Nguyễn Thị Ngọc Tú

Có một dạo, thấy Ngọc Tú viết một ít truyện ngắn về vùng mỏ, và người ta dễ dàng gặp chị trong một buổi họp mặt các cây bút viết về công nghiệp. Một thời gian sau, với các tiểu thuyết Đất làng, Buổi sáng… Ngọc Tú lại thường được xếp vào diện các cây bút chuyên về nông thôn. Thế thì tác giả người ở đâu? Số báo Văn Nghệ đặc biệt “Các nhà văn Việt Nam” 1983 đã ghi rõ chị quê quán Hà Nội. Nghĩ cũng thấy có lý, chẳng phải đó cũng là một nét tính cách người Hà Nội, tức khả năng thích ứng với mọi hoàn cảnh, để trưởng thành và xứng đáng hơn với Hà Nội.
Ngọc Tú kể với tôi đầy đủ hơn: Chị sinh ra và lớn lên ở ngõ chợ Khâm Thiên. Gia đình rất nghèo. Nhớ lại những kỷ niệm hồi nhỏ, chỉ riêng chuyện Tết đã thấy thấm thía. Mẹ chuyên đi gói bánh chưng thuê. Trở về, dáng mệt mỏi, hai bàn tay nhăn nhúm vì lạnh, người chỉ toàn mùi lá dong, vậy mà cả nhà chỉ được có dăm cái bánh là công người ta thí cho.
- Thế thì làm sao chị lại nảy ra ý nghĩ trở thành người viết văn?
- Nhà nghèo, nhưng tôi vẫn cố gắng theo học, cho đến lớp đệ tam (cũ) ở trường Tây Sơn. Vả chăng chính ông bố tôi trước kia cũng có làm báo. Cụ viết cho Trung bắc tân văn và một số báo khác. ở nhà, cụ dạy con cái rất cẩn thận.
- Vậy chị có ý định viết văn, ngay từ trước khi chuyển đi công tác ở các tỉnh xa?
- Đúng thế. Năm 1958, mới 16 tuổi, tôi đã viết một số truyện, nhưng không biết gửi đi đâu. Bèn đến gõ của Nhà xuất bản Sự thật và nói thác đi. “Đây là chị cháu viết, sai cháu mang đến” Độ một tháng sau, mới dám đến hỏi, và cũng nói thác đi tương tự. “Chị cháu đi công tác vắng, chị cháu bảo đến xem các bác có nhắn gì không” Dĩ nhiên, Nhà xuất bản gói ghém trả lại đầy đủ.
Ngọc Tú kể tiếp: Khi thấy chị lớn lên, mơ ước của mẹ chỉ là kiếm cho con gái một cửa hàng nào đó buôn bán, như các cụ ở Hà Nội xưa vẫn mong như vậy. Đối với Ngọc Tú, chị lại thấy đó là chuyện đâu đâu, không dính dáng gì đến mình.
Bởi vậy để tránh những phiền phức của sự thúc ép gia đình, sau khi học xong trường trung cấp sư phạm Ngọc Tú xin chuyển về một vùng nông thôn ở Hà Sơn Bình. Cuộc sống ban đầu thật vất vả. Lương không có là bao, cô giáo phải học thêm nghề đan thúng lấy tiền mua dầu để tối có ngọn đèn làm việc. Bên cạnh công việc ở trường, là việc tích luỹ tài liệu. Một số gọi là ghi chép sau này còn được dùng trong các tiểu thuyết Đất làng, Buổi sáng. Còn trước mắt, Ngọc Tú kể một phần chuyện mình trong Huệ, cuốn truyện xinh xắn in năm 1964.
Sau Huệ, Ngọc Tú về học ở trường viết văn khoá một. Nhưng đấy chỉ là đợt “tạm trú” vì ở trường ra, Ngọc Tú còn về Hội Phụ nữ Hải Phòng, báo Vùng mỏ mãi từ 1967, mới trở về hẳn “quê cũ”.
- Nhưng chị viết còn ít về Hà Nội?
- Cũng có đấy chứ. Câu chuyện dưới tán lá rợp, Ngõ cây bàng liên quan đến những kỷ niệm hồi thơ ấu. Hạt mùa sau là câu chuyện về những cuộc đấu tranh tư tưởng ở một cơ sở khoa học vùng ngoại thành. Tới đây tôi còn viết về một bệnh viện, với khuôn mặt đa dạng của những người làm nghề y tế ở thủ đô.
Nét đặc biệt trong lao động của một người viết như Ngọc Tú, là viết rất chăm, có thể nói là rất “lì”, đã định viết là kiên nhẫn ngồi đến cùng, viết bằng được mới thôi, và không ngại viết dài. Ai đó thường nói người Hà Nội phải tài hoa. Nhưng Nguyễn Thị Ngọc Tú phần tài hoa ấy chỉ là cái ngọn, cái gốc của nghề văn phải là chăm chỉ, kỹ càng, nếu bảo là lao động nặng cũng được.
Một lần nào đó, bàn về tiểu thuyết, nhà văn đã phát biểu. “Viết tiểu thuyết cũng giống như là nấu cỗ. Một người đầu bếp đã có tài ba đến mấy cũng đành bó tay nếu trong bếp chỉ có rau và ớt. Mà phải có thật nhiều thứ. Không phải chỉ có những thứ chính như thịt, cá, gà vịt, mà thậm chí cả đến củ tỏi và rau húng cũng không thể thiếu.
Qua sự ví von chúng ta cảm thấy người viết ở đây rõ ràng là một người kỹ tính và có những yêu cầu cao về mặt nghề nghiệp. Nhưng đấy lại chính là một phương diện làm nên chất Hà Nội ở ngòi bút Nguyễn Thị Ngọc Tú.
SỐ TRUY CẬP online