Hoài Anh- Nguyễn đức MậuLê Lựu - Triệu Bôn

Năm 1967, trong một dịp nào đó, tôi có may mắn được quen Hoài Anh và thú vị được biết cái địa điểm anh ở. Đó là một căn gác xép trên tầng nóc rạp Chuông vàng Hà Nội. Bạn bè không mấy khi lên trên đó. Có việc cần, chúng tôi chỉ từ dưới đường Tạ Hiền réo lên, và thấy Hoài Anh - nếu anh có nhà - hiện ra qua khung cửa sổ nhoẻn cười, xuống đường rủ chúng tôi đi chơi. Không ít người chúng tôi lúc ấy đã có xe đạp. Nhưng Hoài Anh thì không hoặc không muốn có cũng được. Đi đâu, anh chỉ cuốc bộ và không hề phải băn khoăn gì về cách đi lại của mình. “đi như thế mình lại nghĩ được nhiều việc cần làm” - Hoài Anh giải thích.
Nghĩ đến Hoài Anh, chúng tôi hay nhớ đến bài thơ Nhớ ngày thủ đô kháng chiến, trong đó có mấy câu
Một người bạn tôi gặp trong đêm ấy
Ra phố mua một bao thuốc lá
Chín năm sau anh mới trở về nhà
Phải chăng đây cũng là một mẫu người viết Hà Nội kỳ lạ, độc đáo? Anh viết kịch bản cho các vở cải lương, đâu viết rất nhiều tuy không ký tên. Sau 1975 anh vào Sài Gòn làm Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh giữ mục Phê bình văn học nghệ thuật, và tỏ rõ tài đa-dê-năng của mình. Nhưng chỗ chúng tôi nhớ Hoài Anh nhất, vẫn là thơ.
Hoài Anh thuộc vào loại sống nhiều, sống kỹ với Hà Nội từ 1955 đến 1975. Giá kể, lúc nào đó, anh có điều kiện viết về đời sống nơi đây như anh biết, chắc có nhiều cái hay. Sự trưởng thành của Hoài Anh không giống một ai. Anh tiếp thu được cái phần Hà Nội mà nhiều người không biết và không quan tâm, nhưng chính vì thế, bạn bè hay nghĩ tới anh.
Qua Hoài Anh, ta thấy thêm một sự thật: ở Thủ đô thường có những người viết rất độc đáo, và thành phố này có thể chấp nhận được những kiểu người viết khác nhau, miễn họ thực sự là người cầm bút.
Dẫu sao, từ năm 1954 trở đi, kiểu người viết như Hoài Anh hơi ít. Phổ biến hơn là kiểu học sinh Hà Nội thích viết văn, đi xa để viết, thích viết về những miền xa ấy, hơn là viết về Hà Nội. Đó là những Bùi Minh Quốc, chúng ta đã nói ở trên, hoặc Nguyễn Thị Ngọc Tú, Dương Thị Xuân Quý sẽ nói dưới đây.
Một người như Bùi Bình Thi chẳng hạn. Bản thân cũng là học sinh Chu Văn An, nhưng Bùi Bình Thi cũng rất hay đi xa, từ Tây Nguyên tới Bắc Lào, các binh trạm Trường Sơn, những nơi ấy anh đã đi về nhiều lần, để rồi viết ra Ký sự Xiêng Khoảng, Đường về Cánh đồng Chum v.v… Có lẽ “thời chiến” đã tạo nên một kiểu lập nghiệp như thế!
Trong khi ấy, làm nên một phần cái nôi nổi của đời sống văn học ở Hà Nội lại là những anh bộ đội ở các tỉnh xa về, những Lê Lựu, Triệu Bôn, Nguyễn Đức Mậu, Nguyễn Duy, Vương Trọng v.v… và v.v…
Trong thái độ đối với phố phường Hà Nội, Nguyễn Đức Mậu có phần giống như người đồng hương trước đây của anh là Nguyễn Bình Nghĩa là, dù có lẽ là một chút, giữa những anh em sáng tác, thì Mậu vẫn không coi đây là nhà của mình. Tâm hồn anh để cả ở nơi khác, những mảnh đất chiến trường mà anh quen thuộc Tuy vậy, Nguyễn Đức Mậu không làm dáng, không đóng kịch, không chê bai cách sống Hà Nội. Anh lặng lẽ đón nhận không khí văn học nơi đây, học lấy những bài học có ích, để rèn giữ cho sáng tác của mình có thêm bản sắc. Lúc cần, anh cũng làm thơ về một bức Ghéc-ni-ca của Pi-cát-xô. Nhưng chỉ có thế.
