Chính Hữu

- Xin anh kể cho một ít kỷ niệm lần đầu đến và tiếp xúc với Hà Nội.
- Đó là những năm 1943-1944, tôi từ Vinh ra trọ học phố Lý Quốc Sư gần trường Văn Lang. Đối với một học trò nghèo như tôi bấy giờ. Hà Nội trước hết là nơi tập trung của tài năng. Có bao người nổi tiếng bấy lâu tôi chỉ được nghe tên, giờ cảm thấy được sống ngay bên cạnh, được nghe họ nói, được theo học trong những giờ họ giảng, được đọc những gì họ viết rất sớm. Bấy giờ và sau này cũng vậy, tôi cảm thấy không bao giờ nếu hiểu Hà Nội chỉ riêng gồm những người sinh trưởng ở đây, mà phải hiểu là Hà Nội là tinh hoa của cả nước. Cũng như khi vào Nam, tôi mua ít vải thiều làm quà. Vải - vốn của đất Hải Dương, nhưng đã mang về Hà Nội bán, và với bà con trong Nam, hoàn toàn tôi có thể nói là quà Hà Nội.
ở phố Lý Quốc Sư, ấn tượng rõ nhất của tôi với Hà Nội bấy giờ là những ngõ phố. Tôi hay đi bộ tha thẩn trên những ngõ phố gần đây, theo các ngóc ngách của Ngõ Huyện sang tận bên Phủ Doãn. Bờ Hồ vắng lặng cũng như Thư viện quốc gia, là nơi tôi thường ngồi học, và ở cả hai nơi, những lúc rời mắt khỏi sách, tôi thường ngắm nhìn không biết chán những tàu lá những vòm cây. Trọ học ngay trong chùa, nên tôi lại và thường cảm thấy hết sức sung sướng được ngồi lặng lẽ suy nghĩ. Nếu Nghệ Tĩnh quê tôi đã cho tôi chất trầm tư thì Hà Nội mang lại cho những trầm tư đó một vẻ tinh tế. Tôi cảm thấy rất gần với những suy nghĩ của Anatôn Phơrăngxơ, mà tôi đọc được qua những trang sách lân la kiếm ở các hiệu sách cũ phố Huế và ngay phố Lý Quốc Sư của tôi, phía Nhà Thờ Lớn đi xuống. Tôi cảm thấy Hà Nội với những quán sách cũ này, với Bờ Hồ chẳng khác gì nhiều so với Paris của A. Phơ răng xơ Paris với những hiệu sách cũ và những người câu cá bên bờ sông Xen
- Nghĩa là có cả một nếp sống bình lặng ổn định?
- Đúng vậy, ổn định và quen thuộc lắm. Chùa vắng, thế giới trong chùa vốn là cách xa thế giới bên ngoài. Nhưng cả khi ra ngoài, tôi cũng có cái thế giới riêng của mình, thế giới của học trò nghèo, và tôi sống trong cái thế giới đó thoải mái. Nói cách khác, tôi cảm thấy có một Hà Nội của tôi và chỉ riêng thế, Hà Nội đối với tôi đã là khá nhiều.
ở trên, tôi đã nói với anh về những ngõ phố, những quán sách, và những hàng cây ở Thư viện quốc gia cũng như ở Bờ Hồ. Cũng nên nói thêm đến một nét sinh hoạt khác của chúng tôi bấy giờ là đi xem hát ở Nhà hát lớn. Kịch nói mới hình thành, nên những năm ấy, người ta xem còn ít lắm. Chúng tôi thì lại thấy ở đây một hình thức biểu diễn rất thích hợp với tư tưởng tình cảm của mình. Nhưng buổi công diễn của các ban kịnh Tinh Hoa, Thế Lữ, tôi thường có mặt mặc dù vào đó tôi không bao giờ đủ tiền mua vé lô mà chỉ ngồi cánh gà, thậm chí có khi leo tít lên tận chuồng cu, tức là những hàng ghế thuộc loại mạt hạng. Sau này ra kháng chiến gặp anh Thế Lữ và nhắc lại chuyện này với anh. Thế Lữ bảo “Tôi vẫn quan niệm rằng đấy là những khán giả hiểu chúng tôi nhất”.
Cũng thời gian này tôi được xem và cảm thấy rất mê Nguyễn Tuân đóng kịch, chẳng hạn, như một vai trong vở Ngã ba của Đoàn Phú Tứ.
- Anh đã có mặt ở đây từ đầu đến cuối, ý tôi muốn nói tới thời gian Hà Nội bước vào toàn quốc kháng chiến?
Đấy cũng là thời gian Hà Nội để lại trong tôi thật nhiều kỷ niệm. Nguyên hồi trọ học ở Lý Quốc Sư, tôi đã nhiều dịp lê la cơm đầu thế ở phố Hàng Da và có dịp tiếp xúc với nhiều bà con lao động trong thành phố. Nay cùng với họ đứng trong hàng ngũ kháng chiến, tôi càng có dịp hiểu họ hơn. Trong đơn vị tự vệ ở Liên khu Một của tôi bấy giờ có đủ hạng người, từ anh em sinh viên, học sinh tới bác phu xe, anh thợ, ông bác sĩ. Đội quân hội đủ thứ người này thật là một thứ Hà Nội thu nhỏ. Sự gần gũi với nhiều khuôn mặt lao động thủ đô chính là bước đầu thuận lợi để sau này tôi đi vào quần chúng công nông trong bộ đội.
