Xuân Sách - Hà Ân và những người khác

Trước khi giới thiệu sự gắn bó giữa hai nhà văn Chính Hữu và Hồ Phương với đời sống văn học Hà Nội, chúng tôi xin được phép nói qua về một số trường hợp khác của các nhà văn lớn lên trong kháng chiến chống Pháp.
Cuối 1954 đầu 1955 có một thanh niên quê ở Thanh Hoá đi bộ đội, đang đóng quân ở Sơn Tây, làm một công việc quan trọng với đời mình. Một lần, chủ nhật, anh mượn một chiếc xe đạp, đạp từ Sơn Tây về Hà Nội. Thủ đô mới được giải phóng ít lâu, mọi chuyện với người thanh niên này hết mức lạ lẫm. Anh kín đáo quan sát con người và cảnh vật. Anh không quên đi một vòng Bờ Hồ. Trở về với đơn vị, anh càng quyết tâm hơn với cái ý định đã có từ lâu: viết văn, Nơi anh gửi bài, là tạp chí Văn nghệ quân đội. Thỉnh thoảng, tạp chí này lại họp cộng tác viên, anh lại có dịp về với thủ đô nhiều hơn, cho tới 1963, anh được chuyển thẳng về Văn nghệ quân đội. Và thế là Xuân Sách - vâng, người đó là Xuân Sách - đã gắn bó với tạp chí này gần hai chục năm (cho mãi tới 1980 anh mới chuyển về công tác tại nhà xuất bản Hà Nội và nay chuyển vào Đồng Nai).
Viết về người lính, Xuân Sách thường phải đến với các đơn vị xa. Nhưng Hà Nội là nơi anh tu sửa tài liệu, bàn bạc với anh em trong cơ quan về nghề nghiệp và nghiền ngẫm, nghiền ngẫm thật kỹ trước khi viết, đến mức, đôi lúc nhìn lại, mặc dù thấy đủ những hạn hẹp trong sáng tác của mình, Xuân Sách vẫn nghĩ giá kể mình không lên với Văn nghệ quân đội, lên với thủ đô chắc mình cũng không viết được như thế. Từ thế đứng của Hà Nội trong chống Mỹ, Xuân Sách có lúc sẽ viết được những câu thơ hay nhất của mình như lời ca anh soạn cho bài Đường chúng ta đi (Nhạc Huy Du) mà từ 1973 đến nay, người dân Thủ đô không ai không biết.
Cả một thế hệ người viết đã vào nghề một cách tự tin như thế. Xuân Thiều và Hải Hồ, Xuân Thiêm và Xuân Miễn, Tạ Hữu Yên và Hồ Khải Đại... Có thể nói, đa số họ đến với nghề một cách lặng lẽ, từ tốn. Dù đã có bài đăng tải đều đều ở các tờ báo, tạp chí trung ương, song việc viết văn vẫn được hiểu như một công tác. ảnh hưởng của thủ đô với tư cách một trung tâm văn hoá thường đến với họ ở phần thực chất chắc chắn của nó.
Từ Thâm Tâm, Trần Đăng... qua Vũ Cao, Từ Bích Hoàng, Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu, Xuân Sách, chúng ta đã nói tới một lớp nhà văn tại ngũ khá lâu và quây quần ở các cơ quan chuyên về sáng tác. Thực ra, nói tới đội ngũ những người viết mặc áo lính, phải thấy đội ngũ này rất đông. Hoài An và Xuân Cang, Văn Linh và Lê Phương, hàng loạt các nhà văn, gốc khu Năm, Nam Bộ. Nguyễn Quang Sáng, Hoàng Văn Bổn, Phan Tứ, rồi các nhà văn phụ nữ Nguyệt Tú, Bích Thuận v.v... đều đã có thời gian tại ngũ (chủ yếu là trong những năm kháng chiến chống Pháp), một số tiếp tục ở thêm vài năm sau hoà bình lập lại 1954, rồi mới đi học và chuyển ngành, trở thành người viết chuyên nghiệp.
Nhưng trên nét lớn, cách nghĩ của họ về đời sống rất gần với lớp nhà văn tại ngũ mà chúng tôi nhắc ở trên. Họ cùng trưởng thành từ kháng chiến. Họ gần gũi với nhau về nhiều mặt, lòng tin, lẽ sống, nhận thức về tầm quan trọng của mỗi ngòi bút trong xã hội ta và ý thức trau dồi nghề nghiệp để ngòi bút thêm sắc bén.
Một số cách hình thành đời văn và cách quan hệ với Hà Nội của những Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu vừa nói, cũng như Chính Hữu, Hồ Phương sẽ nói sau đây, cũng là điều mà những Xuân Cang, Lê Phương, Văn Linh và cả Trần Hữu Thung, Minh Huệ, Xuân Hoàng, Trần Thanh Giao... và nhiều người khác có thể chia xẻ.
Hiện nay khu vực đề tài mà các nhà văn vừa kể bao quát và đang cần cù làm việc, thường rất rộng rãi, có người khá nổi tiếng trên lĩnh vực viết cho thiếu nhi. Và cũng có người chuyên viết truyện lịch sử như Hà Ân.
Theo chính anh kể với chúng tôi, anh có những may mắn như leo lên Cột Cờ vào thăm lầu Ngũ Long ở khu vực thành cũ Hà Nội. Bấy nhiêu hiểu biết đã là tài liệu rất tốt, tạo nên bề dày lịch sử cho những cuốn sách tác giả viết về đời sống.
Trong phần viết về Nguyễn Huy Tưởng, chúng ta đã nói phần lớn các cây bút tiểu thuyết lịch sử đều là cây bút về về thủ đô, bởi thủ đô nước nào cũng vậy, là đầu mối của mọi biến đổi hưng vong trong lịch sử. Mà thủ đô cũng là nơi tạo ra điều kiện tốt nhất cho những người viết tiểu thuyết lịch sử làm việc bởi chỉ ở thủ đô công tác nghiên cứu lịch sử, xã hội học, dân tộc học mới được dành cho những vị trí thích đáng, những hoạt động ấy là nền tảng tốt cho những ngòi bút viết về quá khứ. Những nhận xét ấy cũng rất đúng với Hà Ân và trang sách hôm nay của anh.
SỐ TRUY CẬP online