Trong một bài thơ gần đây, viết nhân dịp 30 năm giải phóng Thủ đô, bài Hà Nội chiều nay, Nguyễn Đức Mậu vẫn giữ một thái độ bình thản như vậy. Không vồ vập, mà cũng không lảng tránh. Vẫn nhớ quê hương và cảm thấy tâm tình của mình để cả ở một miền quê Nam Định. ở Hà Nội, Mậu thèm từ một tiếng gà gáy quen thuộc trở đi, nhưng cũng vẫn sung sướng thấy rằng mình ở đây, trưởng thành lên, chỉ ở đây, sáng tác của mình mới đi hết được khả năng của nó, và mình mới có một cuộc đời như mình mong muốn.
Giữa Lê Lựu và Triệu Bôn có nhiều nét giống nhau. Các anh cùng bắt đầu viết từ trước 1964 ít lâu vào thực sự trở thành những cây bút văn xuôi từ những năm chống Mỹ. Các anh cũng đã lăn lộn nhiều ở các mặt trận, các đơn vị xã và chỉ thỉnh thoảng mới ghé về Hà Nội. Mà mỗi khi về, cũng chỉ quan hệ cầm chừng, không bị cuốn hút vào đấy.
Lê Lựu hồi ấy chưa có gia đình ở Hà Nội, nên ăn mặc rất gảin dị, thậm chí đôi khi có vẻ tố cái chất “nhà quê” của mình lên tí chút, cố làm ra vẻ thô lỗ. Xuềnh xoàng. Luôn luôn anh muốn lưu ý người gặp anh “Tôi là người lính”.
Triệu Bôn cũng vậy. ở giữa Hà Nội, anh vẫn giữ một nếp sống như đang ở giữa rừng. Chỗ ăn chỗ ở thật sạch sẽ. Bao nhiêu tâm lực, để cả vào việc viết.
Thậm chí ngay đối với đời sống văn nghệ Hà Nội. Triệu Bôn cũng có phần dè dặt, không hăng hái xông vào cuộc như những người khác để tranh cãi luận bàn. Tuy anh không nói rõ, nhưng thường trở đi trở lại với một ý nghĩ âm thầm mình sẽ viết không phải để cho bạn đọc ở đây, mà để dành cho người lính ở các đơn vị đọc (ít ra là qua thái độ của anh, chúng tôi cảm thấy như vậy!)
Nếu ở Lê Lựu, đôi khi còn thấy có những run rẩy, muốn xem xem đời sống văn nghệ Hà Nội ra sao, thì Triệu Bôn rất dứt khoát trong cách nghĩ của mình, và quả thật, văn anh viết trước sau thuần nhất đi theo cái hướng anh đã chọn.
ấy vậy mà cả Lê Lựu và Triệu Bôn đó, mấy năm nay, đã có những thay đổi trong cách nhìn, cách quan hệ.
Từ chiến trường về, Lê Lựu lập gia đình ngay giữa Hà Nội. Có những lúc trông anh vẫn là người lính xưa. Nhưng có những lúc từ cách ăn mặc, đi đứng của anh đã khác, anh chấp nhận cuộc sống nơi đây một cách chân thành hơn, cởi mở hơn.
Trong cuốn tiểu thuyết mới của Lê Lựu, cuốn Thời xa vắng, nhân vật trung tâm là một thanh niên những năm chống Mỹ, và mối quan hệ giữa người thanh niên này với Hà Nội là một mảng truyện rất đậm, ở đó có những sắc thái ngọt ngào, nhưng có cả vị cay đắng.
Còn Triệu Bôn, gần đây nhất, anh chuyển về công tác ở Hội Văn nghệ Hà Nội và đang cùng với một số anh em trong Hội lo làm tờ Người Hà Nội.
Riêng việc Triệu Bôn tự nguyện chọn Hà Nội làm “chiến trường hôm nay” của anh, nơi anh làm việc và thực tế để anh viết… đã chứng tỏ rằng, trong nhận thức của lớp nhà văn như Triệu Bôn, vai trò của Hà Nội đang được “phục hưng” không những nó không có gì đáng để cho các nhà văn ngại ngần mà ở đó, có tất cả các vấn đề của đời sống đất nước, các nhà văn cần viết, nên viết. Từ chuyện sản xuất đến chuyện sinh hoạt gia đình, từ những cuộc đấu tranh tư tưởng tinh vi mà không kém phần quyết liệt đến những mẫu người mới đang hình thành… bấy nhiêu khía cạnh làm nên đời sống hàng ngày của mỗi người dân Thủ đô, thực tế cũng là điều bạn đọc đông đảo trong cả nước mong chờ văn học quan tâm và giải đáp.
+
+ +
Trong phần cuối của chương này, chúng tôi dành để nói về sự gắn bó với Hà Nội của mấy cây bút phụ nữ tương đối trẻ.
SỐ TRUY CẬP online