Bằng Việt

Một thi sĩ khác, từ khi mới xuất hiện trong lực lượng những người viết trẻ hồi đầu chống Mỹ, đã được coi như rất lịch sự, tài hoa, trí thức và thường coi như tiêu biểu cho Hà Nội hôm nay, đó là Bằng Việt.
Cũng như Lưu Quang Vũ, Bằng Việt học phổ thông ở Hà Nội. Về sau, dù đã đi học ở nước ngoài, rồi lại về công tác ở một cơ quan rất nghiêm túc như Viện Luật, thuộc ủy ban khoa học xã hội, nhưng lúc nào trông anh cũng còn dáng dấp thư sinh, trẻ trung hiền hậu. Anh em bè bạn đến nhà chơi thường ngồi nghe Bằng Việt kể một ít tin tức văn học ở nước ngoài, đọc một ít bài thơ mới dịch, hoặc mở máy quay đĩa, nghe một vài bản nhạc cổ điển.
Nhưng tất cả những cái đó không xa lạ với Hà Nội chiến đấu. Trong cách giải thích của nhà thơ, tác giả tập Bếp lửa mới in ra bấy giờ, toàn bộ truyền thống văn hoá nói chung, truyền thống lịch sử của Hà Nội nói riêng, nghĩ cho kỹ, đều dẫn tới một kết luận duy nhất, chúng ta phải đánh Mỹ.
Đánh Mỹ là lương tâm, hy vọng!
Đánh Mỹ là “tận cùng hạnh phúc”!
Không phải ngẫu nhiên mà bài thơ viết về Hà Nội hay nhất của Bằng Việt có nhan đề Trở lại trái tim mình. Nó quy tụ nhiều suy aghĩ của thế hệ thanh niên có tri thức của Thủ đô lúc ấy, mà cái suy nghĩ thường trực nhất là sứ mệnh lịch sử của Hà Nội, tầm vóc của Hà Nội trong cuộc chiến đấu chung.
Tuy không có những chữ huyền thoại, thần thoại như thơ Bùi Minh Quốc hồi nào, nhưng âm hưởng chính mà thơ Bằng Việt toát ra, vẫn là âm hưởng hoà hợp, cá nhân và tập thể hoà hợp, hôm nay và hôm qua hoà hợp, nghĩa là thực chất vẫn là rất gần với sự thành kính thiêng liêng của huyền thoại. Có những chi tiết phác ra hình ảnh một thành phố trong chiến tranh, những chuyến hàng sang sông, cầu phao cót két, những hầm trú ẩn cá nhân… Nhưng cái phần để lại ấn tượng sâu sắc nhất, qua sự miêu tả của tác giả là một Hà Nội có truyền thống văn hoá lâu đời, lại từng trải, khiến người ta vừa cảm thấy vừa yêu, vừa phục.
Bằng Việt đã làm khá nhiều bài thơ về Hà Nội. Trong thơ anh, Hà Nội là gặp gỡ của bạn bè, của tình yêu. Là nơi xuất phát để đi xa. Là nơi sống với mọi vui buồn của đất nước. Lại là nơi sẽ quay về sau đất nước đã thống nhất, và theo cách nhấn mạnh của nhà thơ, bấy giờ, Hà Nội vẫn trọn vẹn vẻ đẹp cũ, như người con gái trải qua bao nhiêu thử thách của chiến tranh bên vẻ dịu dàng, có thêm cái rắn rỏi và sâu lắng hơn trong cách nghĩ, nên càng thêm đẹp. Không phải chỉ riêng nhà thơ tác giả Trở lại trái tim mình, Lương tâm mà có thể nói và rất nhiều người trong chúng ta, trong những năm chiến tranh, đã nghĩ như vậy.
Như trên vừa kể, khi cuộc chiến đấu chống Mỹ vừa bắt đầu thì Bằng Việt học xong đại học ở nước ngoài về, và từ đó, những nét tiểu sử riêng của nhà thơ hầu như hoà nhập với những lo toan bận bịu chung của người cán bộ thành phố. 1965-1966, bắt đầu sơ tán, người lên Sơn Tây, người qua Sông Hồng, về Bắc Ninh, Hải Dương. Cầu gẫy, rồi cầu được khôi phục. Những ngày về qua Hà Nội, nấu cho nhau bát canh mì sợi, mua ít gạo, kiếm ít sách vở rồi lại ra đi. Những năm bảy mươi, một đợt sơ tán ngắn nữa, một đợt đánh B52, và những ngày đi chiến trường, vào Đông Hà, Quảng Trị, vào xa nữa, B2, B1, sau đó là chiến thắng, là gặp mặt ở Sài Gòn.
Mười năm ấy, Bằng Việt luôn luôn đứng ở góc độ Hà Nội để viết. Có những băn khoăn, xao động, nhưng rồi những yên tâm hợp lý lại đến, cái yên tâm rất cần thiết cho đời sống bình thường. Và cả cái tâm tình kỳ lạ này - say mê, ngơ ngác với chính mình.
Hà Nội ơi! Không biết bao lần
Tôi đi vắng rất lâu, trở về gặp lại
Hà Nội vẫn làm tôi ngơ ngác mãi
Giữa nhịp phố quá dịu dàng, mái phố quá yên tâm
Đó cũng là - theo nhà thơ - một cách chiến đấu của Hà Nội, một cách góp phần vào cuộc chiến đấu chung của cả nước.
SỐ TRUY CẬP online