Riêng với đời sống tinh thần của mình thì đối với tôi, thời gian này để lại nhiều xúc động kỳ lạ. Tôi viết khá nhiều nhật ký và những trang nhật ký này được một nhà văn chuyên về Hà Nội là Nguyễn Huy Tưởng rất chú ý. Nhân vật nam học sinh Loan trong Sống mãi với Thủ đô được Nguyễn Huy Tưởng hư cấu dựa trên nhiều tâm sự riêng mà tôi đã kể với ông. Dĩ nhiên nghĩ mình có lúc trở thành nguyên mẫu cho một nhân vật như thế, tự tôi cũng thấy vui vui. Cũng như Loan trong tác phẩm của Nguyễn Huy Tưởng, tôi cảm thấy cuộc chiến đấu ở HàNội lúc này thiêng liêng. Theo những con đường tạo ra bằng cách đục thông từ nhà nọ sang nhà kia, tôi la cà, hoặc nói là tôi lang thang cũng được, lang thang trong nhiều khu phố mà trước đây tôi chỉ có dịp nhìn bề ngoài Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Bạc, đổ cho đến tận Ngõ Gạch. Phố mới. Có khi tôi đi suốt từ sáng đến trưa trong cái mê lộ đó và cảm thấy được tiếp xúc với một Hà Nội nhìn từ bên trong. Có chỗ hôm qua đi bộ thoải mái thì hôm nay đường tắc không đi được. Nhưng có chỗ hôm qua tắc nay thông. Cứ thể một Hà Nội khác hiện ra vừa là tiếp tục, vừa đảo lộn rất nhiều so với Hà Nội cũ.
- Anh ở đấy liền hai tháng, cho đến ngày tất cả các đơn vị được lệnh rút ra?
- Vâng, đúng là tôi đã được thấy ánh lửa đỏ của đội phát hoả dấy lên soi xuống nước sông Hồng như nhiều lần người nọ người kia trong chúng ta đã viết.
- Từ đấy, những ý thơ đến với anh hoặc như người ta nói, với Hà Nội, anh đã trở thành nhà thơ?
- Thật ra từ hồi còn học ở Vinh tôi đã thích thơ lắm. Một trong những thày học của tôi ở Vinh là Huy Cận. Dạy văn học, cố nhiên. Đối với tôi lúc ấy. Lửa thiêng của Huy Cận là một cái gì xa vời, tôi không biết mình bao giờ mới có thể với tới được. Nhưng tôi vẫn làm quen với Huy Cận và lúc tôi ra Hà Nội cả Huy Cận lẫn Xuân Diệu có đến thăm tôi ở cái chùa Lý Quốc Sư cũng như bản thân tôi có lại thăm hai ông ở một căn gác phố Hàng Bông. Nhưng nói chung chúng tôi chỉ nghĩ sau này mình làm một nghề tự do nào đó như nghề dạy học và mãi mãi yêu thơ yêu văn học, thế thôi.
Nhưng vẫn có thể nói là Hà Nội giúp tôi nâng đỡ tôi trở thành người làm thơ với nghĩa thật cụ thể của nó. Lý do là ở Việt Bắc, đơn vị tôi, bấy giờ là sự đoàn 308, thường xuyên có dịp gặp gỡ các nhà văn nhà thơ Hội văn nghệ Việt Nam đến công tác. Tại đây tôi đã có dịp làm quen với Nguyễn tuân, Nguyễn Huy Tưởng. Sau khi làm việc, chúng tôi còn thường kéo nhau ra phố Đại Từ ngồi với nhau rất lâu. Sau bài Ngày về ở dạng lời một bài hát của Lương Ngọc Trác đến bài Đồng chí, tôi càng được các ông khuyến khích rất nhiều. Một số bài thơ tôi viết về Hà Nội mang tình cảm chung của anh em trong đơn vị tôi và nhiều người tôi quen biết trò chuyện lúc đó.
- Anh có kỷ niệm gì thêm và những văn nghệ sĩ lúc ấy đến công tác tại đơn vị anh phụ trách?
- Phần đông cũng rất quần chúng giản dị, dễ gần….
- Ông Tưởng người ra sao ạ?
- Bề ngoài có vẻ lì xì, nhưng bên trong, đó là một người rất nhiệt tình và cũng rất tốt bụng. Thật tài hoa thì không phải, nhưng làm việc kiên trì, bền bỉ.
- Ai viết về Hà Nội trong văn chương ta gần đây anh thấy đạt hơn cả?
- Tâm hồn mà thật Hà Nội nhất, thì là Nguyễn Tuân, thứ hai là ông Tưởng, Nguyễn Tuân những ai sống gần cũng rất đáng mến.
Sau đây là đoạn cuối trong câu chuyện giữa tôi và nhà thơ.
- Theo chỗ tôi nhớ, mặc dầu nhiều người biết anh qua bài Ngày về với những rách tả tơi rồi, đôi giầy vạn dặm, bụi trường chinh phai bạc áo hào hoa, nhưng anh vẫn cho rằng bài thơ đó không tiêu biểu cho thơ anh mà anh muốn coi mình bắt đầu từ bài Đồng chí. Tại sao?
- Tôi cho rằng nhận thức ban đầu của tôi về Hà Nội còn hời hợt và không khỏi ít nhiều mang chất tiểu tư sản. Và chỉ về sau đó, gần gũi với anh em công nông, tôi mới trưởng thành hơn và cách hiểu của tôi về Hà Nội cũng đằm hơn, chắc hơn. Đấy cũng là quá trình nhận thức thông thường, nghĩa là xảy ra với nhiều người).
SỐ TRUY CẬP online