Hồ Phương

Từ Xóm mới (1963) qua Những tầm cao (1973) rồi Những tiếng súng đầu tiên (1980) hơn hai chục năm qua Hồ Phương liên tục đi vào đề tài Hà Nội và đã viết về Thủ đô trong mọi giai đoạn lịch sử khác nhau.
- Điều gì đã lôi cuốn anh khiến anh “bao” suốt một giai đoạn dài trong lịch sử Thủ đô như vậy?
- Là một nhà văn hiện đang công tác trong quân đội, nhưng từ nhỏ, tôi đã rất gắn với sinh hoạt thủ đô, nên việc viết về đời sống nơi đây cũng là chuyện bình thường. Viết về Hà Nội cũng đồng thời là dịp để tôi tiếp tục viết về chiến tranh, về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, về những cán bộ, chiến sĩ thân yêu của mình… Như trong trường hợp gần đây…
- Trường hợp cuốn Biển gọi trong đó cũng có một mối tình Hà Nội?
Và nhiều nét Hà Nội trong những năm chống Mỹ nữa chứ anh! Chuyện cơ quan đi sơ tán, người đi kẻ về nối giữa nơi sơ tán và cơ sở của từng người. Và cả những quan niệm sống nữa. Tôi tưởng đứng về một phương diện nào đó, nó cũng là bổ sung cho cuốn Những tầm cao trước đây của tôi.
- Nói cách khác, theo anh, một nhà văn có thể trở đi trở lại với một đề tài nhiều lần?
Dùng chữ đề tài có lẽ cũng còn là hơi rộng. Tôi xin được nói cụ thể hơn, ví dụ viết về Thủ đô trong chống Mỹ, tôi thấy mình còn viết được nhiều. Sau Những tầm cao, sau Biển gọi, có còn có thể có những cái khác. Mà viết về Thủ đô hồi 1945-1946 cũng vậy. Theo tôi, giai đoạn 1945-1946 tuy chỉ có hai năm, nhưng là một giai đoạn lịch sử cực kỳ sôi động, và với tư cách là trung tâm của cả nước, đời sống của Hà Nội cũng trải qua những diễn biến hết sức phức tạp, đáng để cho ta tìm hiểu và viết, viết nhiều hơn nữa. Trong thời kỳ này, con người Hà Nội ăn mặc ra làm sao, nói với nhau ra làm sao, nội một chuyện đó cũng cần nghiên cứu rất kỹ. Tôi không phải là người viết tiểu thuyết phong tục, nhưng tôi cho rằng mang vào tiểu thuyết thêm được những nét về thói quen sinh hoạt mà người đương thời ai cũng biết, thì chỉ làm cho tiểu thuyết thêm hấp dẫn. Nhiều khi chỉ cần nhắc qua một vài cái tên quen thuộc, họ cũng đã thấy thông cảm hẳn lên.
- Nhưng hình như anh đến với đề tài này hơi muộn, mãi sau hoà bình mới viết, còn Thư nhà và mấy cái khác viết trong kháng chiến, đều không phải tục tiếp về Hà Nội?
- Tôi có cái tật hay mê những chuyện trước mắt, thích nhập cuộc ngay. Vì như hồi kháng chiến chống Pháp, thích những chuyện dáo mác xung kích. Lính quần phu la đỏ lao vào đồn địch, còn trong chống Mỹ thì sẵn sàng viết về Kan Lịch, Lê Mã Lương. Nhưng khi nào rảnh là tôi nghĩ viết về Hà Nội thậm chí càng đi xa, càng viết được những dòng tâm tình về mảnh đất thân yêu này. Hai bài ký Giây lát Mạc Tư khoa và Thắm thiết Pra-ha của tôi đã chứng minh cho thiện chí đó. Chính khi đi xa, mình mới cảm thấy mình là người của Thủ đô thật sự.
- Người Hà Nội gốc?
Không hẳn thế, không đúng một trăm phần trăm, nhưng cũng gần như thế. Quê tôi ở vùng Kiến Hữu, ngay sát thị xã Hà Đông. Thuở nhỏ, tôi ở quê hoặc theo ông bố xuống học tiểu học ở Thái Bình, nhưng Hà Nội vẫn là nơi tôi đi về qua lại luôn luôn. Đọc sách Hà Nội cũ của Sở Bảo Doãn Kế Thiện, đọc các tiểu thuyết của Nguyễn Triệu Luật, đọc báo Ngày nay lúc ấy, tôi thấy mê một Hà Nội tài hoa và có nhiềi truyền thống lịch sử. à trước đó, còn phải nói đọc những bài thơ như La ga Hà Nội, như Chợ Đồng Xuân của Tản Đà và nhiều bài khác đăng trong Tứ dân văn uyển nữa chứ, đọc để thấy Hà Nội thật bình thường, mình đang được sống ngay trong lòng nó, năm nào cũng được đến với nó, mà thật ra là một mảnh đất thiêng liêng cao quý.
