụ: cuộc đấu tranh để từ bỏ những ràng buộc cổ hủ đối với phụ nữ là một vấn đề lớn của xã hội Việt Nam nửa đầu thế kỷ. Nhất Linh, Khái Hưng làm công việc này bằng cách viết các tiểu thuyết Đoạn tuyệt - 1935, Nửa chừng xuân - 1934 (còn Nguyễn Công Hoan thì tranh luận lại bằng tiểu thuyết Cô giáo Minh). Phan Khôi chỉ có phương tiện duy nhất là tờ báo, nhưng chính là các bài báo vài ngàn chữ của ông đã rải rác ra đời sớm hơn các tiểu thuyết đó, chẳng hạn bài Tống Nho với phụ nữ in ra từ 13-8-1931 bài Một cái hại của chế độ đại gia đình: Bà già với nàng dâu in ra 20-8-1931. Hai bài này (nhất là bài thứ nhất) đã khiến cho nhà thơ nổi tiếng đương thời như Tản Đà hết sức bất bình, ông viết rằng như vậy là Phan Khôi "loạn ngôn hoặc chúng" và làm "bại hoại phong hóa". Ngày nay, bình tĩnh đọc lại, người ta nhận thấy Phan Khôi tuy xuất thân từ cựu học, nhưng có tư tưởng khá mới, và trong một số việc, ông còn đi trước cả Tự Lực văn đoàn. Và đã mấy ai biết như ông, tận dụng được phương tiện báo chí để "dũi" vào những vấn đề nhạy cảm đến như vậy?
Phong cách độc đáo, số phận độc đáo.
Nét nổi bật trong phong cách viết báo của Phan Khôi là lối viết rõ ràng, mạch lạc.
Giữa những người cầm bút hồi đầu thế kỷ vốn trọng từ chương, thích hoa mỹ, kiểu cách, ông thường tự trình diện như một ngòi bút suôn đuột, nghĩ sao nói vậy. Có lần ông đã nêu lên cái chuẩn mực cho sự viết của mình "chữ phải viết đúng, đừng để cho kẻ khác có thể hiểu lầm, văn phải viết cho thật đâu ra đó, như cái tờ giao kèo hay lời quan tòa biện án, đào đất mà chôn cái giọng văn khoa cử ngày xưa đi cho tuyệt". Một quan niệm như thế, có vẻ xa lạ với cách hiểu thông thường. Song có lẽ chính vì vậy, những gì Phan Khôi viết ra, luôn luôn độc đáo. Vả chăng, cái mà người ta chờ đợi ở một tác phẩm văn chương là cái phần tâm huyết của ngòi bút, cái đó ở Phan Khôi bao giờ cũng sẵn. Dù chỉ viết những bài báo ngắn, ông cũng thường mang vào đấy mọi lịch lãm từng trải cùng những yêu ghét sâu nặng của mình. Mỗi bài viết đã thật sự nẩy sinh như một nhu cầu của chính bản thân người viết, và những độc đáo trong cách nói, cách trình bầy mà ai cũng thấy, chẳng qua chỉ là những biểu hiện cụ thể những độc đáo trong cách nghĩ, cách sống của tác giả. Có điều, bất cứ cái gì bị đẩy tới cực đoan rồi cũng trở thành xa lạ. Ngay từ trước 1945, ngòi bút Phan Khôi đã trải qua đủ thăng trầm, và bên cạnh sự kính trọng, ông đã tự chuốc lấy nhiều ác cảm đến nỗi trong con mắt của một ít người đương thời, có lúc ông đã bị coi như bất cận nhân tình, như kẻ phá hoại. Từ sau 1945, trong một hoàn cảnh xã hội đã khác đi về căn bản, cách nghĩ, cách sống cực đoan cũng sẽ là nguồn gốc của những thăng trầm sẽ đến với ông, dựng tạo nên chung quanh thân thế ông những bi kịch đáng tiếc hơn. Nhưng đó là một câu chuyện khác, chúng ta sẽ nói trong một dịp khác.
SỐ TRUY CẬP online