Dương Thị Xuân Quý.

Nhà chị trước ở 195 Hàng Bông. Gia đình vốn thuộc loại nền nếp, ông bố là Dương Tự Quán, từng làm báo, Xuân Quý lớn lên đi học phổ thông, học trung cấp mỏ, rồi chuyển sang một lớp báo chí, và về công tác ở báo Phụ Nữ. Cũng tập viết văn từ đó.
Hà Nội có đóng góp gì trong việc hình thành cuộc đời viết văn ngắn ngủi nhưng vẻ vang của Xuân Quý?
Ngày nay tác giả không thể trả lời câu hỏi đó nữa, nhưng tất cả bạn bè đều nói: Chính không khí Hà Nội những năm 1954-64 đã khơi gợi ở Xuân Quý những ước mơ trở thành nhà văn. Đối với lứa học sinh như Xuân Quý, nhà văn bấy giờ là những con người rất thiêng liêng. Những con người có khả năng cải tạo xã hội. Những người có khả năng mang cuộc đời thật vào trang sách làm cho nó đẹp lên, óng ánh lên không biết bao nhiêu lần….
Mọi người đều nhớ Xuân Quý rất mê Goor-ki. Trên bàn Xuân Quý có để tranh, tượng nhà văn Nga vĩ đại này, và trên giá sách có gần đủ các sách dịch của ông. Xuân Quý không tuyên bố, nhưng hầu như ai cũng hiểu, Xuân Quý muốn trở thành một thứ Goor-ki ở Việt Nam.
Phan Thị Thanh Nhàn còn ghi trong sổ tay lời bạn mình tâm sự:
Tao chán cái lối văn chương hoa lá cành của các ông, các bà bây giờ lắm rồi. Tao sẽ viết như cuộc đời thực này chúng ta đang sống. Như Goor-ki đã viết.
Hà Nội trở thành một thứ môi trường rất tốt, giúp cho Xuân Quý thực hiện ươc mơ của mình.
Theo sự phân công của báo, Xuân Quý có dịp đi nhiều địa phương trên miền Bắc lúc đó. Đi về, bao giờ cũng trốn vào một chỗ ngồi viết.
Viết rồi lại đi.
Và đợt đi quan trọng nhất, đối với cuộc đời Xuân Quý, là đợt từ giã Thủ đô, lên đường vào Khu Năm (1968)
- Văn xuôi không có đời sống thì không thể viết được… Mày bảo nước mình bây giờ làm gì có ai sống yên ổn?
Trên nhưng trang nhật ký của Xuân Quý lúc vào chiến trường, có hai nỗi nhớ tha thiết, nhớ con và nhớ Hà Nội. Con cái là cuộc đời riêng. Là tình cảm gia đình. Còn Hà Nội là công việc, là ước mơ trở thành nhà văn viết hay, cống hiến nhiều cho nhân dân, đất nước.
SỐ TRUY CẬP online