Lưu Quang Vũ

Cũng gắn bó thân thiết với Đỗ Chu ở Hà Nội trong những năm 1965-1970, có nhiều bạn bè khác, trong đó, nổi lên là Phạm Tiến Duật và Lưu Quang Vũ.
Trong những năm chống Mỹ, Phạm Tiến Duật như một cái dấu nổi giữa mặt trận và Hà Nội. Từ khi đi bộ đội, gần như Phạm Tiến Duật rất “có duyên” với bom đạn, cứ ở đâu đánh mạnh, anh ở đó…
Năm 1965, anh ở Thanh Hoá. 1967-1968, về Hà Nội, chia lửa với Hà Nội. Từ giữa 1968, đi dần vào trong Vinh, Nam Đàn, Hà Tĩnh, Quảng Bình, rồi thấu suốt cả tuyến đường 559, nghĩa là sát với B2, B1 v.v… Nhưng dù đi xa tận đâu, gần như năm nào anh cũng có dịp ghé về “đất thánh” ít ngày. Đang ngồi với nhau ở một toà soạn nào đó, thình lình chúng tôi bắt gặp Duật vào. Chả bao giờ anh có balô, quà tặng gì cả, anh đi xe đạp tới, hẳn hoi, và đã đổi cách ăn mặc, y như lâu nay Duật vẫn ở Hà Nội. Anh ngồi ở nhà một bạn nào đó, vừa tham gia vào mọi mặt sinh hoạt, vừa viết. Rồi đến một hôm nào đó, lại nghe nói anh sắp phải đi, và bạn bè lại ùn đến đưa tiễn, như trước đó, đã đổ đến, để nghe anh kể chuyện về mặt trận.
Còn Lưu Quang Vũ thì vốn là một học sinh, học ở Hà Nội suốt từ cấp một đến cấp ba. Gốc gác gia đình ở Đà Nẵng. Nhưng bố Vũ, ông Lưu Quang Thuận đã ra Hà Nội từ trước 1945 và trước khi toàn quốc kháng chiến, 1946 ông Thuận đã từng chủ trì tạp chí Sân khấu và nhà xuất bản Hoa Lư. Mẹ Vũ là người Hà Nội gốc.
Tôi nhớ có lần được Vũ dẫn vào nhà bà ngoại chơi, ở phố Nguyễn Siêu. Đó là một ngôi nhà cổ, mái lợp ngói lá đề, ngoài có cửa bức bàn. Qua phòng ngoài chúng tôi vào sâu hơn, thấy một khoảng hẹp, sáng nhờ nhờ, nhìn lên, hoá ra có những mảng kính mờ, để cho nhà đỡ tối. Loại nhà này còn đặc biệt ở chỗ mái quay vào trong, và khoảng sân hẹp có những ống máng dẫn nước mưa xuống, đổ vào bể. Đấy là những căn nhà đã có tuổi thọ khá cao, theo gia đình kể, trước nhà lúc đầu còn là dòng sông Tô Lịch, sông này lại ăn ra sông Hồng. Vậy là nhà phải làm trước 1889 (Theo tài liệu của Nguyễn Vinh Phúc trong Đường phố Hà Nội H. 1979) và thuộc vào loại những căn nhà gạch đầu tiên được xây ở khu vực này.
Về nhiều mặt, Lưu Quang Vũ đúng là một thanh niên Hà Nội. Anh làm thơ từ nhỏ, lại còn học vẽ, từng cắp giá vẽ, theo hoạ sĩ Nguyễn Đức Nùng đi khắp nơi. Anh sống giữa nhứng người làm văn học nghệ thuật một cách thoải mái, như trong gia đình.
Cách ăn mặc, nói năng, đi lại của Vũ là cách của người trong phố, không thể lầm với người ở một ngoại ô nào, mà càng không phải là người thị xã. Tuy nhiên trong thơ của Lưu Quang Vũ cảm xúc về thiên nhiên còn rất mạnh. Tập thơ đầu tay của anh in chung với Bằng Việt có tên là tạp Hương cây, trong đó có rất nhiều bài nhắc đến “mùi hồng, mùi bưởi, mùi na”.
Đây cũng là một nét tiêu biểu cho nhiều thanh niên Hà Nội bắt đầu viết từ những năm chống Mỹ.
Gần đây hơn, trong những truyện ngắn in trong các tập Người kép đóng hổ, Mùa hè đang đến, người ta lại thấy Vũ nói với những khía cạnh sinh hoạt bình thường của người dân Thủ đô sau chiến tranh. ở truyện này, mấy người bạn già đấu đầu trò chuyện sự đời, con cái. Truyện kia, những cặp thanh niên yêu nhau, giận hờn gia đình về ở lại với nhau, rồi chán ngán chia tay. ở một truyện khác nữa, câu chuyện về một đứa trẻ bị bỏ rơi, được cứu sống lại
Sau những năm chiến tranh vất vả, thành phố hiện có bao bao nhiêu vấn đề đặt ra trong đời sống hàng ngày, không có vấn đề nào là riêng tư, bởi thành phố được làm nên từ những con người rất cụ thể. Lưu Quang Vũ đón nhận lấy để viết, viết từ những người hàng xóm mình, từ những người cùng cơ quan với mình, từ gia đình mình và từ chính mình… Viết như thế, cho nên Lưu Quang Vũ được chào đón nồng nhiệt, cả trong kịch, trong truyện.
Với cách làm việc hôm nay, Lưu Quang Vũ đạt tới trình độ tay nghề của các nhà văn chuyên nghiệp trước đây nghĩa là viết đều, viết khoẻ, bằng một cách viết dung dị mà ai cũng có thể hiểu được.
Khu vực nổi hơn cả của nhà văn Hà Nội này gần đây là sáng tác kịch. Trong dịp kỷ niệm ba mươi năm giải phóng Thủ đô vừa qua, vở Hẹn ngày trở lại đã được trình diễn rộng rãi, Lưu Quang Vũ thường nói với tôi:
Đã có lúc tôi thử tính chuyện chuyển vào Đà Nẵng hoặc thành phố Hồ Chí Minh, nhưng rồi thấy không đi đâu mình làm ăn viết lách tốt bằng ở Hà Nội.
SỐ TRUY CẬP online