Nguyễn Công Hoan

Với tư cách tác giả tiểu thuyết Bước đường cùng và nhiều truyện ngắn ghi lại tình cảnh bần cùng của người nông dân Việt Nam trước 1945 như Thịt người chết, Chiếc quan tài, Đi giày, Công dụng của cái miệng v.v... Nguyễn Công Hoan có vẻ như một tác giả của nông thôn. Các tài liệu nghiên cứu cũng thường nhấn mạnh ông từng dạy học ở nhiều vùng thuộc các tỉnh xa: ở Kinh Môn, ở Trà Cổ, ở Lào Cai, Thái Bình, v.v...
Nhưng chính Nguyễn Công Hoan đã học ở trường Bưởi Hà Nội từ khi chưa đầy mười tuổi. Ông còn nhớ rất rành mạch cuộc sống khi nội trú trong trường, khi ra trọ ở Hàng Hài (phố Hàng Bông hiện nay)... Nói chung nhiều mặt đời sống Hà Nội những năm ấy, còn được ghi lại trong các tập Đời viết văn của tôi, Nhớ và ghi. Nào là vụ dịch tả ở Hà Nội hè 1914; nào cảnh người ngoài phố giàu có bấy giờ còn đi xe ngựa song mã, độc mã, các thày giáo ở trường Bưởi còn đội khăn, đi giày ta, bít tất trắng. Nào những hiệu bán sách vở giấy bút, nào hiệu cho thuê xe đạp để tập, v.v... Chúng ta có thể nhận xét tuy còn nhỏ tuổi, nhưng cậu học sinh này rất hóm, nghịch, hay tò mò để ý mọi chuyện, và hay phá quy tắc “vượt rào” làm chuyện ngược đời. Mặt khác, từ nhỏ, Nguyễn Công Hoan đã quen với nhân tình thế thái người phường phố, thành thạo sự đời, và chả coi cái gì làm quan trọng. Đấy là những đặc tính ăn sâu vào cách nhìn của ông trước đời sống. Thành thử, tuy không phải bao giờ cũng trực tiếp đả động đến chuyện Hà Nội, nhưng trong cái nhìn của ông, chất Hà Nội rất rõ.
Không bao giờ ông tỏ ra ngây thơ dại dột mắc lừa người khác. Dân con buôn Hà Nội có định “chơi” ông thì ông “chơi lại, chứ không kém cạnh” (chữ của Nguyễn Công Hoan trong Đời viết văn của tôi).
Cũng chính là ở Hà Nội, mà Nguyễn Công Hoan làm quen với những người viết văn, viết báo đương thời, và sống trong giới những người làm nghề này một cách thoải mái, Nguyễn Công Hoan kể: Do trọ học ở Hàng Hài, mà ông sớm làm quen với Tản Đà. “Ông Tản Đà thấy tôi khôi ngô, lanh lợi, nên tuy tôi ít tuổi hơn ông nhiều, nhưng ông không coi tôi như trẻ con”. Mối giao tình giữa Nguyễn Công Hoan và Tản Đà kéo rất dài, đến nỗi, sau này, có người ngạc nhiên, tại sao một người trữ tình duyên dáng như Tản Đà, lại rất thân với một người bông phèng, tinh quái như Nguyễn Công Hoan. Và người ta bảo tác giả Bước đường cùng là một thứ “quái thai” của tác giả Khối tình con (!). Có điều là dù bông phèng thế nào, bao giờ Nguyễn Công Hoan cũng dành cho Tản Đà những dòng rất trân trọng.
Không những làm quen với Tản Đà, Nguyễn Công Hoan còn gặp gỡ nhiều nhân vật có tiếng hồi ấy, như Mâu Châu Nguyễn Mạnh Bổng, Ngẫu Trì Trịnh Đình Rư và nhiều người khác . “Tôi thích đến chơi với các nhà văn ấy. Tôi coi họ như các anh. Họ cũng coi tôi như em nhỏ. Tôi đến với họ, chỉ để nghe chuyện hơn là để góp chuyện... Nhiều lần trí tò mò của tôi được thoả mãn. Họ rất tinh quái. Những buổi đến với họ, dù ngồi đến khuya, tôi cũng không tiếc thì giờ, khi về còn lấy làm khoan khoái”.
Nguyễn Công Hoan thường bảo mình viết văn do năng khiếu và người ta nói chung viết được là do trời sinh ra, không có bài bản nào sẵn, không có trường sở nào dậy được. Nhưng chẳng phải cái môi trường trong đó có Tản Đà và những người vừa kể đã thúc đẩy ông đến với nghề văn một cách mạnh mẽ?
Về sau, dù đi dạy học ở xa, Nguyễn Công Hoan thường vẫn gắn bó với đời sống văn học Hà Nội. Ông biết tường tận xu hướng cách làm ăn của từng tờ báo. Có khi nghỉ hè, ông về Hà Nội để trông nom báo giúp bè bạn, như giúp Đỗ Văn trông nom tờ Nhật Tân hoặc bàn với Tản Đà việc tái bản An Nam tạp chí. Nơi Nguyễn Công Hoan gắn bó nhiều hơn cả là nhà Tân Dân. Vũ Đình Long là chỗ quen biết với ông từ hồi đi học, khi bắt đầu ra Tiểu thuyết thứ bẩy, có bàn kỹ với Nguyễn Công Hoan. Nhiều tác phẩm của ông đã in ở đấy.
Thế còn sáng tác? Trên đây, chúng ta đã nói Hà Nội mang lại cho ông một cái nhìn. Do những thành thạo của người “kẻ chợ”, đi nhiều biết nhiều, ông không bao giờ rơi vào lý tưởng hoá cảnh điền viên ở nông thôn như một số nhà văn lãng mạn thường làm.
Mặt khác, ông vẫn viết nhiều về chính “chốn thị thành”. Vốn liếng của tác giả khá phong phú. Chính ta có thể lọc ra ở truyện ngắn Nguyễn Công Hoan những chi tiết liên quan đến nhiều lớp người.
- Phu xe, nhà thổ nghèo, không có cả chỗ hành nghề (Người ngựa và ngựa người); các loại ăn mày, ăn cắp “nghiệp dư” bất đắc dĩ (Bữa no đòn, Cái vốn để sinh nhai; dân đi ở ngu ngơ bị cả chủ lừa (Thằng Quýt).
- Các loại me tây hoặc lưu manh mới nẩy nòi làm giàu, học đòi: Báo hiếu trả nghĩa cha, Báo hiếu trả nghĩa mẹ, Cô Kều gái tân thời.
Ngoài ra, Nguyễn Công Hoan còn miêu tả cảnh đào kép ở các rạp hát rẻ tiền hoặc lớp công chức nhỉnh hơn một chút (Tôi cũng không hiểu tại làm sao v.v...) Như tác giả kể trong Đời viết văn của tôi, truyện Đào kép mới được viết khi ông đang ở Nam Định, nhưng nhiều chi tiết lại lấy ở hai rạp tuồng Năm Chấn và Thông Sang ở Hà Nội mà Nguyễn Công Hoan quen từ thuở nhỏ. Hà Nội đã cung cấp một kho vốn sống vô tận, tác giả còn dùng đến nó trong nhiều năm về sau.
SỐ TRUY CẬP online