- Anh có mặt ở Hà Nội ngay từ những ngày khởi nghĩa?
- Thật ra, đúng hôm ấy thì tôi ở Thái Bình, tôi được chứng kiến dân ở đây chiếm dinh tuần phủ và bắt thằng Bang làm việt gian. Nhưng ngay hôm đó, tôi cảm thấy phải về Hà Nội, những ngày này mà không có mặt ở Hà Nội là không được. Tôi trở về trong một Hà Nội đỏ rực màu cờ. Từ đó vừa đi học tiếp tôi vừa tham gia hoạt động phong trào học sinh, kể cả có một thời gian cùng anh Phong Nhã làm tờ báo Trẻ tháng Tám tiền thân của tờ Thiếu niên tiền phong ngày nay.
- Cứ thế anh trở thành thành viên của Trung đoàn Thủ đô ngay giữa Thủ đô Hà Nội?
- Không, cũng có đứt quãng ít chút, nhưng cái gì thật là của mình thì trước sau vẫn gặp. Nguyên là tham gia chiến đấu một thời gian, tôi bị kiết lỵ phải đưa ra ngoài. Đến khi khoẻ, do tôi vốn là người của phong trào thanh niên nên lại được đưa sang một đội thanh niên khai hoang phụ trách một ấp nông dân ba mươi người. Tôi ở đấy vài tháng, nhân nghe nói vùng bên kia sông có một đơn vị bộ đội, mới mò sang chơi, thì lại gặp đúng các đồng chí chỉ huy cũ. Đồng chí Hồng Cư, đồng chí Đặng Quốc Bảo, các đồng chí mới kéo đi học quân chính và bổ sung về 308. Sinh hoạt hồi ấy vui nhộn lắm. Thì anh tính cánh lính trẻ mới 17, 18, chúng tôi cứ gặp nhau là hỏi tin Hà Nội. Có khi bạn bè gặp nhau ngồi nói chuyện về những kỷ niệm ngày trước mà thức trắng đêm. Làm nội san cũng toàn viết về Thủ đô. Đến ngay cắm trại, bao giờ cũng quy hoạch địa điểm thành ra phố xá vuông vắn. Này là Hàng Ngang kia là Hàng Đường, giữa có Hồ Gươm, Tháp Rùa là nơi ban chỉ huy đơn vị đóng. Cứ kể ra, viết lại, tả cho thật kỹ càng, tỷ mỉ, cũng đã là hay lắm rồi.
- Vấn đề bản sắc riêng của Hà Nội nên được hiểu ra sao?
- Bên cạnh những đổi mới hiện đại, phải giữ lấy những gì tốt đẹp trong quá khứ. Không phải tất cả những gì thuộc về ngày hôm qua đều bỏ đi cả. Nhất đây lại là những nét truyền thống của một Hà Nội ngàn năm văn vật, và truyền thống này đã phát huy sức mạnh của mình, cổ vũ chúng ta tiến lên trong những năm chống Mỹ.
- Trong các giai đoạn lịch sử gần đây của Hà Nội (từ năm 1945 đến nay) thì anh mê giai đoạn nào nhất?
- Nói ra có lẽ có người bảo mình tham lam, nhưng quả thật giai đoạn nào của Hà Nội tôi cũng mê, tôi chẳng bỏ giai đoạn nào cả và khi có điều kiện là tôi ngồi viết. Dự định sắp tới của tôi ấy ư? Tôi định viết ngay về Hà Nội những năm từ sau 1975 trở đi. Có người chê cuộc sống bây giờ hỗn tạp quá, thậm chí một vài người chỉ thấy những nét tiêu cực. Tôi thì không thế. Tôi thấy Hà Nội vẫn có những nét đáng yêu của nó, vẫn đầy sức sống, vẫn giầu tài năng và giữ được một nếp sống tài hoa. Phải viết chứ anh.
Chia tay Hồ Phương, trong tôi hằn lên ấn tượng về một con người hồ hởi nhẹ nhõm, cứ băng băng mà lướt tới, theo ý đồ đã định sẵn. Con người đó hăm hở, tự tin, không cần trăn trở gì nhiều vì cảm thấy trăn trở chả có ích gì, trước mắt, chỉ có một điều lo lắng là làm nốt công việc đang làm dở, bởi lúc nào cũng còn bao nhiêu việc đã nghĩ xong mà chưa kịp làm. Trong con người đó hầu như lúc nào cũng toát lên một thách thức. Có việc gì là khó đâu! Thế nào ta cũng sống được mà còn sống khá nữa là khác!
Chẳng phải đó cũng là một nét làm nên tính cách Hà Nội ở trong anh, ở tôi, ở nhiều người chúng ta?
Chẳng phải có bao nhiêu người Hà Nội hôm nay cũng đang sống bằng một triết lý như thế?
SỐ TRUY CẬP online